Tác giả: Trung Hiếu – Blog Vị Đời – trunghieujournalist@gmail.com
Lưu ý: Truyện 18+, chỉ dành cho người đã trưởng thành.
Gần 8 giờ tối.
Cầm tờ giấy quệt nhẹ vệt son lem ra ngoài bờ môi, Diễm Trinh ngắm mình lần cuối trước gương. OK! Đẹp chuẩn rồi!
Cô mở cửa, ngó ra ngoài và gọi to: “Quang, Quang ơi! Đâu rồi? Đi thôi!”.
Trinh vẫn thường gọi trống như thế, bởi cô với Quang đã quá thân thiết. Với Trinh, Quang như bố, như mẹ, như anh, như một người bạn. Họ song hành cùng nhau trên suốt chặng đường làm nghề, nương tựa vào nhau, bảo vệ cho nhau, và kiếm tiền cùng nhau.
Trong cái xóm trọ nhỏ này, Trinh là một trong những cô gái điếm đẹp nhất! Bởi thế, cô luôn đắt khách nhất, và đương nhiên được Quang cưng chiều nhất. Mà gọi là xóm trọ cho có vẻ “xôm”, chứ thực ra, đấy là dãy nhà được Quang thuê cho nhóm gái điếm dưới trướng của anh ta.
Là một tay giang hồ thực thụ, và cũng là một “tú ông” đích thực, Quang rất đàn ông, sòng phẳng. Anh ta có thể cực kỳ “hổ báo” khi ra ngoài xã hội, song đối với nhóm đàn em làm nghề bán hoa, Quang tử tế như một người anh.
“Mày làm, mày hưởng. Tao bảo vệ cho mày làm nghề, tao hưởng phần tao. Có gì khó khăn, khúc mắc thì cứ trình bày. Nhưng đừng giở cái thói khôn lanh, chỉ biết mình ra. Đã sống ở đây, tất cả đều là người nhà”, Quang luôn nói thế với những cô gái điếm mà anh ta kết nạp.
Cũng bởi thế, cả nhóm sống với nhau hòa thuận như một gia đình…
“Nay đi muộn thế à?”, tiếng Quang vang lên. Anh ta hỏi mà không buồn ngoái lại, khi chiếc Dream “chiến” đã nổ máy sẵn. Ở móc treo đồ của xe, lúc nào cũng lủng lẳng một chiếc túi màu xám lông chuột. Bên trong là cây baton (dùi cui thép), một con dao phớ bọc vải nhàu nhĩ.
Diễm Trinh nhảy phốc lên xe, nhổm lên chút để lấy tay vén gọn chiếc váy cũn cỡn cho ôm trọn bờ mông. “Muộn gì? Cho khách nhấp nhổm tí thì mới có giá chứ!”.
Nói rồi Trinh vòng cả hai tay ôm chặt lấy bụng Quang một cách tự nhiên.
Chiếc xe máy phóng vút đi, kèm lời càu nhàu của Quang: “Bỏ bụng tao ra, buồn bỏ mẹ!”.
*****
Diễm Trinh vào cái nghề bán hoa theo nghĩa bóng này từ năm 18 tuổi. Đến giờ cũng đã được 8 năm rồi!
Ngày ấy, Trinh thi trượt đại học. Cô bị mẹ kế nhiếc móc, mỉa mai, đâm chọc cho tức phát khóc lên, rồi cái tự ái nông nổi của tuổi trẻ khiến cô tự đóng gói đồ đạc, chẳng chờ ai đuổi mà lao ra thành phố kiếm sống, khi trong tay chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Sự va vấp chốn thành thị đã dạy cho Trinh nhiều bài học bầm dập. Và bài học lớn nhất là phải có chỗ dựa, nếu không, người ta sẽ dễ dàng bị bắt nạt, bị đẩy xuống tận cùng lớp bùn sâu. Bởi thế, khi gặp Quang, Trinh nhanh chóng nhận ra đây chính là chỗ dựa mà số phận đã an bài, ưu ái dành cho cô.
Với sự bảo kê của Quang, Diễm Trinh trở thành gái điếm lành nghề, và thậm chí là chuyên nghiệp một cách đáng nể.
Trinh không bao giờ cho phép khách được làm tình khi mà không đeo bao. Khách cũng phải tắm táp sạch sẽ trước khi “lâm trận”. Những loại khách say, khách phê thuốc, khách bệnh hoạn… khó có cửa lên giường với Trinh.
Khi làm tình, khách cũng tuyệt đối không được phép quay chụp gì cả. Chả may, hình ảnh lọt lên mạng, thì còn mặt mũi nào mà ra đường – ấy là suy nghĩ của một cô gái điếm chuyên nghiệp như Trinh. Khách, cô không thiếu. Nhưng khi bước chân ra đường, cởi bỏ lớp áo nghề nghiệp, thì Trinh phải được sống, có cảm giác sống như một người bình thường. Điều ấy quan trọng lắm! Nói Diễm Trinh chuyên nghiệp một cách đáng nể, chính là nói từ những chi tiết tưởng nhỏ, mà hóa rất to này!
Cô không bao giờ đi theo khách đến những chỗ lạ, mà luôn có nhà nghỉ quen, với những nhân viên sẵn sàng hất tung cửa mà xông vào, nếu có vị khách nào láo nháo.
Gì chứ nhân viên ở chỗ nhà nghỉ ấy, toàn đệ của Quang. Không ra tay thì thôi, chứ đã phải dùng tới sức mạnh cơ bắp, thì đừng ai thái độ. Giang hồ mà đã đánh, thì có bài lắm, phát nào ra phát đấy!
Ngược lại, khi những “yêu cầu hành nghề” được đáp ứng, thì Trinh phục vụ các “Thượng đế” sướng đến đê mê, đến khó tả. Cô chiều khách đủ tư thế, chăm chút ân cần và thậm chí đẩy được khoái cảm của khách lên mức cực đại, nhờ kỹ năng thuần thục và còn rất tinh tế nữa! Đã thế, Trinh lại còn xinh, cao và người rất đẹp.
Bởi vậy, khách nào mà đã đến địa bàn của “gái điếm chuyên nghiệp” dưới trướng Quang, thì đều mê mệt, đều đặn cống nạp tiền cho những gái bán hoa nơi đây, nhất là cho Diễm Trinh.
Người ta nói, nếu không có đam mê, không có lòng yêu nghề, thì chẳng thể làm tốt được. Đúng thật! Diễm Trinh làm cái nghề gái điếm này rất tốt, chuyên nghiệp, bởi cô tự thừa nhận bản thân rất… yêu nghề. Cô thấy thoải mái, vui vẻ khi bán cái vốn tự có, và có nguồn thu nhập ổn định, thậm chí tốt là đằng khác, dù cho Diễm Trinh không nằm trong nhóm “gái điếm hạng sang”.
Cô chọn đứng ở chỗ gốc cây, sát tường bệnh viện, nơi những gái điếm khác trong nhóm của Quang hoạt động. Mỗi người có một gốc cây quen của mình. Đứng ở đó, Trinh cảm thấy được bảo vệ, yên tâm mà làm nghề, và yêu nghề, kiếm tiền…
“Ngày xưa, ông bà già nhà mày đặt tên buồn cười thật. Trinh, nghĩa là đáng giá ngàn vàng. Thế mà mày làm cái nghề này, khác gì tên ‘Chinh’ đâu, tức là chưa đầy một xu. Rồi dần dần, mày hot lên, thì cái ‘Chinh’ ấy lại sang hơn, ra tiền, đúng chất ‘Trinh’. Quả là tréo ngoe vãi!”, Quang từng đùa Diễm Trinh như thế, vừa nói vừa cười sằng sặc.
Còn Trinh thì nhéo anh ta, mà lườm nguýt “tên em là tên diễn viên đấy! Anh đừng có mà nhạo!”.
*****
Đứng một lúc rồi mà chưa thấy có khách ghé. Hôm nay, các “Thượng đế” ăn uống, nghỉ ngơi kiểu gì mà muộn thế nhỉ?
Diễm Trinh mở điện thoại, lướt lướt, và cô dừng lại ở màn hình tin nhắn, vừa đọc vừa cười khúc khích. Đó là những tin nhắn đã cũ của Chí Dân. Giờ này, chắc anh đang sấp mặt vào đống giấy tờ, mà viết, mà đọc, để kịp cho số báo ra sáng mai.
Nói Trinh là một gái điếm đặc biệt, phần vì cô yêu nghề, phần vì cô… có người yêu. Lạ thế đấy! Tình yêu của Trinh với Chí Dân – anh phóng viên quen cô trong hoàn cảnh chẳng ai ngờ – thật khó để diễn tả, bởi ngay chính những người trong cuộc còn thấy khó để kể nó ra.
Diễm Trinh lần đầu gặp Chí Dân trong hoàn cảnh ngồ ngộ. Hôm ấy, Trinh thấy một anh chàng thư sinh, đeo kính trắng, cứ lượn xe máy vòng đi vòng lại bao nhiêu lượt, qua cái chỗ mà cô và các “đồng nghiệp” đứng.
Anh ấy cứ vừa đi chầm chậm, vừa đánh mắt vào các gốc cây, xong khi thấy cái nháy mắt khêu gợi của các cô gái thì anh chàng lại tăng ga, phóng vội. Rồi lại vòng quay lại, đến kỳ.
“Anh chàng này lần đầu đi tìm gái chắc?”, Diễm Trinh nghĩ mà bật cười, khi thấy cái điệu bộ vừa lừng khừng, lại vừa hớt hải của Chí Dân.
Chờ cho anh lượn vòng vòng đến lượt thứ 3, qua đúng chỗ Trinh, cô mới gọi giật giọng thật lớn, khiến anh nảy người mà phanh két lại. “Anh kia! Làm gì mà cứ đi lòng vòng thế? Định làm gì xấu phải không? Tôi báo anh em quây lại cho trận nhá!”, giọng Trinh vừa làm ra vẻ nghiêm trọng, lại vừa xen lẫn chút tếu tếu, chắc do cô gắng nhịn cười.
“Không… không… tôi… tôi…”, anh chàng khi ấy lắp bắp.
“Anh không có ý định gì xấu hả? Nghĩa là anh đang tìm phụ nữ để vui vẻ, đúng không?”, Trinh hỏi với ánh mắt tinh nghịch.
“À… đúng… đúng, tôi đang…”. Gớm nữa, đúng là lần đầu đi tìm gái ăn sương thật rồi, gì mà toát hết cả mồ hôi trán, mồ hôi cằm ra thế kia.
“Thế anh đi với em không? Em hiền nhất chỗ này luôn!”, Trinh vẫn chưa hết cái giọng tinh nghịch.
Cô thấy anh chỉnh lại cái gọng kính, hơi thở đã đỡ dồn dập hơn. “OK, một tiếng khoảng bao nhiêu tiền hả em?”.
Đến nước này thì Trinh phá lên cười không kìm được nữa. Trần đời này sao lại có vị khách ngây thơ một cách đáng yêu như thế được? “Anh có bao nhiêu thì đưa em bấy nhiêu. Em chỉ áp dụng sự ưu đãi này với khách đẹp trai và dễ mến thôi đấy nhé!”, Trinh vừa nói, vừa nháy nháy mắt.
Cô chỉ cho Chí Dân hướng di chuyển vào một nhà nghỉ ở ngay phía sau đó, còn cô rảo bước đi bộ vào. Đó là một quy tắc nghề nghiệp, Trinh chỉ vào chỗ nghỉ quen và cô không bao giờ ngồi lên yên xe của khách.
Vào đến nơi, Trinh thấy anh chàng “khách” vẫn chưa hết… sợ, khi anh ta liên tục ngoái nhìn cô một cách thảng thốt. Hay anh này nghe lời khuyên của ai, đi chơi gái cho xả xui? Chứ xem chừng anh ấy sợ sắp đái ra quần rồi ấy, Trinh chưa từng gặp vị khách làng chơi nào nhát như thế cả.
Khi lên phòng, chưa kịp “phổ biến” quy tắc tắm sạch sẽ, đeo bao lúc làm tình và tuyệt đối không quay, chụp hình, Trinh thấy Chí Dân kéo ghế, ngồi xuống và đẩy gọng kính lên.
“Anh bảo em này, anh… anh… không có nhu cầu đâu. Anh là nhà báo. Anh đang viết chuyên đề về nghề bán dâm, nên anh muốn phỏng vấn… à, muốn hỏi em một chút câu chuyện về nghề, để hiểu rõ hơn…”.
Trinh tròn mắt ngạc nhiên. Lẽ thường, với đề nghị kiểu như thế, cô sẽ đứng dậy và từ chối ngay tắp lự. Cái nghề này – dẫu cô “yêu” nó – thì cũng vẻ vang gì, oai oắm gì để mà kể ra?
Nhưng không hiểu sao, vẻ mặt nghiêm túc của Chí Dân, cùng thái độ chân thành khi nói rành rọt từng lời của anh, khiến Diễm Trinh nán lại, trước khi nói chối từ.
“Anh hỏi chuyện em á? Thế sau khi hỏi xong, mình có làm tình không anh? Em nghe bạn em kể là nhà báo thường viết rằng, hỏi han xong thì họ tạm biệt gái điếm, rồi đi về. Nhưng em chả tin! Đằng nào cũng mất tiền, thì cứ làm một tí cho có thực tế mà viết hay hơn, đỡ phí, anh nhỉ?”, Trinh lại nói với giọng tinh nghịch lúc trước. Không hiểu sao, khi ở trước một anh chàng thư sinh, có vẻ chân thành và nghiêm túc như Chí Dân, cô lại cứ muốn trêu chọc.
“Không, cảm ơn em! Anh chỉ hỏi thôi. Anh sẽ gửi em tiền đúng như yêu cầu. Hỏi xong là anh đi ngay. Anh không…”, Chí Dân nói một cách quả quyết.
“Thế thì anh không có cơ hội hỏi chuyện em rồi! Ai muốn hỏi em ý, thì phải làm cho em lên đỉnh đã. Anh mới mon men ở chân núi mà đã đòi khám phá địa chất thì lấy đâu ra?”. Không hiểu sao, Trinh lại nói được cái từ chuyên môn thế, “địa chất” cơ đấy!
Sau đó, Trinh đứng dậy, bỏ ra ngoài. Còn Chí Dân thì cứ ngồi đấy mà há hốc mồm. Không hiểu anh ngạc nhiên vì chẳng ngờ một cô gái điếm lại ví von hay như vậy, hay là do ngỡ ngàng vì thất bại quá nhanh trong chuyến tác nghiệp này.
Đấy, lần gặp gỡ đầu tiên của Diễm Trinh và Chí Dân ấn tượng như vậy đấy!
*****
Nếu mọi thứ kết thúc cụt lủn trong lần gặp đầu tiên, thì hẳn cũng chẳng có chuyện gì để mà kể nữa.
Nhưng khi bước xuống được nửa cầu thang, tự dưng, Diễm Trinh thấy ái ngại trong lòng. Cái vẻ mặt ngơ ngác, ngạc nhiên của anh nhà báo cứ tồi tội thế nào ấy. Trinh có nói lời nào quá đáng không nhỉ? Mà giúp anh ấy một chút thì sao? Kể về cái nghề của mình, Trinh không hứng thú, nhưng để anh nhà báo ngồi đó, quả thực lấn cấn trong lòng quá!
Rồi bất chợt, Diễm Trinh quay ngược lại. Cô không muốn bản thân phải rơi vào tâm trạng day dứt, băn khoăn, ái ngại. Làm gì thì làm, cũng phải rõ ràng, dứt khoát, xong là thôi. Bởi thế, Trinh đi nhanh lên trên, và gặp Chí Dân lúc ấy mới bước ra cửa.
“Anh để lại số điện thoại cho em. Hôm nay, tâm trạng em không được tốt. Khi nào ổn hơn, em sẽ liên lạc lại”, Trinh nói với khuôn mặt chân thành, khác hẳn giọng điệu trêu chọc, nghịch ngợm ban đầu.
Chí Dân nhanh chóng viết số điện thoại của anh lên tờ giấy, rồi đưa cho Trinh bằng cả hai tay. “Anh… anh cảm ơn em”.
*****
Sau buổi gặp đầu tiên với Chí Dân, chẳng hiểu sao, cứ mỗi lúc nghĩ vẩn vơ, Diễm Trinh lại nghĩ về anh nhà báo đó. Trinh không có nhiều thú vui như những cô gái điếm khác. Cô không hào hứng mua sắm quá nhiều (đủ dùng là được), cô không có thói quen biên tút Phây “dạy đời” hoặc là nói đạo lý, cô chỉ… đọc sách. Những câu chuyện tình cảm nhẹ nhàng, thú vị là gu của Trinh.
Bởi vậy mới nói, Diễm Trinh là một gái điếm “chẳng giống ai”.
“Liệu anh nhà báo ấy có viết truyện ngôn tình không nhỉ?”, tự dưng Trinh nghĩ vẩn vơ như thế. Rồi cô nhớ đến số điện thoại viết vội trên tờ giấy hôm nào. Cô mở ra, đọc và gõ vào Zalo… Đây rồi! Chí Dân, tên tài khoản rất đơn giản, kèm ảnh đại diện là tấm hình anh đang cầm cây bút, cuốn sổ và phỏng vấn ai đó…
“Chà! Quả là một nhà báo yêu nghề…”, Trinh thầm nghĩ, và bấm gửi lời mời kết bạn.
Bỗng…
“Xin lỗi! Ai vậy ạ?”, tài khoản Zalo của Chí Dân gửi tin nhắn đến Diễm Trinh.
“Em là… Em là người xin số của anh hôm trước, ở nhà nghỉ…”.
“Ai nhỉ? Sao tôi chưa nhớ ra?”.
Trinh hơi thất vọng, chẳng lẽ anh ấy không nhớ, chẳng ấn tượng gì với mình hết hay sao.
“À, xin lỗi em, anh nhớ rồi! Tại nói về nhà nghỉ, anh không nhớ ngay được. Chào em!”.
…
Cuộc trò chuyện cứ diễn ra đơn giản và tự nhiên như vậy.
“Anh có viết truyện ngôn tình không? Em rất thích đọc truyện như vậy”, Trinh giãi bày qua dòng tin nhắn.
“Anh không. Đúng ra là anh chưa. Chưa thử viết, vì… anh chưa có người yêu. Anh sợ sẽ viết sai mất. Cái người cả đời chưa nắm tay cô gái nào mà lại viết ngôn tình thì thật tệ”, Chí Dân đáp. Dù chỉ là con chữ, nhưng nó cũng thật thà và chân thành y như thứ ấn tượng lần đầu Trinh gặp Chí Dân vậy.
Diễm Trinh bật cười. Anh dễ thương lắm! Từ ánh mắt, lời nói chân thành cho tới sự chia sẻ ngây ngô, đáng mến. Duy chỉ nụ cười thì Trinh chưa biết. Lần đầu gặp nhau, Chí Dân chưa từng nở nụ cười với cô, chắc tại anh căng thẳng quá.
“Hôm trước, anh hỏi em về nghề nghiệp, em cảm thấy không sẵn sàng để nói. Hôm nay thì… Anh có muốn gặp nhau ở quán cafe để trao đổi cho dễ không?”, Diễm Trinh cảm thấy bản thân cô có một sự tin tưởng lạ lùng dành cho phía đối diện, khiến cô không còn e ngại khi phải nói ra điều mà vốn cô luôn tránh đề cập.
Cũng có thể, Diễm Trinh muốn gặp lại Chí Dân, để thỏa trí tò mò xem… nụ cười của anh có dễ mến như ánh mắt và lời nói chân thành không.
“OK, vậy hẹn em… nhé!”.
“Vâng!”.
*****
Chí Dân là một người chu đáo, và tinh tế.
Anh biết câu chuyện mà Diễm Trinh kể ra sẽ nhạy cảm, dễ khiến cô cảm thấy khó xử, nên anh chọn một góc rất khuất trên tầng cao nhất của quán cafe. Lẽ thường, cái góc như thế là để dành cho các cặp đôi thích ôm ấp, hôn hít nhau.
Diễm Trinh đến, khiến Chí Dân hơi bất ngờ. Cô không giống như hình ảnh hôm trước mà anh gặp ở… gốc cây cạnh bệnh viện. Trinh trang điểm tươi tắn, không đậm sặc sỡ như hôm trước. Cô vận một chiếc áo sơmi màu phớt tím, có những bông hoa kéo thành dải ở ngực, cùng một chiếc chân váy có họa tiết vui mắt, đi kèm một đôi giày cao gót tôn dáng.
Biết nói thế nào nhỉ? Diễm Trinh đẹp một cách nữ tính, dịu dàng và… sang trọng. Nó khiến tất cả cánh đàn ông đều phải ngước nhìn, chứ chẳng riêng gì Chí Dân.
Ngay khoảnh khắc đầu tiên khi gặp lại nhau, Trinh đã được thỏa mãn trí tò mò lúc trước của cô. Bởi Chí Dân đã giơ tay kéo ghế cho Trinh ngồi, kèm một nụ cười tươi đầy tự nhiên.
Trời ơi, một nụ cười ấn tượng đến choáng ngợp! Nụ cười tỏa nắng, phải, Trinh đã đọc rất nhiều về nó trong các câu chuyện ngôn tình. Nhưng phải đến hôm nay, cô mới được nhìn thấy một nụ cười như vậy ngoài đời thực. Nó khiến cô thấy thoải mái hơn, tự tin hơn, yêu đời hơn, cái gì tích cực cũng hơn hết cả!
Vậy nên, sau đó, cuộc trò chuyện giữa Chí Dân và Diễm Trinh thực sự cởi mở. Anh nhà báo luôn khéo léo tìm câu hỏi tránh đụng chạm nhất có thể, để Trinh thấy dễ chịu. Lúc cô trả lời, anh chăm chú lắng nghe, tay viết tốc ký vào cuốn sổ.
Diễm Trinh không né tránh điều gì cả. Bởi khi đã xác định tới gặp nhà báo, cô hiểu anh muốn biết điều gì, và cô sẽ kể thứ gì rồi…
Khi cuộc trò chuyện đang diễn ra mượt mà, bỗng…
Diễm Trinh khựng lại. Cô nhìn thẳng vào mắt Chí Dân, hỏi ngược đầy bất ngờ: “Làm điếm là một nghề đặc biệt. Nó là thứ nghề mang lại sự đê mê, khoái cảm cho cánh đàn ông. Nhưng nó cũng là nghề bị coi thường, bị cho là mạt hạng, bẩn thỉu và khốn nạn. Phụ nữ coi thường thế đã đành, chính cánh đàn ông cũng như vậy. Anh có thấy thế là bất công không?”.
Chí Dân sững người.
Trong cuộc trò chuyện này – và vô số cuộc trò chuyện khác, vốn là một phần không thể thiếu trong nghề làm báo của anh – hiếm khi nào nhân vật lại hỏi ngược với một câu khó trả lời như thế!
Bởi vậy, Chí Dân cứ ngây ra. Rồi khi định thần lại, anh đáp mà không cần nghĩ, vì đơn giản, anh nói ra điều mặc định trong tư duy của mình: “Anh chỉ phân định 2 loại là người tốt và người xấu. Người xấu thì đáng bị coi thường. Vậy thôi. Chứ anh không phân định nghề nghiệp”.
Giờ tới lượt Diễm Trinh… ngây người ra. Cô cảm thấy lòng bồi hồi và ấm áp lạ lùng. Và trong góc quán cafe ấy, một cô gái điếm bỗng ửng hồng đôi má…
*****
Ngày qua ngày, mối quan tâm của Diễm Trinh bây giờ thay đổi ít nhiều. Vẫn là công việc (đương nhiên, dù đó là một thứ việc “mạt hạng” theo góc nhìn của xã hội, thì nó cho Trinh tiền sống đủ đầy, và cô vẫn thấy “yêu nghề” cơ mà), vẫn là những truyện ngôn tình, và… anh nhà báo, Chí Dân. Đây chính là mối quan tâm mới của Trinh, bởi không hiểu sao, sau buổi gặp ở quán cafe, Trinh thấy vấn vương lắm. Nụ cười tỏa nắng ấy, và câu trả lời ấy, cứ luôn xoay qua xoay lại tâm trí Trinh.
Hay là cô đang yêu? Ôi không, Trinh không dám nghĩ đến! Nghề làm điếm khắc nghiệt như thế đấy! Một cô gái điếm biết yêu? Có chăng, chỉ những gã nghiện ngập, ma cô, tội phạm… thì mới yêu gái điếm. Đằng này, anh ấy là nhà báo, là một trí thức hẳn hoi. Tỉnh mộng đi Trinh! Cô luôn nghĩ thế khi cảm thấy tâm trí hơi bay bổng một chút với nụ cười của Chí Dân.
Nhưng… tình cảm là tình cảm. Nó không phải là thứ có thể nhét vào hộp, khóa kín lại, rồi bắt nằm yên trong đó được.
Bởi thế, khi sự vấn vương cắn rứt tâm hồn, khi nỗi nhớ trỗi dậy, Trinh không kiềm chế được. Cô đánh liều nhắn tin vào Zalo của Chí Dân – lẽ thường, khi kết thúc “cuộc phỏng vấn”, cô nghĩ bản thân sẽ không còn lý do và cơ hội nào nữa để chuyện trò với anh.
“Anh đã viết xong bài về nghề bán dâm chưa?”. Chả hiểu sao, câu hỏi của Trinh lại có thể nhạt nhẽo đến thế. Nhưng biết làm sao được? Chẳng lẽ Trinh lại hỏi: Anh có nhớ em không? Khi mà em nhớ anh đến cồn cào, nôn nao như thế…
“Anh… chưa, em ạ!”.
“Ơ, tại sao? Cả tuần trôi qua rồi cơ mà? Anh dành tâm huyết cho những bài viết đó lắm cơ mà?”.
“Anh đã viết đề cương gửi tòa soạn duyệt. Nhưng đề cương ấy, anh không làm theo sự định hướng ban đầu. Anh soạn đề cương để viết về những con người tử tế làm nghề bán dâm. Tòa soạn đã không duyệt cho anh…”, Chí Dân chat một mạch.
“Những con người tử tế làm nghề bán dâm??? Tại sao anh lại nghĩ thế?”, Trinh bất ngờ thực sự.
“Anh cảm nhận được điều đó qua những câu chuyện của em. Đó là sự thật. Làm báo là phải viết sự thật, dù cho nó chỉ là một góc trong toàn cảnh bức tranh. Nhưng anh thích góc đó. Anh muốn viết về những điều tử tế, dẫu cho nó có gắn với nghề thường bị mọi người coi thường. Như đã nói, anh chỉ coi thường người xấu xa, chứ không coi thường nghề nghiệp nào cả. Nên không duyệt thì cũng không sao. Còn hơn là phải viết ra những thứ trái với lòng mình”.
“Em… em cảm ơn anh!”.
“Tại sao lại cảm ơn anh?”
“Em không biết! Chắc là do anh là người đầu tiên khiến em không cảm thấy tự ti, tủi hổ với cái nghề của mình. Em mời anh đi ăn nhé? Để ‘chúc mừng’ cho đề cương không được duyệt”.
Chí Dân gửi biểu tượng mặt cười thật tươi, kèm lời nhắn “OK!”.
Quả là đáng chúc mừng quá đi chứ! Một nhà báo không phải viết thứ trái với lòng mình, và một cô gái được gặp lại người khiến cô xao xuyến bấy lâu…
*****
Lần gặp gỡ thứ hai, Diễm Trinh lại khiến Chí Dân bất ngờ vì vẻ ngoài dễ thương, trẻ trung của cô. Trinh mặc áo phông màu phơn phớt hồng, quần bò bó và đi đôi giày thể thao khỏe khoắn.
Cô mời anh nhà báo đi ăn đồ nướng, vì trong các câu chuyện ngôn tình mà cô đọc, cảnh này thú vị lắm. Mà quả là thú vị thật!
Ngồi chờ đồ ăn chín, Trinh được nhìn thấy giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, sống mũi và nhân trung của Chí Dân. Thật xốn xang! Chẳng hiểu sao, cô cứ thấy má mình ửng đỏ lên, sau mỗi lần liếc trộm ấy. Cũng may, chắc anh khó phát hiện ra, vì ngồi gần bếp than, mặt đỏ cũng… dễ hiểu.
Ăn xong, dường như Chí Dân muốn bày tỏ lòng biết ơn Diễm Trinh đã mời anh một bữa ngon miệng như thế, nên anh đề nghị đi uống cafe, cốt như một sự mời lại cho phải phép.
“Hay đi dạo vài vòng bằng xe máy cho hết mùi nướng đã, anh nhỉ?”, Diễm Trinh nêu ý tưởng. “OK!”.
Vậy là Chí Dân đèo Diễm Trinh phía sau chiếc xe Future cũ của anh, vòng qua Hồ Tây.
“Tại sao anh lại đi ra đây?”, Trinh thắc mắc, khi một tay bất chợt vòng qua eo Chí Dân, lúc chiếc xe đi qua gờ giảm tốc xóc nảy lên. Cánh tay cô đặt lên eo của anh một cách tự nhiên, và sau đó, cô ngượng nghịu, không biết bỏ ra hay… cứ để đó. Và Trinh đánh liều, cứ giữ như vậy.
“Anh không biết nữa! Anh thích đi dạo bằng xe máy vòng vòng qua đây. Gió, sự thoáng đãng làm đầu óc anh thư thái. Mỗi khi gặp căng thẳng trong công việc, anh sẽ ra đây hít hà mùi gió, mùi hoa và mùi cỏ”, Chí Dân đáp, và nhẹ nhàng tạt xe vào vỉa hè, đúng chiều gió thổi.
Đầu giờ chiều, Hồ Tây thực vắng vẻ. Có một cặp đôi nam nữ đứng quay mặt ra hồ, đón gió thổi vào, khiến tóc họ tung bay.
“Anh… anh chưa có người yêu thật sao? Làm nghề đi nhiều, gặp gỡ nhiều mà anh lại… thế à?”, chẳng hiểu sao Diễm Trinh lại hỏi như vậy. Chắc có lẽ câu hỏi lớn nhất trong lòng cô lúc này cứ thôi thúc, khiến Trinh không kìm nén được.
Chí Dân chỉ cười hiền và lắc đầu, không đáp. Chắc anh không biết giải thích thế nào trước câu hỏi “khó” của Diễm Trinh.
Bỗng… Nụ cười tỏa nắng của Chí Dân trong cảnh gió thổi lãng mạn, cùng cái lắc đầu hiền khô ấy, có sức hút gì đó thật không thể nào cưỡng lại nổi. Và Diễm Trinh không biết cô đang nghĩ gì nữa. Cô chỉ biết rằng, người đối diện… dễ thương quá đỗi. Và…
Chẳng hiểu thứ sức mạnh nào đã đẩy Diễm Trinh tới sát Chí Dân. Cô tự vòng tay qua lưng anh, và nhẹ nhàng đặt một nụ hôn lên đôi môi anh nhà báo. Chí Dân mở to mắt, đứng như trời trồng, nhưng thứ sức mạnh kia như được truyền vào cơ thể anh vậy, khiến Chí Dân… không phản đối.
Trong khoảng 10 giây, Chí Dân cảm nhận được làn môi mềm mềm, thơm thơm và âm ấm của Diễm Trinh, cùng hơi thở dìu dịu mùi nữ tính tỏa ra từ mũi cô.
Diễm Trinh đã chủ động hôn anh, và sau đó, cô cũng chủ động rời ra.
“Em… em xin lỗi! Thực sự, em không thể kiềm lòng được… Em thích anh!”, Diễm Trinh nói với đôi má ửng hồng, còn mắt ươn ướt vì xúc động…
Đầu giờ chiều, Hồ Tây vẫn vắng vẻ. Có một cặp đôi ôm lấy nhau và hôn say đắm. Lần này, Chí Dân đã chủ động, chắc vì anh nghe được sự đồng cảm của con tim mình với người con gái dễ thương mà số phận đã sắp đặt cho anh.
Từ hôm ấy, có một cặp đôi yêu nhau tha thiết.
*****
Quang biết chuyện.
Phần vì Quang là một “ông bầu” nhạy cảm, và sự thay đổi từ Diễm Trinh thì quá dễ nhận ra, phần vì Quang thân thiết với Trinh như người trong gia đình.
“Mày đã nghĩ kỹ chưa?”, Quang hỏi gọn lỏn.
Diễm Trinh không trả lời, hướng ánh mắt ra nơi vô định.
“Tao không biết nói với mày như thế nào nữa. Nói chung, người bình thường chắc không tin, không bao giờ tin được. Ai tin một đứa con gái làm điếm mà lại đi yêu người ‘bình thường’ ấy. Bản thân cái thằng ‘bình thường’ kia, tao nghĩ nó cũng bất bình thường. Nó nghĩ sao khi người yêu nó lại làm tình với thằng khác để kiếm tiền? Nói chung, tao thấy rất đau đầu, không biết nói thế nào cho mày hiểu nữa. Rất là khó tin, chả ai tin được, từ người ngoài cho tới người yêu mày. Đến tao là người hiểu mày như thế, còn thấy khó tin, thì…”, Quang nói một thôi một hồi, vừa nói, vừa gãi đầu, gãi tai, cốt để cho đứa em mà anh ta quý mến hiểu điều anh ta muốn giãi bày. Quang không cấm đoán Trinh yêu. Đó là sự văn minh trong tính cách của tay giang hồ “tú ông” này. Miễn sao đừng ảnh hưởng tới công việc là được.
“Em không biết. Em chỉ thấy anh ấy có tri thức, tư duy văn minh. Anh ấy chấp nhận em. Anh ấy không coi thường nghề nghiệp của em. Anh ấy…”, Trinh cố gắng giải thích một cách yếu ớt.
“Tao cũng chẳng biết nói gì hơn. Mọi sự đến đâu là tùy mày. Nhưng làm sao đừng để dấn sâu quá! Càng dấn vào, thì càng đau đớn, ê chề, nếu chẳng may có biến. Nhớ đấy!”, Quang nhún vai nói trong tiếng thở dài.
Cuộc nói chuyện lúc khuya ấy có rất nhiều tiếng thở dài…
*****
Yêu nhau, Diễm Trinh dành hết tình cảm chân thành cho Chí Dân.
Và anh nhà báo cũng là người đàn ông hiếm hoi được hưởng “đặc ân” không phải đeo bao cao su khi làm tình với Trinh. Đương nhiên rồi, cái quy tắc nghề nghiệp ấy “tất lẽ dĩ ngẫu” là không thể áp dụng với người mình yêu, Trinh nghĩ vậy.
Lúc hai cơ thể quấn vào nhau, nồng ấm đến cháy bỏng, rạo rực tới hừng hực, Trinh vẫn giữ một chút lấn cấn trong đầu, từ câu nói của Quang khi trước.
Liệu Chí Dân có thực sự không coi nghề nghiệp của Trinh là thứ nhạy cảm, không để nó ảnh hưởng tới mối quan hệ của hai người thật không?
Trước đây, anh có thể nói vậy, nhưng giờ, khi hai người là một đôi, anh có thay đổi suy nghĩ không?
Diễm Trinh rất mông lung! Cơ bản tại vì… Trinh quá yêu Dân. Cô sợ mất anh.
Một lần, khi đến phòng trọ của Chí Dân vào buổi trưa, Trinh thấy anh đang chăm chú nhìn vào màn hình, tay không ngừng gõ phím, với những con chữ múa may…
“Em bảo này! Em giống như một quả trứng, anh thấy không?”, Trinh vòng tay ôm Chí Dân từ phía sau, tựa cằm vào vai anh và nói bằng giọng nghịch ngợm.
Anh nhà báo mở tròn mắt, ngạc nhiên hỏi lại: “Sao em lại như quả trứng?”.
Trinh chun mũi, đưa tay ra véo mũi Chí Dân: “Ôi trời ơi là trời! Người tôi yêu làm báo đấy, thế mà cái trend hay thế trên Facebook lại không biết! Đây nhé”. Nói rồi, Trinh đọc luôn 2 câu thơ mà cô tự làm cho Chí Dân nghe.
“Em như quả trứng hai lòng.
Một lòng công việc, một lòng yêu anh”.
Chí Dân cười ngượng nghịu, gãi gãi đầu, ý vừa xấu hổ vì không biết trend này, vừa thú vị với cách chơi ngữ nghĩa hay ho như vậy.
Tiện thấy anh đang vui, Diễm Trinh mở to mắt, nhìn thẳng vào Chí Dân, hỏi: “Anh có nghĩ quả trứng hai lòng đó có gì bất thường không? Như là… em vừa yêu công việc, lại vừa yêu anh ấy?”.
Chí Dân hiểu người yêu muốn nói gì. Hơn ai hết, anh cảm nhận được nỗi niềm khó xử của Trinh, và cả của anh. Nhưng là người tinh tế, Chí Dân không muốn làm khó người mình yêu, nên chính anh cũng luôn lảng tránh nhắc tới nghề làm điếm của Trinh. Anh tôn trọng cô một cách đáng kinh ngạc.
Chí Dân khẽ ôm Diễm Trinh vào lòng, đưa mũi nghịch ngợm lên trán, lên tóc, lên má cô. “Anh chưa bao giờ hối tiếc khi yêu em. Anh… không biết nói sao nữa. Có lẽ ai cũng thấy kỳ lạ, nhưng anh cảm nhận được tình yêu của em. Bên anh, em là của anh, thế là đủ hạnh phúc rồi!”.
Khoảnh khắc ấy có lẽ Trinh không bao giờ quên. Cô thấy ấm áp, lòng dịu lại, những nỗi niềm chất chứa, băn khoăn trước đó biến đâu hết. Từ thuở lọt lòng tới giờ, chưa bao giờ Diễm Trinh cảm thấy ấm lòng đến vậy.
*****
Nhưng nói gì thì nói, nếu bảo Chí Dân, Diễm Trinh không còn nghĩ gì nữa, thì quả là bất bình thường, như lời… “tú ông” Quang từng băn khoăn.
Có đôi lần, lúc vui vẻ nhất ở bên nhau, Chí Dân từng ướm hỏi nhè nhẹ. Ý là anh có một vài mối quan hệ, nếu Diễm Trinh quan tâm, muốn học hỏi và làm việc ở môi trường mới, thì anh có thể hỗ trợ, tác động.
Do sợ người yêu hiểu lầm, nên Chí Dân chỉ đề cập rất nhẹ, tùy ý Diễm Trinh chọn lựa. Còn Trinh thì thấy lòng rất lần lữa, bởi nhiều lý do.
Thứ nhất là cô tự ti với khả năng của mình. Giờ bắt đầu môi trường mới, công việc mới, học lại từ đầu, cô sợ… Lẽ tất nhiên, với thứ tình yêu to lớn mà Trinh dành cho Dân và ngược lại, thì cô có thể vượt qua điều này. Nhưng không may thay, vẫn còn đó lý do thứ hai.
Đó là… kinh tế. Có cái nghề nào dành cho người học việc, bỡ ngỡ, mà thu về vài chục triệu đồng mỗi tháng không? Chắc là không. Mà khó nghĩ thay, nếu Trinh không kiếm ra tiền, thì sẽ rất… không ổn. Không ổn ở chỗ Chí Dân có mức thu nhập rất… bèo bọt.
Lúc tâm sự với nhau, Chí Dân thường buồn bã gọi cái nghề cầm bút của anh “chắc có lẽ đang là nghề nghèo nhất trong số các nghề của tri thức”. Có lẽ chưa bao giờ, cái nghề báo nó lại nghèo nàn, xuống cấp đến như thế. Chí Dân nói vậy.
“Ngày xưa, khi báo giấy bán được, người làm báo sống tốt lắm, và cũng tử tế lắm. Khi ấy, nguyên tắc thị trường được đảm bảo. Báo chí phục vụ xã hội, và người dân trong xã hội ấy bỏ tiền mua báo, trả công cho nhà báo. Hai bên vì nhau mà phát triển. Còn giờ, đọc báo điện tử thì có ai trả tiền đâu em? Báo chí phải sống nhờ vào tiền quảng cáo, cái túi tiền của doanh nghiệp ấy. Vừa ít ỏi, vừa bị phụ thuộc, mất khách quan, vừa sinh ra những kẻ cầm ngòi bút như cầm dao, để đâm, để chém chỗ này chỗ kia, mà giành giật túi tiền về mình. Tệ, tệ lắm thay!”, Chí Dân buồn bã giãi bày với người yêu như thế.
Diễm Trinh chỉ nghe vậy, biết thế thôi, chứ cô không biết phải làm sao. Điều duy nhất mà cô biết chỉ là cô chưa thể bỏ cái nghề làm điếm của mình ngay lúc này. Bởi những lúc Chí Dân chậm đóng tiền nhà – do tòa soạn của anh vật lộn trả từng đồng nhuận bút, có khi chậm trả đến 2, 3 tháng ấy – thì Trinh còn hỗ trợ được anh. Hay lúc Chí Dân phải ăn mỳ tôm trừ bữa, thì Trinh còn mua được miếng thịt, con cá để động viên, bồi bổ cho người mà cô yêu.
Cuộc đời nhiều lúc tréo ngoe thế đấy!
Nhưng tại sao khổ thế, mà anh không bỏ nghề? Lần đầu tiên, khi nghe tâm sự của người yêu, Diễm Trinh đã hỏi vậy.
“Anh yêu cái nghề này. Nếu không có nhà báo đi tìm sự thật bằng kỹ năng chuyên nghiệp của mình, thì xã hội sẽ bị các doanh nghiệp, các thế lực dắt mũi đi theo hướng mà họ muốn. Báo chí chính là thước đo sự tiến bộ của xã hội, em có hiểu điều đó không?”, Chí Dân sôi nổi trả lời.
Lẽ đương nhiên, Diễm Trinh không hiểu. Nhưng cô chỉ cười và động viên người yêu thôi. Bởi khi đã yêu thật lòng, người ta luôn muốn người mình yêu được thoải mái sống và làm điều bản thân thích.
Và cũng lẽ đương nhiên, Diễm Trinh không thể bỏ cái nghề mang lại thu nhập khá cho cô ngay lúc này…
*****
Thời gian cứ lững thững trôi, kéo dài vị ngọt ngào trong mối tình của hai người họ. Họ yêu nhau, tử tế với nhau, tôn trọng nhau, hiểu nhau, để san sẻ những phút giây hạnh phúc cho nhau.
Có Diễm Trinh, Chí Dân như được tiếp thêm động lực trên hành trình làm nghề của mình. Ngược lại, Diễm Trinh thấy những giờ phút ngoài công việc thực đáng sống. Khi không làm việc, cô chỉ muốn lao tới cạnh Chí Dân, kể cả khi anh đi tác nghiệp, thì cô ngồi đợi bên ngoài. Sự đợi chờ trong hạnh phúc cũng rất ngọt ngào, Trinh thấy vậy.
Chuỗi ngày “gái điếm hai lòng, một lòng công việc, một lòng yêu anh” của Diễm Trinh cứ êm đềm mà trôi qua như thế. Không nghĩ ngợi quá xa, đơn giản là sống thật hạnh phúc cho ngày hôm nay.
Nhưng…
Trái ngang thay, cuộc sống thì không giống cuộc đời, ai đó nói như vậy. Quả đúng thật!
Ngày hôm ấy, khi chuẩn bị sửa soạn đồ để đến nhà Chí Dân, Diễm Trinh nhận được tin nhắn: “Anh có một bất ngờ dành cho em!”.
Chà, hồi hộp thật!
Chí Dân là một anh chàng lãng mạn theo cách rất riêng. Anh không phải là người ga-lăng, tự anh nhận như vậy. Mà anh lãng mạn kiểu quan tâm hết lòng đến người yêu, muốn người yêu luôn được thoải mái, được chăm sóc đủ đầy.
Cho nên nếu giữa đêm mà Diễm Trinh kêu đói, Chí Dân có thể lao tới với một gói xôi âm ấm, tặng kèm một nụ hôn ngọt ngào vô tận. Anh làm thế, đơn giản chỉ vì tình yêu. Cho nên “bất ngờ dành cho em” nghe thực thú vị và hồi hộp.
Đưa tay gõ nhè nhẹ lên cánh cửa phòng, Diễm Trinh muốn tận hưởng sự hồi hộp đó. Bình thường, cô đã tự mở khóa mà vào rồi. Nhưng hôm nay, cô muốn mọi thứ chầm chậm hơn, để đón nhận điều bất ngờ mà Chí Dân dành cho.
Chí Dân mở cửa cùng một nụ cười tươi, nụ cười tỏa nắng từng hút hồn Trinh. “Em! Vào đây!”, anh khoác nhẹ tay qua eo Trinh. Hạnh phúc thật đấy!
Bỗng…
“Hôm nay, anh muốn giới thiệu em với mẹ anh”, Chí Dân nói với giọng tự hào. Nhà Chí Dân ở thành phố này, nhưng anh đã tự chuyển ra ngoài sống tự lập, từ lúc người anh trai lập gia đình. Một ngôi nhà tập thể cũ kỹ mà quá đông người ở khiến Chí Dân ngột ngạt, và hơn hết, anh hay viết lách vào buổi đêm, nên khó lòng thoải mái khi sinh hoạt chung. Bởi thế, Diễm Trinh chỉ nghe kể qua về gia đình anh, chứ chưa từng đến gặp. Cô chỉ biết sơ rằng, mẹ Chí Dân làm y tá ở một phòng khám tư, bố anh đã về hưu non từ sớm, người anh trai làm kỹ thuật…
“Mẹ, đây là Diễm Trinh, bạn gái con!”, Chí Dân vui vẻ giới thiệu trong ngày mẹ anh tới thăm phòng.
“Cháu chào bác ạ!”, vừa cất lời đầu tiên, Diễm Trinh đã thấy cứng ngắc hàm, như thể có ai đó luồn một chiếc xương cá thật cứng vào cổ họng cô.
Mẹ của Chí Dân… bác ấy chính là… Cuộc đời thật lắm oái ăm!
Người phụ nữ ấy chính là y tá trong phòng khám mà Quang hay đưa đám đàn em bán hoa đến, để xử lý những thứ khó chịu gặp phải trong quá trình làm nghề. Dù giữ thật đấy, nhưng vẫn có cô mắc phải nấm, lậu, viêm nhiễm… Toàn chuyện thường tình!
Nhưng giờ, cái sự không thường tình là chỗ nữ y tá đó lại là mẹ của Chí Dân!
Diễm Trinh ấn tượng với bà vì gương mặt có phần lạnh lùng, ít cảm xúc. Lúc hỗ trợ khám hay làm thủ thuật gì, bà thường chỉ ra lệnh ngắn gọn, hiếm khi nở nụ cười. Bởi thế, chiếc nốt ruồi ở trên má của bà chẳng mấy khi được nhếch lên cao…
Cuộc trò chuyện khi đó vô cùng khiên cưỡng, Diễm Trinh cảm nhận được như vậy. Chắc chắn mẹ Chí Dân biết cô, bởi trong những gái điếm đi khám, cô trẻ và xinh xắn nhất nhóm. Dễ ấn tượng lắm chứ!
Còn Chí Dân vẫn hoàn toàn không biết điều này. Sự khiên cưỡng trong cuộc trò chuyện được anh ngầm hiểu là do “lần đầu gặp nhau” của mẹ và cô ấy. Đơn giản vậy thôi! Điều quan trọng là Chí Dân muốn giới thiệu người yêu với mẹ, bởi anh thực lòng yêu Diễm Trinh, yêu rất nhiều.
Trần đời này, ra mắt nhà người yêu đã là thứ dễ khiên cưỡng, lại ra mắt đúng người hiểu rõ cái điều mình muốn che giấu nhất, thì khiên cưỡng đến cỡ nào nữa?
Thành ra, Diễm Trinh chỉ biết nói lí nhí và cầu mong buổi gặp gỡ chóng qua đi.
*****
“Anh! Mẹ anh có nói gì không???”, Diễm Trinh nhắn tin cho Chí Dân với giọng đầy lo lắng. Thậm chí, nỗi lo lớn tới mức cô cảm tưởng như sắp mất anh đến nơi rồi.
“Có, mẹ anh thích em lắm! Em rất đáng yêu!”, Chí Dân đáp lại với biểu tượng khuôn mặt cười tít. Lạ lùng!
Hay anh cố gắng che giấu điều gì? Mà giấu giếm kiểu đó thì không phải là tính cách của Chí Dân.
Diễm Trinh bỏ luôn buổi làm việc hôm đó, lao tới chỗ Chí Dân. Cô sợ hãi một điều gì đó mơ hồ.
“Anh… anh nói thật đi! Mẹ anh không thích em đúng không? Em hiểu mà!”, Diễm Trinh vừa nói, vừa thở hổn hển, khi cô đẩy cửa bước vào.
Chí Dân tròn mắt. “Không, tại sao em lại nghĩ thế?”.
Chẳng hiểu sao, Diễm Trinh sà vào lòng Chí Dân, rồi òa lên khóc tức tưởi. Cô khóc vì sợ, vì tủi thân, và cả vì không biết trả lời câu hỏi của người yêu như thế nào nữa.
“Nghe anh nói này! Em là người yêu của anh. Đó là sự lựa chọn của anh. Không ai chọn thay cho anh được cả. Anh rất độc lập, tự chủ với mọi quyết định của mình. Chẳng lẽ đến giờ, em chưa nhận ra điều ấy hay sao, cô bé ngốc này?”, Chí Dân thì thầm vào tai Diễm Trinh, còn tay thì vòng ôm cô.
Diễm Trinh vẫn cứ nức nở. Nhưng những giọt nước mắt tuôn ra lúc này không giống khi nãy. Giờ là khoảnh khắc của những giọt nước mắt hạnh phúc, bởi ít ra, cô đã không chọn lầm người. Sau bờ vai của người anh tên Quang, thì bờ vai hạnh phúc của Chí Dân là tất cả với Diễm Trinh lúc này.
Cô thấy mình may mắn và hạnh phúc.
*****
Thời gian tiếp tục lững thững trôi, và mối quan hệ của Diễm Trinh với Chí Dân vẫn ngọt ngào như thế. Họ đến với nhau từ sự đồng điệu của 2 con tim, nên thật khó để có thứ gì chia cách được.
Duy chỉ có điều, thi thoảng, Diễm Trinh lại thấy Chí Dân khó ở. Anh bị dày vò với chính niềm đam mê mà bản thân đã chọn lựa.
Có lần, cô thấy anh vò đầu, đấm mạnh vào bàn phím và thở dài.
“Thật tồi tệ! Anh không thể làm tuyến bài này. Anh không thể!”, Chí Dân cay đắng thừa nhận.
Những lúc như thế, Diễm Trinh không nói lời nào. Cô ngồi xuống, vòng tay ôm lấy người yêu, đặt cằm lên vai anh và phả hơi ấm thở ra vào gáy anh, như muốn nói rằng “Anh! Bình tĩnh nào!”.
“Tòa soạn đã ký hợp đồng truyền thông với công ty này. Giám đốc của công ty đó còn có quan hệ họ hàng với một ông ở trên. Nhưng nó lại bậy quá, đã có người bị hại gửi đơn cho anh, nhưng anh… Làm sao có thể viết và đăng bài khi công ty kia là đối tác lớn của tờ báo???”, dẫu đã dịu giọng hơn, nhưng cái sự cay đắng, chua chát vẫn còn rất rõ trong lời tâm sự của Chí Dân.
“Những lúc này, anh thấy mình chẳng khác nào nhà văn Hộ trong truyện ngắn Đời thừa cả. Phải viết những thứ rất nông, rất nhạt. Trong khi điều muốn viết thì lại không thể viết, không được viết…”.
Sau hôm ấy, Diễm Trinh nhớ “từ khóa” là truyện ngắn Đời thừa. Cô về và tìm kiếm, đọc hết truyện ấy. Đơn giản, cô muốn hiểu hết những điều người yêu nói. Cô yêu anh bằng tất cả tình cảm chân thành, thể hiện qua từng chi tiết nhỏ như vậy.
Phải cái, đọc xong, ngoài việc ấn tượng với nhà văn Hộ lúc nào cũng trăn trở vì cái nghề đam mê mà nghèo khổ, thì Diễm Trinh còn thoáng rùng mình với vợ của Hộ, cô Từ. Khổ quá, cái khổ của người phụ nữ trót dại, của người phụ nữ bất lực, và cả của người phụ nữ lúc nào cũng thiếu tiền.
Đó cũng là lý do Diễm Trinh chần chừ, lần lữa chưa bỏ nghề. Lúc trước, cô đã chần chừ, thì nay, đọc truyện ấy, cô càng khó nghĩ hơn, dù cho Diễm Trinh vẫn chưa dám nghĩ đến một cái kết xa hơn với Chí Dân. Đơn giản là cô thấy rất sợ khi nghĩ về tương lai xa hơn.
Khi sợ, con người ta thường tìm cách lảng tránh. Trinh cũng vậy.
*****
Sáng hôm ấy, Trinh tỉnh dậy trên giường của Chí Dân. Hôm trước, cô và anh đi chơi chợ đêm, nên cô không về nhà trọ của mình nữa. Cô cũng xin Quang “nghỉ phép” để đi chơi cho thoải mái. Quang đồng ý, nhưng làu bàu cái gì đó qua điện thoại, vẻ không hài lòng. Chẳng phải vì Quang tiếc “ngày công” của Trinh, mà người anh đó cảm thấy cô đang ngày càng dấn sâu vào cuộc tình chưa biết đoạn kết thế nào, nên anh ta lo lắng, vậy thôi.
Cô quay sang ngắm Chí Dân. Anh nằm nghiêng, vẫn ngủ say, đôi môi hơi xịu xuống như trẻ con nũng nịu, và hơi thở đều đều. Ghét thật! Trinh định từ từ nhổm dậy để đặt một nụ hôn lên đó…
Bỗng… điện thoại của cô rung nhẹ, báo hiệu có tin nhắn đến.
“Trinh, về ngay! Có việc gấp, rất gấp!”, Quang nhắn.
Chuyện gì vậy nhỉ? Trinh lo lắng. Cô vội vã trườn ra khỏi chăn, mặc đồ và về ngay, khi người yêu vẫn đang chìm trong cơn mơ nào đó – chắc hẳn là đang mơ về Trinh nên mới ngủ mê mệt được như thế chứ! Trinh thoáng nghĩ vậy để thấy lòng dịu một chút, trước khi lao vội về nơi trọ.
…
Về đến khu trọ, Trinh thấy mọi thứ đang có sự xáo trộn gì đó rất ghê gớm. Mọi người đang hì hục đóng đồ vào túi du lịch, vali kéo, vội vã như thể sắp trễ một chuyến đi rất gấp.
Quang cũng tất bất nhét đồ, kéo đồ, đẩy ra sân chung.
“Có chuyện gì vậy đại ca?”, Trinh hỏi với khuôn mặt ngơ ngác, mắt mở tròn to.
“Mày về rồi đấy à? Vào đây, tao bảo”, Quang vừa nói, vừa thở hổn hển vì vừa lao động nặng. Anh ta kéo tay Trinh xồng xộc vào buồng.
“Con Lan, con Thúy bị bắt hết rồi. Đệ của nó vừa chạy thoát, báo cho tao. Không ngờ lần này bị làm gắt thế. Công an chả nói chả rằng, đùng một cái, xuống vã luôn, bắt quả tang mấy cặp đôi, xong bọn nó khai hết ra người môi giới, tổ chức. Bắt không trượt đứa nào cả. Bọn nó bảo nhóm của mình bị vồ chỉ còn là vấn đề thời gian thôi. Căng thẳng lắm! Bây giờ, tao kéo cả nhóm về quê, chỗ khu công nghiệp đang phát triển tốt. Ở đó, làm ăn được và dễ hơn chỗ này, tránh xa hết các cái bẫy đang giăng ra”.
“Mà có bị bắt, thì tao là đứa chết đầu tiên, vì tội tổ chức, môi giới. Cái ý tao không sợ bằng việc bọn chúng mày cũng sẽ bị nó thịt hết!”. Quang nói khi những giọt mồ hôi thi nhau tuôn ướt đẫm trán, đổ xuống mặt, xuống cổ.
“Ai thịt hả anh?”, Trinh lo lắng và chưa hiểu vấn đề, bởi mọi thứ dồn dập ngoài sức tưởng tượng của cô.
“Mày biết thằng Quỳnh không? Chính nó đó! Tao và mọi người đang nghi nó đứng sau, phím cho công an bắt hết các nhóm ở địa bàn này. Nó muốn thống trị cả vùng. Nó rất thân với lão trưởng mới lên. Giờ nó đập hết người đứng đầu nhóm như tao, với con Lan, con Thúy. Còn cánh đàn em dưới trướng như bọn mày thì chỉ bị phạt hành chính thôi. Nó sẽ thu nạp hết, ép vào khuôn của nó. Một thằng đểu giả và khốn nạn khó kiếm, hiếm thấy đấy”.
“Nhưng… em… em…”, Trinh giật mình thảng thốt. Giờ cô mới nhận ra là cô cũng sẽ phải thu xếp đồ đạc như những chị em khác ngoài kia, để hòa vào cái dòng trốn chạy vội vã này.
Quang nhìn thẳng vào mắt Diễm Trinh: “Mày có coi tao là anh mày, gia đình của mày nữa không? Mày phải lựa chọn thôi. Ngay lúc này, thật nhanh chóng. Đừng vì thứ tình yêu mù quáng mà hại bản thân, Trinh ạ. Để mày lại, chính tao cũng không yên tâm. Mày hiểu tao nói gì mà, đúng không?”.
Trinh chết điếng người.
Cô ngồi thụp xuống, nước mắt ở đâu trào ra, nghẹt thở. Cô run rẩy nhìn Quang, khi anh thở dài bỏ ra ngoài để tiếp tục lo thu xếp đồ. Cô nghĩ đến Chí Dân.
Đi hay ở? Sao lại cay đắng thế này???
Thật không ngờ cái cảnh “bên tình, bên nghĩa, bên nào nặng hơn?” mà Diễm Trinh đọc trong các câu chuyện ngôn tình lại xảy đến với cô theo cách khó ngờ nhất như vậy.
Bấy lâu nay, Trinh luôn coi Quang như người anh, như bố, như mẹ trong gia đình. Cô không thể sống mà thiếu đi người thân như Quang được. Nhưng Diễm Trinh yêu Chí Dân bằng cả trái tim. Dứt bỏ tình yêu để đi, thì khác gì dùng dao rạch đứt trái tim mình, để nó lại chốn đô thị phồn hoa này?
Bởi thế, Trinh cứ ngồi đó mà khóc, không biết phải làm gì…
“Mày có đứng dậy không thì bảo? Mau lên! Tao hô mấy đứa vào dọn đồ đỡ cho! Mau!!!”, Quang gắt. Hiếm khi anh ta gắt như vậy với Trinh. Hình như trong cảnh một sống, hai chết này, người ta không thể mềm lòng được.
Nhưng gắt là thế, Quang vẫn chảy nước mắt. “Trinh ơi, em ơi, ráng lên, anh xin em đấy, anh lo cho em lắm! Anh biết, anh hiểu mà, nhưng làm sao được, Trinh ơi?”. Quang vừa nói, vừa khóc tức tưởi. Một gã giang hồ bật khóc. Và những chị em của Trinh cũng khóc.
Tất cả thấu hiểu nỗi đau xé lòng của một cô gái điếm “hai lòng”, phải dứt một lòng ra mà bỏ lại phía sau…
*****
…
Ở nơi sống mới, Diễm Trinh như một cái xác không hồn.
Quang không bảo đứa em đau tình ấy đi làm nghề, mà chỉ loanh quanh phụ giúp việc lên lịch, điều phối. “Còn mày muốn thế nào thì tùy. Đợi qua ‘bão’, mày có rời chỗ này cũng được, tùy mày”, Quang nói thế, rồi thở dài.
Quang muốn kéo Trinh theo, vì cái nghĩa tình cảm gắn bó, và bởi vì anh không tin mối tình của Trinh và người yêu sẽ có cái kết hậu. “Lúc đó, mày chới với một mình giữa cái chốn ấy, thì làm sao tao yên tâm cho được?”. Thở dài, lại thở dài. Gã giang hồ như Quang chưa bao giờ thở dài nhiều đến thế.
Là người có tư duy và tính cách rõ ràng, dứt khoát, nên lúc ngồi trên chuyến xe rời thành phố, Diễm Trinh đã nén đau mà gói ghém những vết thương lòng của cô lại, ấn tạm nó xuống.
Cô tháo sim khỏi điện thoại, cô vô hiệu hóa tài khoản Facebook, Zalo… Tất cả! Cô không muốn nghe thấy giọng Chí Dân lúc này, bởi chỉ cần một lời nói, một tin nhắn, hoặc đơn giản là một cái ảnh hiện ra thôi, cô sẽ lại vùng lên, và vết thương lòng thêm phần quặn thắt.
Cô hướng đôi mắt ra nơi xa xăm, thấy mọi thứ nhòe đi trong nước, dù trời ngoài kia trong và xanh ngắt. Cô tưởng tượng ra sự hốt hoảng của Chí Dân, sự hoang mang tột độ của anh, khi bỗng thấy người yêu biến mất không dấu vết. Dẫu làm nghề thông tin, nhưng chắc chắn anh không thể lần ra được con đường mà cô đã đi, bởi những người giang hồ như Quang mới là “trùm” che giấu. Tất cả bốc hơi như chưa từng tồn tại!
Nghĩ thế, Diễm Trinh lại khóc, tức tưởi và nức nở. “Rồi sẽ qua thôi, qua thôi, qua thôi, Trinh à! Thời gian là phương thuốc diệu kỳ, sẽ chữa lành mọi vết thương. Anh ấy sẽ quên mày thôi. Còn mày sẽ dần đỡ đau thôi. Mày đang nghĩ gì vậy? Mày yêu anh ấy ư? Yêu rồi thì sao? Mày nghĩ mày sẽ cưới anh ấy ư? Mày hồ đồ, ngớ ngẩn quá vậy? Mày càng yêu anh ấy, là mày càng làm khổ anh ấy đấy…”, Diễm Trinh tự ép mình vào những suy nghĩ tiêu cực như thế, cốt để những cơn đau dày vò tâm can cô dịu bớt phần nào.
Thời gian là phương thuốc diệu kỳ.
Thời gian là phương thuốc diệu kỳ.
Thời gian là phương thuốc diệu kỳ…
*****
…
Tròn một năm Diễm Trinh chạy trốn cùng nhóm gia đình, rời xa vòng tay của Chí Dân. Và thời gian không diệu kỳ như cô nghĩ.
Suốt một năm ấy, nhìn đâu, Trinh cũng thấy bóng hình của Chí Dân. Ai đó cười, sao có vẻ nụ cười ấy giông giống vậy nhỉ? Ai đó đeo kính, sao chiếc kính ấy giông giống thế nhỉ? Ai đó đi chiếc xe máy Future cũ, mặc chiếc sơ-mi, sao mà giông giống quá vậy?…
Một năm đó… là một năm của sự ám ảnh, dày vò, thậm chí hoang tưởng, đối với Diễm Trinh. Ai bảo thời gian là phương thuốc diệu kỳ chứ??? Thời gian chỉ khiến Diễm Trinh xơ xác, héo mòn đi, cả trong tâm tưởng và thể xác mà thôi.
*****
Sáng nay, Diễm Trinh thấy một vị khách để quên tờ báo giấy trên chiếc ghế ở cửa nhà. Thời này, việc nhìn thấy một tờ báo giấy quả là hiếm. Cô lãng đãng cầm tờ báo lên theo phản xạ, đưa đôi mắt vô hồn lướt qua các con chữ…
Ánh mắt cô bất chợt dừng lại ở một phần bài báo ngay trang đầu. Tác giả là “Diễm Trinh”. Bài báo viết về nghĩa khí của người cầm bút, nhằm kỷ niệm ngày của những người làm báo. Bỗng dưng, Diễm Trinh cảm thấy ngột ngạt…
Có gì đó rất quen. Quen một cách lạ lùng.
Cô vội giở bài báo đó ra. Ôi! Đúng là anh rồi! Bài báo của anh! Chắc chắn thế, vì những con chữ đó không thể của ai khác được. Những con chữ đầy cảm xúc, những con chữ uyển chuyển. Và hơn hết, bài báo nhắc đến một chi tiết đầy khắc khoải: “Làm báo, là làm thứ nghề trân quý đối với xã hội. Thể loại báo chí mà tôi thích nhất là Phóng sự, Ký sự. Bởi đó là thể loại của cảm xúc. Người làm báo truyền đi thông tin bằng những con chữ viết nên bởi trái tim mình, đó là thứ giá trị khó có thể đong đếm cụ thể. Nhưng đấy cũng sự khắc nghiệt của nghề báo. Có những cảm xúc gặm nhấm trái tim người làm báo, khiến họ đớn đau và chịu đựng trên suốt chặng đường làm nghề. Tôi từng có một tình yêu rất đẹp trên hành trình cầm bút của mình, nhưng… “.
Mắt Diễm Trinh nhòe đi. Anh! Đúng là anh rồi! Không thể là ai khác! Một năm qua, anh đã chuyển sang tòa soạn mới rồi sao? Và… vì sao anh ký bút danh là “Diễm Trinh”? Anh!
Diễm Trinh nức nở. Đôi mắt cô như mòn đi suốt một năm qua, vì khóc. Nước ở đâu mà nhiều đến thế? Nó cứ trào ra, cay xè, mờ nhoẹt.
Diễm Trinh chạy vội vào phòng, tháo tung tủ đồ ra, và run rẩy cầm chiếc điện thoại, chiếc sim mà cô từng tháo và khóa chặt nó trong thùng. Cô lắp lại. Phải, cô muốn, cô rất muốn nhìn thấy Chí Dân, nghe thấy tiếng nói của anh, ngay lúc này.
Thời gian đâu phải phương thuốc diệu kỳ như người ta vẫn nói???
Suốt một năm rồi, cô khổ sở, cô dày vò và dằn vặt bản thân. Và giờ, cô muốn chấm dứt tất cả. Cô không thể bắt con tim phải nghe theo lý trí nữa. Cô đã quá độc ác, quá tàn nhẫn với nó.
Diễm Trinh lắp sim vào máy, nhưng không có sóng. Chiếc sim của cô không được dùng quá lâu, nên đã bị ngắt mạng. Cô sững người lại.
Diễm Trinh từ từ mở Facebook lên, bật lại chế độ kích hoạt tài khoản. Mất một lúc, Facebook mới load được bảng tin, do tài khoản của Trinh đã “ngủ đông” quá lâu. Hiện ra đầu bảng tin chính là dòng chia sẻ của tài khoản Chí Dân. Diễm Trinh cảm thấy ngạt thở. Cô vừa vội vã, hấp tấp, lại vừa run rẩy.
Chí Dân chia sẻ một đường link bài báo, của tòa soạn mới mà anh chuyển sang.
Diễm Trinh bấm vào Facebook của Chí Dân. Cô sững sờ…
Chí Dân vẫn thế, vẫn khuôn mặt đáng yêu và chân thành đó, vẫn nụ cười tỏa nắng lành khô như vậy. Nhưng trong khuôn ảnh của anh, một cô gái mặc váy cô dâu đang khoác tay Chí Dân.
Diễm Trinh thấy ngạt thở thực sự. Vậy là… anh đã kết hôn ư? Giờ, cô không khóc nữa. Đôi mắt cạn khô. Chẳng lẽ… chẳng lẽ thời gian không phải là phương thuốc diệu kỳ đối với cô, nhưng với Chí Dân, thì nó đã phát huy tác dụng?
Diễm Trinh không còn đủ bình tĩnh nữa. Cô thả điện thoại rơi xuống sàn, lần theo mép tường, run rẩy đi ra ngoài. Cô thấy ngạt thở.
*****
Chí Dân có đau đớn như cô không? Chắc chắn là có.
Chí Dân có xới nát thành phố lên để tìm cô không? Chắc chắn là có.
Vậy tại sao Chí Dân lại…?
Diễm Trinh không trả lời được. Cô đang mang trong mình tâm trạng cay đắng đủ đường: Vừa cay đắng vì nỗi đau tình phải chịu đựng suốt một năm qua, vừa cay đắng với cảm giác bị thất tình, phụ bạc.
Đó là Diễm Trinh cảm thấy thế, chứ cô không kịp biết rằng, trong album ảnh trên Facebook của Chí Dân, cô dâu của anh ấy còn khoác tay rất chặt, nở nụ cười rất tươi với… mẹ của anh. Khi thấy con trai vật vã trong cơn đau tình, mẹ của Chí Dân đã tìm mọi cách giúp anh vượt qua, bằng cách nào thì ai cũng hiểu. Bà nhìn ra đây là cơ hội không thể tốt hơn để con trai dứt bỏ đứa con gái mà ngay từ lần gặp đầu tiên, bà đã không chấp nhận rồi…
Nhưng Diễm Trinh không biết điều đó. Nỗi đau đã kéo cô ra ngoài, cho nắng, cho gió, cho mùi hoa và mùi cỏ cuốn cô đi.
Diễm Trinh vịn cả 2 tay vào lan can cầu, bước chân run rẩy đón làn gió thổi vào mặt. Cô không thấy mát. Cô chỉ thấy đau buốt. Cứ mỗi khi gió chạm vào đôi mi, cô lại thấy rát như phải bỏng. Đau đớn quá! Trống rỗng quá! Và bất lực quá!
Diễm Trinh không khóc được nữa, cô đã cạn hết nước mắt rồi…
“Anh à, em là quả trứng hai lòng. Một lòng công việc, một lòng yêu anh…”.
*****
Ngày hôm ấy, có một chuyện chưa từng xảy ra ở tòa soạn.
Phó Trưởng Ban Thư ký Tòa soạn Chí Dân thét lên một tiếng rất lớn. Rồi anh sụp xuống, khóc nức nở. Không ai hiểu chuyện gì xảy ra.
Mọi người chỉ biết, tối hôm ấy, Chí Dân trực tại tòa soạn. Anh tiếp nhận và biên tập một thông tin ngắn do cộng tác viên gửi về. Một cô gái trẻ đã quyên sinh trên cầu… Cô ấy chỉ để lại một mảnh giấy, ghi một bài thơ ngắn.
“Em như quả trứng hai lòng…
Một lòng công việc, một lòng yêu anh.
Tới khi tình lỡ quá nhanh.
Lòng em trống rỗng, tan tành, thiết chi?”.
Chí Dân chết điếng. Anh nhấc máy, gọi ngay cho cộng tác viên, để hỏi chi tiết về sự việc, về tên của cô gái…
Rồi mọi người thấy anh thét lên, sụp xuống, khóc nức nở.
Không ai hiểu tại sao anh nhà báo lại bị như thế…
*****
Những người không hiểu chuyện ở cái xứ ấy nói với nhau toàn thứ tầm phào, khi họ đọc thông tin về sự việc. Người hơi biết chuyện thì bảo, “con điếm chỗ thằng Quang đấy mà, chắc nó bị HIV nên chán đời mà tự vẫn”. Người không biết chuyện thì nói, “dại dột quá, ngu dốt quá, chết vì tình là cái chết ngu xuẩn, không nghĩ đến công sức chăm dưỡng của bậc sinh thành…”.
Cái xã hội này… thật khó cảm thông và thấu hiểu. Một cô gái điếm hai lòng thì càng khó được cảm thông và thấu hiểu. Làm gì có chuyện như thế được cơ chứ?
Những giọt nước mắt đã rơi, vẫn cứ rơi như thế. Chẳng ai ngăn nó lại, cũng chẳng ai lau nó đi…
Trung Hiếu
Câu chuyện thấm đậm tình người. Cảm ơn tác giả Trung Hiếu❣️
Hay quá!
Thương cho một mối tình! Truyện dài mà rất lôi cuốn, mình đã đọc một mạch không nghỉ.
Ôi tác giả ơi. Tôi khóc đấy. Tận cùng nỗi đau.
Văn chương hay mà hiếm.Hy vọng rằng sẽ được các nhà văn, nhà báo đọc và suy ngẫm.Nhất là được các nhà viết sử quan tâm? Hàng ngàn tờ báo Hãy nhớ câu ( ngày xưa báo giấy còn sống được) đến giờ (sông vẫn sáo) Hả hả??? Ngòi bút là danh dự, là nhân phẩm đạo đức. Nếu phải viết những gì trái lương tâm, sai sự thực thì bẻ bút đi.Hãy học Chí Dân.
Mình đã khóc. Cảm ơn tác giả!
Chính cái kết buồn mà làm nên câu chuyện có thật.
Câu chuyện quá hay và nhiều điêù đáng suy nghĩ cảm ơn tg?????
Câu chuyện hay nhất về nghề mà mình từng đọc. Nó hay, nhân văn và rất cay đắng…..
Hay nhất là chi tiết quen nghề , yêu nghề thì khó mà thay đổi… thương cho cô gái… nông nổi tuổi Trẻ và thiếu bản lĩnh khi cơ hội đến.
Cái kết vì tình cũng là cái kết với nghề! Một lối thoát bi thương.
Câu chuyện rất hay và nhân văn.
Cảm ơn tác giả, câu chuyện rất hay ạ.
Truyện ngắn này và truyện ngắn “Nhập vai” của tác giả Nguyễn Xuân Phương rất hay, đáng đọc.
Em vừa đọc hết, khóc anh ơi. Phải chi mà anh cho họ được gặp nhau lần cuối khi 1 trong 2 người đau ốm, tai nạn gì đó hoặc ít ra họ vẫn biết được người kia vẫn yêu, vẫn tìm, vẫn đợi họ thì đỡ đau hơn. Như này thì tội quá ?
Nhẹ nhàng nhân văn…. không hiểu sao mình thót cả tim đoạn cô ấy vào nhà ng yêu… cứ ngỡ gặp ông bố là khách cũ.
Thương…
Mình cũng đoán như bạn. Và tác giả đã cao tay hơn chúng ta.
Viết hay và mới lạ táo bạo mạnh mẽ…
Chuyện hay hấP dẫn và nhiều cảm xúc, cái kết buồn đau quá. Thanks bác!
Hay lắm ạ.
Đây là một truyện hay mà tôi đã đọc. Dù cái kết buồn nhưng tác giả giúp ta nhìn nhận và đánh giá về con người, dù họ có làm công việc gì, nhưng mặt tốt, cái thiện vẫn còn trong họ, nếu thực sự ta tin và thông cảm thì họ sẵn sàng cởi lòng. Chí Dân là con người như thế. Một lần nữa tôi nói rằng, truyện quá hay. Xin chúc mừng tác giả, không có sự dung tục ở đây.
Giá như….giá như cô gái ấy mạnh mẽ quyết giữ lấy tình yêu của mình thì ..sẽ không có kết cục đau buồn..?
Hay quá. Thương cô gái ấy!
Hay!
Câu chuyện khá lạ và có vẻ như…tác giả hơi triết lý… với một góc nhìn…nhân văn hơn (!?)
Truyện hay quá!
Câu chuyện hay cảm động và ko ít ng đọc xong phải rơi nước mắt.
Truyện hay quá!
bài nào anh biết cũng rất hay rất sắc sảo
hay lắm ạ em share cho cả bạn rồi
hay lắm anh ạ, em hóng dài cả cổ mới có truyện mới. Truyện của anh tuy có chút 18+ thật, nhưng nó vẫn rất ý nghĩa giúp em có thể thấy đc mặt tối của xã hội
Bạn viết quá sâu sắc,mình lúc nào cũng muốn đc đọc nhiều truyện của bạn hơn nữa, cảm ơn bạn!
Truyện của a hay và nhiều cảm xúc quá. Cảm ơn a. Chúc a mạnh khoẻ và thành công trong cuộc sống
Cảm ơn anh đã viết.
Thương cho cô gái ấy, chàng trai ấy và cả người vợ của chàng trai.
Chẳng có ai sai, nhưng trong xã hội này, tình cảnh như họ rồi phát sinh tình cảm…lại thấy cũng không đúng.
Cái kết buồn, người ra đi đớn đau, người ở lại vừa đớn đau vừa day dứt…
Câu chuyện buồn quá anh ạ. Đang giờ làm việc mà em ngồi đọc 1 mạch từng chữ. Nỗi đau day dứt quá, và còn khắc nghiệt quá khi mà 1 người không nói lại rời xa, 1 người thì lại nghĩ người kia không còn trên đời,.. suy cho cùng họ đều là những con người đáng thương, cô gái ấy vốn đã k đủ tự tin yêu ai cho đến khi hết lòng hết dạ thương 1 người thì lại k thể kề bên, nhìn ảnh bên cạnh 1 cô dâu rạng rỡ thì cuộc đời còn lại của cô sẽ luẩn quẫn ra sao. Còn anh, người mà nghĩ rằng cô k còn sống trên đời này nữa, rồi khi anh kết hôn với 1 người khác, liệu anh có 1 lòng 1 dạ cho tổ ấm của mình hay còn những niềm day dứt khôn nguôi,… Bùn quá anh ạ
Ông anh này bút lực cao lắm, truyện hay
Truyện hay và cảm động lắm ạ
truyện rất hay và cảm động ,mih thương cho cô gái wa
Truyện hay quá ❤️
chỉ định đọc rồi lướt qua nhưng không ngờ đọc xong lại không muốn hờ hững với công sức tác giả đã viết, định react 1 icon đơn giản cho bài viết thay vì cmt , thế nhưng….ngồi mất 3 phút vẫn không tìm được icon nào phù hợp. vì đọc cả bài quá lôi cuốn, quá nhiều cao trào và đủ các cung bậc cảm xúc. thật lòng thán phục tác giả. bài lách đưa người đọc đến được tần số cao nhất của hạnh phúc, vui mừng, và đau khổ, nuối tiếc.
Thương cho số phận má hồng!
Truyện hay nhưng đọc xong buồn quá!
truyện b viết hay mà hấp dẫn lm,dù mình đọc ngay lúc buồn ngủ nhưg vẫn k dám ngủ mà cố đọc cho xong câu chuyện,nhưg đọc xong thì tỉnh ngủ ln vì cái kết k nghĩ tới đc.
Mình cũng đoán kết cục k tốt, nhưng k nghĩ đau đến vậy. Nhưng tại sao những câu chuyện tình như thế lại luôn kết thúc bi thảm? Phải chăng cách nhìn của mọi người về nghề bán hoa luôn giống nhau? K thể có kết cục nào tốt cho họ.
Đọc xong thấy buồn quá!
Gạt bỏ hết những triết lý về cuộc sống ra khỏi tâm thức, tôi hòa mình vào không gian của câu chuyện, song hành cùng những con chữ….chứ chưa cần đặt mình vào vị trí của nhân vật…chỉ vậy thôi mà sống mũi cũng cay xè!
Thương em, thương những phận đời vì lý do này khác mà dấn thân vào con đường đó, nhưng vẫn giữ được cốt cách làm người, vẫn biết trân trọng và đau khổ thực lòng với những cảm xúc rất đẹp, rất NGƯỜI như vậy.
Cảm ơn tác giả đã cho tôi và bạn đọc được thưởng thức truyện ngắn hay này!❤?
Truyện rất hay cảm ơn tg !
Những góc khuất nghề nghiệp…
Đoạn cuối bi quá
Truyện hay quá. Cảm ơn tác giả
Bài viết rất hay. Cảm ơn a
Câu chuyện dài nhưng cực kỳ lôi cuốn, dù cái kết rất buồn nhưng câu chuyện rất hay. Đời là thế mà
Cách viết lạ
Lâu lắm rồi mới được đọc thỏa mãn một tác phẩm.
Em đã từng hoài nghi bản thân thay đổi hay cách hành văn của các tác giả thay đổi mà lâu rồi ko tìm thấy một bài viêt hay để thỏa mãn sự nghiện đọc ở mình.
Sau khi đọc tác phẩm của anh thì khẳng định cảm xúc và cảm nhận vẫn thế chỉ là các tác phẩm lấy đi cảm xúc của người đọc như tác phẩm này giờ không còn nhiều nữa.
Cảm ơn anh.
Thật sự rất hay ạ. Con cũng đang viết truyện về nghề làm gái điếm. Nhưng giọng văn của con thì rất là tưng tửng, còn giọng văn của chú quá mượt quá sâu sắc. Đọc lôi cuốn và không dừng lại được.
Câu chuyện dài nhưng lôi cuốn người đọc mình đã khóc .Khóc thương cho số phận cho cuộc tình
Cảm ơn tg bài viết hay ạ
Đôi khi trong cuộc sống của một số người, kết hôn không đồng nghĩa với yêu thương. Chỉ có điều họ biết kìm nén những cảm xúc mà thôi. Và tôi đau đớn nhận ra mình trong đó.???
Một câu chuyện hay tôi đã xúc động. Tôi là một người cũng va chạm với xã hội nhiều và tôi biết chắc câu chuyện của bạn là có thật. Có thể nhiều người không tin, nhưng tôi thì tin. Cám ơn tác giả
Truyện rất hay! Thương cho cô gái! Đương nhiên là mẹ của nhà báo ko cho lấy rồi, người già chưa vượt qua đc sự thật ấy!
Em cảm ơn anh, truyện anh viết hấp dẫn lắm ạ
Cái kết buồn quá. Nhưng chuyện rất hay và thật. Rất cảm ơn tác giả ạ . ❤
thật hay
Đắng.
Hay quá tg ơi! Tôi đã khóc khi đọc .
Lâu lắm rùi e mới đọc hết 1 tác phẩm dài như này. Rất cuốn hút.
Đau quá tác giả ơi?
Từng câu chữ vẫn đầy ma mị lôi cuốn anh ạ. Lâu lắm rồi mới được đọc những tác phẩm cảm xúc như này.
Hay…Rất nhiều cảm xúc.
Hay quá
Quá sâu sắc và
Thật khập khiễng khi so sánh với tác phẩm: Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng . Cuộc đời vốn phức tạp, người viết đâu muốn nó như thế . Càng đọc càng thấy hay . Cảm ơn tác giả ?
Hay quá
Truyện quá hay! Đọc tới đâu tim thắt lại tới đó. Mạch truyện dẫn dắt cảm xúc của người đọc đi từ trạng thái này sang trạng thái khác. Lâu thật là lâu lắm rồi mình mới được đọc một tác phẩm hay đến vậy! Xin phép tác giả cho mình copy và share truyện nhé! Mình sẽ ghi rõ nguồn và tên tác giả. Cảm ơn tác giả! Mong chờ tác phẩm kế tiếp của bạn.
Rất hay
Câu chuyện thật cảm động dưới ngòi bút đầy ma lực. Cảm ơn tác giả bài viết này. Chúc bạn tiếp tục có nhiều bài viết hay chinh phục người đọc!
Truyện hay quá bác ạ dù cái kết buồn . Camon tác giả
Câu chuyện rất hay. Cảm ơn tác giả.
Mình biết 1 đôi thực tế ngoài đời gần giống như này, nhưng kết thúc là họ cưới nhau và có 2 con trai đẹp như tranh. Mình nghĩ 2 nv trong truyện xứng đáng với cái kết như thế.
Nhân văn, đau, buồn nhưng… đáng đọc.
Xót xa những phận hoa rơi
Rất xúc cảm, thank!
Cảm ơn tác giả
Những truyện hay ntn thật hiếm .
Truyện hiếm gặp nhưng thực tế
Cái kết thật buồn nhưng không vô lý vì không thể có cái kết nào hợp lý hơn dẫu chuyện tình này có thật là đẹp và dẫu tác giả có định hướng cái nhìn đầy bao dung với một nghề chưa được xã hội Việt Nam thừa nhận.
Rất hay nhưng cái kết buồn quá thật tiếc hy vọng đây ko phải là chuyện có thật
Bài viết hay quá !
Giá như …. trứng chẳng hai lòng .
Đã đọc một mạch. Cảm ơn tác giả.
Cảm ơn bài viết của anh, càng đọc thì nước mắt cứ rơi. Nó rất thật, miêu tả rõ những cảm xúc của một cô gái điếm.
Và chỉ những người phụ nữ nào trải qua sẽ thấy mình trong đó. Với một người open-mind như em, thì làm điếm chả có gì là xấu cả ?
Một cái kết buồn
Trên đời luôn có 1 tình yêu đẹp nhưng buồn vì Ko gắn bó dc cùng nhau ?
Tình yêu không có lỗi, sự khắc nghiệt của xã hội đã giết chết sự thuần khiết , tự do vốn có của tình yêu gây nên những Oan trái đẩy con người ta đến đường cùng , Xh VN hầu hết tư tưởng Con người vẫn không vượt qua khỏi những rào cản của những định kiến, phong tục nghìn năm bóp méo tình yêu thành thứ gì đó rất tội lỗi và sai trai . ? cám ơn Anh chia sẻ câu chuyện rất cảm xúc!
Dù biết trước ko có 1 kết thúc đẹp cho mối tình ngang trái này, nhưng đọc hết truyện vẫn thấy hụt hẫng.
e là đứa lười đọc lắm ý . Nhưng lại đọc 1 lèo hết câu chuyện này đó a. Cảm xúc thật của câu chuyện nó cuốn e và e muốn nhìn thấy 1 tình yêu đẹp . Chỉ tiếc là kết cục buồn
Cảm ơn anh về câu chuyện. Cảm xúc thật sự. Mỗi dòng em đọc đi đọc lại ko dưới 1 lần. Đến đoạn cuối, cảm xúc dâng trào và nước mắt rơi.
Đây chỉ là câu chuyện trong vô vàn các câu chuyện về những cô gái ấy, thắt lòng thật sự.
Nó có thể có thật hoặc không nhưng những chi tiết nhỏ trong câu chuyện nó lại có ở xã hội thực này.
Cảm ơn anh một lần nữa❤️
Đọc lại thấy thấm và hay lắm e
Cảm ơn tác giả!
Một truyện ngắn hay, lôi cuốn đến chữ cuối cùng. Cảm ơn tg
buồn cái kết của Diễm Trinh vs Chí Dân quá a Hiếu ạ!
Cảm ơn anh. Em đã khóc khi đọc câu chuyện này. Cuộc sống dù có khắc nghiệt hay tuyệt vời theo trải nghiệm của mỗi cá nhân thì cảm xúc và tình người vẫn luôn là những điều thật nhất. Ngòi bút của anh sắc quá
Thật hay. Thanks tác giả
Truyện thật cảm động, đàn ông quá giỏi che giấu, chỉ có phụ nữ dại khờ tin điều mình thấy.
Diễm Trinh đẹp.
Khi hai má ửng hồng, Trinh càng đẹp.
Kết buồn nhưng là sự giải thoát cho câu chuyện tình bế tắc.
Tác giả viết rất chuyên nghiệp và hấp dẫn.
Một vòng tròn luẩn quần khi mà đạo đức nghề và tiết hạnh của người phụ nữ vẫn phải đặt lên bàn cân, để quyết định xem cái nào sẽ thắng!
Mình ấn tượng tác giả Nguyễn Trung Hiếu từ truyện này
Biết là câu chuyện có nhiều chi tiết hư cấu, tuy hơi dài nhưng mình vẫn cố gắng đọc đến hai lần, rất hay.
Hóng phần tiếp
Câu chuyện có cái kết buồn nhỉ
Câu chuyện thật hay
Cũng thật đau lòng với nhg hoàn cảnh đã thành định kiến chung của xh , ng ta cg nói lấy đĩ về làm vợ chứ k lấy vợ về làm đĩ nhg thưc chất chỉ là để lên án với nhg ng vợ hư hỏng chứ thực chất cg chưa hẳn đã là cảm thông cho cái nghề đã bị xh khinh thg đó mặc dù cg do nhiều hoàn cảnh đưa đẩy mà nhiều khi muốn thoát ra cg chưa hẳn là dễ dàng ,cái chết cg là sự lựa chọn duy nhất của họ khi thấy bế tắc hoàn toàn
Câu chuyện thật xúc động . Ngôn tình … ngôn từ giản dị sâu lắng … rất đời ..,
Truyện hay. Biết làm sao ? Thôi cũng đành phải thế…
Chuyện hay nhưng kết thúc buồn quá???.
Tks tg
Thanks
Dúng là trênđời nầy không việc gì là không thể
Buồn.
Chuyện hay quá, xin cảm ơn tg
Tại sao? Tại sao phải như thế ???
Có … Đáng không???
Hazz.
Thương…
Kết thúc buồn quá tác giả a . Cam ơn tác giả!
Anh là cây viết chuyên nghiệp ạ ? Chuyện quá hay luôn, hợp lý, phân tích nội tâm sâu sắc, thấu hiểu .Tính cách nhân vật rõ nét.Tình người trong thế giới nơi mà sự ” Trần Trụi ” nghĩa đen và nghĩa bóng lên ngôi.
Chúc mừng và cảm ơn tác giả _ Nhà văn Nguyễn Trung Hiếu, với tôi, anh là cây bút có TÂm, có Tầm .
Chờ mong đón đọc, thưởng thức các tác phẩm của anh .
Hà nội 26/5/2021
Lê Thúy Tiễn
CTV báo Văn nghệ Quân đội, Phụ Nữ Thủ Đô, An Ninh Thế Giới…
Chuyện hay nhất mà tôi từng đọc suốt nửa thế kỷ qua. Cảm ơn nhà văn Nguyễn Trung Hiếu
Trót dại cắn câu vài dòng, rồi bị dắt mũi, lôi cuốn đến chữ cuối cùng! Hay, quá hay luôn!
– Đề tài: thuộc loại phổ cập kinh điển, dễ hút độc giả nhưng cực khó vì rất nhạy cảm.
– Lối viết: Đúng là “vị đời”, cách tiếp cận rất độc, rất tình người, nhiều nút thắt. Dù học content vừa đọc vừa đoán cũng không đoán nổi tác giả sẽ kết kiểu gì.
– Tính cách nhân vật được khắc họa tinh tế, sâu sắc, khai thác trúng insight sâu thẳm của giới hành nghề bán hoa. (tác giả tả XYZ như người trong cuộc, kkk).
Ngô Tiến Hiếu, học viên 3C-K05 online tháng 8/2021
Truyện thật xúc động và ám ảnh. Cảm ơn thầy đã viết!
Từ lâu lắm rồi mình mới đọc được một thứ truyện thảm như vậy, viết về những người hoàn mỹ mình vẫn mù mắt tìm kiếm trong đời. Họ bằng cách nào đó, có tồn tại, có thể nào bình dị dư vậy không?
Lâu lắm rồi mình mới đọc được một thứ truyện thảm như vậy, viết về những người hoàn mỹ mình vẫn mù mắt tìm kiếm trong đời. Họ bằng cách nào đó, có tồn tại, có thể nào bình dị như vậy không?
Dâng trào cảm xúc, đứng ngồi không yên khi lướt đọc từng đoạn trong câu chuyện.
Cảm ơn tác giả. Đoạn kết buồn, để lại cho em nhiều lắng đọng quá.
truyện anh viết rất hay, em đã khóc và đã cố gắng cầm nước mắt nhiều. lời văn thật sự giàu hình ảnh, con chử mượt mà, giọng điệu lôi cuốn. Chúc anh nhiều sức khoẻ