Nỗi đau đổi thay

Tác giả: Trung Hiếu –  Blog Vị Đời – trunghieujournalist@gmail.com

Văn Thanh nheo nheo mắt. Ngày hôm nay nắng quá!

Chạy xe liên tục suốt 2 tiếng đồng hồ, anh cảm thấy mệt hơn ngày thường. Cổ tay phải vít nhả ga sao mà mỏi nhừ!

Dẫu vậy, tất cả cũng chỉ là mệt chút thôi! Vì sau khi ngồi nghỉ dưới tán cây trên vỉa hè với toàn những đồng nghiệp chạy xe ôm công nghệ, và làm hớp nước trà thanh nhiệt, thì Văn Thanh sẽ lại sức rất nhanh.

“Thanh niên mà!”, anh vừa nghĩ, vừa bật cười nhẹ. Thực ra, đấy là một nụ cười chua chát. “Thanh niên 30 tuổi” phải chạy xe ôm để sống qua ngày, khi anh từng có trong tay tấm bằng đại học loại giỏi, từng có vị trí công việc được nể trọng trong xã hội…

Đúng là cuộc đời!

“Làm điếu không anh?”, thằng sinh viên mới nhập hội xởi lởi, chìa bao Thăng Long mềm ra trước mặt Văn Thanh.

Giờ thì mọi người đều cười.

“Mày mới vào, không biết rồi! Anh Thanh chỉ uống nước trà đóng chai thôi! Sau mà muốn mời anh, thì cất bớt một bao thuốc đi, mua chai trà thanh nhiệt mời anh ấy”, anh em trong nhóm “chỉ dẫn”.

Còn thằng sinh viên thì mặt ngơ ngác. Nó chả biết các anh nói thật hay trêu nó nữa. Trần đời này, lại có người uống trà thay thuốc lá cơ à?

Nhìn vào cái túi vải treo lủng lẳng ở móc xe Wave của Văn Thanh, thằng sinh viên thấy 5 chai trà còn nguyên ở đó. Đấy là không tính những chai mà ông anh này đã uống từ trước rồi. Thế có khi mọi người… nói thật. Người đâu kỳ vậy???

*****

Văn Thanh tốt nghiệp ngành Báo chí với tấm bằng loại Giỏi.

Hơn ai hết, anh hiểu bản thân đã phải nỗ lực thế nào để có tấm bằng đó. Nhà Văn Thanh thuần nông, rất nghèo. Ngày anh nhập trường, bố mẹ chẳng biết nói gì, cứ dặn đi dặn lại mỗi câu: “Nhà mình nghèo, cố mà học thật giỏi, ra trường chủ động lo công ăn việc làm chứ không có tiền chạy chọt đâu, con ạ!”.

Bởi thế, trong suy nghĩ của một cậu trai lần đầu ra khỏi lũy tre làng, thì Văn Thanh phải học thật giỏi. Đó là tất cả mục tiêu mà một đứa “nhà quê” như anh hướng tới trong suốt 4 năm học. Học đến say sưa, học đến mê mải, học tới độ chẳng biết tình yêu sinh viên nó tròn hay méo, ngọt hay đắng ra làm sao…

Cũng may, cái ngành mà Văn Thanh thi vào là ngành mà anh có năng khiếu, đam mê, nên người ngoài nhìn vào thì cứ ngỡ anh khổ ải lắm, nhưng Thanh thấy rất bình thường, thậm chí thú vị là đằng khác!

Ra trường, Văn Thanh rải hồ sơ ứng tuyển ở bất kỳ tòa soạn nào có thông báo tìm phóng viên. Đến khi nhận được 3 lời gọi đi làm từ 3 tờ báo khác nhau, vì kết quả thi tuyển ấn tượng, Văn Thanh quyết định rất nhanh mà không cần phải cân nhắc nhiều.

Cứ chỗ nào có vẻ ổn định thì anh đầu quân! Đơn giản thế thôi, cái tư duy người “nhà quê” bấy lâu nay chẳng vậy thì thế nào nữa?

Trời chẳng phụ lòng người, Văn Thanh đi làm như thể cá được gặp nước!

Trẻ trung, có năng lực, xông xáo, nhiệt huyết, cậu phóng viên trẻ nhanh chóng được tòa soạn gắn mác “phóng viên hiện trường”, thường xuyên có những tin bài bám sát các sự việc được dư luận quan tâm. Chẳng những thế, Văn Thanh còn gây ấn tượng bằng các góc nhìn độc đáo, khác biệt, để cho ra những bài vừa sâu, vừa đầy đặn sau mỗi vụ việc nóng…

Tóm lại, mọi thứ suôn sẻ như trong mơ đối với chàng thanh niên khi ấy. Dẫu vậy, Văn Thanh chưa bao giờ nghĩ mình gặp may. Đơn giản, đó là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi mà thôi!

Trong suốt 2 năm làm nghề kể từ lúc ra trường, điều mà anh phóng viên trẻ ấn tượng nhất là sự tôn trọng mà xã hội dành cho mình. Có những người nhiều tuổi gấp đôi, gấp ba anh, khi gặp để phản ánh vấn đề bức xúc, họ cứ nắm chặt tay Văn Thanh mà nói, “anh nhà báo ơi, giúp tôi với”, ánh mắt họ vừa nể trọng, lại vừa tin tưởng.

Cái đấy mới thực là điều đáng quý!

*****

“Uống đi! Chả lẽ mày trẻ, khỏe thế, mà lại kém cánh già bọn tao à? Uống!!!”, lời ông anh làm cùng tòa soạn hô như khẩu lệnh, trong bữa tiệc liên hoan mừng ngày “giỗ ngành” – ý là ngày 21-6, nhưng hay bị cánh làm báo nghịch ngợm nói chệch như vậy.

Khỏi phải nói, ngày của những người cầm bút mà, cả năm mới có một ngày vinh danh như thế, vui đừng hỏi!

Văn Thanh nhiệt huyết, xông xáo ở hiện trường bao nhiêu, thì trên bàn tiệc, anh thể hiện bấy nhiêu! Nó như một thứ “men say chiến thắng” vậy. Chẳng có lẽ, “phóng viên hiện trường” mà lại không đáp lễ tình cảm anh em đồng nghiệp, khi họ cầm ly sang tận nơi, đòi uống riêng với mình à?

Cùng với rượu là thuốc lá, ông nào ông nấy đốt nghi ngút. Bàn tiệc vì thế mà trông mờ ảo hẳn! Khói nồi lẩu, khói thuốc lá thi nhau bốc lên. Làm báo mà, ăn ngủ chẳng giống ai, đêm khuya ngồi làm việc là chuyện thường, nên có mấy ông làm báo mà không đốt thuốc như uống nước?

Vui quá!

Bao nhiêu người cầm ly ra chỗ bàn Văn Thanh. Mặt ai cũng đỏ gay, miệng thì cười hết cỡ.

“Ối chà! Ai đây? Ngôi sao của báo ta! Ly này phải là cạn riêng đấy nhá!”.

“Rót! Rót đầy đi! Rót chạm miệng ly luôn! Nào, ông với tôi, trăm phần trăm. Ông cứ làm việc kiểu này, các sếp mang ra làm gương, là anh em tụi tôi khổ đấy! Nay coi như ly vừa mừng, vừa phạt!”.

“Ly này cho phép em uống riêng với anh Thanh. Ly sau là em mời cả bàn!”.

Cứ thế. Cứ thế…

*****

Tiệc tàn.

Văn Thanh thấy người lâng lâng, bông bổng. Cái kiểu rất lạ, rõ là chân mình, tay mình, thế mà có những khoảnh khắc nó lại cứ nhẹ bẫng đi ấy, bồng bềnh. Anh phải vịn vào bàn, ghế để đi ra ngoài.

“Phóng viên hiện trường” ngồi phệt xuống chiếc ghế của người bảo vệ ở cổng nhà hàng, đưa chai nước khoáng lên tu một mạch. Uống vào cho “loãng” rượu ra! Nay vui, uống ghê quá!

“Thanh! Lên xe đi!”, Trưởng Ban Thời sự dừng chiếc xe hơi SUV, hạ kính, gọi với giọng khàn, khê nồng của người uống quá độ. Lúc trước, khi đi ăn liên hoan, Văn Thanh được anh chở vì tiện đường.

Chưa kịp ngồi ấm chỗ, Văn Thanh thấy sếp bảo: “Thế nào? Nay vui đúng không? Ông có say không đấy?”.

“Không, mới thế thì đã nhằm nhò gì, anh!”, Văn Thanh đáp với chút sĩ diện đặc trưng của người trẻ tuổi.

“Khiếp thật! Đúng là tuổi trẻ, tài cao có khác! Tao say mẹ nó rồi! Hoa hết mắt, run hết chân tay. Định ra móc họng cho nôn mà mãi không nôn được, khó chịu quá!”.

“Anh… anh lái được xe không đấy?”, Văn Thanh hỏi lại, giọng cũng khê nồng không kém.

“Sợ là đếch được! Tao bắt đầu hoa mắt rồi. Thôi, mày khỏe, mày lên cầm lái đi, tao nằm phát!”.

Văn Thanh hơi bối rối. “Nhưng mà em đã có bằng lái đâu? Em mới học lái một thời gian thôi…”.

“Ôi giời, xe số tự động, mày lái thế nào chả được. Lên đi! Không tao ngủ mẹ nó ở vô-lăng mất!”.

Vậy là hai người đổi chỗ cho nhau. Với sự tự tin cao độ, thêm chút hào hứng và lại còn lâng lâng vì hơi men, Văn Thanh nhấn chân ga. Chiếc xe lao vun vút.

Cảnh vật, con người trên đường cứ loang loáng trước mắt anh. Công nhận đi xe hơi sướng thật! Thêm hơi men, Văn Thanh thấy tự tin, tự tin lắm. Tay vần vô-lăng, chân đạp ga, thi thoảng chuyển phanh, cứ thế, cứ thế!

Bỗng…

Một chiếc xe máy của cặp đôi nam – nữ ở đâu hiện ra trước mũi xe ô tô. Quá đột ngột! Chiếc xe máy như kiểu mọc từ dưới đất chui lên ấy!

Văn Thanh đang mát ga, nên anh thấy như không thể làm bất kỳ phản xạ gì trong hoàn cảnh đấy! Anh chỉ thoáng nghĩ đến cái chân phanh, trong khi tay vội đánh lái xe để tránh. Nhưng Văn Thanh không kịp đạp phanh, còn pha bẻ lái vội vã khiến chiếc ô tô va mạnh vào dải phân cách đường, rồi chồm ngược lại, “ngoạm” trọn cặp đôi xấu số đi xe máy… Tất cả diễn ra chỉ sau một cái chớp mắt!

Hai người ngồi trên chiếc xe máy đó là đồng nghiệp của nhau. Người nam ở tuổi trung niên, chở giúp người phụ nữ về. Họ đã không qua khỏi!

*****

Nỗi sợ hãi, khiếp đảm giúp Văn Thanh tỉnh táo lại, thoát hoàn toàn khỏi cái chếnh choáng của hơi men.

Ngồi trong đồn công an, anh sợ run lên, tay chân lẩy bẩy còn răng thì cứ tự va vào nhau lập cập, lập cập một cách vô thức. Không bằng lái này, uống rượu say này, “giết” chết hai người này…

Vậy là mọi thứ đang đẹp như mơ của Văn Thanh bị đặt một dấu chấm hết lạnh lùng, gọn lỏn. Sự nghiệp ư? Các mối quan hệ ư? Còn gì nữa đâu, chỉ có một án tù giam cùng khoản tiền phạt to đùng đang chờ anh ở trước mặt mà thôi!

Có trong cơn ác mộng khủng khiếp nhất, Văn Thanh cũng không thể tưởng tượng ra bản thân mình – một “phóng viên hiện trường” năng nổ, là “ngôi sao” của tòa soạn – mà lại phải bận bộ đồ xộc xệch, ngồi trong căn phòng tạm giam chật chội, và chờ ngày ra trước vành móng ngựa.

Ôi! Bao nhiêu mục tiêu, nỗ lực, cố gắng… tan tành hết! Văn Thanh đã “giết” hai người!!! Anh “giết” luôn sự nghiệp xán lạn của bản thân. Giờ anh sống, mà đầu óc như đã chết!

Đau đớn quá! Tủi nhục quá! Vô vọng và mất phương hướng quá!

Tất cả chỉ xoay chiều trong một cái chớp mắt…

*****

Ngày ra tòa, Văn Thanh sọm hẳn đi. Râu ria lởm chởm, còn đôi mắt thì vô hồn như một kẻ tâm thần.

Mất rồi, mất tất cả rồi, còn gì nữa đâu cơ chứ?

Nhưng Văn Thanh tưởng thế đã là đau nhất, thì anh nhầm!

Lúc bước đến mép cửa tòa, bị cảnh sát xốc hai bên nách, còn tay đeo còng, Văn Thanh kinh hãi nhìn quang cảnh. Hai bên gia đình của những người xấu số đeo khăn tang, mang di ảnh tới chờ sẵn.

Vừa thấy bóng Văn Thanh, họ chồm lên, lao tới, với ánh mặt đỏ ngầu, vằn vệt đỏ căm thù. Cảnh sát phải rất vất vả để cản họ xông đến chỗ Văn Thanh. Họ muốn xé xác “kẻ trời đánh thánh vật”, “súc sinh”, “khốn nạn” đó!

“Thằng chó má! Quân súc vật! Trả em tao đây!”.

“Vì mày mà hai gia đình mất cha, mất mẹ. Đồ tởm lợm! Thằng giết người!”.

Văn Thanh run cầm cập, hơi thở bị ép chặt trong lồng ngực như muốn nổ tung phổi ra. Anh bật khóc, quỳ xuống, giơ cả hai tay vái lạy các gia đình nhà người xấu số. Vừa lạy, Văn Thanh vừa nói trong nước mắt: “Cháu sai rồi! Cháu sai hoàn toàn rồi! Xin hãy giết cháu đi!”.

Phải mất một lúc, trật tự tại phiên tòa mới được lập lại. Rất nhiều nước mắt, lời chửi bới, sự oán hận…

Văn Thanh đứng ở vành móng ngựa mà như một cái xác không hồn. Những lời của vị thẩm phán khiến anh càng mất hồn hơn.

“Bị cáo là một trí thức, được ăn học đầy đủ, lại làm công việc được xã hội nể trọng. Vậy mà bị cáo dễ dàng đánh mất bản thân, vô tư thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật về điều khiển phương tiện, gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng…”.

“Tòa tuyên án: Bị cáo nhận mức án tù 7 năm, bị phạt số tiền…”.

Bảy năm tù cho nhà báo trẻ, 24 tuổi.

Bảy năm tù giam, là quãng thời gian đau đớn với tất cả. Nhất là với một trí thức từng ôm những hoài bão, đặt ra các mục tiêu lớn lao cho sự nghiệp của bản thân…

*****

Những ngày đầu nhập trại giam, Văn Thanh gần như không ngủ. Nằm co gọn người trong cái “khoanh” của mỗi tù nhân, anh mở mắt trừng trừng xuyên đêm.

Tâm hồn của chàng trai trẻ bị khắc những vết sâu hoăm hoắm, đau đớn chẳng có lời giải. Văn Thanh tổn thương cực độ, khiến anh như biến thành một kẻ mất trí.

Đau xót, tiếc nuối, ân hận, dằn vặt… Dường như mọi cung bậc cảm xúc đau đớn nhất trong đời một con người đổ dồn vào Văn Thanh. Ánh mắt căm thù của gia đình nạn nhân găm vào tim anh những vết thương không thể lành. Từ một người được xã hội tôn trọng, làm những điều có ích cho xã hội, Văn Thanh trở thành một “thằng khốn nạn”, không hơn không kém. Mà kém làm sao được nữa chứ? Còn thứ gì khốn nạn hơn Thanh lúc này?

Cứ nghĩ thế, anh triền miên mất ngủ, khiến đôi mắt thêm vô hồn, trũng sâu và… bạc nhược.

*****

“Chúng mày làm gì nó đấy? Bỏ ra!!!”, tiếng chú Bắc quát đanh thép.

Giờ đi tắm, Văn Thanh bị mấy tù nhân khác kéo vào, bắt chơi trò “thông lỗ” (kiểu quan hệ tình dục đồng giới nam qua đường hậu môn). Kiểu người trí thức như Văn Thanh, lại mảnh khảnh – hệ quả của việc kém ăn kém ngủ trong suốt thời gian dài – khiến anh thành “con mồi” hấp dẫn trong mắt những gã bạn tù bệnh hoạn.

Nhưng chúng chưa kịp hành hạ Văn Thanh, thì chú Bắc đã ngăn lại được. Đố đứa nào dám “bật” đại ca Bắc đấy!

“Còn để tao thấy một lần nữa, thì tao bẻ răng, bẻ cả cu từng thằng chúng mày ra đấy!”, chú Bắc chưa thôi hằm hè.

Văn Thanh bám chặt tay chú – vị ân nhân kỳ lạ trong chốn lao tù này, để tỏ lòng biết ơn.

Chú Bắc là cựu công an, bị dính án tù vì một “sai sót nghiệp vụ nghiêm trọng”. Chú chỉ kể thế. Nhưng nhìn vào ánh mắt chú Bắc, Văn Thanh tin chú là người tử tế.

May thay, từ ngày gặp và được chú Bắc giúp đỡ, Văn Thanh tìm lại được chút le lói hy vọng trong chuỗi ngày tẻ nhạt và bất hạnh ở đằng sau song sắt. Bản thân chú cũng quý Thanh. Đó là sự tôn trọng mà những người có tâm hồn tử tế dành cho nhau, khi họ phải sống giữa một lũ rặt người không ra người, ngợm chẳng ra ngợm.

“Có một triết lý rất hay trong câu thoại của bộ phim Mỹ mà chú đặc biệt ấn tượng. Mày biết là gì không?”, chú Bắc trầm ngâm, sau khi nghe về bi kịch cuộc đời của Văn Thanh.

“Đó là có 2 loại nỗi đau trên cuộc đời này. Một là nỗi đau tổn thương, và hai là nỗi đau thay đổi. Nếu cứ giữ mãi nỗi đau tổn thương đó, thì con người ta vĩnh viễn chịu đau đớn, thậm chí hèn nhát. Nó giống mỏ neo tàu, neo nỗi đau vào tim và neo luôn người tổn thương xuống đáy. Mày đã trải qua nỗi đau đó rồi. Giờ là lúc mày chuyển sang ‘nỗi đau thay đổi’. Đau để thay đổi! Biến mỏ neo đó thành động cơ mà tiến lên!”.

Văn Thanh rùng hết cả mình! Lần đầu tiên trong đời, anh được nghe những lời ngấm tận tâm can đến vậy. Những lời ấy như một thứ thuốc thần kỳ, chấm vào những vết xước, vết rạch sâu hoắm trong tim Văn Thanh.

Phải, phải rồi! Nỗi đau thay đổi. Chỉ có thay đổi thì mới tốt hơn, cứ giữ mãi sự tổn thương đến bao giờ???

*****

Từ ngày nói chuyện với chú Bắc, Văn Thanh sống tích cực hơn hẳn!

Anh chịu khó ăn hết suất cơm khó nuốt của trại giam. Anh chăm chỉ tới thư viện để đọc các đầu sách có tại đây. Anh cũng tranh thủ thời gian tập luyện, chơi thể thao mà trại giam cho phép.

Thời gian đáng quý nhất trong ngày với Văn Thanh giờ là lúc được gặp và nói chuyện với chú Bắc. Những kinh nghiệm sống của chú như một cuốn sách hiện thực đầy màu sắc, mang tới cho Văn Thanh một cảm hứng và ý nghĩa sống đáng kể.

Chú Bắc còn dạy võ cho Văn Thanh. “Là thằng đàn ông, phải có cả Trí và Dũng. Thiếu một trong hai thứ thì khó làm được việc gì lớn”. Chú bảo thế. Giờ Văn Thanh làm được việc gì lớn nữa kia chứ? Dù sao, anh vẫn nghe theo lời chú, bởi việc đổi thay từ một kẻ tiêu phí thời gian sang tình trạng đáng sống hơn lúc này, chẳng phải là rất lớn rồi hay sao?

Mà võ của chú Bắc thì hay lắm! Nó không phải kiểu múa may đẹp mắt như trong các bộ phim Hong Kong, Trung Quốc đâu!

Võ đối kháng thật sự thì rất thực dụng. Từng món đồ vật ở hiện trường đều có thể biến thành vũ khí, từ cái bàn chải, cây bút cho tới lọ hoa, tấm khăn trải bàn… Tất cả!

“Đó là võ mà lính đặc nhiệm sử dụng đấy!”, chú Bắc nheo nheo mắt chia sẻ.

Từ ngày kết thân, quý mến Văn Thanh, chú Bắc dành nhiều thời gian dạy dỗ, giúp đỡ anh. Cái thằng tử tế mà bị tổn thương nặng nề quá!

*****

“Này, cầm lấy, uống thử xem! Thứ nước trùng tên với ông đấy!”, chú Bắc hóm hỉnh nói, khoe túi quà mà gia đình vừa gửi vào. Tay chú cầm một chai nước trà thanh nhiệt ghi dòng chữ “Dr. Thanh”.

Trước đây, Văn Thanh chưa từng để tâm tới những thứ nước đóng chai này. Anh sống khá đơn giản, nước lọc hoặc bia, rượu với bạn bè thôi.

Làm hớp đầu tiên, Văn Thanh thấy lạ lùng thật sự! Một thứ vị gì đó man mát, lành lành, thơm thơm. Quen lắm! Mùi gì nhỉ?

Đúng rồi! Mùi… quê! Thứ mùi vị đặc trưng nước lá mát của mẹ ở quê. Tự dưng, Văn Thành bồi hồi, ngẩn người ra.

“Cháu… cháu nhớ nhà, chú ạ!”, anh nói với chú Bắc, giọng rưng rưng.

Chú Bắc không đáp, chỉ im lặng nhìn chằm chặp vào túi quà của gia đình. Vào chốn lao tù này, có ai không nhớ nhà đến cồn cào, đến nôn nao cơ chứ?

Câu chuyện của hai chú cháu đột nhiên bị ngắt quãng, khi một cán bộ trại giam cất tiếng gọi: “Anh Thanh! Lên đi!”.

Tay cầm chặt chai nước vừa được cho, Văn Thanh chạy vội lên tầng. Từ ngày được nghe về “nỗi đau thay đổi”, anh sống tích cực hơn, và được Trại giam chọn làm thầy giáo dạy học, xóa mù chữ cho các phạm nhân khác.

Cán bộ gọi Thanh lên chuẩn bị cho buổi học. Đó là những khoảng thời gian ý nghĩa khó tin trong trại giam với Văn Thanh. Cũng nhờ thế, anh được các phạm nhân tôn trọng hơn hẳn.

Và bởi vậy, thời gian trôi nhanh hơn…

*****

Sau những nỗ lực, cố gắng và cải tạo đầy tích cực, Văn Thanh được giảm án!

Anh chỉ phải ngồi tù 5 năm, được giảm 2 năm so với án ban đầu.

Ngày ra tù, anh đứng trước mặt chú Bắc, quỳ xuống, vái lạy.

“Chú… chú cho con gọi chú là thầy! Cuộc đời con đã chịu đựng nỗi đau quá khủng khiếp! Nhờ chú… nhờ thầy… con đã…”, Văn Thanh bật khóc.

Chú Bắc cũng khóc. “Nhớ lấy, cuộc đời sẽ còn khiến con phải đau nhiều lần nữa. Nhưng đừng giữ nỗi đau tổn thương mãi. Hãy chọn nỗi đau đổi thay!”.

*****

Ra tù, Văn Thanh không về quê, mà chọn thuê một căn phòng nhỏ tí teo ở thành phố rộng lớn. Anh muốn tìm kế mưu sinh. “Làm lại từ đầu” thì có vẻ to tát quá, nhưng ít ra là được sống theo ý mình.

Quan trọng nhất, là Thanh thấy đôi chút dễ thở, thoải mái. Ở đây, không ai biết quá khứ của anh. Còn về quê, có lẽ chỉ riêng việc trả lời hàng xóm láng giềng thì cũng hết ngày này qua tháng khác, khéo anh trầm cảm mất thôi!

Nhưng lựa chọn của Văn Thanh khiến anh chật vật. Không tiền bạc, chẳng mối quan hệ, anh không biết có công việc gì phù hợp với một kẻ mới tái hòa nhập cộng đồng từ phía sau song sắt…

Lúc đó, dịch vụ xe ôm công nghệ nở rộ. Chẳng cần gì nhiều, chỉ một chiếc xe máy, biết đường, biết lái xe, là khắc làm được việc, kiếm ra tiền. Dẫu là công việc “tay chân”, nhưng với Văn Thanh, đây là lựa chọn khả dĩ hơn tất cả.

Thế là anh cắn răng vay lãi, mua lại chiếc xe máy Wave cũ với giá gần 10 triệu đồng. Chuỗi ngày đánh bóng mặt đường bắt đầu từ đây, với Văn Thanh – người đàn ông “không trẻ, mà cũng chẳng già”.

Lúc ra tù, anh 29 tuổi.

*****

Hôm nay là một ngày nắng gắt.

Sáng đến giờ, Văn Thanh đã tu hết 3 chai trà thanh nhiệt rồi. Từ lúc ra tù đến nay, cái thứ nước lành lành, dìu dịu vị quê hương ấy trở thành bạn đồng hành của anh. Nó giúp xoa dịu những gồ ghề, va vấp mà cuộc sống mới mang lại…

“Tít… tít…”. Điện thoại nổ cuốc. Địa chỉ ngay gần đây! Văn Thanh nhanh chóng bấm nhận. Có lẽ hiếm lái xe nào chăm chỉ và nhẫn nại như anh. Đó là sự khác biệt của một người từng trải – qua những nỗi đau và bài học quý báu mà cuộc đời dành cho Thanh.

Đến điểm hẹn, Văn Thanh gọi cho khách. Một phụ nữ có giọng trẻ trung, vồn vã nghe máy.

“Anh chờ tí nhá! Em xuống ngay đây!”, chị ấy nói quả quyết qua điện thoại.

“Vâng, tôi chờ!”, Văn Thanh đáp điềm đạm.

Mười ba phút sau, người phụ nữ mới xuống. Chị ta kéo theo một thằng bé khoảng 6 tuổi, vừa kéo vừa mắng nó.

“Nhanh lên, tại mày mà tao muộn làm ca bây giờ đấy! Mày có nhanh chân lên không thì bảo??? Hay mày thích ở nhà một mình, khỏi đi học nữa?”.

Kệ cho mẹ hối thúc với cái giọng lanh lảnh, thằng bé tỏ ra chả có gì là quan trọng cả. Kéo nó thì nó đi theo, gần đến xe thì nó lại lững thững, lừng khừng. Xong rồi nó thản nhiên ngẩng lên, nói với mẹ nó: “Thôi chết! Con quên cuốn bài tập Toán! Phải lên nhà lấy, không thì cô sẽ phạt”.

Người mẹ trợn mắt lên, tức run cả người. Có lẽ cái sự chịu đựng của chị ta đã đến mức giới hạn. “Mày quá đáng nó vừa vừa thôi! Mày hành tao cả sáng chưa đủ à? Nào, nhanh lên! Muộn học, rồi thành thất học đấy! Mày có muốn cuộc sống an nhàn không, hay là đi làm xe ôm như chú ấy hả???”.

Tiếng quát của người phụ nữ ấy cứ lanh lảnh, lanh lảnh.

Văn Thanh tròn xoe mắt. “Hay là đi làm xe ôm như chú ấy hả???”. Chị ta mắng con, và tiện lấy luôn Văn Thanh làm ví dụ cho cái sự thất học…

Một cảm giác cay đắng từ đâu ùa đến, ôm trùm lấy Văn Thanh. Nó biến thành một cục nghẹn, chặn cứng ở cổ họng, khiến anh vừa khó thở, vừa khó nuốt.

Phải, anh từng là một trí thức,được ăn học tử tế, có công việc đàng hoàng. Và giờ, anh đang phải làm thứ việc tay chân vốn bị xã hội mặc định là dành cho cánh “ít học”. Kể cả khi có không ít sinh viên, người đi làm tranh thủ chạy thêm, tham gia vào cái nghề xe ôm công nghệ này, thì rõ ràng, nó là công việc phổ thông và cơ bản còn gì???

Chỉ cần biết đường, biết lái xe là đủ. Ngữ ấy, bọn học sinh cấp 3, thậm chí cấp 2, cũng làm được… Đau, đau quá!

Cục nghẹn trên khiến Văn Thanh chợt nhớ đến một cục nghẹn khác, mới xuất hiện chỉ mấy hôm trước mà thôi. Đó là khi cửa hàng đồ ăn nhanh ở góc phố nọ mới khai trương.

Để lấy lòng, họ dành nguyên 2 ngày khuyến mãi, tặng đồ ăn và thức uống miễn phí cho cánh tài xế xe ôm công nghệ. Cốt để các anh ủng hộ, ship hàng của họ với nụ cười lúc nào cũng nở trên môi, thậm chí giới thiệu cửa hàng cho các khách khác, thế là vui!

Nghe lời mấy thằng em trong nhóm, khi ấy, Văn Thanh cũng đến, lấy suất đùi gà rán và cơm gà. Họ tặng mà! Đông nghịt anh em lái xe công nghệ đến. Cười nói, vui vẻ, rôm rả cứ như trẩy hội!

Rồi bỗng… con bé nhân viên cửa hàng chắp tay chống nạnh, trừng mắt lên với một người đàn ông. Nó cáu. “Ông này hay thật! Ông có phải lái xe ôm công nghệ đâu mà vào lấy đồ tặng??? Ông làm văn phòng ở tòa nhà chéo bên kia cơ mà? Đây là chương trình của quán dành cho lái xe, người ta vất vả, dân lao động. Ông đã ngồi phòng ốc đàng hoàng, công việc ổn định rồi, mà còn định tranh suất với người làm việc chân tay à???”.

Người đàn ông xấu hổ, cúi đầu, cung cúc chuồn ra ngoài. Xung quanh, cánh lái xe ôm đang xé thịt gà, gắp xôi gà, tất cả cười toe toét. Ai cũng mỉa mai, chê bai cái gã đàn ông tham lam vô lối kia.

Văn Thanh thì khác!

Anh cảm thấy một sự tủi nhục trào lên trong tâm hồn. Cô bé nhân viên nói không sai. Cô ấy cũng không có ý xúc phạm anh và các đồng nghiệp, đương nhiên rồi. Nhưng lời nói trong lúc tức giận đó vô tình khơi lên sự tủi nhục trong Văn Thanh. “Dân lao động”, “người làm việc chân tay”… Đau, đau quá! Thanh từng là cử nhân báo chí loại ưu, là “phóng viên hiện trường”, ngôi sao của tòa soạn cơ mà???

Chỉ vài ngày, hai cú uất nghẹn liền, khiến Văn Thanh hụt hẫng lắm lắm. Anh quờ vội tay vào chiếc túi treo ở móc, cầm chai trà thanh nhiệt lên, tu một mạch.

Bình thường, khi người ta giải lao, hoặc suy nghĩ căng thẳng, hoặc buồn bã, thì họ sẽ rút điếu thuốc ra để làm dịu tâm trí. Còn với Văn Thanh, thì “điếu thuốc” đó chính là chai trà thanh nhiệt – thứ nước đồng hành với anh từ sáng tới đêm.

Anh nghiêng chai trà, dốc mạnh. Cốt để cái vị thanh thanh, dìu dịu, man mát ấy tràn khắp khoang miệng, ngấm vào lưỡi, vào cổ họng. Thứ nước kỳ diệu giúp làm dịu những đắng cay, uất nghẹn trong tâm trí Thanh.

*****

Văn Thanh đã nghĩ đến bước ngoặt thay đổi.

Sau một thời gian làm việc tích cực, anh đã trả hết tiền nợ mua xe. Mỗi ngày, trừ đi mọi chi phí sinh hoạt, tiền xăng, thì Văn Thanh để ra được 200 nghìn đồng. Anh sống rất tiết kiệm, và cũng tích cóp được chút ít.

Nhưng ngần ấy là chưa đủ, để Văn Thanh chuyển sang công việc mới. Giờ, anh đã ở tuổi 31, cái tuổi không “loăng quăng” nghề nghiệp được nữa. Sau 30 tuổi, nếu không đạt tới trình độ khá trong công việc, thì sẽ rất làng nhàng – cả trong thu nhập, địa vị xã hội và cơ hội phát triển sự nghiệp.

Mà Văn Thanh thì “khá” kiểu gì nữa? Nói “Khá” trong cái nghề xe ôm thì đương nhiên là không cần bàn rồi. “Khá”, là khá ở cái nghề tri thức, có trình độ kia chứ. Giờ, Văn Thanh khao khát được cầm bút trở lại, được về đúng với thứ nghề đam mê và sở trường của anh.

Nhưng… với một người có tiền án như Thanh, làm sao có thể làm báo được nữa chứ??? Làm gì có cơ hội thăng tiến với một kẻ từng mắc lỗi nghiêm trọng đến vậy?

Nghĩ thế, Thanh lại vật vã trong cái suy nghĩ khổ sở, dày vò. Tương lai của mình sẽ ra sao đây? Chẳng lẽ buông xuôi, cô quạnh và sống qua ngày mãi với cái nghề chân tay này sao? Rồi Văn Thanh lại mở chai trà thanh nhiệt, lại tu một mạch…

Có một nỗi đau mới đang hình thành trong tâm hồn anh. Nỗi đau của sự day dứt, phải làm công việc không đúng với năng lực, hoài bão, ý chí của bản thân. Đó thực là một nỗi đau tổn thương âm ỉ, dai dẳng mà chẳng có lối thoát…

*****

Gần hết ngày, ứng dụng hiện ra đơn mới: Đặt 5 cốc trà sữa. Giao ngay!

Văn Thanh bấm nhận đơn hàng, gọi xác nhận. “OK!”. Trời dần về khuya, lạnh hơn, đường vắng hơn hẳn.

Anh đỗ xe trước cửa hàng, vào báo đơn, rồi ngồi chờ nhân viên làm đồ. Lúc chờ đợi, Văn Thanh ngắm nhìn cảnh vật, con người xung quanh. Trong quán khi ấy toàn những cặp đôi trẻ, thậm chí có những cặp “choai choai”, ngồi với nhau. Chúng nũng nịu, bón trân châu cho nhau, chụm đầu vào nhau mút chung một ống, rồi thì lườm nhau, thơm vào má nhau, âu yếm…

Vui thật! Cái sự quan sát và cảm nhận ấy, Văn Thanh vẫn giữ nguyên từ hồi anh còn làm phóng viên.

“Của anh xong rồi ạ!”, cô bé nhân viên trẻ trung và xinh xắn đặt 2 chiếc túi nilon đựng trà sữa lên mặt quầy, gọi Văn Thanh. Anh trả tiền, cười nhẹ một cái để chào, rồi nhanh chóng đi ra xe.

Đến đúng địa chỉ đặt hàng, gọi điện, nhưng không ai nghe máy của Văn Thanh. Kỳ lạ thật??? Lúc trước, khi mới nhận đơn, anh đã gọi xác nhận, và một cô gái nghe máy, nói chắc nịch. Vậy mà…

Văn Thanh gọi mấy cuộc, đều không có người nghe. Anh gõ cửa địa chỉ đặt nhận hàng, mọi người ở đó bảo không có ai tên như vậy, cũng chẳng ai đặt trà sữa hết.

Cáu thật! Vậy là Văn Thanh đã bị “bom” hàng!

Mà lại là “bom” cuối ngày, lại càng dễ giận. Năm cốc trà sữa, 250 nghìn đồng, bằng tiền lãi chạy xe cả ngày. Tại sao trần đời lại có những kẻ độc ác, táng tận lương tâm, đặt hàng rồi “bom” thản nhiên đến vậy được cơ chứ???

Văn Thanh thừ người ra! Mệt mỏi, uất nghẹn. Thoáng chốc, anh thấy bản thân bất lực, với 2 chiếc túi trĩu trà sữa. Giờ phải làm sao? Tự mình uống chỗ này ư? Không, Văn Thanh có uống thứ nước gì khác, ngoài trà thanh nhiệt Dr. Thanh đâu?

Chả lẽ đổ đi, thì khác gì đổ “máu” mình, công sức cả ngày làm việc của mình?

Rồi Văn Thanh vòng lại cửa hàng, với một hy vọng mơ hồ rằng, có thể khách ở đó vẫn có nhu cầu gọi đồ, và họ sẽ xem xét mà lấy lại trà sữa cho anh.

“Em xin lỗi, chúng em không có chính sách hỗ trợ nhận lại hàng. Cửa hàng cũng sắp đóng rồi, nên không thể bán hộ anh được! Anh thông cảm nhé!”, cô bé nhân viên trẻ trung, xinh xắn lúc trước nói với giọng chia sẻ.

Văn Thanh gật gầu đầu tiếp nhận thông tin, thở dài một cái rồi quay lưng, không nói gì. Thì nói được gì nữa? Những va vấp cuộc đời đã dạy anh biết chấp nhận. Anh đã cố gắng giải quyết rồi. Còn nếu cuộc đời bảo anh rằng, “không có kết quả gì đâu”, thì phải chấp nhận thôi.

Bỗng…

“Anh gì ơi! Em bảo!”, cô bé nhân viên gọi giật giọng lại. “Cửa hàng không có chính sách hỗ trợ. Nhưng em… em nghĩ mình có thể giúp được anh. Cũng hết ca rồi, em sẽ nói với các anh chị em làm cùng ở đây để mỗi người mua giúp anh một cốc, chứ muộn thế này, lại bị bom hàng, thì tội lắm!”.

Văn Thanh ngạc nhiên quá đỗi! Có lẽ phản ứng chấp nhận đầy phong trần của anh – mà không cằn nhằn, bực bội, cáu bẳn như những lái xe ôm khác rơi vào hoàn cảnh tương tự – đã khiến cô bé nhân viên ấn tượng?

Rồi chẳng kịp nói lời chối từ – vì Văn Thanh cũng rất ngại. Người ta giúp mình, thì hóa họ lại mất tiền à? – thì anh thấy cô bé bán hàng trao đổi rất nhanh với đồng nghiệp, rồi cầm tiền đi ra, giao 250 nghìn đồng cho anh, để lấy lại 2 chiếc túi có 5 cốc trà sữa.

“Bọn em bán trà sữa, nhưng không phải lúc nào cũng được uống đâu anh. Coi như hôm nay là bọn em có may mắn được thưởng thức!”, cô bé nói với giọng hài hước, cốt để Văn Thanh đỡ ngại. Dễ thương thật!

“Em tên là gì?”, tự nhiên, Văn Thanh hỏi một câu chả ăn nhập gì trong hoàn cảnh này.

Giờ tới lượt cô bé tròn mắt ngạc nhiên. Nhưng cô vẫn đáp với sự hào hứng: “Em là Mỹ Trang!”.

“Anh là Văn Thanh! Cảm ơn em rất nhiều!”. Anh chìa tay ra.

Vậy là hôm nay, Văn Thanh quá lãi! Anh được “cứu” một pha bom hàng uất hận lúc cuối ngày, và anh lại còn được cầm tay một cô gái mới quen. Cô ấy là Mỹ Trang.

*****

Chuỗi ngày khô khan của Văn Thanh thay đổi ngoài sự tưởng tượng của anh. Tựa như một mảnh đất khô cằn, nứt nẻ, bất ngờ được tưới cơn mưa đẫm nước vậy!

Văn Thanh thấy yêu đời hơn. Nhất là khi ngày nào, anh cũng kiếm lý do để ghé quán trà sữa đó. Tất nhiên, Văn Thanh đến không phải để uống trà sữa. Anh vào mua… trà thanh nhiệt, với cái giá đắt gấp mấy lần bên ngoài. Đó là giá quy định trong cửa hàng mà!

Quan trọng là… Văn Thanh được gặp Mỹ Trang. Chỉ cần nhìn nụ cười tươi rói ấy, với cái miệng xinh xinh, môi hơi cong cong quyến rũ, chiếc mũi thẳng tắp và đôi mắt to tròn, thì giá chai nước trà thanh nhiệt có được niêm yết bằng cả ngày công đi làm, chắc Văn Thanh cũng chẳng tiếc!

Một điều khác cũng quan trọng không kém, là dường như Mỹ Trang cũng có cảm tình với Văn Thanh. Cảm tình quá đi chứ lại, một anh chàng có vẻ phong trần, nụ cười rất duyên và nét mặt có gì đó rất cuốn hút.

Mỹ Trang không giải thích được, chỉ đơn giản đó là cảm nhận thôi, cảm nhận về một anh chàng có phong thái rất chững chạc, vững vàng, khác hẳn kiểu ra oai cái vẻ anh hùng rơm, sĩ diện hão không giống ai của mấy thanh niên hay ghé quán. Lũ ấy chả biết làm gì để thể hiện bản lĩnh đàn ông, ngoài việc rít tóp má cái thứ thuốc lá điện tử, rồi hỏi nhau số lô với đề, “con này con kia”. Rất tệ!

“Ủa, anh Thanh chạy xe kiêm luôn nghề bán trà thanh nhiệt à?”, Mỹ Trang ngạc nhiên, khi cô “phát hiện” ra anh chàng ngày nào cũng tới mua 2 chai trà lại đang treo lủng lẳng chiếc túi có 5 chai khác.

Văn Thanh thoáng bối rối. Rồi anh cười xòa: “Không, buôn bán gì đâu. Anh để uống cả đấy!”.

“Mình anh uống á? Thật không???”, Mỹ Trang đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

“Thật chứ sao không? Với anh, thứ nước này không chỉ để giải khát. Nó thay cả thuốc lá, cả bia rượu, để anh uống liên tục cả ngày. Nó giúp anh đỡ nhớ nhà, bình tâm hơn. Nó…”, tự dưng Văn Thanh ngập ngừng.

Mỹ Trang vẫn hướng đôi mắt tròn xoe về phía anh, chờ đợi Văn Thanh nói nốt câu.

“Nó như một người thân, một bạn tâm giao trên chặng đường kiếm sống vậy!”.

“Nhưng tại sao ngày nào anh cũng đến mua thêm 2 chai, khi đã chuẩn bị sẵn nhiều trà thanh nhiệt như vậy rồi?”, Mỹ Trang vẫn chưa hết thắc mắc.

“À, là vì… là vì… nhờ chai nước mua thêm ấy, anh được gặp một người truyền cảm hứng cho mình. Không mua, thì sẽ rất nhớ…”, Văn Thanh đánh liều. Tự anh không hiểu tại sao mà bản thân dám “liều lĩnh” đến vậy. Nói thế, rõ là… tỏ tình còn gì nữa!

Bỗng… đôi má Mỹ Trang ửng hồng. Ai lại nói thế bao giờ cơ chứ? Cơ mà… lời anh nói thú vị thật!

“Em… em uống cùng anh chai nước để xem có ngon không nhé? Xong rồi hôm nay, hết giờ, anh mời em đi chơi, đồng ý không?”, Văn Thanh tự tin hơn, khi thấy sự bối rối xen lẫn đồng tình của cô gái trẻ.

Từ hôm ấy, Mỹ Trang và Văn Thanh thành một đôi…

*****

Tình yêu giống như cơn mưa rào đổ xuống mảnh đất khô cằn, để người ta sống hào hứng hơn, có ích hơn. Ai đó ví von như vậy quả là chuẩn, chuẩn thật!

Từ ngày yêu Mỹ Trang, mọi người đều thấy Văn Thanh trẻ trung và tươi tỉnh hẳn ra, bớt nhiều khoảnh khắc trầm tư như thuở nào.

Mỹ Trang đã tốt nghiệp đại học. Giờ cô chuẩn bị thủ tục để đăng ký học tiếp thạc sĩ. Dù vậy, nhà Mỹ Trang không giàu có gì, chỉ ở mặt bằng chung như mọi gia đình có cả cha và mẹ làm công chức Nhà nước. Bởi thế, trong lúc chờ đợi đi học thạc sĩ, cô tranh thủ đi làm thêm với công việc part-time ở cửa hàng trà sữa.

Cũng nhờ vậy, Mỹ Trang khá rảnh rang thời gian để chăm chút cho tình yêu đầu đời với Văn Thanh.

Giờ cuộc sống của Thanh là hằng ngày chạy xe, rồi tranh thủ giờ trưa thì đón Mỹ Trang đi ăn, tâm sự về mọi câu chuyện mà anh gặp trên cuộc đời này. Cái khiếu kể chuyện của một nhà báo càng khiến cô bé mê mẩn Văn Thanh. Người đâu mà nói chuyện duyên thế không biết!

Họ cứ tận dụng từng khoảng thời gian để ở bên nhau, trao gửi cái hạnh phúc rất đỗi chân thành, giản dị và có phần ngây thơ, không toan tính ấy. Phải rồi, với cả Văn Thanh và Mỹ Trang, họ yêu nhau bởi sự rung động tự nhiên của trái tim, thì có gì toan tính ở đây cơ chứ? Yêu, đơn giản là thấy nhớ nhau đến cồn cào khi xa cách, và thấy hạnh phúc vô bờ khi ở cạnh nhau. Thế thôi!

Hết ngày, xong công việc, Mỹ Trang lại trở thành “hành khách độc quyền” của Văn Thanh, để anh chở cô đi khắp nơi, hít bầu không khí phố phường – thứ quyến rũ với bất kỳ người trẻ nào.

“Ối chà! Từ ngày có bạn gái, anh Thanh tươi tỉnh hơn đã đành, mà cũng hay về muộn hơn đấy nha!”, Phương Nghi – cô con gái chủ nhà trọ nơi Văn Thanh thuê – nói với giọng bông đùa nhè nhẹ.

Phương Nghi đang là sinh viên năm cuối ngành thiết kế. Cô hay thức khuya làm việc, với những dự án nhận ở ngoài để làm thêm. Bởi thế, lâu nay, Phương Nghi thay bố mẹ, trở thành người đóng mở cửa của xóm trọ này.

Thấy lời chào vui vẻ của cô con gái chủ nhà trọ, Văn Thanh chỉ cười hiền lành. “Uhm, vì anh mà em phải vất vả rồi. Em thông cảm nhé!”.

“Ôi, có gì đâu anh! Anh không về muộn thì em vẫn thức đến 1, 2 giờ sáng để làm việc cơ mà!”.

“Anh cảm ơn em!”.

Quả là những ngày đáng sống! Dẫu cho… Văn Thanh vẫn làm cái nghề tay chân, vẫn chưa dứt được nỗi đau tổn thương thầm kín từ thuở nào.

*****

Hôm nay là một ngày như mọi ngày.

Văn Thanh đã chạy xong buổi sáng, tới gần trưa thì tạt vào quán trà sữa nơi Mỹ Trang làm, để chờ cô chốt ca thì cả hai cùng đi ăn, ngắm nghía phố xá.

Mỹ Trang còn đang lúi húi mang đồ lên các tầng trên.

Văn Thanh chọn chỗ ngồi ở góc quán để đợi. Anh ngồi cạnh một người phụ nữ trung niên. Chà, thú vị thật, giờ cả người có tuổi cũng tới đây uống trà sữa ư? Anh định mở lời hỏi han bà, nhưng thấy vẻ mặt kém thân thiện, có phần lạnh lùng của bà, anh lại ngập ngừng.

“Anh! Ơ, mẹ!”, tiếng Mỹ Trang reo lên cùng lúc, khi cô từ trên tầng đi xuống.

Văn Thanh và người phụ nữ trung niên cùng quay ra nhìn nhau.

“Anh Thanh! Đây là mẹ em! Mẹ, đây là anh Thanh, bạn trai con”, Mỹ Trang vui vẻ mở lời kết nối.

“Cháu chào cô ạ!”, Văn Thanh lễ phép với vẻ mặt rạng rỡ và thân thiện.

“Ừ!”.

Sau lời đáp có phần gọn lỏn, mẹ Mỹ Trang quay ra hỏi con gái: “Hai đứa quen nhau lâu chưa, mà không nói cho mẹ biết?”.

Cả Mỹ Trang và Văn Thanh hơi khựng lại, lúng túng. Họ cảm thấy dường như bà không đón nhận thông tin với một thái độ tích cực cho lắm.

“Con… con định sẽ dẫn anh Thanh về gặp bố mẹ trong thời gian tới. Chúng con đã tìm hiểu nhau được một thời gian rồi”, Mỹ Trang nói thẽ thọt, vẫn chưa hết sự lúng túng.

“Ừ!”. Nói đoạn, bà lại quay sang Văn Thanh: “Cháu làm nghề gì?”.

Trả lời thế nào đây??? Câu hỏi ấy có cần thiết phải trả lời không, khi mà Văn Thanh vẫn đang mặc đồng phục của hãng xe ôm công nghệ?

Cục nghẹn – phải rồi, cục nghẹn “quen thuộc” mà Văn Thanh từng gặp vài lần trước đây – lại xuất hiện. Nó trồi lên, ấn ngang họng anh, khiến hơi thở thoát ra khó khăn. Khó cả thở và nói!

“Cháu làm xe ôm”.

“Ừ! Thôi, cô phải đi đây. Cô qua xem chỗ con bé làm thêm như thế nào, tiện mang cái thông báo về lịch học thạc sĩ cho nó”. Chả hiểu sao, lúc nói đến hai từ “thạc sĩ”, bà lại nói rất chậm và đằm, rất to và rõ. Như một kiểu nhấn mạnh vậy.

Nói xong, bà quay ra phía Mỹ Trang: “Nhà trường gửi, bên bưu điện mới chuyển sáng nay. Mẹ sợ cần phải điền thông tin bổ sung gì đó để gửi lại cho kịp, nên mang qua đây cho con. Con xem đi, xong hết ca thì về nhà, mẹ nhờ chút việc”.

Xong rồi, mẹ Mỹ Trang đi về.

Một khoảng trống lạ kỳ bao trùm toàn bộ không gian và tâm hồn Văn Thanh. Có lẽ nó bao trùm cả Mỹ Trang nữa.

“Nay mình không đi ăn nữa, anh nhé! Em về xem mẹ cần gì”.

“Để anh đưa em về”.

“Thôi, anh cứ kệ em”.

*****

Từ sau hôm gặp mẹ của Mỹ Trang, Văn Thanh thấy hoang mang vô cùng. Hoang mang tới độ anh còn không có thời gian để đau đớn với cái tổn thương nghề nghiệp của bản thân. Giờ, Văn Thanh chỉ muốn gặp Mỹ Trang, nhưng sao tự nhiên khó thế này???

Mỹ Trang đã xin nghỉ làm tại quán trà sữa, với lý do tập trung vào việc học sắp tới.

“Em… Có chuyện gì vậy Trang? Anh muốn gặp em để nói chuyện!”, Văn Thanh nhắn tin với sự quyết tâm cao độ.

“Em không sao. Em xin lỗi. Em chỉ đang tập trung vào việc học thôi…”.

“Mẹ em không thích anh, đúng không? Điều đó là trở lực lớn đến vậy sao? Đủ để em bóp nát tình yêu này sao? Em có thấy vô lý, vô tình quá không???”.

“Không… Em đã giải thích với mẹ rằng, anh từng là một nhà báo trẻ đầy nhiệt huyết và năng lực. Nhưng chỉ vì cú vấp mà anh phải ngồi tù. Em giải thích như thế. Xong mẹ em phản đối…”.

Phải, mẹ em phản đối! Thật là cay đắng và chua chát! Mà cũng phải thôi! Em đi học thạc sĩ, tương lai rộng mở. Việc em yêu một người đàn ông “đã từng” là trí thức, giờ đang làm nghề chạy xe ôm, và có một tiền án, thì rõ là không thể chấp nhận được rồi. Mẹ em bỏ qua điều đấy thì mới là chuyện lạ.

Trước đó, từ lúc yêu nhau, Văn Thanh đã hiểu rằng, Mỹ Trang rất nghe lời mẹ. Cô có một sự tin tưởng và thuần phục tuyệt đối với những gì cha mẹ đưa ra. Có lẽ đây là đặc điểm quen thuộc của những đứa con trong gia đình thuần “công chức Nhà nước”.

Văn Thanh chua chát quá! Chẳng trách được ai, có trách, thì tự trách bản thân mình đã không nỗ lực và cố gắng thôi. Dù cho Văn Thanh đã gồng mình lên để làm việc, để kiếm tiền, để nghĩ về khả năng thay đổi, thì tất cả vẫn là chưa đủ. Chưa đủ một chút nào!!!

Anh cứ tự dằn vặt bản thân mình như thế.

Rồi anh cầm những chai trà thanh nhiệt lên, tu ừng ực, ừng ực. Uống cho dịu đi nỗi đau tổn thương lúc này. Uống cho vơi những cay đắng, buồn tủi mà cuộc đời nhiệt tình ném tới tấp vào anh.

Khi mà nỗi đau tổn thương do “trí thức đi làm công việc tay chân” chưa lành, thì nỗi đau ấy lại loét rộng ra, vùi dập tình yêu chớm nở – thứ tình yêu như “cơn mưa rào” tưới vào mảnh đất tâm hồn đang khô cằn của Văn Thanh.

Dẫu vậy, dẫu cho những cơn đau, sự thất vọng cứ đeo bám Văn Thanh, thì anh vẫn trung thành với thứ trà thanh nhiệt ấy. Không bao giờ anh dùng bia, rượu hay kể cả là thuốc lá thôi, để giải sầu.

Âu đấy cũng là một chi tiết tích cực hiếm hoi lúc này trong bức tranh cuộc đời của Văn Thanh…

*****

“Pép! Pép! Pép pép pép!!!”.

Tiếng bóp còi xe hơi inh ỏi từ phía xa xa ở sau lưng.

Sau cơn đau tình, Văn Thanh vẫn phải duy trì công việc chạy xe ôm công nghệ, với một đôi mắt vô hồn, và một tâm hồn luôn trống rỗng. Càng đau đớn, thì càng phải làm việc, để quên nó đi. Văn Thanh nghĩ vậy. Đó là suy nghĩ của một người đàn ông từng trải.

“Pép! Pép! Pép pép pép!!!”. Tiếng bóp còi xe hơi inh ỏi gần hơn nữa. Nó đánh thức sự vô hồn, lơ đãng của Văn Thanh.

Liếc mắt nhanh vào gương chiếu hậu, anh thấy một chiếc xe ô tô bán tải đang hung hãn lao tới. Với kinh nghiệm của mình, Văn Thanh cảm nhận chiếc xe phóng rất nhanh, như thế muốn hất văng tất cả chướng ngại vật mà nó gặp trên đường. Có gì đó bất thường!

Lập tức, theo phản xạ, Văn Thanh bẻ mạnh tay lái sang bên phải, và rồ ga thật siết. Chiếc xe máy bị bẻ lái đột ngột, động cơ thúc tăng tốc bất ngờ, lao thốc lên vỉa hè. Dẫu hơi loạng choạng một chút, nhưng Văn Thanh nhanh chóng dùng chân để giữ thăng bằng.

Vừa lúc đó, chiếc ô tô bán tải phóng vút qua anh. Hãi hùng!

Nhưng…

Khi vượt qua được vị trí của Văn Thanh, chiếc bán tải đối mặt với chiếc xe máy của hai người phụ nữ đèo nhau trước mặt. Tay lái yếu, nên chiếc xe máy cứ giữ nguyên quỹ đạo di chuyển, thành ra, nó cản trở chiếc bán tải “điên cuồng”, hung hãn.

Lái xe ô tô vừa phanh dúi dụi, vừa đánh lái tránh. Pha xử lý ở tốc độ cao trở nên cồng kềnh, loạng choạng. Chiếc xe ô tô va mạnh vào xe máy của hai phụ nữ, khiến họ ngã sõng soài.

Cũng may, hai phụ nữ ngã vào đúng chỗ vỉa hè cạnh đường, nên chỉ bị thương nhẹ. Còn chiếc xe máy của họ thì đập mạnh xuống đường, vỡ tung yếm nhựa.

Chiếc xe bán tải cứ thế tiếp tục phóng vút đi.

Chứng kiến toàn bộ sự việc, Văn Thanh thấy máu nóng dồn lên đỉnh đầu. Láo, láo quá! Có lẽ tay lái xe ô tô say rượu hoặc phê thuốc thì mới có thể đi như vậy. Hất ngã người ta mà thản nhiên phóng đi như chẳng có chuyện gì thế sao?

Cái máu nóng trên đầu khi ấy của Văn Thanh chuyển hóa thành hành động. Anh không nghĩ nhiều, lập tức vít ga xe máy, đuổi theo chiếc bán tải. Văn Thanh không biết sẽ làm gì tiếp theo, nhưng trước mắt, anh thấy cần phải bám theo nó để cảnh báo mọi người.

Văn Thanh phóng rất nhanh, bám sát sau chiếc bán tải. Vừa vít ga, anh vừa bấm còi inh ỏi, và luôn miệng hét to: “Tránh! Tránh ra! Tránh thằng ô tô này ra! Nó đâm người ta rồi!”.

Đến một ngã tư đèn đỏ, có nhiều phương tiện dừng chờ, nên chiếc xe bán tải không thể kéo dài “cơn điên” của nó thêm nữa. Lái xe buộc phải phanh dừng. Lập tức, Văn Thanh phóng xe máy vượt lên trên, đỗ ngay trước mũi xe để cản.

Anh chạy ra phía ghế lái ô tô, đập tay vào cửa kính.

“Xuống! Xuống xe! Ông đi kiểu gì thế hả? Va người ta ngã ra đường rồi chạy à???”.

Lái xe hạ kính xuống, thò đầu ra: “Chạy cái đ*t mẹ mày! Mày nói gì đấy??? Bố mày đấm bỏ mẹ bây giờ”. Giọng lão ta khê nồng, còn hơi thở phả ra thì nồng nặc mùi “hồng xiêm nẫu”. Lão say quá rồi!

Văn Thanh vẫn rất kiên quyết: “Xuống đi! Ông định giết người hả???”.

Do chiếc xe máy của Văn Thanh đỗ sít đầu xe, nên chiếc bán tải không thể vượt lên được. Lái xe mở cửa, nhảy xuống, rồi chẳng nói chẳng rằng, lao vào đấm thẳng mặt Văn Thanh.

Tất nhiên, anh né rất nhanh, rồi vung chân sút trúng hạ bộ kẻ tấn công ngang ngược. Cú sút khiến lão ta thét lên như một con heo bị chọc tiết, còn hai tay thì ôm chặt lấy hạ bộ. “Á! Á! Á! Đ*t mẹ thằng này! Nó đánhhhh taooooo!”. Không để gã gào thét thêm, Văn Thanh bồi thêm một cú đá mạnh vào chân trụ, khiến đối thủ ngã sấp nhào xuống đường. Văn Thanh nhanh chóng ép ông ta nằm, giữ chặt tay. Đây là cái thế trấn áp đặc trưng của cảnh sát, mà chú Bắc từng dạy anh.

Nhưng mọi việc không đơn giản như thế…

Từ trong xe bán tải, bốn gã đàn ông khác nhảy xuống. Tất cả đều sặc mùi rượu. Chúng không chỉ có tay không, mà còn cầm theo một chiếc gậy bóng chày bằng inox.

Vừa quay lưng lại, Văn Thanh đã thấy nhóm đó lao đến. Anh không kịp bỏ chạy.

Văn Thanh bị chúng đánh dã man. Hai thằng túm lấy anh, kéo giằng hai tay ra. Hai thằng kia dùng gậy và nắm đấm vụt vào người, đánh vào mặt Văn Thanh. Máu chảy dài từ trán, từ đuôi mắt, đầm đìa xuống cổ áo, xuống ngực anh.

Người đi đường thấy cảnh hành hung dã man ấy thì rất hãi, chẳng ai dám lao vào can. Rồi ở đâu, một tiếng thét dũng cảm vang lên rất đanh: “Bỏ người ta ra! Công an đến rồi kìa! Công an kìa!”.

Lũ hung đồ dừng tay. Chúng ngước về phía vang lên tiếng thét. Hai chữ “công an” khiến những kẻ sôi máu ấy hồi tỉnh hơn. Chúng ngoái trái, ngoái phải, rồi nhanh chóng đỡ gã lái xe dậy, kéo chiếc Wave ra khỏi đầu xe bán tải. Xong xuôi, cả lũ vội vã nổ máy, bỏ chạy.

Làm gì có công an nào đến nhanh vậy đâu. Nhưng nhờ sự nhanh trí của một người không quen trên đường, Văn Thanh đã thoát nạn, dù cho máu vẫn đang chảy ướt sũng mặt và chiếc áo xe ôm công nghệ của anh.

“Băng vào cho người ta! Lũ khốn nạn! Đánh người ta dã man thế này bao giờ cơ chứ!”.

“Gọi công an! Gọi công an chưa? Phải truy bằng được bọn đấy! Gô cổ chúng nó lại!”.

Người đi đường xôn xao, vây quanh Văn Thanh. Người ta đã kịp chụp biển số của cái xe bán tải ngang ngược.

*****

Tại cơ quan công an, Văn Thanh vừa nhăn nhó sờ vào những vết băng trên đầu, trên trán của mình, vừa viết lời khai theo yêu cầu.

“Phức tạp lắm! Chả biết có tìm được bọn nó không”, tiếng một cảnh sát trong phòng.

“Ủa? Đã có ảnh chụp xe, rõ biển kiểm soát. Vậy mà vẫn khó sao anh?”, Văn Thanh cảm thấy khó hiểu.

Người cảnh sát kia không trả lời anh. Lát sau, anh ta bảo Thanh cứ về, khi nào có diễn biến mới thì sẽ thông báo sau.

Sau tất cả, Văn Thanh trở lại cái tâm trạng trống rỗng trước đó, của một kẻ hứng chịu nỗi đau tổn thương và bị thất tình. Còn cái việc va chạm trên đường kia thì chẳng đáng bận tâm lắm. Anh trình báo để bọn xấu xa phải trả giá, thế thôi, còn anh chẳng nghĩ gì thêm.

Sau vài ngày bặt vô âm tín, cảnh sát gọi Văn Thanh tới làm việc. Trước đó, người dân đã đăng tải sự việc lên mạng xã hội, khiến cộng đồng mạng sôi sục. Sức ép dư luận buộc cảnh sát phải tích cực tìm kiếm hơn. Và không khó để họ “bế” nhóm đối tượng say rượu, ngông nghênh đó về đồn.

Trong căn phòng làm việc ngổn ngang những giấy tờ, tàn thuốc lá, cốc chén, Văn Thanh thấy nhóm 5 người đàn ông chờ sẵn. Hôm nay, trông họ… hiền khô đến lạ (?!).

Vừa thấy Văn Thanh với khuôn mặt vẫn sưng bầm và băng bó, nhóm trên cười xu nịnh. “Em, em à! Bọn anh xin lỗi nhé! Hôm ấy say quá, không làm chủ được. Đấy là rượu nó sai khiến, nó làm cho mình hành xử như thế đấy, chứ không phải bọn anh cố ý. Em xem, bọn anh có thù hằn gì với em đâu. Đúng không em?”.

Văn Thanh không đáp. Thực tình, anh quá hiểu mọi chuyện. Cái lối hành xử ấy là của bọn côn đồ, vô ý thức. Kể cả không uống rượu, thì chúng vẫn không coi người khác ra gì cả. Say thì cũng chẳng thể bao biện cho hành động thiếu văn minh ấy được.

“Giờ em định thế nào?”, anh cảnh sát thụ lý vụ việc của Văn Thanh đặt câu hỏi.

“Ơ, thế nào là thế nào, anh? Em viết rõ rồi còn gì? Em chỉ muốn họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

“Ừ thì ai cũng biết thế. Nhưng họ đang đề nghị bồi thường. Đây, họ đã chuẩn bị một khoản tiền mặt sẵn đây rồi. Họ mong em bỏ qua, rút đơn. Họ cũng còn gia đình, công việc. Sự việc đã xảy ra thì chẳng ai muốn cả…”.

Văn Thanh nổi cáu. Anh đứng phắt dậy. Anh đến đây là làm rõ trắng đen, buộc cái sai, cái ác phải trả giá, chứ anh bận tâm gì tới chuyện tiền bồi thường???

Khi Văn Thanh bỏ ra ngoài, gã lái xe chạy theo, túm lấy tay anh. “Thôi, chú em thông cảm, bỏ qua cho bọn anh. Có ai muốn đâu? Em làm nghề chạy xe ôm đúng không? Bọn anh chẳng có gì nhiều, chỉ là một khoản, biếu em cái xe máy mới để đi lại cho hiệu quả…”.

Văn Thanh càng sôi máu. “Anh bỏ tay tôi ra!”.

Nói rồi, Văn Thanh đi thẳng ra cửa, định bỏ về. Lúc này, tới lượt anh cảnh sát chạy theo Thanh. Anh ta không có ý ngăn cản Văn Thanh đi về. Trái lại, anh cảnh sát đi theo Văn Thanh, vừa bước vừa vòng tay khoác vai anh, vẻ rất thân mật.

“Thanh à, anh hiểu mà. Em muốn đưa cái nhóm vô lối đó ra trước pháp luật. Em cần gì chuyện bồi thường. Anh hiểu, rất hiểu. Cộng đồng mạng xôn xao cả lên đấy thôi. Nhưng em nghĩ kỹ chưa? Cộng đồng mạng chỉ có cả thèm, chóng chán. Nay họ quan tâm sự việc này, mai thì họ quên ngay, lại đua theo cái mới. Em muốn làm đúng luật, được thôi. Nhưng nó vất vả cho em. Đi lên đi xuống suốt. Anh biết, em chẳng ngại vất vả đâu. Cơ mà em biết không, nhóm anh em kia cũng có quan hệ tốt với mấy người ở trên”. Anh cảnh sát nói một thôi một hồi, không cho Văn Thanh được mở miệng.

Phải cố gắng lắm, Thanh mới chen ngang được vào giữa: “Anh à, thực sự em chẳng quan tâm điều gì hết đâu. Cứ đúng luật mà làm thôi. Em chào anh!”.

Anh cảnh sát giãy nảy: “Ấy, chú em cứ nóng vội kiểu gì ấy nhỉ? Việc gì phải thế? Em muốn nghe điều này không? Nếu anh là em, thì anh chấp nhận hòa giải. Tại sao ư? Vì mình còn công việc làm ăn nữa chứ. Em có tiền án rồi, đúng không? Em đang làm nghề tay chân vất vả, có một khoản dàn xếp là hợp lý, các bên đều thoải mái, sự việc dù gì cũng xong hết rồi. Em cứ cố chấp làm gì? Anh nói thật, nếu em thích đúng luật, anh cũng làm đúng trình tự hồ sơ nhé? Em có sẵn sàng ngày nào cũng lên ghi lời khai, hoàn thiện hồ sơ, lặp đi lặp lại mất công mất việc không? Anh nhắc lại cho em, anh là người quyết định… Anh đang khuyên em cái giải pháp rất chân thành đấy. Em đấu được với người có tiền, có quyền không?”.

Văn Thanh ức nghẹn họng.

Phải, cái cục nghẹn ấy lại xuất hiện. Nó là cục nghẹn của sự uất ức, của nỗi đau tổn thương âm ỉ trong lòng Văn Thanh bấy lâu nay. Những kẻ xấu xa kia có tiền, có quyền ư? Còn anh có gì, ngoài công việc tay chân và một địa vị xã hội có cũng như không?

Phải, người ta vẫn nói là “tất cả bình đẳng”. Bình đẳng là thế này sao???

Thêm một lần nữa, nỗi đau tổn thương trỗi dậy, mạnh mẽ…

“Anh muốn làm gì thì làm, tiền tôi không nhận. Đơn thì anh thích vứt, cứ vứt. Tôi không làm phiền các anh nữa”, Văn Thanh nói rồi bỏ đi với sự chua chát. Giờ, anh chỉ nghĩ đến bản thân mình, nghĩ đến điều gì giúp đổi thay hoàn cảnh, công việc, để mình không bị “khinh rẻ” nữa. Vậy thôi!

*****

Sau những nỗi đau tổn thương dồn dập, Văn Thanh quyết tâm thay đổi. Phải, không thể để mọi thứ mãi giậm chân tại chỗ như vậy được. Anh phải chuyển sang nỗi đau thay đổi! Đau để thay đổi!

Văn Thanh là trí thức, anh phải tìm kiếm công việc phù hợp với trình độ, năng lực của mình, phải xây dựng sự nghiệp của bản thân. Làm xe ôm công nghệ không xấu, nhưng nó không thể phù hợp với một người có tâm huyết, trí tuệ và hoài bão. Xã hội đã có sự phân công cả rồi, chả lẽ người trí thức lại đi bon chen, giành giật công việc với người lao động phổ thông mãi hay sao???

Văn Thanh quyết định bắt đầu lại từ công việc cộng tác viên báo chí. Chưa bao giờ, khao khát được cầm bút lại bùng cháy dữ dội như vậy trong anh. Nó giống các đốm lửa nhỏ, nhen nhóm suốt thời gian qua, và nay, được động lực thổi bùng lên thành một đám cháy dữ dội.

Anh liên hệ người đồng nghiệp cũ, để xin làm cộng tác viên. Phải có sự bắt đầu, thì mới có sự phát triển. Đúng thế!!!

Nhưng…

“Cuộc sống không giống cuộc đời”, câu nói bi hài này quả thực chưa bao giờ lỗi thời cả.

Trong cuộc cafe với đồng nghiệp cũ, Văn Thanh đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Là bởi…

“Ông định làm cộng tác viên báo chí á? Tôi nói thật, tôi đang chán nghề báo lắm rồi đây! Lâu ông không cập nhật về nghề đúng không? Giờ chẳng giống xưa nữa đâu. Khó khăn lắm! Người viết báo giữ ngòi bút khách quan, viết sự thật để phục vụ xã hội, nhưng xã hội ấy có… trả tiền đọc báo đâu? Giờ là thời của báo điện tử, thời của đọc miễn phí. Đã miễn phí lại còn giành giật nhau độc giả, thế mới bi hài. Có cái nghề nào phi nguyên lý thị trường như nghề báo không? Thành ra, càng ngày nó càng kém, ông ạ!”, anh đồng nghiệp giãi bày.

Anh nói tiếp: “Nghề báo đích xác đang trở thành cái nghề mất trend. Cùng một hàm lượng tư duy, cùng một sự cố gắng, thì thu nhập của nghề báo kém hơn rất nhiều so với những nghề khác. Đừng nói về việc phụng sự, cống hiến, đến cái cơ bản nhất là kiếm cơm bỏ vào mồm mà khó thì lý tưởng gì nữa? Tôi lại nói thật với ông, tôi đang nghĩ đến việc đăng ký một tài khoản để chạy xe ôm công nghệ đấy. Làm thế, thu nhập còn đều và khá hơn ấy. Tự dưng ông đang ‘ngon’, đổi nghề làm cái gì?”.

Văn Thanh há hốc mồm. Anh chẳng biết nên khóc hay nên cười nữa. Ôi, cuộc sống… không giống cuộc đời!

*****

Đám cháy nhiệt huyết về sự thay đổi trong lòng Văn Thanh vừa bùng lên, thì đã bị giội một gáo nước lạnh ngắt. Giờ, “trí thức” có thể làm gì??? Với kỹ năng viết, quan sát và cảm nhận tốt của mình, chả lẽ anh lại cam chịu cái phận chạy xe ôm – mà như người đồng nghiệp chia sẻ, là “đáng mơ ước” về… thu nhập – hay sao?

Bi hài thật, mà cũng cay đắng thật!!!

Giữa tâm trạng ngổn ngang ấy, Văn Thanh lại uống, uống không ngừng thứ nước giúp làm dịu nỗi đau. Những chai trà thanh nhiệt uống hết bị vứt lăn lóc dưới sàn. …

“Anh Thanh đang có chuyện buồn à?”, Phương Nghi – cô bé con nhà chủ trọ – tò mò đứng ở cửa. Cô tròn mắt nhìn đống vỏ chai trà dưới chân giường Văn Thanh. Lạ lùng thật! Cái con người chỉ uống trà thay bia rượu, thuốc lá ấy!

Văn Thanh cố nở một nụ cười như mếu. Dẫu đang thất vọng đến cùng cực, anh cũng không muốn mình trở nên đáng thương trong mắt người khác.

Nhưng Phương Nghi là một cô gái nhạy cảm. Dường như cô hiểu hết những tâm tư dằn vặt mà Văn Thanh chịu đứng bấy lâu – khi anh mới đến thuê nhà, rồi anh đón nhận tình yêu, rồi thất tình, và giờ là ngồi đấy chịu trận nỗi đau tổn thương.

“Anh… anh thấy mọi thứ thật bất lực, dù anh đã cố gắng đến từng hơi thở rồi, Nghi ạ!”.

Phương Nghi nhìn thẳng vào mắt Văn Thanh: “Sao anh không thay đổi một cách linh hoạt hơn? Đúng, nghề báo đang mất trend, nhưng cái kỹ năng của nghề ấy thì lại rất cần trong xã hội. Chỉ cần kết hợp với kỹ năng khác, như marketing chẳng hạn, thì doanh nghiệp nào cũng cần. Em làm việc nhiều với các doanh nghiệp, em thấy họ rất cần người biết viết, viết hay”.

Văn Thanh thực sự bối rối trước câu hỏi của Phương Nghi. Anh chưa từng nghĩ cái năng khiếu cầm bút của mình lại có thể “đắt giá” với doanh nghiệp.

“Thực sự thì anh chưa biết sẽ phải bắt đầu từ đâu…”.

“Anh là người đàn ông bản lĩnh. Em nhìn thấy điều ấy trong ánh mắt anh. Em tin anh sẽ làm được. Anh thử bắt đầu từ chính niềm đam mê, gắn bó của bản thân ấy. Sẽ dễ thành công hơn nhiều. Anh coi món trà thanh nhiệt này như bạn tâm giao của mình, đúng không? Em thấy anh uống nó thay nước lọc, thay bia rượu, thuốc lá hằng ngày. Anh yêu nó như thế, tại sao anh không thử gõ cửa nhà sản xuất loại nước ấy để tìm kiếm cơ hội? Doanh nghiệp nào chẳng muốn có nhân viên yêu sản phẩm, yêu giá trị do họ tạo ra cho xã hội?”.

Lời gợi ý mà Văn Thanh chưa từng nghĩ đến ấy bỗng dưng thắp lên một tia hy vọng lạ lùng.

Cuộc nói chuyện hôm ấy khép lại với rất nhiều cảm giác lạ lùng…

*****

Văn Thanh mầy mò tìm hiểu… Phải, từ trước tới giờ, anh chưa từng để tâm kỹ hơn tới nguồn gốc tạo ra thứ nước uống dịu mát vị quê hương mà anh uống hằng ngày, hằng giờ ấy.

Rồi anh thấy doanh nghiệp đó đang tuyển vị trí “Chuyên viên sáng tạo content”. Anh ứng tuyển, gửi bài viết của mình nói về cảm nhận và những kỷ niệm gắn bó không thể nào quên mà anh đã có với chai nước trà thanh nhiệt của họ.

Ngày phỏng vấn, Văn Thanh đến rất sớm. Anh thấy tấm biển văn phòng ghi 3 chữ rất to, rõ: “Tân Hiệp Phát”. Cái tên nghe quen quen, ấn tượng khá bắt tai.

Hôm ấy, lần đầu tiên Văn Thanh tiếp xúc những bài kiểm tra về IQ, EQ. Với khả năng của mình, cùng sự từng trải xã hội, anh vượt qua tất cả một cách dễ dàng.

Sau đó, Văn Thanh được mời vào văn phòng kế tiếp. Tại đây, nữ chuyên viên phòng nhân sự tỏ thái độ niềm nở, ân cần khi tiếp chuyện Văn Thanh. Chị lắng nghe tâm sự, lời giãi bày của Thanh, với vẻ mặt chăm chú, cùng những cái gật đầu đồng cảm.

“Anh là người có năng lực, Văn Thanh! Cá nhân tôi và chắc chắn là cả lãnh đạo công ty ấn tượng với khả năng viết hấp dẫn, cảm xúc của anh. Anh nói rằng, anh chưa từng quan tâm hay trải qua trường lớp nào về marketing, nhưng cách anh viết về sản phẩm của công ty cho thấy, anh thực sự phù hợp và có năng khiếu. Anh nghĩ sao nếu chúng tôi mời anh ký hợp đồng chính thức trong tuần tới?”.

“Chị… Tôi không biết chị đã xem kỹ hồ sơ lý lịch của tôi hay chưa? Tôi… từng vào tù. Tôi đã có tiền án…”, chẳng hiểu sao, khi đang ở trong hoàn cảnh không thể thuận lợi hơn như vậy, mà Văn Thanh lại bối rối. Cái thứ ám ảnh anh bấy lâu xuất hiện… Phải, anh sợ một điều mơ hồ! Anh sợ những ấn tượng tốt đẹp mà họ dành cho anh sẽ tan thành bọt xà phòng, khi biết quá khứ của anh – dù cho Văn Thanh đã viết rõ mọi thứ trong hồ sơ.

Anh thấy chị phụ trách nhân sự nở nụ cười rất thân thiện: “Có chứ! Chúng tôi xem xét hồ sơ rất kỹ. Khi làm việc tại đây, chúng tôi quan tâm mấy yếu tố sau: Năng lực/Trình độ – Khả năng thấu hiểu giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, và… sự chính trực. Chúng tôi đã đánh giá đầy đủ và thấy anh hoàn toàn đáp ứng được những yếu tố đó. Mức lương đề nghị sẽ được chúng tôi nêu cụ thể trong thư mời. Ngoài lương, anh còn được tham gia các khóa học quản trị, tối ưu kỹ năng bản thân, cũng như tiếp xúc nhiều đối tác khác của công ty. Tôi hy vọng anh sẽ không từ chối!”.

Văn Thanh bất ngờ. Thực sự bất ngờ!!! Và đương nhiên, anh nhận lời. Đó là một bước ngoặt quá lớn!

*****

Văn Thanh về khu nhà trọ. Quá mừng rỡ, lòng tràn ngập cảm xúc tích cực. Cái thứ dằn vặt, day dứt neo trong lòng anh bấy lâu nay đã bị xóa bỏ sạch sẽ. Phải, anh dám thay đổi, và đang có cơ hội không thể tốt hơn để bùng cháy với đam mê, năng khiếu và hoài bão của mình.

Văn Thanh có cơ hội rộng mở để xây dựng sự nghiệp theo hướng mà anh muốn. Đó chính là điều tuyệt vời nhất!

Gặp Phương Nghi, anh ôm chầm lấy cô, bật khóc nức nở trong vui sướng. “Nghi! Anh cảm ơn em! Anh làm được rồi, làm được rồi! Anh đã khép nỗi đau tổn thương lại, để chọn nỗi đau đổi thay. Anh được họ chọn làm chuyên viên content marketing rồi, Nghi ơi…”.

Qua làn nước mắt hạnh phúc, Văn Thanh thấy Phương Nghi cũng chảy nước mắt vì xúc động, và vì mừng lây cho anh. Đoạn, cô dúi vào tay Văn Thanh một tờ giấy nhỏ, rồi bỏ ra ngoài, với lý do “em phải đi gửi bản thiết kế gấp cho khách”.

Có gì đó kỳ lạ, như Phương Nghi muốn tránh mặt anh, trong cái khoảnh khắc tràn ngập cảm xúc hạnh phúc này?

Văn Thanh mở tờ giấy ra: “Anh! Em… thích anh từ rất lâu rồi. Và em đã vô cùng đau khổ khi thấy anh có người yêu… Em cũng rất đau khổ khi chứng kiến anh thất tình, tuyệt vọng. Em chỉ mong có một cơ hội nào đó để nói ra tiếng lòng của mình. Nhưng em không biết, không dám nói. Em sợ… sợ anh sẽ từ chối, nếu như anh cứ giữ mãi nỗi đau tổn thương trong lòng… Em yêu anh, Văn Thanh!”.

Nước mắt ở đâu mà chảy ra nhiều thế này? Những con chữ, cảnh vật… tất cả cứ nhòe đi trong nước. Nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc. Văn Thanh chưa bao giờ chảy nước mắt nhiều đến vậy.

Anh vội cầm điện thoại lên, nhắn cho Phương Nghi: “Em! Hôm nay… anh quyết định sẽ chạy xe ôm buổi cuối cùng. Nghi à, em có muốn làm hành khách đặc biệt và duy nhất của anh hay không?”.

Trên đời này, có những điều thật kỳ lạ, thật khó giải thích. Người ta thường cười khi vui, khóc khi buồn. Còn lúc vừa cười, vừa khóc, thì đó lại là lúc hạnh phúc nhất.

Đêm hôm ấy, có một cặp đôi kỳ lạ như vậy. Họ đèo nhau trên chiếc xe máy, vừa cười, vừa khóc, với một nỗi đau đổi thay thành tình yêu.

Trung Hiếu

45 Trả lời “Nỗi đau đổi thay

  1. Nhấn vài lần vào đọc tiếp mà bài viết toàn bị “nhảy” đi; khi nhấn vào bình luận mới đọc hết bài viết của Anh. Hay ạ, dù rằng có yếu tố quảng cáo đi chăng nữa? Yêu cách viết của nhà văn ạ!

  2. Chỉ có thể nói là độc đáo! Đọc truyện là đắm chìm, nhảy nhót trên những cung bậc cảm xúc khác nhau cùng nhân vật chính! Giá mà tác giả viết thêm sự việc khác nữa nhỉ!

  3. Bạn viết rất hay người ta toàn viết cái hay cái đẹp còn bạn viết nỗi đau của xã hội đúng chẳng có gì không xảy ra đời người lên voi xuống chó ta phải cố gắng vượt qua xã hội tàn khốc vậy đó có những nỗi đau thấu tâm can ta phải dũng cảm vượt qua

  4. Cảm ơn tác giả, Văn Thanh rượt đuổi số phận cậu ấy đầy nỗ lực! Là người ưa thích sự hóm hỉnh nhưng tôi không thích cái kiểu gọi ngày 21/6 là ngày giỗ vì dù sao đó cũng là cơ quan báo chí chữ nghĩa chẳng thể tùy tiện và cách hành xử (tiệc tùng, vi phạm gt…)

  5. Truyện của em không thể đọc lướt, tối muộn chị sẽ thưởng thức. Thả Tim trước vì nể phục sức viết, sức sáng tạo của em.

  6. Truyện cuốn hút quá nhà văn ạ. Cứ hồi hộp theo dõi sau những cục “nghẹn” thì nhân vật sẽ ra sao ? Mấy lần định khuyên nhân vật về gặp cụ Nghi. Hii…
    Cái kết đẹp cho những “nỗi đau thay đổi”.

  7. Một câu chuyện thật nhiều giá trị nhân văn và rất cảm động. Thả ❤ cho tác giả ??

  8. Làn gió mới của Quán Chiêu Văn! Câu chuyện nhiều nút thắt mở rất hay ạ! Cảm ơn tác giả nhiều!

  9. Bất cứ lúc nào người ta cũng có thế khóc & cười được. Nhiều khi hp đến bất chợt người ta còn khóc to & nhiều hơn. Chị rât thích những câu chuyện & cách viết của em.

  10. Trời! Hay và hấp dẫn quá tg ạ. Mình đọc 1 mạch với từng cung bậc cảm xúc khác nhau, những căng thẳng , hồi hộp đến thắt tim. Lúc tràn đầy hy vọng , lúc vô cùng tuyệt vọng theo câu chuyện … và cuối cùng là giọt nước mắt trào ra cùng hạnh phúc của đôi bạn trẻ!!!
    Cảm ơn tác giả!

  11. Ko phải chỉ 2 nhân vật của tác giả vừa khóc vừa cười đâu , là một bà già đọc xong cũng vừa cười vừa khóc đây này , cảm ơn tg

  12. Thật tuyệt, với những cung bậc cảm xúc thăng trầm theo từng nhân vật… Cảm ơn tác giả thật nhiều….????

  13. Thật sự rất tuyệt.. Mọi cảm xúc đều đc đánh thức. Một câu chuyện đời đẹp quá

  14. Tôi đọc mà cũng nước mắt vòng quanh đấy bạn à ! “ nỗi đau tổn thương , nỗi đau thay đổi …” như một triết lý sống cho cuộc đời có lẽ theo tôi nghĩ với rất nhiều người . Cám ơn bạn đã viết moitj câu truyện hay !!!!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.