Tác giả: Trung Hiếu – Blog Vị Đời – trunghieujournalist@gmail.com
“Mau! Có khách gọi rồi!”, những khẩu lệnh lạnh lùng và gấp gáp được gã quản lý đưa ra, ném thẳng vào nhóm “gái tay vịn” kẻ đứng, người ngồi trong căn phòng chật chội.
Rồi gã quay ra, nhìn chòng chọc vào Hoài Thương – con bé “lính mới” vừa được đứa môi giới dẫn đến mấy hôm trước. Gã vứt cho nó một cái váy ren hở lỗ chỗ. “Cầm lấy! Mặc vào!”.
Hoài Thương cứ đứng trân trân, mắt mở to tròn, run rẩy. Chả lẽ đây là công việc “dọn bàn quán cafe dễ làm, lại có tiền đều, lắm mối quan hệ” mà người chị môi giới nói như rót mật vào tai nó hay sao?
“Con này nó mới mẻ quá đây mà! Ngọc, mày chăm sóc nó kỹ cho tao! Nhanh vào đấy!”, gã quản lý áng chừng mất thời gian giải thích, nên giao luôn công việc “đào tạo, dạy dỗ” cho một gái tay vịn thuần thục trong nhóm.
Còn gã thì vội vội chạy ra để điều thêm các nhóm gái khác theo đơn của từng quán. Xung quanh là những đứa con gái vừa cười nói, vừa trang điểm, vừa thay đồ, vừa soi gương. Đứa nào cũng lồ lộ bầu vú, khoanh đùi, đứa nào cũng vội vã.
Tất bật cứ như ngày mùa!
*****
Hoài Thương dễ thương đúng như tên gọi của nó. Cái tên phần nào khiến người nghe liên tưởng tới một cô tiểu thư có cuộc sống êm ái, nhẹ nhàng. Nhưng trái ngang thay, cuộc đời nó – tính đến nay là 19 năm rồi – thì chẳng yên ả chút nào.
Nó lớn lên mà không hề biết mặt mẹ. Hoài Thương chỉ biết khi nó ra đời, thì bố nó mới 20 tuổi. Ông nội Hoài Thương kể rằng, lần đầu tiên ông nhìn thấy nó, là khi bố nó cuốn con bé tròn vo trong chiếc chăn bẩn thỉu, nhét vào tay ông.
Bố nó còn quá trẻ, chưa hiểu sự đời và bận “đi làm ăn xa”. Chẳng hiểu xa đến phương trời nào mà tuổi thơ của nó chẳng hề có chút ấn tượng nào về bố cả. Mẹ thì lại càng không. Bà nội đã mất sớm vì tai nạn.
Thành ra, người ta nói “gà trống nuôi con” là chưa đủ với cuộc đời nó. Với Hoài Thương, đầy đủ phải là “ông gà trống nuôi con”. Một “ông gà trống” chưa đến nỗi già, nhưng cũng chẳng còn đủ trẻ. Dẫu sao, may mắn là ông yêu nó hết mực.
Cái tên Hoài Thương của nó cũng là do ông nội đặt cho.
Dù vậy, tình yêu của một người ông khó lòng khỏa lấp được nỗi thèm khát tình yêu thương của đứa con gái không biết mẹ là ai, và cũng chẳng mấy khi được nghe tiếng bố.
Hoài Thương lớn lên trong sự thèm khát tình thương đến cháy bỏng như vậy!
*****
Năm Hoài Thương mười bảy tuổi thì ông nội – người duy nhất yêu thương nó, và nó yêu thương – qua đời sau một cơn đột quỵ. Tất cả mông lung như một trò đùa mà số phận dành cho nó – đứa con gái có người thân mà khác nào trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Chẳng còn đường nào khác, Hoài Thương đành tá túc ở “nhà của bố” – nơi mà dì ghẻ, con riêng luôn coi nó như một kẻ vô thừa nhận.
Hoài Thương cắn răng học hết cấp 3 cho đủ cái quota “phải có bằng THPT thì mới được đi làm công nhân”.
Người không biết chuyện thì chắc sẽ bật cười. Người ta ước mong làm gì đó cao sang, giàu có, trọng vọng, chứ ai như nó, lại mong được làm… công nhân. Phải, Hoài Thương đếm từng ngày, từng giờ để có thể đi khỏi ngôi nhà mà nó không thuộc về. Muốn thế, nó phải được nhận vào làm công nhân. Có tiền, nó sẽ được tự chủ cuộc sống của mình. Với một đứa con gái 18 tuổi như Hoài Thương, ước mơ đó là tất cả lúc này.
Đến lúc tròn 18 tuổi, nó xách balô ra khỏi “nhà của bố”, để chuyển vào ký túc xá ở khu công nghiệp. Khỏi phải nói, nó hạnh phúc như thế nào, tựa một người trúng vé số, hoặc là được suất đi nghỉ ở khách sạn hạng sang vậy!
*****
Cơ mà cuộc sống thì chẳng giống cuộc đời!
Cái ước mong trước đó nhanh chóng tan thành bong bóng, sau một năm Hoài Thương “tự chủ cuộc sống”.
Vốn là con bé có tâm hồn nhạy cảm, nó thấy ngỡ ngàng với một cuộc sống đều đều tới độ tẻ nhạt khủng khiếp của công nhân. Ngày làm 8 tiếng, tăng ca thì 10 hoặc 12 tiếng. Ngày nào cũng vậy, công việc gần như một thứ lập trình sẵn, nó có thể nhắm mắt vào mà vẫn làm được. Những khuôn mặt mà nó gặp hằng ngày thì cứ y như vậy. Và những câu chuyện mà người ta nói với nhau, nói với nó, chẳng có gì thay đổi. “Hôm qua xem tập phim tiếp theo chưa? Có gì hay không? Eo ơi, con bé nhân vật chính đấy diễn cong cớn quá nhỉ…”.
Rồi thì mức lương cũng đều đều y như công việc vậy. Mọi thứ tuân theo một lịch trình nhàm chán khó tưởng tượng!
Bởi thế, khi Hoài Thương được một chị gái tiếp cận, mời gọi “ra ngoài làm”, thì nó háo hức lắm! Chị ấy từng là công nhân sống tại khu ký túc xá này, nên quá hiểu cái sự bức bí ra sao mà những người trẻ như Hoài Thương phải chịu đựng.
“Mày trẻ trung, xinh xắn thế này, ra ngoài làm phục vụ quán cafe, rất nhẹ nhàng, lại có thu nhập tốt và nhiều mối quan hệ rộng mở. Chỉ cần cười tươi một cái, khách nó quý, nó cho tiền boa, chả sướng à? Chỉ phải phục vụ thôi, lịch sự như khách sạn 5 sao, có đồng phục riêng hẳn hoi. Chuyên nghiệp cực kỳ!”, chị rót vô số lời tẩm mật vào tai nó.
Mắt Hoài Thương sáng lên!
Nó không nghĩ tới tiền! Với một người trẻ và cô độc như nó, thì tiền lúc này chưa phải thứ ưu tiên cao nhất. Mà làm công nhân, nó cũng thấy thế là đủ tiền rồi. Quan trọng với Hoài Thương, là một không gian mới, những mối quan hệ mới, bầu không khí mới…
*****
Trở về thực tại.
Kể từ lúc gật đầu đi theo chị môi giới, Hoài Thương được chở thẳng xuống Hà Nội, giao vào cái nhà lúc nào cũng có vài ba thằng đầu trọc, xăm trổ đứng ngồi ngoài cửa. Điện thoại bị thu, ăn ngủ thì trái khoáy chẳng giống ai.
Khi nhìn cái cảnh ấy, Hoài Thương biết mình dại rồi, nhưng vẫn không nghĩ bản thân lại phải làm cái công việc như các chị em khác trong nhà. Nó vẫn hy vọng sẽ có một chân chạy bàn cafe dành cho mình.
Những đứa mới như Thương bị nhét vào căn phòng bé tí tẹo, tách biệt với những cô gái tay vịn khác, y như cầm tù. Cốt là để đừng có hỏi han, trò chuyện gì. Bởi thế, nó hoang mang mà chẳng biết hỏi ai, cũng không rõ sẽ làm “phục vụ quán cafe lịch sự như khách sạn 5 sao” thế nào.
Vậy nhưng… “đồng phục riêng hẳn hoi. Chuyên nghiệp cực kỳ” mà bà chị từng giới thiệu, chính là cái váy ren hở lỗ chỗ mà gã quản lý vừa vứt cho nó. Mỗi đứa sẽ được phát cho một cái váy giống nhau, nhưng khác màu, để đi làm.
“Mặc vào đi em! Nhanh lên! Đừng để anh cả phải nhắc thêm, là mệt đấy”, Ngọc – cô gái được giao “đào tạo” Hoài Thương – hối thúc. “Bình thường thì em sẽ có thời gian học hỏi đấy. Nhưng giờ đang là giai đoạn cao điểm, khách gọi nhiều, mà đào ít, nên em sẽ đi làm luôn. Tinh ý vào! Nhìn chị em khác mà học”.
“Chị ơi, em đến đây không phải để làm cái này! Em được giới thiệu để đi làm phục vụ quán cafe cơ mà. Chị ơi!”, Hoài Thương vừa nói, vừa mếu máo. Cái điều nó sợ đang dần trở thành hiện thực…
“Gì cơ? Phục vụ quán cafe á? ‘Không phải để làm cái này’ là cái gì? Ý mày coi tao và mọi người ở đây là gì hả?”, chị Ngọc mắt long sọc lên, nói rít qua kẽ răng, trông càng trở nên đáng sợ.
“Không… không… em… em…”.
“Nghe tao bảo này! Mày nhìn thấy con Ly ở góc phòng không? Thấy vết bớt to đùng ở cạnh khe vú nó chưa? Lần đầu tiên đi làm, nó cũng nói ngu như mày đấy! Xong còn lần chần, làm anh cả cáu, anh dí cho cái tàn thuốc nóng vào chỗ đó. Bỏ đói và ăn vả, ăn đạp mấy ngày, tự khắc khôn ra và ngoan hơn. Giờ nó lành nghề lắm. Hay tao bảo nó ra dạy mày cho nhanh, nhỉ?”, chị Ngọc dí sát mặt vào tai Hoài Thương, vừa nói, vừa rít, nghe như tiếng một con rắn phun phì phì.
Hoài Thương biết không còn đường lùi. Nó vội vã thay đồ trong góc, tay chân luống cuống vì lần đầu tiên mặc chiếc váy hở hang đến vậy.
Xong xuôi, nó rúm ró bước ra, khép nép hai tay che phần đùi quá hở, còn phần ngực xẻ rộng, lộ khe vú, thì nó chả còn tay để mà che nữa, nên cứ khúm na khúm núm. Thấy cảnh ấy, chị Ngọc và cả lũ tay vịn xung quanh phá lên cười sặc sụa.
Gớm chết nữa, lại còn che với chả đậy, tí nữa đám khách không bóp, không xoa cho tung hết ra ấy à! Chị Ngọc vén mồm lên nói vậy, khiến cả lũ cười bò, trong khi Hoài Thương càng thêm phần rúm ró.
“Thôi, xong! Đi mau!”, chị Ngọc kéo mạnh tay nó ra ngoài, khi ở sân, một thằng “đầu moi” (kiểu tóc như “Khá Bảnh”) đã chờ sẵn. Một đứa con gái nhanh nhẹn nhảy vào gác-ba-ga trước xe, chui tọt vào lòng thằng đó.
Chị Ngọc đẩy Hoài Thương lên áp sát thằng “đầu moi”, bảo “mày lần đầu, chưa quen, ngồi vào đây kẻo ngã khi nó đảo lắc”. Ngồi sau lưng một gã trai, Hoài Thương khép nép, định tạo khoảng cách cho bầu vú không chạm vào lưng anh ta. Nhưng đâu có được, chị Ngọc ở sau lưng đã đẩy nó ép thật sát. Cái yên xe máy có vậy, không nép sát vào thì ngồi kiểu gì?
Chiếc xe máy kẹp 4 – gồm một đứa ngồi ở gác-ba-ga, thằng “đầu moi” cầm lái, Hoài Thương và chị Ngọc – phóng vút đi, chả mũ mão gì sất.
*****
Tám giờ tối.
Trên đường, thằng “đầu moi” vừa vít ga, vừa đánh võng đảo lắc, dù đường sá chẳng có gì để nó phải đi như thế. Chắc là do thói quen!
Hoài Thương ngồi sau lưng thằng cầm lái, nín thở, tim như thể văng ra ngoài, mỗi khi thằng này vượt đèn đỏ, tạt đầu ô tô, lao lên vỉa hè để phóng thật nhanh về phía trước. Một khi đã nổ máy, vít ga, thì thằng “đầu moi” chỉ quan tâm điều duy nhất: Phóng thật nhanh đến quán hát để “trả hàng”! Càng nhanh càng tốt!
Vừa đánh võng, thằng “đầu moi” vừa bóp còi inh ỏi. Các phương tiện nghe tiếng còi, quay ra nhìn chiếc xe kẹp 4 thì tất cả đều vội vã dạt hết ra, nhường chỗ. Người bình thường nhìn cái cảnh ấy thì rất khiếp, phải tránh ngay như tránh một thằng say vừa chơi thuốc quá liều.
Thấy mọi người tránh đường cho mình, lũ con gái trên xe máy cười rú lên hào hứng. Còn Hoài Thương thì căng cứng hết cơ thể, vừa sợ, vừa không biết làm sao để thoát ra khỏi cảnh này.
Mùi thuốc lá, mùi hôi khẳn của thằng “đầu moi” theo gió tạt vào mũi Hoài Thương, khiến nó càng kinh hãi hơn.
Bỗng…
“Tạch! Tạch! Tạch! Dừng lại!!!”.
Chiếc xe máy kẹp 4 phanh dúi dụi. Hoài Thương cảm tưởng nó chết đến nơi rồi, khi đất trời tròng trành, nghiêng ngả.
“Cái đ*t mẹ!”, thằng “đầu moi” văng tục. Sau cú phanh khét lẹt, nó đạp đạp cả 2 chân xuống đường, cố quay đầu xe để bỏ chạy. Nhưng vì xe chở 4, nặng quá, nên pha quay đầu trở nên cồng kềnh ngoài ý muốn.
Lúc chiếc xe mới quay được một nửa, thì ở đâu, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, lại có cả người mặc thường phục, đeo băng đỏ chạy đến. Dùi cui cao su, dùi cui mét hai, dùi cui điện đồng loạt được giơ ra.
“Dừng! Xuống xe! Chống đối Cảnh sát 141 à? Định quay đầu bỏ chạy à?”.
“Dạ, không không. Em… em xin lỗi. Em xuống ngay đây ạ. Các anh tha cho em. Bọn em…”, thằng “đầu moi” đổi giọng 180 độ, nở nụ cười rõ tươi và tỏ vẻ ngoan hiền hết mức. Cảnh sát thường phục và cảnh sát cơ động xốc mỗi bên một nách nó, đưa vào chốt.
Trong khi đó, một người đeo băng đỏ khác dắt chiếc xe máy phía sau, còn nhóm gái tay vịn thì líu ríu cùng nhau bước theo. Cô nào cũng đi guốc cao cả gang tay, nên trông họ bước ngất nga ngất ngưởng.
Tại chốt 141, thằng “đầu moi” bị “quay” ra trò: Lột hết đồ vật trên người ra, kiểm tra các túi áo, túi quần. Chiếc xe máy cũng bị soi đèn pin từng khe kẽ, loang loáng.
“Có đồ không? Nói nhanh!”.
“Không ạ, bọn em đi ăn tí thôi. Chả đồ chả đạc gì. Các anh thông cảm cho em, mấy con em đói quá, cứ nhờ chở đi làm bát bún…”.
Hoài Thương chứng kiến tất cả cảnh đấy. Nó chết khiếp! Lần đầu tiên trong đời, nó đứng gần cảnh sát đến vậy. Một người mặc thường phục, tay đeo băng đỏ và cầm dùi cui điện, đi đến trước mặt chị Ngọc, nhìn nhìn.
“Ở phường còn cán bộ nữ không? Gọi ra đây check mấy cô này xem nào!”, anh ta quay ra nói với nhóm cảnh sát ở chốt 141.
Hoài Thương thấy chị Ngọc chẳng nói chẳng rằng, chủ động bước ra trước mặt anh cảnh sát kia. Rồi chị ta… vén luôn chiếc váy ren lên quá ngực, tốc cả cái áo lót bên trong. Hai bầu vú thõng xuống, rõ núm thâm xì, trần trụi. Cặp vú ấy rung lắc theo nhịp tay giũ giũ, để chứng minh không có đồ gì giấu ở trong.
“Cần gì gọi cán bộ nữ, anh ơi? Anh xem này, bọn em chẳng có gì đâu! Thời này là thời nào mà còn cầm đồ theo người…”, chị Ngọc nói tỉnh bơ.
Hoài Thương trố mắt, không thể ngờ “đồng nghiệp” của nó lại phản ứng như thế. Anh cảnh sát cũng hơi ngỡ ngàng, rồi tỏ vẻ chán nản, quay đi. Cả lũ gái tay vịn cười khùng khục, ý nể “chị Ngọc quá pro!”.
Chẳng biết có phải do quá đắc thắng sau pha thể hiện đó không, hay vì vẫn muốn chứng minh tiếp sự “trong sạch” của mình, chị Ngọc bước theo anh cảnh sát mặc thường phục đa nghi kia. Rồi chừng cho anh ta dừng lại, chị Ngọc vòng qua mặt, tìm chỗ đứng đối diện.
Xong rồi chị Ngọc thản nhiên… ngồi xổm xuống, phô nguyên chiếc quần xi-líp màu nude ở trong ra. Khỏi phải nói, cái quần vừa bó, vừa màu nude, trông lồ lộ cả mu, cứ như… cởi truồng. Anh cảnh sát thấy cô gái tay vịn ngồi hớ hênh, phô nguyên chỗ nhạy cảm vào mặt mình như vậy, thì nghiêm giọng: “Cô kia! Làm gì đấy? Đứng dậy!”.
“Em mỏi chân, em ngồi cho đỡ mỏi thôi! Các anh thấy đấy, bọn em chả có đồ gì đâu! Bọn em mà có đồ, giấu vào đâu mà các anh chả biết! Thôi, cho chúng em đi!”, chị Ngọc đáp tỉnh bơ, khi cái bộ phận sinh dục vẫn cứ phô lồ lộ như thế. Lúc ngồi, cái váy ren càng trễ hơn, hai bầu vú căng trĩu xuống, như muốn xé tan chiếc váy mỏng manh ra vậy…
Anh cảnh sát thường phục chừng như chán hẳn, bỏ ra chỗ khác đứng, kệ cho cảnh sát giao thông xử lý trường hợp này.
Những người vi phạm khác ở chốt, cả những người đi qua chốt 141 khi ấy, cứ nhìn chằm chặp vào nhóm gái tay vịn. Toàn ánh mắt săm soi, kèm những nụ cười ẩn ý, có phần vừa đê tiện, lại vừa coi khinh…
Chứng kiến toàn bộ sự việc, Hoài Thương thấy đầu óc tê dại. Rồi bỗng, nó trở nên quyết tâm, thậm chí là liều lĩnh, một cách khác thường!
Phải, nó không thể, không thể nhắm mắt làm ngơ, chịu xuôi theo dòng số phận này được! Nó không muốn trở thành một đứa con gái tệ hại như cách chị Ngọc đã thể hiện – dễ dàng bán nhân cách mình một cách rẻ rúng và trơ tráo. Nó không muốn phải nhận những ánh mắt đê tiện, coi thường như thế. Nó…
Nó bước vội vã đến cạnh một anh cảnh sát mặc thường phục, tay đeo băng đỏ, ở gần đó. Bằng tất cả sự chân thành, Hoài Thương nắm chặt lấy tay anh ấy, ánh mắt van lơn. “Anh! Anh ơi, anh cứu em với! Em bị ép đi theo họ. Em không muốn. Anh cứu em với!”.
Anh cảnh sát tròn mắt nhìn nó. Dường như định hỏi thêm điều gì đó, nhưng thấy ánh mắt của Hoài Thương, anh ấy có vẻ tin lời nó. “Tức là em không muốn đi theo nhóm đó à? Nếu không theo họ, thì em định thế nào?”.
“Em… em không biết! Em rời quê, đi theo lời người chị đồng nghiệp cũ, giới thiệu ra đây chạy bàn cafe. Nhưng họ bắt em mặc đồ này, rồi phải đi theo họ để phục vụ khách ở quán hát. Em không muốn. Em đi đâu cũng được, miễn không phải đi làm gái”, Hoài Thương nói một mạch không dừng. Nó vừa nói, vừa nấc lên.
“Thương! Mau ra đây đi!”, tiếng chị Ngọc lanh lảnh vang lên. Thằng “đầu moi” đã nộp phạt xong. Nó đang quay xe máy, để cả nhóm lại “tọa” lên đó, đi tiếp.
“Anh… xin anh… Em…”, Hoài Thương lắp bắp, run rẩy.
“Ừm! Bọn mày! Ra đây anh bảo!”, anh cảnh sát bỗng hắng giọng, ngoắc tay về phía thằng “đầu moi” và chị Ngọc. Vừa nãy, anh đã thấy toàn bộ màn “phô hàng” của chị Ngọc trước mặt đồng đội, nên chắc anh quá hiểu độ lì lợm, ranh mãnh của nhóm này.
“Nộp phạt xong rồi hả?”, anh cảnh sát vừa hỏi, vừa xoa xoa cằm.
“Vâng, em xong rồi ạ. Em xin phép đi”, thằng “đầu moi” nhanh nhảu.
“Anh là cảnh sát hình sự ở quận này. Có cần phải đưa thẻ ngành cho chúng mày xem không? Anh chỉ muốn hỏi là chúng mày định đưa cô bé này đi đâu?”, anh vừa nói, vừa hất hàm hướng về phía Hoài Thương.
“Bọn em đi ăn chứ đi đâu, anh? Con này nó là con ranh, trộm tiền của em lúc chiều. Em đã tha, không vả vỡ mồm nó là may rồi. Nó kêu đói, bọn em cho đi cùng. Thương, mày đứng đấy làm gì? Lên xe mau!”, chị Ngọc giằng lời đáp của thằng “đầu moi”. Có vẻ như “nữ quái” tay vịn này lờ mờ hiểu ra chuyện gì, nên cô ta lập tức vu oan sống sượng cho Hoài Thương.
Bằng lối dẫn dụ như thế, Ngọc được thể trừng mắt với Hoài Thương, rồi sấn sổ lao đến, định tát thẳng vào mặt con bé, nhằm trấn áp tinh thần. Ngọc muốn lôi nó theo thật nhanh, mau chóng đi khỏi cái chốt 141 này, khỏi tầm mắt của tay cảnh sát hình sự lắm chuyện.
Bất ngờ, anh cảnh sát gằn giọng: “Ah, tao cho mày nói lại! Mày ở đâu? Mày thích giở giọng đấy trước mặt hình sự không? Nó là con em họ tao, đi khỏi nhà bấy lâu, nhà nó đang rất mong. Hóa ra chúng mày giữ nó à? Mày bảo vả ai cơ? Tao thách mày vung tay đấy! Đánh người trước mặt cảnh sát hình sự, mày khôn hết phần người khác rồi, con này!”. Nói đoạn, anh rút chiếc baton (dùi cui thép) ra, xoay xoay cán.
Hoài Thương đang sợ chết đứng, nghe thế, nó liền túm vội tay anh cảnh sát, nói giọng run lên. “Anh ơi, em không đi theo họ đâu!”.
Nhóm gái tay vịn ngớ người. Cô Ngọc kia thì tròn mắt. Chúng chẳng ngờ đến diễn biến này. Hay con bé đó là em họ của anh hình sự thật nhỉ? Thế thì bỏ mẹ!
Thấy phản ứng đấy, anh cảnh sát dấn thêm một bước. “Đi! Mau! Đừng để tao cáu!”.
Cả lũ nhảy phốc lên xe. Thằng “đầu moi” nổ máy, vít ga phóng vội. Mặt đứa nào đứa nấy ngơ ngơ ngác ngác. Ơ hay, chẳng lẽ…
*****
“Anh là Trí Dũng! Anh làm hình sự ở quận. Giờ em định đi đâu?”, anh cảnh sát vừa cứu Hoài Thương chìa tay ra cho nó bắt. Anh giờ khác hẳn lúc dữ dằn khi nãy. Anh cười lành lành, và ánh mắt sáng, sáng lắm! Ánh mắt ấy làm anh sáng cả khuôn mặt, một kiểu sáng thông minh, lanh lẹ hơn người.
“Em là Hoài Thương! Em… không biết đi đâu nữa! Họ giữ hết giấy tờ, điện thoại, đồ đạc của em rồi. Em cũng chẳng còn đồng tiền nào trong người”, Hoài Thương đáp với vẻ mặt chưa hết hoảng hốt.
Trí Dũng chỉ tay vào mấy cái ghế nhựa thấp lè tè ở góc, bảo nó ngồi tạm vào đấy. Chốt đông người quá, lại phải tất bật kiểm tra. Mà công nhận, ca này… khó! Anh ấy chỉ giúp Hoài Thương theo bản năng, theo cái tâm, cái chất quân tử của người đàn ông. Còn giờ, xong xuôi, làm gì tiếp thì ai biết? Cái con bé chẳng biết đi đâu ấy…
*****
Hết ca.
Chốt 141 lục tục thu dọn đồ đạc. Bàn ghế, dây phản quang, giấy tờ, công cụ hỗ trợ, gom hết lại.
“Anh Dũng bị ế lâu ngày, nên nay lại ‘bắt’ một em về để ra mắt gia đình đấy à?”, mấy anh em trong chốt nháy nháy mắt, cười và trêu chọc. Trí Dũng cười xòa.
Anh đi ra phía Hoài Thương, bảo: “Giờ, anh cho em qua một nhà nghỉ để ở tạm. Hôm sau, em tìm cách về nhà nhé! Túi anh đang có vài trăm đây, anh cho em mượn. Chứ cứ ngồi đây mãi sao được? Chốt rút bây giờ!”.
Nói rồi Trí Dũng dắt chiếc xe Dream ra, nổ máy. Đúng là xe của hình sự có khác, kiểu Dream “chiến” tháo truồng yếm, xoáy nòng. Hoài Thương bẽn lẽn leo lên xe.
Đường đêm, vắng vẻ và hơi lạnh. Trí Dũng đi khá nhanh, nhưng rất chắc chắn, khác hẳn kiểu “đánh võng, đảo lạc rang” hồi chiều của thằng “đầu moi”. Theo bản năng, Hoài Thương đưa cả hai tay nắm chặt vào hông anh cảnh sát.
Chẳng hiểu sao, ngồi sau một trinh sát có tảng lưng vuông vắn, nó thấy vừa an toàn, lại vừa sợ hãi. “Anh! Anh Dũng ơi!”, nó lí nhí.
“Ơi? Gì em? Sắp đến rồi!”.
“Em… sợ lắm! Em sợ chúng nó sẽ lần theo em, tìm ra. Khi đó, chắc em chết. Anh cho em về gần chỗ anh được không? Em có thể làm dọn dẹp, giúp việc cho nhà anh. Miễn là anh đừng bỏ em một mình. Em sợ, sợ lắm!”, Hoài Thương van lơn. Dù nói ra như thế, nhưng nó không dám chắc sẽ được giúp đỡ, gặp may thêm một lần nữa.
Trí Dũng dừng hẳn xe, quay lại nhìn Hoài Thương. Anh thở dài. “Em không có bất kỳ ai thân, quen ở cái đất này à?”.
“Em… không. Em không có mẹ. Bố em ở rất xa và không quan tâm em sống hay chết thế nào. Em chẳng có ai cả”, nó đáp mà giọng run lên xúc động. Nhắc đến cái hoàn cảnh trớ trêu ấy, ai mà bình thản được cơ chứ.
Trí Dũng lại thở dài. Anh vít ga đi tiếp.
Hoài Thương từ từ nhắm mắt lại, phó mặc mọi thứ cho số phận. Nó đã nghĩ tới việc trải qua đêm nay ở một nhà nghỉ xa lạ như thế nào. Rồi mai sẽ ra sao? Cuộc đời nó khốn khổ khốn nạn thật!
*****
Trí Dũng dừng xe trước một cái cổng sắt hoen rỉ.
Hoài Thương mở to mắt, đây không phải là nhà nghỉ! Anh cảnh sát đứng xuống, lúi húi mở khóa, rồi quay ra bảo nó: “Em vào đi! Ở đây thì không phải lo gì nữa. Đây là nhà anh thuê. Chỉ có anh thôi”.
Nó líu ríu đi sau lưng Trí Dũng. Một khoảnh sân bé tí tẹo, đủ chỗ cho chiếc xe máy và vài chậu cây bé xếp ngay ngắn cạnh nhau.
Trí Dũng đẩy cửa gỗ, bước vào nhà. Đó là một ngôi nhà “tầng rưỡi”, đồ đạc sơ sài nhưng ngăn nắp.
Anh bật đèn, xếp giày gọn vào góc, rồi đi thẳng lên tầng trên. Nói là “tầng trên”, chứ thực ra nó là cái tầng xây chắp vá thêm, vừa vặn làm phòng ngủ.
Hoài Thương cứ đứng đó, nép vào tường, quan sát ngôi nhà lạ lẫm với nó.
Trí Dũng đi xuống, đưa cho Hoài Thương một cái áo phông, một chiếc quần dài. “Em đi tắm trước đi! Mặc thử bộ này, chắc là vừa. Đây là quần áo cũ của anh, cỡ nhỏ từ hồi xưa”.
Nói rồi, anh dẫn nó vào nhà tắm, nhà vệ sinh, ở trong cùng. Mọi thứ rất ngăn nắp, từ cái bàn chải đánh răng, bánh xà phòng, chiếc khăn mặt. Nhờ vậy, dù không gian chẳng rộng rãi, nhưng trông vẫn rất thoáng. Hoài Thương thụ động làm theo tất cả chỉ dẫn của Trí Dũng.
Chỉ đến khi cánh cửa nhà tắm khép lại, được lột bỏ chiếc váy ren hở lỗ chỗ, để làn nước ấm nóng ve vuốt thân mình, Hoài Thương mới thấy cơ thể được thả lỏng. Suốt cả ngày hôm nay, nó đã phải căng cứng với mọi thứ, mọi diễn biến hành hạ cảm xúc. Giờ là lúc nó cảm thấy thoải mái và an toàn nhất.
Phía bên ngoài, Hoài Thương nghe thấy những tiếng loạt soạt, kéo đồ.
Tắm xong, nó bước ra, có phần ngượng nghịu với bộ đồ đàn ông lụng thụng, cả áo và quần. Trông nó khác hẳn khi trước, lúc mặc cái váy ren hở hang và đi guốc lênh khênh. Giờ nó trở về đúng tuổi của mình, một con bé 19 tuổi dễ thương và lành lành.
Nó thấy Trí Dũng đã trải sẵn một cái chiếu, sắp chăn, gối ở tầng 1. Hóa ra tiếng loạt soạt khi nãy là anh tranh thủ bố trí chỗ ngủ.
“Em xong rồi đấy à? Em lên tầng trên, ngủ ở giường anh. Anh đã chuẩn bị rồi đấy! Anh sẽ ngủ ở đây”.
“Thôi, anh cứ lên trên. Em ngủ ở đây. Em quen rồi, em nằm ở đâu cũng được”, Hoài Thương bối rối.
“Không sao! Em cứ lên đi, không phải ngại. Chả lẽ nhà có 1 đàn ông, 1 phụ nữ, mà anh để cho em làm ‘bảo vệ’ trông cửa à?”, Trí Dũng có phần trêu chọc, cho cô bé khỏi ngại.
Chẳng thể cố chấp được, Hoài Thương bước lên cầu thang. Đấy là một cái cầu thang rất hẹp, có phần dốc, đúng kiểu xây tiết kiệm diện tích của lối nhà thời xưa.
Kéo cánh cửa phòng ngủ ra, Hoài Thương lập tức cảm nhận được sự ấm áp. Chẳng bàn, chẳng ghế, chỉ có một tấm đệm trải chiếu lên trên cho đỡ nóng, chăn gối và một cái “bàn khay” nhỏ dưới đất để đặt máy tính. Tất cả đơn sơ và ngăn nắp y như tầng 1. Khác chăng, là giáp tường có một cái kệ đầy sách. Ôi! Hoài Thương đi hết từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.
Trong suy nghĩ của nó, cảnh sát hình sự là những người cực kỳ oai nghiêm, dũng cảm, cứng rắn và… khô khan. Có vậy, thì họ mới trấn áp được phường tội phạm lì lợm, lắm chiêu trò chứ! Nhưng trước mắt Hoài Thương, thì cảnh sát hình sự còn là người yêu sách.
Nó lướt qua giá sách, những tựa rất khác nhau: “Tâm lý học”, “Người tù khổ sai”, “Bá tước Monte Cristo”, “Tuyển tập Azit Nêxin”, “Nắng đồng bằng”… Hoài Thương rất thích đọc, nhưng nó đã quên mất cái thú này, sau thời gian làm công nhân buồn chán lúc trước. Hồi ấy, cứ đi làm về là người mỏi rã rời, chỉ muốn vùi đầu vào ngủ, để lấy sức cho hôm sau… làm tiếp.
Hoài Thương nhẹ nhàng đặt mình nằm xuống, kéo chăn đắp. Một mùi thơm nhè nhẹ trộn với mùi ám thuốc lá. Chả hiểu sao, nó thấy dễ chịu. Thêm một lần nữa, cơ thể Hoài Thương được thả lỏng êm ái như thế. Cảm giác ấm áp và thư giãn.
Nó nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Một ngày quá dài với nó, dẫu cho ngày ấy cũng chỉ có 24 tiếng như các ngày khác…
*****
Sáng.
Hoài Thương bước xuống phòng, thì đã thấy Trí Dũng để sẵn một chiếc bánh mỳ patê với chai nước tăng lực Number 1. Nó giương đôi mắt ngơ ngác lên nhìn anh. Sao trên đời này lại có người đàn ông chu đáo như vậy nhỉ? Có lẽ anh là người thứ hai mang lại cảm giác ấm áp cho nó đến thế. Người đầu tiên là ông nội… Những đứa bạn trai cùng lứa của nó rặt một lũ vô tư, hời hợt, kiêu ngạo, khiến một người nhạy cảm như nó không tài nào rung động được.
“Em dậy rồi à? Ăn tạm nhé! Cái món này quen thuộc với anh lắm, nên anh chuẩn bị luôn cho em”, Trí Dũng nói mà không nhìn nó. “Đi làm án đêm hôm, hoặc nhỡ bữa, bọn anh cứ một bánh mỳ, một nước tăng lực, là thấy tỉnh táo, sảng khoái, lại có đủ năng lượng chiến đấu”.
“Em… cảm ơn anh!”.
…
“Em định sắp tới sẽ thế nào?”, Trí Dũng hỏi khi thấy Hoài Thương có vẻ thoải mái, sau khi nó đã ăn xong chiếc bánh và uống hết chai nước.
“Em không biết nữa! Có lẽ em sẽ đi làm công nhân trở lại. Lúc trước, em nghĩ nó thật nhàm chán, nhưng giờ thì em thấy nó còn tốt hơn nhiều thứ khác”, Hoài Thương nói ngập ngừng, khi nó thoáng rùng mình, vì lỡ nhắc lại câu chuyện khiếp đảm, khi nó bị ép vào cái “động quỷ” ấy.
Tự dưng, nó thấy Trí Dũng trầm ngâm.
“Em không còn bất kỳ chỗ dựa nào ở gia đình, đúng không? Bởi thế mà…”, anh ngập ngừng, rồi thở dài.
Hoài Thương mở to mắt. Tự nhiên, nó hỏi ngược lại anh – một cảnh sát hình sự dày dạn: “Tại sao anh tin tưởng em, tin tưởng điều em nói, ngay từ lần đầu tiên?”.
Trí Dũng khẽ mỉm cười, nhưng nụ cười của anh lạ lắm. Nó có gì đó phảng phất sự chua chát, cay đắng. Rồi anh trả lời một cách qua loa. “Làm sao em nói dối cảnh sát được chứ?”.
Nói đoạn, anh quay trở lại phần đầu câu chuyện của hai người: “Anh thấy em không có chỗ dựa, nên mọi sự định hướng của em dường như chỉ mang tính bản năng. Tại sao em nghĩ quay lại làm công nhân là tốt, khi trước đó, em từng rất muốn từ bỏ? Anh không nói làm công nhân là xấu, nhưng nếu em có thể làm những nghề nghiệp thú vị hơn, trí tuệ hơn, thì tại sao không thử?”.
“Có những người sở hữu năng khiếu ở một lĩnh vực nào đó, nhưng họ không biết, hoặc không phát huy được nó, để trở thành kỹ năng chuyên nghiệp. Họ chọn sai con đường. Rồi khi qua mốc 30 tuổi, 35 tuổi, họ không lên được trình độ khá hoặc giỏi, mà cứ làng nhàng trong cái nghề đã chọn. Đó chính là sự lựa chọn sai lầm. Em còn trẻ, có nhiều cơ hội, đừng nhắm mắt làm bừa, phó mặc cho số phận”.
Hoài Thương nghe không chớp mắt. Trời ạ! Lần đầu tiên trong đời, có người nói với nó những điều như thế. Nhưng nó thì có năng khiếu gì chứ?
“Em… em không biết mình có thể giỏi thứ gì. Khi đi học, em thích nhất môn Văn. Em thích viết lách. Nhưng em không biết có thể làm gì với cái đó. Em…”.
“OK, ít ra là em có nhận ra sở thích của mình. Vậy thử xem sẽ làm được gì. Anh sẽ hỏi vài người bạn xem có mối quan hệ nào hỗ trợ không”.
Cuộc nói chuyện buổi sáng khép lại với những tia hy vọng khấp khởi.
*****
Trí Dũng rất bận.
Anh đi suốt cả ngày. Sáng thì đi làm hồ sơ vụ án, trinh sát đối tượng, chiều hoặc tối thì đi làm chốt 141 theo ca, đêm có thể biền biệt theo nhiệm vụ đột xuất hoặc phối hợp, chặn bắt bọn đua xe.
Tóm lại, Trí Dũng có ngôi nhà đang thuê, mà giờ, nó cứ như nhà của… Hoài Thương vậy.
Lúc anh đi làm, nó loanh quanh dọn dẹp, rồi tranh thủ đọc sách trên giá. Hóa ra trên đời này lại có những cuốn sách hay ho, thú vị đến vậy!
Có những truyện xúc động, nó đọc xong thì khóc rưng rức lên. Có truyện thì khiến nó cười không khép miệng được. Nhưng có điều rất thú vị mà Hoài Thương phát hiện ra. Đó là khi đọc chậm, đọc kỹ, thì nó tìm thấy điểm chung trong các đầu sách mà anh yêu thích, là tất cả đều có những lớp nghĩa ẩn sâu phía dưới.
Một khi khám phá được những lớp nghĩa đó, nó thấy bản thân như được nâng tầm tri thức lên, suy nghĩ thông suốt và thấu đáo hơn. Đó cũng là lúc nó hiểu lời chia sẻ của anh: Đọc sách, hay đọc bất kỳ cái gì, thì cũng nên ngẫm nghĩ về hàm lượng tư duy trong đó, và cảm nhận lối diễn đạt. Hay thật, cảnh sát hình sự mà cứ như là…
*****
“Em nói là thích đọc và thích viết, đúng không?”, Trí Dũng hỏi lại Hoài Thương, khi cả 2 ngồi ăn bữa cơm tối chung hiếm hoi.
“Vâng, thời gian vừa rồi, ở nhà có nhiều thời gian, em đã đọc các cuốn sách của anh. Em thấy rất hay và ý nghĩa”.
“Anh có một người bạn là nhà báo. Hôm trước, anh đã ngồi và nói chuyện với anh ấy. Anh ấy nói tòa soạn báo đó đủ người rồi, lâu nay không tuyển thêm. Nhưng có một tạp chí mà anh ấy quen, thì mới mở và đang rất cần tuyển phóng viên. Em thử sức xem sao nhé?”.
Ôi! Phóng viên ư? Có trong mơ, Hoài Thương cũng không bao giờ nghĩ nó lại có thể làm phóng viên. Trong suy nghĩ của Hoài Thương, phóng viên là một khái niệm gì đó to tát, “vĩ đại” lắm. Những người viết lách về thời sự, xã hội, ghi nhận hơi thở cuộc sống hằng ngày cơ mà. Cho nên nó… sợ, nó rụt ngay lại cái sự tự tin mới nhen nhóm thời gian qua.
“Sao em lại e ngại? Có gì đâu nhỉ? Bạn anh bảo, vị trí phóng viên tập sự đó không quan trọng có bằng cấp, mà cần người có năng khiếu, làm được việc. Còn bằng cấp thì học và lấy sau được. Tạp chí đang cần người mà”, Trí Dũng động viên.
“Em lo gì, chưa nghe có nhà báo ‘9 điểm 3 môn’ à?”, anh cảnh sát hài hước để giảm bớt căng thẳng cho nó. “Anh đùa thôi! Làm báo hoặc viết văn chương thì có một cái rất hay, em biết là gì không? Đó là nghề viết lách thì không thể ‘lơ mơ’ được. Một tác phẩm viết ra, nếu nó hay, thì không ai có thể chê dở. Và ngược lại, một khi đã dở thì không thể ép người khác khen hay. Cho nên nếu em có năng lực, làm được, thì không phải lo. Muốn có tác phẩm viết hay, thì phải dùng cái đầu, kết hợp với cảm xúc”.
Ơ? Hay thật! Hoài Thương chẳng biết anh là cảnh sát hay là nhà văn, nhà báo nữa. Vì anh nói rất chắc chắn và đầy tự tin. Nhưng cũng nhờ sự động viên đó, Hoài Thương thấy hứng khởi hơn hẳn. Nó gật đầu nhận lời thử ứng tuyển vào vị trí phóng viên tập sự.
Quả là nhiều điều thú vị đang chờ trước mắt…
*****
“Ở nhà suốt như vậy, em có thấy chán không?”, tin nhắn mà Trí Dũng gửi cho Hoài Thương lúc trưa, khiến nó hơi ngạc nhiên.
Rồi chẳng để cho nó kịp trả lời, anh lại nhắn tiếp luôn: “Sắp tới, nếu được nhận làm phóng viên tập sự, thì em sẽ phải đi nhiều hơn, quan sát và cảm nhận nhiều hơn, thì mới làm việc được. Tối nay, anh đi làm chốt 141. Anh cho em theo cùng để thay đổi không khí, và quan sát cuộc sống luôn nhé!”.
Thú vị thật! Hoài Thương thấy hào hứng.
Bảy giờ tối, anh đèo nó ra khu vực mà tổ công tác 141 sắp làm nhiệm vụ. Khi ấy, mọi người đang tích cực chuẩn bị căng dây phản quang, xếp bàn ghế, nhận công cụ hỗ trợ…
“Ôi, anh Dũng dẫn ai tới thế này???”, một cậu trẻ trong chốt 141 kêu lên. Mọi người nhìn hấp háy.
“Đã bảo rồi, em họ anh mà chúng mày không tin! Nay cho em nó ra đây hít thở không khí tí, cũng là quan sát sự vất vả của mọi người luôn”, Trí Dũng vừa đáp, vừa kéo chiếc băng đỏ lên, cài vào tay áo.
Hoài Thương cứ đứng nhìn tất cả, vừa thấy lạ lẫm, lại vừa thấy gần gũi.
Lạ là vì lần đầu tiên nó được đứng gần chốt 141, chứng kiến cụ thể với cái tâm thế như thế. Lần trước, khi bước qua dây phản quang, nó đã run như cầy sấy.
Còn gần gũi vì các anh công an mặc áo vàng, áo xanh, thường phục, nói chuyện rất vui vẻ với nó. Họ khác hẳn ấn tượng nghiêm khắc, cứng rắn mà nó nghĩ. Và gần gũi cũng là vì có Trí Dũng…
Nó nem nép một góc, để không ảnh hưởng tới hoạt động của mọi người. Ánh mắt nó tập trung chủ yếu vào anh. Trí Dũng đúng là một cảnh sát hình sự có nghề!
Với những người được mời vào chốt 141 kiểm tra, anh tỏ ra lịch sự, nhẹ nhàng. Thậm chí, có ông bác vừa vào đã gay gắt, sấn sổ hỏi “tôi làm gì mà các anh bắt tôi?”, thì Trí Dũng chỉ cười xòa. “Chúng tôi mời bác vào chứ ai bảo là bắt bác? Bác vui lòng mở cốp xe lên, xuất trình giấy tờ, xong xuôi là lại mời bác di chuyển tiếp thôi ạ. Đây là công việc phải làm, bác thông cảm…”.
Nghe thế, thấy cái thái độ cảnh sát như thế, ông bác lập tức hạ hỏa ngay.
Còn với những đối tượng xăm trổ, hổ báo, Trí Dũng nói giọng nghiêm khắc hơn, và luôn kiên quyết trước bất kỳ lời xin xỏ “cù nhây” nào.
Công việc tại chốt 141 trông thế mà tất bật ra trò, người vào người ra liên tục.
Bỗng…
“Kìa, nó nuốt! Ah! Cái đ*t mẹ thằng này! “, tiếng ai đó thét lên, khiến tất cả giật nảy.
Đang đứng kiểm tra một người khác, Trí Dũng lập tức lao đến chỗ phát ra tiếng thét. Đó là chỗ của một cặp đôi nam nữ đứng trong chốt 141. Cặp này vừa vào một lúc trước đó, đang bị một cán bộ cảnh sát kiểm tra, thì người ta thấy vang lên tiếng thét nảy mình.
Hoài Thương hết cả hồn! Nó thấy Trí Dũng dùng cả hai tay… bóp chặt cổ của gã đàn ông. Rồi anh dùng chân đá thẳng vào chân trụ của gã kia, khiến gã ta ngã chồm về phía trước. Trí Dũng cứ một tay ôm chặt lưng đối tượng, giữ thế nửa ghì, nửa đỡ, một tay vuốt vuốt cổ gã. “Mẹ mày chứ! Nôn! Nôn ra! Nôn!”.
Tất cả diễn ra chỉ trong nháy mắt!
Khi những đồng đội khác lao tới hỗ trợ Trí Dũng, thì gã đối tượng kia đã nôn, ọe ra cái túi nilon gì đó bám đầy chất nhầy nhụa, cả máu, cả đờm dãi. “Ọe! Ọc! Ọe!”.
Nhưng khi vừa nôn ra xong, gã đó lại chồm lên, đẩy người xung quanh ngã dúi dụi. Trong khi đó, đứa con gái đi cùng gã thì thét lên: “Công an đánh người! Công an đánh người, mọi người ơi!”.
Nhưng sự hỗn loạn do 2 đứa đó gây ra chỉ tồn tại vỏn vẻn vài giây. Hoài Thương thấy Trí Dũng vung tay rất nhanh. Bụp! Hự! Gã đối tượng đang vùng vẫy bỗng co bụng, cúi gập người xuống. Hự! “Chấp hành chưa???”, tiếng Trí Dũng thét đanh gọn. Anh ép gã đó nằm sấp xuống hẳn, tì gối lên lưng, khóa chặt tay, không cho gã vùng vẫy thêm chút nào nữa!
“Khống chế cả con kia, không cho nó dùng điện thoại gọi đánh động! Còng, còng bọn nó lại!”, tiếng một cảnh sát vang lên.
Trật tự được lập lại.
Gói nilon mà gã kia định cố nuốt chứa đầy ma túy đá bên trong. Gã đó đã có 5 tiền án, tiền sự. Bảo sao mà liều và lì thế!
*****
Tay Trí Dũng hơi rướm máu, nhưng đã được băng tạm lại. Ngồi sau chiếc xe Dream “chiến” của anh trên đường về, Hoài Thương vẫn chưa hết sợ. Từ lúc chứng kiến pha hành động ở chốt, nó cứ lập cà lập cập.
“Công nhận em có tướng ‘sát’ tội phạm thật đấy! Vừa ra buổi đầu tiên là đã gặp vụ việc rồi!”, Trí Dũng nói đầy vui vẻ, cốt để cho nó đỡ sợ. Dường như anh rất hiểu tâm lý người đối diện. Bởi thế, anh biết rằng Hoài Thương cảm thấy thế nào, khi lần đầu chứng kiến pha trấn áp, khống chế tưởng chỉ có trên phim.
“Sao, em đã đỡ sợ chưa?”, anh hỏi nó, khi cả hai đã yên vị trong nhà, và uống ly trà gừng ấm áp trước khi ngủ.
“Em… em không tưởng tượng được. Em thấy rất sợ. Mọi thứ quá nhanh, cứ như chớp mắt”.
“Thực ra như thế là mình đã cứu nó đấy! Liều lĩnh quá, tại nó vào tù ra tội nhiều rồi! Nếu nuốt gói nilon ma túy đó vào bụng, bị rò ra, nó sẽ chết. Còn anh em thì phải đưa nó đi gắp, rửa ruột. Đủ thứ khổ ải. Cho nên anh phải dùng võ để bóp chặt phía cổ, không cho nó nuốt vào. Vừa bóp, lại phải vừa bẻ người cho nó cúi gập xuống, chúi về phía trước, thì mới nôn ra được. Chỉ tích tắc là nó nuốt trôi”, Trí Dũng giải thích trong ánh mắt tròn xoe của Hoài Thương.
Hóa ra làm gì thì cũng phải có kỹ năng, sự hiểu biết. Đúng là cuộc sống này rộng lớn thật, nó nghe xong thì mới ngộ ra tại sao những diễn biến lại xảy ra như vậy.
Trước khi chia tay Hoài Thương, để nó lên tầng ngủ, Trí Dũng nháy nháy mắt: “Sau này, nếu suôn sẻ, em sẽ thành nhà báo đấy! Nhớ tìm cách viết sao cho thực tế, biểu lộ được cuộc sống trong đó. Như em thấy đấy, thông tin phim ảnh, sách vở của mình viết về cảnh sát vẫn rất sáo. Gì mà gặp tội phạm, lại phải ‘chào anh, đề nghị anh…’. Còn chả được gọi là ‘mày – tao’ nữa ấy chứ! Trong khi giữa lúc một sống hai chết ấy, những bản năng con người bộc lộ qua ngôn ngữ, cử chỉ là đương nhiên. Có chăng, bộc lộ ra, thì người có kỹ năng vẫn phải làm chủ hoàn cảnh, đạt mục đích là tốt rồi”.
“Mục đích của anh là trấn áp nhằm bắt được tội phạm, thu gói ma túy và không để xảy ra điều gì nguy hiểm cho cả hai bên, đúng không?”, Hoài Thương hỏi lại.
Nó thấy Trí Dũng bật cười. “Phải, phải rồi! Cô bé này tiến bộ! Quan trọng là mục đích đó. Chứ chả lẽ lại hành động như phim với truyện ấy à? ‘Thưa anh tội phạm, mời anh bỏ cái gói nilon mà anh vừa nuốt ra. Nếu không, tôi lại xin thưa anh thêm phát nữa đấy!'”, anh nhăn mặt, tay giơ lên miệng làm micro, rồi làm điệu bộ giả giọng thuyết minh phim.
Hoài Thương bật cười vui vẻ. Trí Dũng cũng cười. Vui thật!
*****
Hôm nay, Trí Dũng xin nghỉ phép một ngày.
Lâu lắm rồi, anh mới nghỉ phép. Bình thường, anh bận tối mắt mũi, từ sáng tới đêm, có khi xuyên luôn. Là do Trí Dũng lành nghề, được các sếp rất tin tưởng. Hồ sơ vụ án khó là giao cho anh. Bắt đối tượng “bướng” không thể thiếu anh. Và chốt 141 cũng luôn cần anh.
Nhưng nay, Trí Dũng phải nghỉ phép. Bạn anh hẹn cafe, để giới thiệu công việc ở tòa soạn tạp chí mới, mà có lần, anh ấy đã nói. Trí Dũng đèo Hoài Thương đi. Cái con bé làm gì có ai là chỗ dựa cơ chứ!
Mọi việc có vẻ rất suôn sẻ. Bạn Trí Dũng nhiệt tình, vui vẻ. Trong khi đó, tạp chí kia thì mới mẻ, rất thiếu người.
“Vậy nhé, anh chỉ là cầu nối thôi! Em cứ chủ động hỏi han các anh chị đồng nghiệp, để nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới”, bạn của Trí Dũng động viên.
Hoài Thương được dẫn lên tòa soạn tạp chí ở ngay gần đấy. Trí Dũng để cho nó lên một mình, lấy cớ là anh ra ngoài làm hơi thuốc. “Đừng lo gì cả, không làm ở đây thì về, làm chỗ khác! Chả có gì phải sợ hay căng thẳng!”, Trí Dũng ghé tai Hoài Thương, thì thầm với giọng tếu tếu.
Lạ thật! Chả hiểu sao, nghe anh động viên như thế, bao nhiêu lo lắng tan sạch hết. Nó mỉm cười toét miệng, tự tin bước.
Trưởng Ban Thư ký Tòa soạn Đức Cường của tạp chí đó chăm chú nhìn Hoài Thương. Anh ta bảo, bản thân đã có kinh nghiệm làm báo hơn 10 năm rồi, cho nên anh ấy rất hiểu những người trẻ như nó.
“Nghề này đòi hỏi năng khiếu, nếu em quan sát tốt, phân tích tốt và viết tốt, thì thậm chí chả cần bằng cấp gì cả, vẫn làm ổn. Quan trọng là sản phẩm. Giờ em đọc cho anh bài này, hiểu thông tin đi, rồi biên tập co ngót số chữ lại cho anh, còn khoảng 1/4 thôi”.
Hoài Thương hơi hồi hộp. Nó đang đứng trước thử thách tri thức thực sự đầu tiên trong đời. Cầm tờ giấy in bài báo được yêu cầu, nó vừa lẩm nhẩm đọc, vừa nhớ những lời chia sẻ của Trí Dũng. “Muốn có tác phẩm viết hay, thì phải dùng cái đầu, kết hợp với cảm xúc”.
Vậy là Hoài Thương cứ cắm cúi làm. Nó viết lại các ý chính của bài báo. Tính toán xem chi tiết nào không thể bỏ, chi tiết nào bỏ được. Co ngót những 1/4 thì nhiều quá! Ban đầu, nó nghĩ là không thể. Sau đó, nó hít một hơi thật dài, nhìn lại. Phải! Phải biết mạnh tay lược bỏ cái không cần thiết, miễn ý cốt lõi giữ lại là được.
Rồi Hoài Thương lên đề cương, viết lại những ý quan trọng nhất mà nó giữ lại. Nó vừa “dùng cái đầu”!
Khi viết lại, nó có thêm chút mô tả chi tiết cho rõ hơn, nhờ vậy, khả năng tương tác, truyền tải để tác động vào cảm xúc người đọc tốt hơn…
Xong xuôi, nó nộp bài cho Đức Cường, rồi nín thở chờ đợi.
Hoài Thương thấy vị trưởng ban thư ký tòa soạn nhíu mày đọc, ngẩng lên nhìn nó, rồi lại cúi xuống đọc. Nó thấy anh ấy gạch gạch gì đó trên tờ giấy.
“Em nói là em chưa từng đi học đại học, đúng không?”, Đức Cường chăm chú nhìn nó.
“Vâng… Em học xong cấp 3 thì đi làm công nhân luôn. Em chưa từng thử thi…”, Hoài Thương rụt rè. Tự nhiên, nó cảm thấy mất hết tự tin về sản phẩm viết mà nó vừa nộp. Chắc tệ quá rồi, anh ấy vừa gạch, vừa hỏi về trình độ học vấn đấy thôi!
“Bài em viết lại… Ừm… Về mặt trình bày là tốt, rõ đoạn, rõ ý, chấm phẩy các thứ ổn. Trình bày như vậy cho thấy là em có năng khiếu diễn đạt. Về mặt ý tứ thì rất tốt, rõ ràng từng phần thông tin. Và dù chỉ là một bài ngắn, lối viết trung lập, nhưng lại có những chi tiết tác động được vào cảm xúc người đọc. Tốt, rất tốt!”.
Tai Hoài Thương ù đi. Trời ơi, có phải nó được khen đấy không? Vừa nãy, căng thẳng và lo lắng bao nhiêu, thì giờ, nó vỡ òa sung sướng bấy nhiêu. Những nhát gạch của anh nhà báo hóa ra là để làm nổi bật các ưu điểm trong bài của nó.
“Ôi, Trí Dũng ơi, em được nhận vào làm phóng viên tập sự rồi này! Trời ạ, có trong mơ, em cũng chẳng thể ngờ…”.
*****
“Tình hình này là phải đi ăn mừng cái nhỉ! Cô bé giỏi quá đi! Xin chúc mừng!!!”, Trí Dũng cười toe toét. Bình thường, anh cười đã dễ thương rồi. Hôm nay, sao nụ cười ấy dễ thương quá đi mất thôi.
Trí Dũng đưa Hoài Thương tới một quán lẩu, nướng ở góc phố. Mùi đồ ăn thơm nức. Thời tiết thì đẹp vô cùng. Sao ngày hôm nay, cái gì cũng đẹp thế nhỉ?
“Hôm nay phá lệ, không uống nước tăng lực Number 1 nữa nhé? Ngày nào cũng ăn bánh mỳ patê với nước ấy, em có ngán không? Nay uống 1 chai bia ăn mừng nhé?”, Trí Dũng hào hứng. Đương nhiên, Hoài Thương gật đầu ngay. Lúc này, anh nói gì, nó cũng gật hết cả. Vui quá đi mà!
*****
Trên đường về, Hoài Thương vẫn chưa hết cái lâng lâng sau buổi thử việc. Vui sướng lắm chứ, lần đầu tiên trong đời, nó đứng trước cái thử thách tri thức đúng nghĩa như thế, mà nó lại làm tốt, còn được khen nữa chứ!
Cộng thêm men bia, Hoài Thương thấy cơ thể nó như muốn bay lên vậy! Rồi bất chợt… nó vòng tay qua bụng Trí Dũng, ôm chặt, chứ không bám hai cạnh hông như mọi khi.
“Em cảm ơn anh!”, nó thì thầm vào tai Trí Dũng.
Nó thấy anh hơi gật gù nhưng vẫn cứ vít ga, chạy xe một mạch. Chả lẽ anh cảnh sát hình sự lại đang bối rối?
Cũng may, Trí Dũng vẫn “nhớ” đường, để hai người về đúng nhà. Là bởi… sau câu nói “Em cảm ơn anh” đó, thì Hoài Thương còn thì thầm tiếp một câu khác vào tai Trí Dũng. Câu ấy là… “em yêu anh”.
…
Hôm ấy là một ngày đáng nhớ!
Đó là ngày đánh dấu việc Hoài Thương được nhận đi làm.
Đó là ngày Hoài Thương mạnh dạn tỏ tình với Trí Dũng.
Và đó là ngày mà nó và anh ngủ chung một giường…
Có trong mơ, nó cũng không thể tưởng tượng ra có một ngày mà cả tình yêu và công việc cùng thăng hoa như thế. Tất cả đẹp như mơ vậy!
*****
Kể từ khi chính thức yêu nhau, sợi dây gắn kết giữa Hoài Thương và Trí Dũng không thay đổi nhiều so với trước. Là bởi giờ đây, nó bận rộn hơn với công việc ở tòa soạn, trong khi Trí Dũng thì vẫn cứ phải đi biền biệt suốt.
Dẫu vậy, lúc ở cạnh nhau, cả hai đều trân trọng khoảng thời gian ấy. Dù không thường xuyên có những khoảng thời gian như vậy, nhưng Hoài Thương và Trí Dũng đều hiểu rằng, người kia là chỗ dựa tình cảm và tinh thần cho mình.
Sáng hôm ấy, Hoài Thương dậy sớm để sửa soạn đi làm. Nó được phân công đi dự một sự kiện.
Khi bước xuống cầu thang, nó giật mình thấy Trí Dũng đang hí hoáy ngồi viết gì đó ở tầng 1. Anh dậy sớm hơn cả nó. Hoài Thương ngỡ Trí Dũng đã đi làm trước rồi.
“Anh viết gì mà không bật đèn cho sáng lên? Ngồi viết tối thế hại mắt đấy!”.
Bị giật mình, Trí Dũng ngẩng lên, rồi nhanh chóng gấp đôi tờ giấy, đút vào túi áo. “À, anh đi làm đây. Em ngoan nhé!”.
Phản ứng kỳ lạ của anh khiến Hoài Thương thấy tò mò. Từ khi đi làm báo, nó càng tự hào với cái tính ấy. Sếp Đức Cường từng bảo nó, người làm báo cần có 2 “đức tính” là tò mò và nhạy cảm.
“Anh như đang giấu em điều gì ấy? Trí Dũng!”.
“Không, làm gì có! Anh ghi mấy gạch đầu dòng địa chỉ đối tượng để đi trinh sát thôi! Anh đi trước đây nhé!”.
*****
Yêu nhau, nhưng Hoài Thương chưa biết gì nhiều về gia đình của Trí Dũng.
Lúc ở cạnh nhau, nó tâm sự hết hoàn cảnh của mình ra, và được anh ôm vào lòng, dùng cằm xoa nhè nhẹ lên đầu để an ủi, động viên.
Nhưng khi nó hỏi anh về gia đình, thì anh chỉ nói sơ sài rằng, gia đình anh cơ bản như mọi người khác. Cả nhà chỉ có mình anh sống và làm việc ở đây, còn tất cả đều ở quê. Vậy thôi!
Đối với chuyện này, Hoài Thương cũng không tò mò thêm. Nó nghĩ cái gì phải đến, rồi cũng sẽ đến thôi…
*****
Buổi trưa.
Đang ngồi ở tòa soạn, Hoài Thương thấy cuộc gọi đến của Trí Dũng.
“Em đang làm việc à? Có muốn khai thác vụ việc nóng không? Qua đây!”, anh nói gấp gáp.
Hoài Thương nhanh chóng có mặt ở địa chỉ mà Trí Dũng nhắn cho nó. Đến nơi, nó giật thột.
Đó là một con phố không quá rộng, nhà cửa san sát. Đầu phố, rào chắn của công an xếp kín. Cảnh sát cầm gậy phân luồng giao thông. Không ai được vào!
Trí Dũng ra đón nó. Anh trao đổi ngắn gọn với cảnh sát gác ở đầu phố, rồi dẫn Hoài Thương vào trong. Phía trong đó đầy ắp cảnh sát! Nó thấy cả cảnh sát cơ động, cảnh sát 113, cảnh sát hình sự mặc áo giáp chống đâm. Khuôn mặt của họ rất tập trung. Tay họ cầm dùi cui, súng điện, có cả lá chắn ghi các dòng chữ CSCĐ, CS 113 nữa…
“Báo cáo sếp! Đây là người quen của em, đang làm phóng viên ở tạp chí… Em dẫn cô ấy đến để chứng kiến hiện trường thực tế, về viết bài cho sinh động ạ”, Trí Dũng trình bày với một người đàn ông mặc thường phục, trông rất rắn rỏi.
Vị sếp nhíu mày. “Nguy hiểm lắm! Để phóng viên vào đây làm gì? Mà có báo nào được cho tiếp cận hiện trường đâu…”.
Trí Dũng vội ngắt lời: “Vâng, em hiểu ạ! Em đã quan sát kỹ địa hình, địa vật, có một vị trí đối diện tòa nhà có thể quan sát tốt, đảm bảo an toàn. Em biết cô ấy, biết khả năng tác nghiệp. Em chỉ muốn có phóng viên chứng kiến, về viết bài cảnh báo cho xã hội thôi ạ”.
“OK!”, vị sếp gật đầu.
Trí Dũng dẫn Hoài Thương đến một cầu thang tăm tối. Vừa cầm tay dắt nó lên, anh vừa cung cấp thông tin sự việc cho nó nắm: “Thằng này dùng ma túy đá nhiều năm rồi. Cứ cho đi trại cai, về nó lại tái nghiện. Hôm qua, nó chơi ma túy xong thì lên cơn ngáo, đánh mẹ nó, rồi cầm dao đi dọa chém, dọa giết người ở khắp khu phố. Cảnh sát đến thì nó cố thủ trong nhà, dùng cả dao phóng lợn và bình xăng để chống đối, đòi liều chết”.
“Lát nữa, anh em sẽ đột kích để khống chế nó. Sẽ rất căng thẳng! Em đứng ở mé cầu thang bên này thì có thể quan sát được hết, mà rất an toàn”.
Hoài Thương nín thở. Nó chưa từng nghĩ bản thân có thể tác nghiệp tại một hiện trường căng như dây đàn đến vậy. Mà có lẽ, không mấy phóng viên có cái may mắn ấy…
Giờ G đã điểm!
Ba mũi trinh sát tiến theo 3 hướng, tiếp cận căn phòng của đối tượng trên tầng 2. Mọi việc được chuẩn bị rất kỹ càng, thận trọng, bởi đối tượng ngáo đá rất manh động và khỏe. Gã ngáo này lại còn cao đến 1m8 nữa.
Hoài Thương thấy Trí Dũng đi tiên phong ở mũi chủ công. Anh đội mũ bảo hiểm cảnh sát, mặc giáp chống đâm, tay đeo găng bắt dao, tay cầm dùi cui thép. Phía sau lưng, Trí Dũng giắt một bình xịt hơi cay cỡ lớn, còn bên hông đeo súng.
Mũi chủ công gồm 4 cảnh sát liền nhau, từ từ tiến sát cánh cửa nhôm khép im lìm…
Đột nhiên, từ trong nhà, những tiếng chửi thề vang lên. “Đ*t mẹ chúng mày! Sắp vào rồi đấy à? Ha ha, được, vào đi. Bố mày sẽ giết hết, chém hết. Cái đ*t con mẹ nhà chúng mày nữa. Hôm nay, tao sẽ phải giết, giết sạch. Ha ha”.
“Tuấn! Mày điên à? Sao lại nói thế? Tao đây!”, Trí Dũng bất ngờ lên tiếng. Anh vẫn đang ở vị trí tiên phong của mũi chủ công.
“Mày là thằng nào? Đ*t mẹ mày! Vào đây, bố mày xiên từng thằng một!”.
“Tao là cảnh sát khu vực ở đây. Tuấn! Bình tĩnh đi. Không ai làm gì mày cả, nếu mày bình tĩnh. Tao ở đây là để giúp mày! Nói đi, mày cần gì? Mày muốn gì?”.
“Tao đéo cần gì! Tao muốn giết hết lũ chúng mày! Vào đây, vào đâyyy!”, gã ngáo đá thét lên, ném đồ đạc loảng xoảng trong nhà, và lại cất tiếng cười man rợ.
“Bình tĩnh đi, Tuấn! Tao nhắc lại, không ai làm gì mày hết! Mày cần tiền, đúng không? Tao cho mày tiền!”, Trí Dũng vẫn bình tĩnh và đanh thép.
Chứng kiến cái bầu không khí căng thẳng ấy, Hoài Thương thấy nó như bị ngạt thở. Khủng khiếp quá!
Một kẻ ngáo đá điên loạn chửi bới, ném đồ liên tục. Gã đó luôn thủ dao phóng lợn bên người, và chẳng biết sẽ châm nổ bình xăng khi nào. Và anh… đang đứng gần vị trí của đối tượng nhất. Hoài Thương căng thẳng quá! Nó vừa sợ, vừa lo cho anh…
“Thôi được, Tuấn! Mày nghĩ sao, nếu tao để tay không đi vào gặp mày? Không có bất kỳ thứ gì cả, tay không, tao với mày. Chỉ nói chuyện. Tuấn! Đừng làm gì dại dột! Mẹ mày lo cho mày lắm!”, Trí Dũng vừa nói, vừa cúi người bò men sát cửa.
“Đ*t mẹ mày! Cứ thử vào đây xem, bố mày xiên ngay! Mày vào giết bố mày chứ gì? Vào đây, vào đây! Mẹ cái đ*t mẹ chúng mày. Mẹ tao vào, tao cũng xiên”.
…
Bỗng, cả 2 bên đều không ai nói năng gì nữa. Im ắng!
Một khoảng im lặng rợn người.
Hoài Thương thấy Trí Dũng ghé mắt qua khe cửa hẹp, rồi chuyển dùi cui cho đồng đội phía sau. Anh ra ký hiệu gì đó với 2 mũi hỗ trợ ở 2 hướng. Xong, Trí Dũng nhẹ nhàng rút chiếc bình xịt hơi cay ở lưng, cầm trên tay, kéo chiếc cửa nhôm ra, và… chui tọt vào trong.
Ôi!
Tim Hoài Thương như ngừng đập. Nó nín thở. Anh vừa vào chỗ đối mặt với “ác quỷ”.
Rồi trong phòng, vang lên tiếng rầm rầm. Tiếng thét. “Á! Á! Ối!”, “Đ*t mẹ mày”, “Ôi”… Rầm!
Cánh cửa phòng bật tung. Trí Dũng lao ra ngoài, ôm mặt. Anh vừa chạy xuống, vừa ra dấu OK. Lập tức, các mũi lao vào. Hơi cay được xịt liên tục, mù mịt. Dùi cui giơ sẵn… Hự! Xong rồi.
Mùi hơi cay sặc sụa khắp cả vùng không gian. Cái mùi khiến ai ngửi phải, cũng ho sặc ho sụa. Hoài Thương đứng bên này cũng thấy mờ cả mắt, và ho không dứt. Nó vừa ho, vừa bịt mũi, lao xuống cầu thang, chạy ra phía Trí Dũng.
Nó thấy anh được đồng đội lấy các chai nước khoáng dội liên tục vào đầu, vào mặt, vào cổ. “Ọe!”, anh nhổ nước bọt liên hồi.
Được một lúc, Trí Dũng mới ngẩng được mặt lên. Mặt anh đỏ lừ, còn mắt thì díp lại. Cay quá!
Trong kia, thằng ngáo đá đã bất tỉnh. Nó bị cảnh sát khóa tay, buộc dây trói khắp người, bê ra. Xe cứu thương đã chờ sẵn, phóng vút đi…
*****
Khi mọi việc kết thúc, Hoài Thương đứng cạnh Trí Dũng, bật khóc.
“Anh! Sao anh lại làm công việc nguy hiểm này vậy? Anh!”.
Trí Dũng ôm nó vào lòng, xoa nhẹ nhẹ vào lưng. “Có gì đâu? Mọi việc ổn hết mà! Ổn hết rồi!”.
Sau đó, nó và anh vào quán cafe ngồi.
“Em quan sát hết mọi diễn biến chứ? Là phóng viên, việc chứng kiến những thứ gây cảm xúc mạnh như thế chắc không hiếm đâu. Quan trọng là em được nhìn, cảm nhận, thì sẽ viết hay hơn, thật hơn”.
Hoài Thương thấy lòng nó dịu lại. Anh vừa đối mặt với hoàn cảnh hiểm nguy, gay cấn. Nhưng anh rất bình tĩnh, anh lại còn phân tích giúp nó hiểu, lo cho cái sự làm nghề của nó nữa chứ!
“Nếu chỉ xem phim hay đọc báo thông thường thì em sẽ băn khoăn, thậm chí đặt ra đầy những câu hỏi ngớ ngẩn như dân mạng. Tại sao không vào, rút súng bắn bụp nó cái đi là xong? Tại sao không phun thuốc mê từ xa, cho nó lăn quay ra đấy, rồi mới vào?… Nó chơi ma túy, bị ngáo, nếu bắn súng điện thì có thể gây nguy hiểm tính mạng. Mà mình làm gì, thì cũng phải ưu tiên phương án vừa giữ mạng cho nó, vừa trấn áp thành công. Thế mới khó!”.
“Khi vào đó, những mặt nạ chống độc, chống khói không dùng được. Phòng quá nhỏ và tối, đeo vào thì mình chưa thấy nó, nó đã tấn công mình rồi. Phải chấp nhận để mặt trần, quan sát, rồi tháo một bên găng bắt dao ra thì mới thật tay để xịt hơi cay. Toàn thứ sách vở không dạy, mà thực tế cuộc sống dạy, em thấy không?”.
Hoài Thương nghe không chớp mắt. Từ lâu nay, lúc nào, nó cũng thích nghe anh phân tích. Nghe xong, nó biết thêm nhiều thứ, toàn thứ phải quan sát, tư duy kỹ, thì mới ra được.
…
Về tòa soạn, Hoài Thương mở máy tính lên, cắm đầu viết một mạch. Nó chọn viết dạng ký sự về vụ việc vừa chứng kiến. Bao nhiêu cảm xúc, rồi những chi tiết hay, thú vị… Chữ ở đâu cứ tuôn ra ào ào. Có cảm hứng, cảm xúc, chất liệu, thì viết chưa bao giờ dễ như thế!
*****
Hôm nay, có chuyện gì là lạ!
Hoài Thương mở cửa tòa soạn, ngạc nhiên thấy ai nhìn nó cũng cười cười. Nó chỉ biết cười đáp lễ, chứ chưa hiểu tại sao. Lúc đặt chiếc túi lên mặt bàn, Hoài Thương thấy Trưởng Ban Thư ký Tòa soạn Đức Cường đi ra, nháy mắt: “Chúc mừng em!”.
“Chuyện gì thế ạ?”.
“Ủa, em chưa biết à? Mà đúng rồi, tài khoản CMS của phóng viên tập sự thì không có thông số view (lượt xem). Chúc mừng em! Bài ký sự của em viết về vụ đột kích của cảnh sát hình sự, khống chế đối tượng ngáo đá cố thủ đó, đã trở thành bài báo được đọc nhiều nhất trong tháng qua! Mà đúng ra, đó chính là bài có lượng đọc cao nhất của cả tạp chí ta, tính từ đầu tới giờ đấy! Ngoài số lượt xem, thì bài báo cũng thu hút sự tương tác và tạo ra hiệu ứng dư luận rất tốt!”.
Hoài Thương há hốc miệng. Trời, tuyệt vời vậy sao?
“Bài rất tốt, giàu cảm xúc, lại cực kỳ chân thực, có nhiều chi tiết đắt giá. Bảo sao độc giả thích thế! Ngoài tiền thưởng dành cho cá nhân, thì hôm nay, tòa soạn quyết định sẽ đi liên hoan buổi trưa, để chúc mừng em và chúc mừng cho cả tạp chí”, Đức Cường vừa nói, vừa vỗ tay. Mọi người hò reo, mừng rỡ.
Đương nhiên, Hoài Thương là người vui nhất. Nó cảm thấy được tiếp thêm rất nhiều cảm hứng và sự tự tin.
Trưa.
Nhà hàng ấy rộn tiếng nói, tiếng cười, tiếng cụng ly. Ai cũng hỉ hả, vì một tạp chí mới ra mắt mà đã có bài báo thu hút được sự quan tâm lớn của dư luận. Làm nghề viết, thì đấy chính là thứ thành công lớn nhất, bảo sao ai chẳng vui!
Hoài Thương được mọi người chúc mừng tíu tít. Mấy anh lớn tuổi hơn ở tòa soạn còn cứ ép nó phải uống ly rượu mừng.
“Nhấp môi thôi cũng được!”.
“Mà nhấp môi kiểu gì đấy, rượu còn nguyên thế kia? Uống đi nào, một nửa thôi cũng được! Hôm nay vui”.
…
Người ta cứ nói đến “men say chiến thắng”, thì giờ, Hoài Thương được cảm nhận nó rồi đây. Đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen!
*****
Lần đầu uống nhiều rượu thế, Hoài Thương có phần chếnh choáng.
Trưởng Ban Thư ký Tòa soạn Đức Cường cầm lái ô tô, đưa nó về.
“Em về tòa soạn hay về nhà?”.
“Anh cho em về tòa soạn. Em nghỉ một chút, rồi tự về sau”.
“OK!”.
Trong quá trình làm nghề, Đức Cường trở thành người mà Hoài Thương khá thần tượng. Anh thạo việc, thậm chí đạt mức tinh ranh, trong cái nghề múa bút thời sự này. Những ý kiến đóng góp bài vở của anh thường rất xác đáng.
Về đến tòa soạn thì cũng gần hết giờ chiều. Vắng hoe, chẳng có ai. Mọi người đều mệt mỏi, sau bữa liên hoan hết mình ấy.
Hoài Thương bước chân loạng choạng. Càng lúc, nó càng thấy hơi men ngấm sâu. Cảm giác khá khó chịu, cứ bồng bềnh kiểu gì đó. Dẫu sao, nó vẫn đủ tỉnh táo, nhận biết được mọi thứ xung quanh.
Bên cạnh nó, Đức Cường ghé vai, dìu nó đi. “Nay vui quá, em nhỉ!”.
“Vâng!”.
…
“À, anh bảo này!”.
Đột nhiên, cánh tay của vị trưởng ban đang đỡ sau lưng Hoài Thương kéo ngược, xoay nó quay lại. Rồi anh ta dấn tới, ghì, hôn thẳng vào môi nó. Ôi!
Hoài Thương sốc. Chuyện gì vậy??? Theo phản xạ bản năng, nó dùng hai tay đẩy anh ta ra. “Bỏ ra! Anh làm gì vậy?”.
Đức Cường thả lỏng ra một chút, rồi lại siết chặt Hoài Thương vào, lại dán chặt khuôn mặt vào môi nó. Rồi anh ta cứ ôm ghì như thế, đè nó xuống mặt bàn, ghé tai nó mà thì thầm không ngớt: “Anh yêu em! Thương à, anh yêu em! Em có biết điều đó không? Em chưa biết điều đó, đúng không?”. Hơi thở của anh ta phả ra dồn dập, vào tai, vào má, vào mắt, vào mũi Thương.
Cái phản xạ xô đẩy của nó yếu dần, khi nhịp thì thầm của Đức Cường dồn dập hơn. “Ngay từ lần đầu gặp, anh đã thích em rồi. Em là… là… người con gái anh tìm kiếm lâu nay. Thương à! Anh yêu em, yêu em! Hãy để mọi thứ tự nhiên, tự nhiên đi em! Lắng nghe, lắng nghe trái tim mình đi, em!”.
Cứ mỗi câu nói, anh ta lại dấn thêm một chút. Tay anh ta vòng được vào móc khóa của chiếc áo lót Thương mặc, tháo nó ra. Rồi anh ta kéo tụt váy nó, quần lót nó…
Dồn dập… thở… dồn dập… thở…
Chiếc bàn rung lên theo nhịp.
Đức Cường là người mà Hoài Thương khá thần tượng. Anh ta là người đáng tôn trọng trong công việc…
Dồn dập… thở… dồn dập… thở…
*****
Hoài Thương về đến nhà. Chỉ có mình nó. Trí Dũng hôm nay đi làm xuyên đêm.
Nó thả mình xuống tấm đệm, không buồn cởi đồ đi làm ra. Nó bị ngột ngạt, bức bí trong vô số cảm xúc hỗn độn, đan xen.
“Em! Em ổn không? Anh xin lỗi vì đã… Anh thích em!”, tin nhắn của Đức Cường gửi tới máy nó. Anh ta thừa biết Hoài Thương đã có người yêu. Vậy mà…
Hoài Thương cảm thấy tâm trạng hỗn độn lắm!
Nó có người yêu là Trí Dũng rồi mà! Nó yêu anh, thứ tình yêu tự nhiên, gần gũi và xen lẫn lòng biết ơn. Nhưng nó cũng tôn trọng và thần tượng Đức Cường – người giỏi nghề ở chỗ cơ quan mà nó đến hằng ngày.
Hoài Thương thấy lùng bùng, khó nghĩ thực sự. Nó không phân biệt được thứ tình cảm xen lẫn yêu với biết ơn mà nó dành cho Trí Dũng, với thứ tôn trọng mà nó hướng về Đức Cường. Đau đầu thật!
Cũng bởi lẫn lộn trong hàng đống suy nghĩ dọc – ngang đó, mà Hoài Thương chẳng nhận ra một điều. Ấy là “tôn trọng” và “thần tượng” thì không đồng nghĩa với tình yêu. Và chắc chắn nó càng không thể đồng nghĩa với tình dục ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc cơ thể như vậy…
Khổ nỗi, Hoài Thương không nhận ra! Nó đã để cho anh ta vượt qua ranh giới cuối cùng trong mối quan hệ của nam với nữ. Hoài Thương không hề lợn cợn bất kỳ suy nghĩ nào, rằng nó đã phản bội Trí Dũng!
Phải, khi người ta không thấy mình sai, thì làm sao người ta lại đánh đồng bản thân với thứ sai trái mang tên “phản bội” được cơ chứ?
Giờ, Hoài Thương chỉ lùng bùng suy nghĩ về cảm giác, cảm xúc của nó mà thôi! Nó thấy hỗn độn trong mớ tình cảm dành cho Trí Dũng, và… Đức Cường. Rồi ngược lại nữa chứ!
Suy nghĩ lùng bùng ấy kéo Hoài Thương vào giấc ngủ chập chờn, mơ hồ và không phân định…
*****
Sáng.
Hoài Thương tỉnh giấc. Chẳng hiểu sao, việc đầu tiên mà nó làm là quờ lấy điện thoại, mở lên xem. Có gì đó vừa tò mò, vừa háo hức – chỉ hơi hơi háo hức thôi – xem là Đức Cường có nhắn gì cho nó không.
Tại sao vậy nhỉ? Có khi vì đấy là một cảm giác mới mẻ, lạ lẫm. Mà với người trẻ như Hoài Thương, thì mới mẻ và lạ lẫm là những thứ có sức hút ma mị lắm!
Không có tin nhắn nào mới!
Hoài Thương mở Facebook, lướt lướt. Từ khi làm báo, nó phải tham gia nhiều group Facebook, để theo sát các nguồn tin thời sự.
Nó thấy mấy group “trẻ trâu” kiểu trà đá đường phố, hóng biến các thứ đang chia sẻ rầm rập một vụ việc đêm qua. Có một lũ thanh thiếu niên hư hỏng tụ tập đua xe gì đó. Vớ vẩn thật, toàn một bọn rỗi hơi, rảnh việc.
Đấy không phải là những thông tin mà Hoài Thương quan tâm. Nó lướt nhanh qua.
Chợt…
Gì thế nhỉ? Bức hình hiện trường vụ đua xe…
“Vãi thật! Mấy thằng liều lĩnh quay đầu, lao thẳng vào đường ngược chiều, đâm người đi đường tử nạn”.
“Không phải người đi đường đâu, lực lượng công an thường phục trấn áp đấy! Thấy bọn đua xe cầm theo phóng lợn, cảnh sát tung quân bắt. Một cảnh sát hy sinh…”
Những dòng bình luận nhảy múa trên mạng xã hội. Một chiếc xe Dream tháo yếm gãy cổ. Máu lênh láng ở hiện trường. Và ở đó lăn lóc… chiếc túi đeo chéo. Chiếc túi… giống của Trí Dũng!
Ôi! Không thể nào!
Hoài Thương đưa tay lên bịt miệng. Liệu… anh…???
Nó vồ lấy điện thoại, gọi cho anh. Không được! Nó vội gọi cho bạn anh ở Đội Hình sự. Không ai bắt máy.
Nó hớt hải thay đồ, lao xuống tầng 1, dù chẳng biết sẽ phải đi đến đâu, làm những gì. Đúng lúc đó, máy Hoài Thương rung lên. Cuộc gọi đến.
“Thương à?”, giọng bên kia âm âm, lạnh lạnh. Cái thứ giọng như có đờm cứng ở họng, của người vừa khóc nấc, hoặc ngậm miệng quá lâu.
“Vâng, em Thương đây!”, nó hấp tấp.
“Em à! Thằng Dũng… nó đi rồi! Em ơi, đau quá, Dũng… Dũng chết rồi!”, đầu dây bên kia bỗng bật khóc nức nở, không kìm được nữa.
Hoài Thương quỳ gục xuống. Nó không tin. Không thể, không thể như thế, làm gì lại có chuyện như thế được…
*****
Ngày hôm ấy, thời tiết tự nhiên chuyển âm u, lành lạnh.
Bạn thân của Trí Dũng ở Đội Hình sự mang một chiếc hòm tôn tới, đặt trước mặt Hoài Thương.
“Mỗi đứa bọn anh có một chiếc hòm tôn. Nó giống balô của người lính đi trận vậy. Những gì thân thuộc, kỷ niệm cần giữ thì cất trong đó. Khi làm nhiệm vụ, chẳng may có chuyện gì, thì người còn lại sẽ mang hòm tôn đó trao cho thân nhân người xấu số. Anh… anh không nghĩ mình lại phải làm điều này, cho Trí Dũng”, nói tới đó, cán bộ cảnh sát hình sự đó bật khóc, đau đớn và cay đắng.
“Trí Dũng không còn ai là người thân. Nên anh chuyển cho em…”.
“Tại sao Trí Dũng lại không còn người thân???”, Hoài Thương vừa hỏi, vừa nấc, khi mắt nó ầng ậc những nước là nước.
“Nó hoàn cảnh lắm, em chưa biết sao? Mẹ nó bệnh, mất lâu rồi. Khi nó vừa đi làm thì bố nó cũng theo về với mẹ nó. Trí Dũng chỉ còn một người chị gái thôi. Chị ấy… bị tâm thần. Nó phải căng sức đi làm, nuôi chị. Nó để chị ở quê cho bà bác trông coi”.
“Dũng nó khổ lắm, Thương ơi! Khi mất cả bố lẫn mẹ, nó bị rơi vào khủng hoảng tâm lý. Có khoảng thời gian, nó bị rối loạn cảm xúc, rồi phải điều trị chứng trầm cảm nhẹ. Ở Đội, ai cũng thương nó. Nó đi làm không biết nghỉ, nhận trực thay, để kiếm tiền nuôi chị, và tiết kiệm, phòng nếu như… Thương ơi, em biết gì không, sổ tiết kiệm của nó, từ khi yêu em… Dũng đã dặn anh, sẽ chia đôi sổ đó ra, nửa cho chị, nửa cho em. Dũng nó bảo, em cũng không còn chỗ dựa nào cả, như nó”.
“Sau thời gian điều trị, Dũng nó hay viết nhật ký trên tờ giấy A5 nhỏ nhỏ. Mỗi ngày viết một ít. Tất cả đều được nó cất vào cái hòm này. Giờ, anh trao cả cho em!”.
Tai Hoài Thương ù đi.
Nó khóc bật thành tiếng rên, tiếng thét. Nó quỳ xuống, quằn quại ôm lấy cái hòm tôn – chiếc hòm kỷ vật, chất chứa những bí mật của anh. Nó đau quá! Mỗi lời bạn anh nói ra, như một vết xẻ, cắt ngang dọc trái tim nó.
Trí Dũng ơi! Sao em lại không biết anh hoàn cảnh như vậy chứ??? Bảo sao, lần đầu tiên, khi nghe em nói về câu chuyện của mình, anh đã cảm thông đến thế…
Trí Dũng ơi!…
*****
Hoài Thương run rẩy mở hòm, cầm thếp nhật ký gồm toàn những tờ giấy A5, với nét chữ của Trí Dũng trên ấy.
“Hôm nay, mình mệt. Mệt thực sự. Mình cảm thấy muốn gục xuống. Nhưng mình không được gục. Mình chỉ được phép nghỉ một chút thôi. Mình gục xuống, chị sẽ ra sao? Bố mẹ ơi, những lúc thế này, con thấy mệt và buồn lắm. Con chưa sẵn sàng làm chỗ dựa cho chị đâu, bố mẹ ơi”…
“Hôm nay, có người đòi giới thiệu bạn gái cho mình. Mình ngại, phải tránh đi. Làm gì có người con gái nào dám yêu mình chứ? Mình cũng chẳng dám yêu người ta. Có cô gái nào dũng cảm yêu một người hoàn cảnh như mình?”…
“Hoài Thương! Tên em đẹp thật! Sao em cũng khổ thế nhỉ? Khổ như mình vậy. Mình thương em. Mình sẽ cố gắng hỗ trợ em hết sức có thể. Nỗi khổ của người không có chỗ dựa, mình hiểu lắm mà!”…
“Thương à! Anh yêu em! Anh xúc động lắm, khi em nói lời yêu anh. Có lẽ số phận đã an bài, kết duyên em đến với anh. Chúng mình đều khổ như nhau. Chúng mình sẽ là điểm tựa của nhau, em nhé!”.
“Thương! Anh xin lỗi! Anh biết em rất thiệt thòi. Vì anh cứ đi biền biệt suốt. Nhưng biết làm sao được? Giờ, gánh nặng tiền bạc lại nặng thêm. Anh sẽ luôn là chỗ dựa chắc chắn, cho chị, và cho em. Rồi tương lai, còn làm lễ cưới cho chúng mình nữa chứ, em nhỉ? Anh sẽ phải đi làm nhiều hơn, xin trực thay ca nhiều hơn.
Thông cảm cho anh, Thương nhé, cô bé của anh!”.
“Thương à! Hôm nay, có chuyện kỳ lạ lắm! Anh tình ngờ nghe được một bài hát, anh thấy rất hay. Rồi anh cứ lẩm nhẩm theo giai điệu của bài ấy suốt. Dù nó chẳng liên quan gì tới anh cả, nhưng chả hiểu sao, anh thấy bị ám ảnh vì nó.
Nghe suốt cả ngày, anh quyết định viết lời bài hát đó ra đây, để tập hát theo luôn. Đến hôm nào đó đi chơi, anh sẽ hát cho em và mọi người nghe. Bài hát ấy là ‘Hôm nay, em cưới rồi’. Lời bài hát chép ở đây cho dễ nhớ vậy:
Muốn đi vài hôm, xa chính nơi ta từng có phút êm đềm, trước ngàу giông tố đến tìm…
Đến khi nhận ra nên quý hơn những ngàу tháng sống bên nhau, thì mình muộn mất rồi…
Vì ngàу hôm naу em cưới rồi, vụn vỡ vết thương đau mãi trong tim…
Người đàn ông maу mắn ấу, từ naу đã có em…
Dù sao thì anh vẫn mong em luôn bình уên, và xin lỗi vì chẳng đến chúc phúc cho em…
Ϲhỉ muốn đến đâу gặp em một lần, để thấу em hạnh phúc thế nào, rồi anh đi…
Ngàу em đẹp nhất trên đời, là ngàу chúng ta xa mãi một người…
Nợ duуên đến naу, mình trả hết rồi.
Nợ duyên đến nay, mình trả hết rồi…“.
Hoài Thương cứ khóc, khóc mãi, không thể dừng lại. Khóc tức tưởi, khóc đau đớn, khóc ân hận, khóc dằn vặt, khóc nuối tiếc, khóc thương nhớ…
Nước mắt chảy dài, đầm đìa khuôn mặt, khuôn cổ nó, đổ xuống thấm ướt đẫm những tờ giấy nhật ký của Trí Dũng.
Trải qua những cơn đau, con người ta thường khóc. Khi những giọt nước mắt tuôn ra không ngớt, mà người ta chẳng biết là mình đang khóc, thì đó là lúc họ phải chịu đựng nỗi đau dữ dội, sâu thẳm nhất. Đó chính là lúc… trái tim khóc, theo cách riêng của nó.
Trung Hiếu
. Để dành đọc.
Hay và buồn quá em ơi! Nước mắt rơi rơi nữa rồi…
Cảm ơn em đã viết về chiều sâu lắng của con tim…rất người này!
Nhân văn lắm. Cảm ơn em!
Dài nhưng rất hay .
Hay và xúc động ạ!❤️❤️❤️
Hay quá
Hay quá thương cả hai em sao lại có những cuộc đời éo le thế. Thương quá thôi
Hôm nay nghỉ nên có thời gian đọc một mạch hết luôn. Cảm ơn tác giả nhiều!
Bài viết quá hay. Rất hấp dẫn. Tôi thích cái kết mở như thế này, ai muốn hiểu sao cũng được…
❤
Câu chuyện hay, hấp dẫn! Mình đã mừng cho bé Thương thoát được ổ quỷ! Tương lai đang rộng mở thì hai (tai nạn) ập đến! Thương Dũng quá! Bây giờ thì ghét Thương tại sao không chống lại thằng tòa soạn! Phản bội Trí Dũng! Căm thù…
Truyện hay quá tg rất cảm động ạ ?????
Bài viết hay quá. Dễ thương đến bất ngờ và cuối cùng đau thấu nội tâm cũng đầy bất ngờ.
truyện bạn cảm động và bất ngờ quá. Hay ở chỗ ko ai đoán đc cái kết. Hụt hẫng và đáng tiếc vô cùng. Cảm ơn tác giả
Dưới đây là bài hát “Hôm nay, em cưới rồi” đã được đề cập trong truyện. Mọi người có thể vừa nghe, vừa đọc để cảm nhận. Xin cảm ơn!
https://www.youtube.com/watch?v=nJKuW2IN6jw
Chị đã khóc khi đọc xong câu chuyện.
Xúc động! Chỉ tiếc vì 1 cái kết ko có hậu!
Truyện hay và cảm động quá.. Đọc xong nước mắt cứ tuôn trào ?
Thương Trí Dũng quá. Đọc xong mà nước mắt rơi theo nước mắt Hoài Thương.
Hay quá ạ.
Cay cay nơi sống mũi…
Cảm ơn tác giả!
Thương cho Trí Dũng quá .tiếc cho 1 cuộc tình
Truyện hay quá nhưng thấy buồn
Bạn viết xúc động quá nhưng kết o có hậu giá như hai người có một đưa con thì hay
Hậu buồn quá ạ
Người tốt thường gặp đắng cay ư tg?
Cảm ơn chị! Câu hỏi rất hay!
Tôi nghĩ rằng, người gặp đắng cay không phải chỉ có người tốt, mà là… tất cả, ai cũng có thể gặp. Đó là cuộc sống. Tôi tin là cuộc sống này không công bằng. Chưa bao giờ công bằng, mọi thứ chỉ là tương đối.
Trong chiến tranh, người ta đúc kết một câu bi hài là, càng những kẻ hèn thì sống càng dai (“Nắng đồng bằng”, Chu Lai).
Tác phẩm của tôi chỉ là truyền tải hiện thực cuộc sống. Kết cục thì đắng cay, nhưng có lẽ điều đọng lại cũng rất quan trọng.
Người tốt ấy đã làm được những gì để tất cả phải nhớ và thậm chí rơi nước mắt?
Cảm ơn chị đã chia sẻ và hỏi một cây rất hay, đầy day dứt ❤
Cái chết đau đớn của Dũng mới làm cho Thương hiểu ra là mình đã phản bội…
Nhân văn
Buồn quá
Mỗi người một cách viết. Thường người ta viết về sự khó khăn và có cái kết viên mãn, tác giả đi ngược lại cách viết thông thường trên, cho người đọc cảm nhận được sự ngọt ngào của hạnh phúc nhưng kết là một nỗi đắng cay đến cùng cực. Niềm vui hay nỗi buồn sẽ lưu vào lòng người đọc đây? Một cách viết rất phá cách.
Đọc lại vẫn hay hoài thương đừng say nắng và trí dũng bị tai nạn bình phục có con với nhau sống hạnh phúc tới già
Hay nhưng mà xót xa quá
Hình như trong cuộc sống trước lúc ra đi đều có linh cảm người ta gọi là điềm báo chắc trí dũng cũng vậy tự nhiên hát bài hôm nay em cưới rồi bạn kết cấu truyện hay như đời thât nhưng buồn quá
Hay
Kết cục thật đáng thương!!!
lúc nào cũng hóng a viết ạ, mà hình như truyện nào kết cũng buồn :((
Hay thật, nhất là câu kết “Trải qua những cơn đau con người ta thường khóc. Khi những giọt nước mắt tuôn ra không ngớt, mà người ta không biết là mình đang khóc, thì đó là lúc họ phải chịu nỗi đau dữ dội, sâu thẩm nhất. Đó chính là lúc…trái tim khóc, theo cách riêng của nó.”
Lần đầu tiên e đọc một câu chuyện… mà tự nhiên nước mắt lại lăn dài khó kiềm đến vậy… làm e nhớ tới 1 câu chuyện buồn mà tới giờ e nghĩ lại không nghĩ đã xảy ra với em và gia đình em… em cám ơn câu chuyện của anh…
em thực sự thích những câu chuyện mang hơi hướng buồn… mỗi cảm xúc trong từng câu chữ đó thật sự khiến em vừa sợ nhưng lại vừa cảm xúc dâng trào… nhớ lại những khoảnh khắc trong cuộc đời dù xấu hay tốt đều rất ý nghĩa với em… một lần nữa, cám ơn anh đã cho em một khoảnh khắc những cảm xúc sâu lắng nhưng mãnh liệt như vậy.
Cho mình xin phép đọc audio được không ạ?
Cảm ơn anh vì bài viết thật cảm xúc
em xin chia sẻ ạh
Bản thân em thấy bài này khác hẳn với các bài khác mà anh từng viết. Nếu như ở mấy bài trước thì chủ đề nói về cuộc sống của những cô gái làm tiền, thì bài này anh lại viết về 1 câu chuyện với nội dung mới lạ hơn nhưng mà nó vẫn rất đời. Nó giúp em phần nào thấy được sự vất vả của nghề công an. Cảm ơn anh đã viết 1 bài viết hay và ý nghĩa như thế này ??
Thả tim trước rồi đọc sau. Vì biết trước là bài viết sẽ rất hay.
Vì hơi dài nên để đọc từ từ ạ. Bài nào của anh đọc cũng rất cuốn.
? rất nhiều ng có cảm xúc như em nhé. Thực sự là lôi cuốn từng từ anh ạ. Lâu rồi mới đuọc đọc những tác phẩm cảm xúc như này.
Em chia sẻ với bạn bè em thường đánh giá là “nội dung cũ, ngòi bút mới, phong cách khác lạ, cực phẩm”.
Cùng nội dung đó nhưng dưới góc nhìn của tác giả khác không lôi kéo cảm xúc người đọc được như góc nhìn và cây viết của anh.
chuyện hay quá còn nữa ko tác giả?
Hết rồi, chị ạ. Phần kết xa hơn là do tự mỗi độc giả suy tưởng, dựa trên trải nghiệm cuộc sống của mình.
Cái kết đó buồn hay vui là do mỗi người…
Cảm ơn chị đã chia sẻ ❤
cảm ơn tác giả chuyện rất hay
Đọc mà rưng rưng cảm xúc, thương những mảnh đời kém may mắn những vẫn đầy nghị lực và bản lĩnh để vươn cao trong cs… Cảm ơn tác giả…???
Câu chuyện thật cảm động và thấm đẫm tình người. Cảm ơn t/g
Hấp dẫn quá!
tôi vừa đọc 1 mạch hết rồi và đã khóc !!!
hay và xúc động quá. Buồn!
Thấm đẫm tình người
Khổ quá …!
Buồn !
Tuyệt hay tuy cái kết không có hậu
Vậy chị gái và hoài thương phải làm sao đây , lại còn cái gã đức cường lợi dũng nữa , thương lại quá ngờ nghệch , lo lắm luôn
Câu chuyện hay và xúc động quá thấy cay mắt thương trí Dũng quá một người tốt nhưng lại ko đc may mắn
E đang mơ cái kết có hậu ???
Xót xa !
Câu chuyện rất hay. Rất thích đọc tác phẩm của Hiếu bởi những chi tiết rất đời. Xúc động.
Rất đời, rất hay ạ
Câu chuyện lôi cuốn người đọc ko thể rời, mong là em ấy gặp may tiếp theo ❤️ và mình mong chờ để đc đọc tiếp chuyện của bạn
Hay quá. Hóng tiếp
Rất hay
Câu chuyện hay đầy tính nhân văn, cám ơn tg
Rất thích câu chuyện của tg
Tương lai Hoài Thương sẽ đi về đâu khi mà người thân duy nhất là Trí Dũng cũng đã mất? Hy vọng Đức Cường là người tốt và thương yêu em như đã nói, còn không cuộc đời em sẽ vô vàn khó khăn, vất vả.
Rất hay, rất cảm động vì tình người sâu đậm, thánh thiện, nhân văn. Cảm ơn nhé.
Truyện hay quá! Cảm ơn tác giả! Đọc truyện mình như nuốt từng con chữ. Tình tiết truyện lôi cuốn, hấp dẫn người đọc đến chữ cuối cùng. Tác giả tả lại cảnh các anh cảnh sát hình sự bắt tội phạm thật sự sống động, làm người đọc hình dung ra như một cuốn phim đang chiếu trước mặt. Phải chăng tác giả cũng là nhà báo chuyên viết ký sự về những đề tài như thế này? Chúc tác giả luôn khỏe mạnh để cho ra đời nhiều tác phẩm hay nhé!
Rất hay ạ! Đọc mạch không đứng dậy nổi luôn
Chuyện rất hay nhưng tiếc là không có hậu .
Một câu chuyện rất đẹp, rất nhân văn. Giá như không có anh chàng nhà báo kia chen vào……
E vừa đọc xong. Rất hay giàu cảm xúc “nỗi khổ của người không có chỗ dựa mình hiểu lắm mà” những người trẻ bôn ba vất vả mưu sinh. Vẫn yêu vẫn thương vẫn mệt mỏi, vì nhau mà cố gắng hơn nữa. A viết hay quá
Đợi mãi rồi cũng được đọc, đọc rồi lại xúc động Thầy ạ! Truyện của Thầy ngày càng đời, càng thực và xoáy vào tim người đọc! ❤️
Đọc xong lại muốn đọc thêm ạ
mình đã phân vân phải chăng do độ tuổi còn non nớt nên Thương bị nhầm lẫn giữa tình yêu và tình cảm thần tượng, nhưng không phải. Mà đó là bản chất tham lam của con người và chính họ luôn tìm được những lý do hợp lý để bao biện.
Cảm phục cách dẫn dắt tâm lý nhân vật của tác giả.
Cảm ơn tác giả khi viết về một dạng người trong xã hội thật đơn giản và nhẹ nhàng.
Thấm.
Chuyện thật giữa đời thường. Quá xúc động, xót xa.
Truyện hay quá! Mà hình như tác giả cũng hay theo các tổ 141 ngoài đời thực.
E muốn đọc tiếp cơ huhu….. Ko chịu
em mê đọc từ bé , ko quan trọng ngắn dài mà ở sự cuốn hút trong nội dung hay từng câu chữ, em mới đọc 2 truyện của anh thôi nhưng cảm thấy nó cuốn hút và rất đời ạ ?
Em đọc một tăng luôn anh nhé, chẳng thấy dài tẹo nào cả , truyện rất hay và nhiều cảm xúc, em đợi truyện tiếp theo của anh nhé. Em có thể theo dõi các truyện của anh ở group mình hay ở đâu ạ? Vì em muốn được đọc truyện nhiều hơn ạ.
Thức đến giờ này để đọc câu chuyện của anh. Cmt mà vẫn đang thót cả tim.
Truyện mang tính hình sự ký sự, rất hay a ạ.
Xúc động quá! Thương hai nhân vật.❤️
Em muốn viết cảm nhận của e dài hơn nhưng thôi đến đây ạ. ☺️
Cảm ơn anh ạ?
Hay quá
Truyện hay quá mà cái kết thật buồn ?
Cho cái kết mở đi tác giả, chốt hạ cho anh Dũng chết nhanh thế
Lần đâu tiên trong cuộc đời e đọc nhiều đến thế. Tại a đấy. Bắt đền a những stt chục nghìn chữ tiếp theo nhé?
Đây là câu chuyện thứ 2 e đọc Ko trượt chữ nào và cảm xúc đến từng chi tiết đến vậy. Câu chuyện “Diễm Trinh” và 141 đã đọng lại trong e rất nhiều cảm xúc. Cảm ơn chủ thớt vì đã chia sẻ bài viết và nhớ cái comment “lười đọc” đích thị là e?
Cái kết hơi buồn nhưng mình nghĩ là rất đẹp với câu chuyện
Dù truyện dài hay không, miễn nó chứa đựng hàm lượng ý nghĩa ẩn sâu thì em vẫn kiên nhẫn đọc được đến cuối ?
Và trong truyện, mạch cảm xúc khá ổn. Em thích nhất đoạn này trong truyện, nó chứa đựng nhiều thứ.
“Nói đoạn, anh quay trở lại phần đầu câu chuyện của hai người: “Anh thấy em không có chỗ dựa, nên mọi sự định hướng của em dường như chỉ mang tính bản năng. Tại sao em nghĩ quay lại làm công nhân là tốt, khi trước đó, em từng rất muốn từ bỏ? Anh không nói làm công nhân là xấu, nhưng nếu em có thể làm những nghề nghiệp thú vị hơn, trí tuệ hơn, thì tại sao không thử?”.
“Có những người sở hữu năng khiếu ở một lĩnh vực nào đó, nhưng họ không biết, hoặc không phát huy được nó, để trở thành kỹ năng chuyên nghiệp. Họ chọn sai con đường. Rồi khi qua mốc 30 tuổi, 35 tuổi, họ không lên được trình độ khá hoặc giỏi, mà cứ làng nhàng trong cái nghề đã chọn. Đó chính là sự lựa chọn sai lầm. Em còn trẻ, có nhiều cơ hội, đừng nhắm mắt làm bừa, phó mặc cho số phận”.”
Chủ đề xuyên suốt những tác phẩm của anh ạ ? Mà e chưa bỏ sót một truyện nào ạ ?
Tác phẩm hay, sâu sắc !
Truyện hay quá cám ơn tác giả nhiều:)
Haizzz….1 tiếng thở dài… thương Dũng quá….?
truyện hay mà kết buồn quá, nghe chân thực như a Trung Hiếu vào vai Đức Cường chăng?
Tôi hóa thân vào tất cả…. Nhưng riêng đoạn Đức Cường “dồn dập… thở… dồn dập… thở” kia thì chắc chắn ko fải. Làm gì dám làm được thế…
Câu chuyện này đã lấy trọn nước mắt và giấc ngủ của mình đêm nay.
Rất xúc động. Lâu rồi mới ngó đến gr này. Không ngờ vẫn có điều hay ho để đọc.
Hay quá
Em không thể ngừng khóc khi đọc truyện này của anh. Đúng là cuộc sống không giống cuộc đời
Em cảm ơn anh nhiều ạh . Đọc bài nào của anh cũng rất sâu sắc và rất thực anh ạh. Cảm ơn anh đã viết những tác phẩm hay như thế, luôn chờ những bài khác của anh
Ôi, sao tác giả lại cho cái kết buồn thế?
Đọc rất thu hút ạ
Cô đã đọc đc hết rồi. Cái kết tuy buồn nhưng rất nhân văn! Tác giả đã để cho nv Trí Dũng ra đi với một tình yêu đẹp ko phải chứng kiến nhg lỗi lầm của Hoài Thương và cảnh tỉnh “ nó”
Câu chuyện đầy tính nhân văn song cái kết buồn quá !
Két bi đát quá giá như có hậu hơn thì hay hơn nhân văn hơn như vậy đời thực quá tiếc nhưng cảm ơn tg chuyện hay
Bài viết của bạn hay quá. Giàu cảm xúc đầy tính nhân văn.. Cái kết tuy không có hậu.. Nhưng rất ấn tượng.. Cảm ơn tác giả rất nhiều ???
Cảm ơn tác giả nhiều!
Mình cảm nhận sự chuyên nghiệp và rất ĐỜI.
Hay quá ạ, mà kết thúc buồn quá. ?
bài thầy viết hay quá, nhưng e lại k muốn đoạn cô bé Hoài Thương và Đức Cường xuất hiện
Những đêm không ngủ được mình tìm đến Vị Đời. Có những dòng mình không muốn đọc, vì nó chân thật đến khó chịu. Cảm ơn vì tác giả đã viết, tạo ra những mảnh đời làm mình thật muốn ôm lấy cuộc sống này!