Làm điếm thời Cô-vít

Tác giả: Trung Hiếu –  Blog Vị Đời – trunghieujournalist@gmail.com
Lưu ý: Truyện 18+, chỉ dành cho người đã trưởng thành.

Cô-vít trở thành đại dịch, tạo ra những thứ chưa-từng-có-tiền-lệ!

Mà rõ ràng nhất, là cái thứ dịch bệnh quái ác này đã đạp đổ bát cơm của vô số người ở tầng đáy của xã hội. Lúc trước, những con người này dù có khổ cực thật, chật vật kiếm sống thật, nhưng họ vẫn gắng xoay xở bằng cách bám vào vỉa hè.

Vỉa hè cứ như một “người mẹ nhân từ”, kiểu gì thì cũng không chết đói được!

Người thì buôn bán vặt, kẻ ghi số đề thuê, đứa làm ma cô, còn nó thì làm gái điếm. Cái mảnh vỉa hè ấy là “độc quyền” của những gái mại dâm “hết đát”, bốn chục tuổi trở lên. Thậm chí, có người còn “lên chức” bà rồi, mà vẫn ra đấy hành nghề…

Nhưng từ lúc Cô-vít xuất hiện, mọi hoạt động trên vỉa hè bị cấm tiệt! Cái con virus tai quái này y như một gáo nước đầy ầng ậc, giội đi tất thảy những gì đang bám víu mảnh sự sống lay lắt vào vỉa hè.

Thành ra nó đói!

Cả tuần nay, ngày nào, bữa nào, nó cũng ăn mỳ tôm. Cái thứ đồ ăn liền vừa nhanh, vừa rẻ ấy, thoạt đầu thì đánh lừa vị giác người ta khéo lắm. Chẳng cần gì, chỉ một ca nước sôi, là thành món ăn thơm lừng, dễ nuốt.

Nhưng cứ thử ăn trường kỳ cả tuần xem, có thấy cái bụng nó bỏng rát rạt, cái miệng lúc nào cũng khát khô hay không.

Ăn mãi, nó bị “mất dạ” mỳ tôm – nghĩa là ngửi thôi đã thấy buồn nôn, muốn ộc ra bằng hết. Nhưng không ăn, thì… ăn gì? Kể từ khi có Cô-vít, công an làm rát quá, những gái điếm đứng ở vỉa hè như nó bị đuổi sạch sẽ, cấm bén mảng.

Những người ở tầng đáy – vốn kiếm tiền ngày nào, ăn ngày đó – trở nên cùng cực. Tiền đếm từng đồng lẻ, để mong sống sót qua ngày. Giữa thời này, ai nghĩ rằng, có những người có thể chết vì đói cơ chứ? Vậy mà…

Khi rơi vào cảnh túng quẫn, khốn cùng quá, thì có “mất dạ” mỳ tôm chăng nữa, cũng phải một tay bịt mũi, tay kia đổ mỳ vào miệng mà nhai trếu tráo, rồi nuốt thật nhanh, nhanh như thằng ăn cướp bỏ chạy sau khi giật được túi tiền, để không bị ói ra ngoài.

Những gái điếm hết đát như nó phải bám víu sự sống bằng cách đó, trong những ngày Cô-vít.

*****

Các cụ nói cấm có sai, “đói quá hóa liều”.

Nó và một vài bà chị vừa đói – theo đúng nghĩa đen – vừa có độ liều cao hơn những người khác, đã tìm cách lách quy định phòng chống dịch. Lách thế nào?

Bốn giờ sáng.

Phải, không ai nghe nhầm đâu, bốn giờ sáng! Đó là cái giờ mà nó và vài bà chị mò ra đứng ở vỉa hè công viên, lấp ló sau những thân cây to, để đón khách. Giờ ấy, cả xã hội này chìm trong giấc ngủ, sẽ không mấy ai biết tới những kẻ khốn cùng lách luật. Nó và mọi người nghĩ vậy.

Nhưng giờ đó thì có khách nào? Gái điếm hết đát ở cái chỗ này sống chủ yếu nhờ vào khách quen. Đó là những ông xe ôm già, dân phu hồ tứ xứ, dăm gã bệnh hoạn khác người tới mức gái điếm chưa-hết-đát không chiều chuộng được…

Đó, họ ra đứng đường lúc 4 giờ sáng, cốt để hẹn khách quen cũ, và vợt thêm được khách nào ham của lạ thì càng tốt. Muốn chơi gái thì khách cũng phải thay đổi thói quen, khung giờ, chứ biết làm sao? Những chỗ kín kín khác, giá cao hơn hẳn. Mà khách đến đây, tuyền ít tiền như những cô gái điếm khốn cùng.

Đúng là một sự “cộng sinh” lạ lùng!

*****

Từ ngày nó ra đứng đường lúc bốn giờ sáng, thu nhập có cải thiện tí chút. Giờ ấy, công an cũng không “lùa” gắt.

Thực ra, với người bình thường, có thêm trăm, trăm rưỡi mỗi ngày thì thật chẳng bõ bèn. Nhưng với những gái điếm “bịt mũi, nuốt mỳ tôm”, ngần ấy tiền quý báu lắm! Họ còn mua được con cá khô, miếng thịt, mớ rau để được sống mức tối thiểu của một con người…

Nhưng cũng vì đứng đường ở cái giờ chẳng giống ai như vậy, nhiều khi, nó khiến người ta mất cả hồn vía. Chẳng là nó vẫn phải son phấn – loại rất rất rẻ tiền thôi – để đón khách. Ấy, rẻ tiền thật, nhưng cái thứ son phấn đấy như thể mỳ chính trong bát phở, thiếu là khách dễ chê ngay.

Thế rồi một hôm, nó đang lấp ló ở gốc cây, thấy có người sắp đi xe máy đến thì nó thò mặt ra, định mời chào. Trời thì tối, ánh đèn đường loạng choạng, tự dưng có đứa xõa tóc, mặt trắng toát ló ra, cái anh đi xe máy giật thột đánh nảy cả người, tí ngã.

Nó phải bịt mồm để không cười thành tiếng.

Giờ ấy, chỉ có mấy anh nhân viên xe bus đi làm sớm, dân buôn thúng bán mẹt ở chợ cóc, mấy người khó ngủ đi tập thể dục sớm, với lại những vị khách làng chơi thèm giải tỏa giá rẻ, cùng dăm cô gái điếm như nó.

*****

Nay, nó dậy từ lúc 3 giờ rưỡi sáng để chuẩn bị.

Mấy hôm rồi, đứng ngáp từ 4 giờ tới gần 6 giờ mà chẳng có mống khách nào! Thành ra một đồng kiếm được, có khi lại phải chia cho mấy ngày sống còm cõi.

Trước khi đi, nó cẩn thận đút chiếc khẩu trang y tế màu xanh vào cái túi nông choèn choẹt của chiếc váy juýp cũn cỡn. Gì thì gì, cũng cứ phải có đồ này phòng thân, chả may có “xe phường” đi qua lúc sớm.

Cái khẩu trang cũ mèm, dây chun 2 bên rão hết cả, thành ra đeo vào thì cứ tụt hết xuống cằm, che nhõn được cái miệng, mũi hở hốc hoác. Kệ! Nó dùng cái khẩu trang này chắc phải gần tháng nay rồi. Bẩn, lại giặt. Nói sợ không ai tin, chứ vài nghìn lúc này cũng phải tiết kiệm…

*****

Bốn giờ sáng.

Trời se lạnh, tối om om. Mỗi làn gió thổi tới đều mang đến cảm giác gai gai, rờn rợn. Muỗi ở gốc cây vo ve rủ nhau ra “mở tiệc”. Chúng cứ nhắm hai cái cẳng chân khẳng khiu của nó mà châm, mà chích…

Nó đứng co ro sau gốc cây, hai chân cứ nhún nhún để xua đuổi những vị khách không mời. Ngứa quá!

Rồi có một cái bóng to, đen, lù lù đi tới.

“Sớm thế gái? Đi không? Bao nhiêu?”, người đàn ông cất lời với cái giọng khàn khàn. Ông ta cao chừng mét bảy, mặc áo khoác gió đen sì, trùm kín đầu, quần đen, giày cũng đen.

Đây hẳn không phải là khách quen ở khu vực này rồi. Quen, thì không cần phải hỏi giá, hoặc là “đi không”. Đã ra đây, chỉ cần nhìn ánh mắt, là nó biết ai có nhu cầu…

“Có chứ anh! Em chỉ tàu nhanh thôi, giờ công an làm gắt lắm! Hai trăm vào nhà nghỉ, không thì luôn ở đây, chỉ trăm rưỡi”, nó cố nén cái giọng xuống cho ngọt ngào và nhẹ nhàng hết mức có thể. Đứng trong cảnh gió lạnh và chẳng chuyện trò gì, cái cổ họng cứ khé sít lại, nói rất khó khăn.

Người đàn ông từ từ gạt chiếc mũ áo khoác gió trùm đầu ra. Ông ta có đôi mắt ti hí, bé như hai đường chỉ. Tóc thì lờm xờm như chiếc tổ chim, còn mặt chằng chịt vết hằn, chẳng rõ là tật hay sẹo. Trông cái tướng ấy khó mà có thiện cảm…

Vị khách cất tiếng cười khùng khục, rồi lại tiếp cái giọng khàn khàn: “Làm đéo có cái giá đó! Một trăm, luôn ở đây. Đồng ý thì làm, không thì thôi”.

“Anh ơi, anh thương bọn em một chút chứ! Dịch dã thế này, khó khăn lắm, bọn em liều mạng ra đây phục vụ…”.

Chẳng để cho nó nài nỉ hết câu, ông khách đã chen ngang, đổi luôn cách xưng hô: “Tao chỉ trả một trăm! Mày có chịu hay không, để tao đi! Đéo phải nói nhiều! Mày có tin không, hôm trước, tao chỉ mất đúng một bát phở để chơi một con điếm già cả đêm!”.

“Vâng, thôi thì anh thương em. Em… em mời anh! Nhưng có đeo bao, anh nhé!”.

“Cái đéo gì??? Mày điên à?”.

“Có bao thì một trăm, không bao, anh cho em xin thêm năm chục. Giá ở đây nó thế”.

Đau đớn thế đấy!

“Ở đây nó thế!”, nghĩa là người ta không quan tâm tới vai trò của cái bao cao su trong lúc làm tình với những kẻ không quen biết. Cái bao ấy – thay vì làm đúng nhiệm vụ của nó – thì lại bị mang ra như một điều kiện để mặc cả. Thêm đồng nào, hay đồng nấy!

Khách làng chơi ở cái chốn này thường không thích đeo bao. Còn nó – một gái mại dâm hết đát – luôn sẵn sàng chiều chuộng những vị khách có sở thích chẳng giống ai. Trước mỗi lần đi làm, nó và các bà chị lại tới địa chỉ quen để xin miễn phí thuốc PrEP (thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV) hoặc thuốc PEP…

“Mày lằng nhằng quá đấy! Trăm hai! Hết! Không tao đi”, người đàn ông nói như quát.

“Thôi, anh… vào đây!”.

Cuộc ngã giá chóng vánh, khi một bên quá yếu thế để có thể co kéo thêm.

*****

Mé hông công viên, cách gốc cây chừng chục mét, có một cái góc tôi tối. Đấy là chỗ cạnh căn nhà tạm, do cánh bảo vệ công viên dựng lên từ lâu, nhưng giờ chỉ dùng để cho mấy bà bán hàng nước nhét bàn ghế vào.

Khoảng giữa cạnh nhà với tường rào công viên tạo thành cái góc ấy. Đèn đường chỉ chiếu được lưng chừng, thành ra, cái góc trở nên lý tưởng để hành sự: Vừa khá kín đáo, vừa tối ở dưới, lờ mờ phía trên.

“Sao mà tối thế? Tối thế này, nhìn thấy cái đéo gì?”, sự cục súc của vị khách toát ra qua từng câu nói.

“Một tí thôi! Một tí thôi, quen với bóng tối, anh sẽ nhìn rõ mồn một”, nó vẫn cố giữ sự ngọt ngào, thuyết phục, cốt để chiều cho xong cuốc, để còn nhận trăm hai tiền công.

Nói rồi, nó nhanh chóng cởi khuy áo ngực, tụt quần lót, xong thì quay sang làm điều tương tự cho vị khách. Nào thì kích dục trước, xong rồi nhập cuộc sau…

Nó làm mọi thứ điêu luyện, tới cái mức nó tự biết lúc nào thì cần tạm ngưng thở để tránh thứ mùi ghê tởm xộc vào mũi tới phát nôn ọe. Tạm ngưng thở để đỡ sốc, xong hít từ từ để quen… Khỏi phải nói, tàu nhanh ở cái chốn chẳng có nơi rửa ráy gì, lại gặp những vị khách có khi cả tuần không tắm, thì…

Phận gái điếm hết đát sống bấu víu vào vỉa hè, thì phải chấp nhận những khoảnh khắc nhục nhã, khó tả bằng lời như thế đấy!

*****

“Anh ơi, nhẹ thôi, em đau…”. Hiếm khi nào, nó phải thốt ra lời ấy. Vị khách lần này thô bạo và dai dẳng quá! Gã như con thú đói ăn lâu ngày, vớ được miếng mồi thì nhai ngấu, nhai nghiến vậy.

Cái sự đau của nó, là đau từ trên xuống dưới. Gã khách dùng đôi bàn tay to tướng, thô ráp, bám chặt vào lườn nó, vào vú nó, vào vai nó. Vừa bám, vừa siết, vừa cào cấu. Mỗi đầu ngón tay như một chiếc móc câu, găm sâu vào da thịt nó.

“Á… á… đau!”.

“Im! Im nào! Để tao… để tao…”.

Bỗng…

Tiếng loa ở đâu vang lên, chói lanh lảnh. “Yêu cầu tất cả chấp hành quy định về phòng, chống dịch Covid-19! Thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế!”.

Xe tuần tra của công an phường! Bỏ mẹ! Sao hôm nay, xe lại lùa sớm thế nhỉ, mọi khi phải sáu giờ, ngoài sáu giờ cơ mà???

Đang từ một con thú, gã khách vội buông nó ra, nhanh chóng kéo quần lên. Nó cũng thế.

Giờ mà bị công an bắt được, thì chỉ có nước chết, chứ sống làm sao?

Nhịp kéo phéc-mơ-tuya, cài cúc, gấp gáp theo tiếng loa ngày một gần hơn. “Yêu cầu tất cả chấp hành…”. Chết rồi! Xe đến gần lắm rồi.

Khi đã kéo quần, cài cúc xong – dẫu xiên xẹo cúc này vào lỗ khuyết kia, nó ngẩng lên. Gã khách đang đi bộ nhanh như kẻ cướp, liên liến ra phía ngoài đường. Ơ?

Tiên sư nhà nó nữa, sao lại đi vội như thế??? Định bùng tiền à?

Trong thoáng tích tắc, cơn phẫn nộ rực lên trong nó. Cũng chỉ đôi tích tắc, nó nghĩ đến những gì vừa phải chịu đựng xong. Thế mà thằng cha này định thừa cơ bùng tiền, khốn nạn, khốn nạn thật!

Nghĩ thế, nó vội chồm ra đường, đuổi theo gã khách khốn kiếp đó.

Nhưng…

Xe cảnh sát cũng gần như tới nơi rồi! Khẩu trang! Nó nhớ ra quy định phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng! Phải rồi, trước khi đuổi theo gã kia, thì phải đeo khẩu trang vào đã, không thì “lên phường” nhục luôn ấy chứ!

Nó vừa chạy, vừa thọc tay vào túi chiếc váy juýp cũn cỡ. Trống không!

Thôi chết rồi! Khẩu trang, chiếc khẩu trang y tế màu xanh mà nó đã cẩn thận đút vào đây trước khi ra đường, đâu rồi???

Nó khựng sững lại! Hoang mang, sợ hãi tột độ! Sờ soạng khắp các túi, không thấy đâu…

Chợt, nó nhìn lên!

Ôi!!!

Gã khách khốn kiếp kia đang đi như chạy về phía xe cảnh sát. Gã ta… gã ta đeo chiếc khẩu trang của nó!

Hai bên dây chun rão hết cả, chiếc khẩu trang tụt dưới mũi, xệ xuống cằm và miệng. Thì ra nhân lúc nó luống cuống, gã ta đã thò tay lấy trộm chiếc khẩu trang nhanh như cắt, mà nó không hề hay biết.

Và… và… khốn nạn hơn nữa, nó thấy gã ấy tiến thẳng đến chỗ xe cảnh sát. Gã trỏ tay về phía nó, nói gì đó.

Ôi, không!!!

Chiếc xe bật còi hụ, lao như tên bắn về phía nó. Thôi, thế là hết! Chết, chết thật rồi!

Nó đứng đấy, chết điếng toàn thân, đến mức không còn thời gian để mà uất nghẹn với thằng đàn ông hèn hạ, khốn nạn kia nữa…

*****

Chiếc xe tải nhỏ của công an phường đỗ xịch trước mặt nó.

Hai bác dân phòng có tuổi, nhảy đánh huỵch từ thùng xe xuống một cách nặng nhọc. Một viên công an trẻ cầm lái cũng xuống.

“Chị kia! Chị làm gì mà đi ra nơi công cộng, không đeo khẩu trang?”, anh công an cất lời.

Hỏi thế thôi, chứ nhìn điệu bộ nó lúc đó, ai chẳng biết “làm gì” là… “làm gì”!

Nó cứng họng, môi run run, không nói được lời nào. Không chỉ môi run, mà tay nó, chân nó, người nó, đều bắt đầu run lên lẩy bẩy, lẩy bẩy. Trong khi đó, gã khách khốn nạn đeo chiếc khẩu trang xệ cằm của nó đã lặn tăm từ bao giờ.

“Đi về phường! Đi về phường ngay! Để lập biên bản xử phạt. Có biết lỗi này bị phạt từ một đến ba triệu đồng không hả?”, tiếng bác dân phòng quát sang sảng.

“Cháu xin các bác! Cháu… cháu van các bác, các bác tha cho cháu!”, nó vừa nói, vừa khóc, vừa quỳ xuống, đưa hai tay lên đầu. Điệu bộ của nó thật thảm thương. Áo xộc xệch, váy xộc xệch, nước mắt nước mũi nhòe nhoẹt, còn tay thì vái liên hồi.

Dẫu vậy, nó vẫn bị hai bác dân phòng xốc hai bên nách, đẩy lên thùng xe. Giờ, tinh thần phòng dịch quyết liệt lắm, sao lại có cái đứa ngang nhiên vi phạm thế được nhỉ!

*****

“Mày ngu thì ngu nó vừa vừa thôi! Giờ, bọn nhà báo lượn vè vè đầy đường. Chả may, nó chụp được cái mặt mày không đeo khẩu trang, lại còn lượn lờ vỉa hè, rồi nó đăng báo, thì phường này ăn trát kỷ luật à?”, một bác dân phòng nói giọng cáu kỉnh, khi cả ba người ngồi trên thùng xe, trên đường về trụ sở công an phường.

Thôi, thế là chết. Chết thật rồi!

Nó không nghĩ tới khoản tiền phạt gì mà “một đến ba triệu đồng”, vì có phạt thì nó cũng chẳng có tiền để nộp.

Điều nó sợ hãi nhất là sẽ bị tra hỏi thông tin tên tuổi, chốn ở. Rồi kiểu gì, nó cũng bị bật bãi, xóa sổ khỏi cái vỉa hè ấy. Giờ, một thân một mình, không nghề chẳng nghiệp, nó biết dạt về đâu để sống đây?

Sống ở chốn này, dẫu lay lắt, thì cũng còn có chị có em đỡ đần nhau. Ấy, cái tình thương đấy quan trọng lắm! Đó gần như là tất cả những gì còn sót lại trong cái “kho tài sản” của những gái điếm hết đát như nó.

Giờ thì mất, mất hết thật rồi!

Thành ra nó cứ ngồi đấy mà khóc. Nước mắt chảy đầm đìa khuôn mặt, khuôn cổ nó. Không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, mà nó cảm thấy hoảng loạn như thể đang chịu tội vì buôn bán ma túy vậy!

Bỗng…

Chiếc xe tải nhỏ đang chạy, thì dừng khựng lại, tạt vào lề đường.

Anh công an trẻ cầm lái mở cửa, đi xuống, rồi vẫy tay một cái, nói với vẻ sốt sắng: “Thôi, chị kia! Xuống! Phạt mấy triệu đồng thì lấy đâu ra tiền mà nộp? Xuống đi! Về đồn rồi có khi đói quá, lại lăn ra đấy, ai mà chăm được!”.

Nó ngơ ngác, nhưng cũng rất nhanh, nó tụt xuống dưới thùng xe.

Không phải! Không phải anh công an sợ nó “đói quá, lăn ra đấy”. Đó chỉ là cách nói của anh ấy, để hai bác dân phòng cảm thấy hợp lý mà thôi. Vì nhìn vào mắt anh công an, nó biết là anh ấy muốn tha cho nó.

“Chị cầm chiếc khẩu trang này, đeo vào! Đừng để chúng tôi bắt gặp lần sau! Nếu còn tiếp tục không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, thì không có cơ hội nào nữa đâu đấy!”, anh công an dúi chiếc khẩu trang y tế màu xanh, mới tinh, vào tay nó. Giọng anh ấy cố làm ra vẻ nghiêm khắc.

Nói xong, anh ấy lên xe, tiếp tục cầm lái. Chiếc xe công an phường phóng vút đi.

*****

Cầm chiếc khẩu trang vừa được cho trên tay, nó nhanh chóng đeo lên mặt, cài hai dây vào sau tai. Chiếc khẩu trang mới, có mùi vải nồng nồng, che kín được khuôn mặt nó, từ sống mũi đến cằm.

Đeo xong, nó cứ đứng ngây ra đó. Cảm giác lúc này của nó lạ thật lạ!

Không hẳn là vui, dù nó vừa thoát được khoản phạt cả triệu đồng, cùng với nỗi lo bị “trục xuất” khỏi vỉa hè quen thuộc. Cũng không hẳn là buồn, uất ức hay tức nghẹn, dù nó bị gã khách bùng tiền và còn khốn nạn đẩy nó vào bẫy.

Cảm giác vô cùng lạ, không rõ vui hay buồn.

Nó đứng ngây một lúc, xong cất bước về xóm trọ. Nó đã ra khỏi nhà từ lúc trời tối đen như mực. Và giờ, khi trở về, trời đã hưng hửng hơn.

Sau vài bước chân, nó dần nhận ra rõ hơn cái cảm giác kỳ lạ ở trên. Không phải là vui hay buồn, mà có thứ gì đó rất ấm áp. Thứ cảm giác này, lâu lắm rồi, nó chưa từng thấy, đến nỗi nó đã quên hoàn toàn rằng, cuộc đời vẫn tồn tại một thứ cảm giác như thế.

Hóa ra, sự ấm áp đến mức tinh tế, lại có thể đến từ những thứ vô cùng bé nhỏ. Như là chiếc khẩu trang y tế mà nó vừa được cho, trong mùa dịch Cô-vít đầy rẫy khó khăn này vậy.

Trung Hiếu

187 Trả lời “Làm điếm thời Cô-vít

  1. Đọc mà cơn tức giận bùng lên vì tk khách khốn nạn. Rồi lại dịu xuống vì hành động nhân văn của anh CA.

  2. …. Tôi đọc Truyện này …. lúc 21:00 giờ Cháu Âu…. Lẫn lộn một cảm xúc ….

    Cảm ơn Tác giả ❤️

  3. Tôi xúc động từ một xã hội nhục nhằn đen tối và còn đâu đó thấp thoáng có một trái tim đáng yêu biết trân trọng từng hơi thở con người.
    Một người đàn ông thật sự trong Tôi.

  4. Thương nó quá …
    Ở ngoài đời thật vẫn có những đứa như nó và những thằng bệnh hoạn khốn nạn như gã đàn ông kia .

  5. Cái kết rất hay ! Câu chuyện thấm đẫm tình người nhưng cũng xót xa cho những người tận cùng của đáy xã hội !

  6. Ai dám bảo bi h chỉ toàn bọn CA khốn nạn. Còn nhiều lắm người tốt dù là CA!!!

  7. Tinh tế, nhân văn và hiện thực. Câu chuyện hấp dẫn đọc xong thấy buồn và thương cảm!

  8. Thương “Nó” quá a ạ! Truyện đọc cứ tưởng vào cái thời khổ những năm 50 thế kỷ trc. Thương những phận người dưới đáy xã hội.
    Hay, đợi a ra truyện tiếp.

  9. Ôi. Cảm ơn tác giả! Câu chuyện viết về những con ng cũng đường của xh thời covit. Cảm thương cho những mảnh đời ấy! Người bình thường trong thời covit này còn khó khăn chứ nói j họ. Đọc câu chuyện từ đầu đến cuối, cảm nhận đc từng nét tinh tế trong những từ ngữ của tác giả khi tả về họ. Thật xót xa cho những mảnh đời ấy! Và đoạn kết thật hay và ý nghĩa !

  10. Rất lâu rồi , bận , bận đến nỗi chả có thời gian mà đọc 1 cái stt chứ chưa nói đến đọc một ” dải ngân hà chữ ” , hay và lôi cuốn quá , nên đọc chả xót chữ nào . Cảm ơn TG thật nhiều , lại phải mò vào tường để tìm thêm ” dải ngân hà ” nữa vậy

  11. Giọng văn của cậu gần giống Nguyễn Công Hoan rồi đấy. Hiện thực chua xót.

  12. Truyện thì tuyệt vời rồi… Phải chi có thêm giải nói về chiếc khẩu trang nhỉ, có khi bài này dự thi sẽ đoạt giải nhất đấy… Tuyệt vời.

  13. Cảm ơn e về những thân phận con người qua nhiều bài của e, tựu trung mỗi ng một mảnh đời, e khắc hoạ số phận rất rất đời thường và thật e ạ.

  14. Đi làm giúp việc gia đình được nuôi ăn ở đầy đủ, lương tháng vài triệu cũng được mà.

  15. Cuộc sống vốn là vậy, không có bùn hôi tanh thì sen làm sao nở được, không có sự đồng cảm chia sẻ thì làm sao biết được giá trị của cuộc sống cũng như trân trọng những gì mình đang có.

  16. Thương lắm một đời người vô phước !Cũng hồi hộp lo lắng cùng nhân vật chính !May mà có một người thấu hiểu .Cám ơn người C.A !

  17. Xót xa quá. Giữa thời buổi này mà còn những kiếp người sống không bằng chết. Thật tội. Rất may là có một chút ánh sáng cuối chuyện dù nhỏ thôi nhưng ấm áp lạ thường

  18. Buồn rất rất buồn cho 1 kiếp người những quan tham có bao nhiêu biệt phủ và hàng bao ngàn đô gửi các nhà băng bao đời ăn không hết mà vẫn còn những con người đến bữa không cô nổi bát cơm quá buồn xin chân thành cám ơn tác giả đã nói lên sự thật của xã hội

  19. Bài viết hay quá. Mình vẫn luôn thắc mắc về cuộc sống của những con người có số phận hẩm hiu như vậy. Cuộc đời đưa đẩy, đôi khi chẳng muốn cũng phải nhắm mắt đưa chân. Thiệt tội nghiệp

  20. Em đọc câu chuyện không bỏ xót một câu chữ, và găm vào trong tâm tưởng những câu từ, những con chữ khá đắt của anh!
    Cốt truyện khá hay, rất đời, rất ý nghĩa, nội dung tính mang giá trị hiện thực cao. Không thể phủ nhận lối viết đầy tính táo bạo, gai góc, đầy cảm xúc, cách anh khai thác đề tài thực sự mới mẻ, mang tính thời sự nóng hổi!
    …..Chao ôi là chua chát, đắng cay, bần hàn, cơ cực, đường cùng ở một bộ phận tầng lớp dân lao động tận cùng đáy của XH.
    Cách thắt nút, mở nút, cách kết cục câu chuyện vẫn thật nhân văn, ấm áp, lan toả rất đỗi nhẹ nhàng….làm cho con người ta đâu đó còn có niềm tin vào những điều tốt đẹp vô cùng nhỏ nhoi ở cái XH vốn đã đầy rẫy những điều tầm thường, nhơ bẩn, nhất là trong thời đại dịch Covid này anh ạk!
    Cảm ơn vì đã được đọc câu chuyện khá thú vị của anh! Có lẽ em xin phép được coppy câu chuyện để đăng trên trang cá nhân của mình nhé ạk!

  21. Cầu mong cho nó có một kết cục đỡ tăm tối hơn. Thương những phận đời lay lắt nơi vỉa hè ấy quá !!

  22. cậu Hiếu vết về những thân phận con người trong hoàn cảnh cụ thể đọc rất phê. Đôi khi thấy cả mình trong đấy nữa chứ….

  23. Em thì chưa thấy thân phận mình trong những câu chuyện của anh ấy nhưng cứ vừa đọc vừa hình dung ra những tình tiết, nó gợi cho em liên tưởng đếm những thước phim được tái hiện thật đỗi hiện thực dưới ngòi bút lột tả chân thực đương thời trong XH đương thời hiện tại. Phần nhiều em thấu cảm, đồng cảm anh àh.

  24. Trên đời này . Người tốt nhiều lắm. E tin là sống tốt và tích cực thì sẽ luôn nhìn thấy người tích cực và những điều tốt đẹp ?. Cảm ơn vì câu chuyện a đã chia sẻ

  25. Những phận đời khốn khó. Cô ấy có thể kiếm những việc khác như chăm ng ốm trong viện hay lau dọn nhà hoặc thu mua đồng nát hoạc trí ít buôn bán chút rau cỏ …

  26. Bài viết không thể buồn hơn cho những phận người ! Khi ko có thứ gì thì nó sẽ trở nên cực kỳ bức thiết…nên đừng để như thế bằng cách chuẩn bị sẵn sàng để ko lâm vào hoàn cảnh như thế ! Cảm ơn Tác giả nhiều ❤

  27. Buồn và ghê tởm cho nghề gái điếm .Mới 40 mà cuộc đời đã bế tắc thế sao ..?

  28. Ở đâu đó vẫn đầy ắp tình người. Hy vọng người phụ nữ đó sẽ thức tỉnh trở về cuộc sống lương thiện để bớt khốn khổ nhục nhã!

  29. Thật sự không thể tưởng tượng đc lại có những mảnh đời đen tối đến vậy….

  30. những gì mình thấy và biết còn ít lắm, ko thể lột tả hết những phận đời nổi trôi trong cuộc sống này

  31. Huhuuhu trên đời có chuyện thật vậy hả anh?
    Cảm ơn anh. Em đọc ko sót chữ nào. Anh viết hay lắm ạ.

  32. Chú ạ, cháu là một đứa con gái 14 tuổi đi ngang qua truyện ngắn này của chú
    Cháu cảm thấy cách viết của chú có gì đó rất thực, rất đời mà nhiều nhà văn hiện tại không có được
    Cháu cảm ơn chú đã viết nên thứ nói lên hiện thực tàn khốc của xã hội hiện đại ngày nay
    Cháu cảm ơn
    (*´ω`*)

  33. La một người vợ đọc xong bài văn này của a e thấy mình còn rất may mắn va thấy trân trọng hơn những gì minh có ,cũng la phụ nữ nhưng nhân vat phải nhục nhã ê chề… như vậy.cái cách a vào bài cũng như miêu tả quá sinh động!cảm ơn tác giả!

    1. Nếu anh ấy để ít tiền vào, chị có nghĩ cảm giác ấm áp sau cùng còn được trọn vẹn?

  34. Sự tinh tế và trải đời của người viết, mô tả sao mà thật và cuốn quá. Cảm ơn người viết nhiều. Người nghèo thường thì chật vật với miếng ăn giờ còn khổ thêm với cái dịch dã.

  35. Tội nghiệp, cùng đường rồi còn gặp phải đồ khốn nạn ! Còn may có chút tình người từ viên cảnh sát…

  36. Đúng là.đáng thương thật ,nhưng làm ôxin rửa bát thuê ,vẫn có việc nhiều mà ,phải chăng lười ? Hay là nghiệp ?

  37. Lâu lắm mới thấy bạn , mong lắm, bạn viết hay lắm, mong bạn sẽ ra nhiều tác phẩm nữa nhé.
    Mình rất thích văn phong và đề tài của bạn, bám sát thực tế, bạn phát huy nữa nha!

  38. Vẫn rất hay! Vẫn rất đẫm tình con người! Luôn có tia sáng ở cuối đường hầm tăm tối. Cảm ơn tác giả!

  39. em thấy truyện rất thực, rất đời thường ạ. Lần nữa cám ơn tác giả
    Truyện rất hay ạ

  40. Rất hay và đậm tính nhân văn phản ánh rất chân thật mọi góc khuất của một kiếp người

  41. Đây là 1 tác phẩm văn học hay.về 1 đề tài cũ nhưng với cái nhìn mới. Tôi ủng hộ Nguyễn Trung Hiếu. Có thể gửi đăng ở báo văn nghệ. Xin chúc mừng Trung Hiếu. PHẠM MINH GIANG.

  42. đầy đủ: tính thời sự, tình người ( cả đẹp và cả đểu ) đều có trong chuyện ngắn… chuyện rất hay.

  43. Kết thúc thật nhân văn. Cám ơn tác giả đã có cái nhìn đúng đắn về các cs cảnh sát.

  44. Đúng là cảm giác khó tả, dù sao rất cảm ơn sự tử tế của anh công an và xót xa cho cô gái .

  45. Nghĩ cũng thương nhưng mà mấy em lười lao động muốn ăn trắng mặc trơn thì chấp nhận vậy thôi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.