Mùa xuân tập tễnh

Tác giả: Nguyễn Trung Hiếu –  Blog Vị Đời – trunghieujournalist@gmail.com

Đêm nay là đêm giao thừa. Bữa cơm tối đã xong từ sớm, lúc 18 giờ.

Gã liếc đồng hồ, nhấp nhổm. Vợ gã thì vừa dọn bát đũa, vừa nhìn chồng dò xét. Rồi chừng như không thể kìm nén cái sự tò mò, khấp khởi, vợ gã đánh tiếng: “Kể ra hôm nào cũng ăn cơm xong sớm thế này thì tốt quá! Tí nữa, cả nhà mình xem Táo quân đi! Cả năm được ngày thoải mái…”.

“Ấy, mẹ nó!”, gã giật thột. “Nay là giao thừa mà! Kiểu gì anh chả phải ra đường, ghi nhận tí thông tin rồi gửi về tòa soạn! Thời khắc chuyển giao, cả xã hội chuyển mình, chả lẽ người làm báo lại đóng cửa, ngồi thu lu một đống?”.

Từ sự khấp khởi, vợ gã biến sắc mặt, chuyển giọng gay gắt: “Anh! Anh buồn cười thật! Cả năm, anh sinh hoạt chẳng giống ai, đi sớm về muộn, tôi cố không nói rồi. Đến cái ngày cuối năm, anh cũng không ở nhà với vợ với con, mà còn đòi ra đường. Báo anh thiếu gì người trẻ, khỏe? Cứ làm như không có anh, thì tờ báo sập không bằng!”.

Đúng là…

Đúng là người ta hay nói đàn bà… Chả sai tí nào! Gã im im, né việc tranh cãi trong nhà, vào đúng cái ngày cuối năm ấy. Ừ thì có đầy phóng viên trẻ, khỏe đấy, nhưng chúng nó có làm được hay ho, thú vị như mình không? Có dày dạn kinh nghiệm như mình không?

Mà cái quan trọng là ở nhiệt huyết làm nghề của người cầm bút. Ối giời, đấy mới là cái mà gã tự hào. Có phải ai cũng giữ được nhiệt huyết như gã đâu kia chứ?

Buổi đi tác nghiệp này, dẫu có nhiều bài vở chăng nữa, chắc cũng được cỡ hai trăm nghìn nhuận bút, không bằng một phần ba số tiền mà vợ gã kiếm được hằng ngày. Nhưng các cụ nói rồi, “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”, nhiều ít không quan trọng, quan trọng là mình cống hiến cho xã hội, được ghi nhận rõ ràng chứ lại?

Thế mới nói, cái suy nghĩ quẩn quanh của đàn bà là thường… Thôi, gã chép miệng. Cứ thủng thẳng đi vào uống nước, xỉa răng, chọn sẵn bộ quần áo sẽ mặc, rồi chuẩn bị cái máy ảnh, quyển sổ, cây bút. Thế là vợ gã tự hiểu chồng đã quyết định thế nào.

Ngoài bếp, tiếng bát đĩa dọn rửa va vào nhau xoang xoảng. Thây kệ…

*****

20 giờ, gã phóng xe máy ra ngoài đường. Khoan khoái!

Hít hà cái không khí đường phố, nghe tiếng xe cộ rộn ràng, nhìn người qua người lại. Đó mới đúng là những thứ mang đến khoái cảm cho nhà báo.

Gã tạt xe vào một bốt cảnh sát giao thông bên đường.

“Chào các chú! Anh ở báo… Giấy giới thiệu đây! Cho anh phỏng vấn vài câu, chụp kiểu ảnh, để còn đưa vào bài ghi nhận không khí đêm giao thừa nhé!”.

“Ối chà! Anh vất vả thế! Em tưởng những ngày này, chỉ có bọn em mới phải ra đường chứ!”.

“Vất vả gì đâu! Máu nghề mà lại”, gã được dịp “khoe” cái thứ mà gã luôn tự hào.

Xong xuôi, gã đến một bệnh viện quen ở gần Bờ Hồ. Gì chứ vào cái thời khắc chuyển giao năm cũ, năm mới này, thì cứ phải phỏng vấn cánh cảnh sát với lại y tế. Không thể khác được!

Mấy cán bộ ở ban xã hội, ban thư ký của viện hồ hởi bắt tay gã. Vẫn là những câu hỏi thăm, chúc tụng quen thuộc.

“Năm mới, làm ly rượu chúc mừng chứ, anh nhỉ?”, họ hào hứng.

“OK luôn! Năm mới mà!”.

Cụng ly, làm miếng bánh, khề khà cũng đến lúc gần thời điểm giao thừa, bắn pháo hoa. Gã chia tay mọi người, để hướng về phía Bờ Hồ.

*****

Người đâu mà đông cứ như nêm. Năm nào cũng vậy.

Trước “giờ G”, gã tranh thủ phỏng vấn mấy đứa trẻ, mấy người trưởng thành, mấy vị trung niên, rồi cả mấy người già. Hỏi xem năm qua, họ đã làm được gì, lỡ hẹn với cái gì, ấn tượng điều gì nhất.

Rồi cũng đến lúc bắn pháo hoa. Úi chà! Bụp! Xòe!

Cả biển người ở Bờ Hồ cũng ngửa cổ hướng lên bầu trời, ngắm những chùm ánh sáng đủ màu sắc đang “làm xiếc” trên không trung, nghe âm thanh rền vang dũng mãnh, và ngửi mùi thuốc pháo nồng nồng “chỉ đến Tết mới có”.

Xung quanh gã, mọi người vừa ngắm pháo hoa, vừa trao cho nhau những cử chỉ yêu thương. Có gia đình thì bố cồng kênh đứa lớn lên cổ, mẹ bế đứa bé nghểnh đầu. Cả nhà họ cứ khoác chặt vai nhau, ghì lấy nhau để đứng cho vững. Có những cặp đôi thanh niên thì ôm siết nhau, hôn say đắm. Cặp thì hôn vội hôn vàng để còn ngẩng lên xem tiếp pháo hoa, cặp thì vừa hôn, vừa trợn mắt ngóng lên trời…

Tất cả làm nên một đêm giao thừa tràn ngập tình yêu thương, dịu dàng, thân ái người với người.

Khi ấy, gã đút cả hai tay vào túi quần, đứng ngắm pháo hoa lặng lẽ. Có lẽ vì năm nào, gã cũng chứng kiến khoảnh khắc như vậy, trong cái hoàn cảnh như thế. Thành ra, mọi thứ chẳng có gì đặc sắc, độc đáo cả! Tuyền như nhau!

Hết pháo hoa.

Gã quay ra phỏng vấn mấy đứa trẻ, mấy người trưởng thành, mấy vị trung niên, rồi cả mấy người già. Hỏi xem năm tới, họ kỳ vọng, dự định những gì. Hỏi lúc này thì người ta sẽ có tâm trạng, suy nghĩ khác với trước lúc bắn pháo hoa. Đấy, kinh nghiệm làm báo là nó ở chỗ đấy!

*****

Khi tất cả lục tục ra về, thì gã cũng quay xe về tòa soạn. Không phải là tiếc mấy đồng cafe mà không vào quán để mở laptop, gửi bài. Chủ yếu là qua gặp mặt mấy anh chị em ở báo, chúc tụng nhau tí cho phấn khởi. Năm mới mà!

Về tới nơi, lại điệp khúc “bắt tay – chúc mừng – nâng ly – tán gẫu”. Mặt ai cũng đỏ như gà chọi. Cười nói rôm rả, hỉ hả. Tất cả “chém gió” tưng bừng về năm mới, về nghề, rồi lại về xã hội. Đủ thứ!

Mãi gã mới bật được cái máy tính lên. Chà, bọn phóng viên trẻ nó đã lên trước một số nội dung rồi, nhanh thật! Gã lục lại dữ liệu tác nghiệp của cả buổi tối, buổi đêm, rồi biên lấy một bài phản ánh ngắn.

Nhõn một bài!

Bởi gã cảm thấy hơi mệt, sau những màn giao lưu suốt cả buổi. Mà cũng chẳng có hứng viết thêm. Nói thật, gã cứ vỗ ngực “kinh nghiệm” với lại “nhiệt huyết yêu nghề” trước mặt lớp trẻ, chứ thực ra, có ngồi trước máy tính, biên bài vở, thì mới thấy cái cảm hứng công việc nó vơi đi ít nhiều rồi.

Nếu là gã của trước kia, thì một buổi đi tác nghiệp thế này, về phải “nổ” chục bài, toàn những góc hay ho, độc đáo, thú vị. Xuyên đêm mà làm!

Thôi… kệ!

Một bài là đủ rồi. Gã ra đường tác nghiệp, cốt là để hòa mình vào cái không khí đường phố ấy chứ. Nó như một thứ gây nghiện, kiểu người ta phải uống cà phê hoặc trà sau khi dùng bữa vậy. Báo với chả chí, bài mới chả vở…

Muộn lắm rồi, gã chạy xe về nhà.

*****

Sau tất cả những hồ hởi, cười nói, chúc tụng, thì đường phố đêm giao thừa trở về trạng thái vắng lặng như ngày thường. Tất cả đều đã mệt nhoài sau cuộc đi chơi khuya hiếm hoi đối với họ.

Bốn giờ sáng, gã về đến nhà. Tất cả im ắng.

Vợ và đứa con gái học lớp 5 của gã chắc đã say giấc từ lâu.

Gã đi vào, thả người xuống chiếc ghế, mở điện thoại ra lướt lướt theo thói quen, trước khi rửa mặt mũi để đi ngủ. Có quyển sổ đặt trên mặt bàn, vướng vào tay gã.

Gã lơ đãng giở ra. Ối chà, nhật ký của con gái! Hôm trước, lúc cằn nhằn, vợ gã từng bảo: “Anh làm gì thì làm, cố dành sự quan tâm cho con. Nó lớn rồi, biết viết nhật ký rồi đấy!”.

Gớm nữa! Trẻ con giờ cứ hay học đòi, bắt chước nhau chứ gì.

Gã lật lật qua loa, mở trúng trang nhật ký mà con bé vừa viết lúc tối.

“Táo quân năm nay buồn cười thế, mình cười ngặt nghẽo. Thế mà nhìn lên, lại thấy mẹ chảy nước mắt. Chả hiểu gì cả, hỏi thì mẹ không nói gì. Xong rồi mãi mẹ mới bảo, tại xem Táo quân không thấy vui.

Không vui mà lại khóc à? Lạ nhỉ!

Lúc bắn pháo hoa, mình thấy tivi chiếu cảnh đường phố đông vui, nhộn nhịp thế! Ai cũng cười, ai cũng nắm tay, ôm nhau. Vậy mà mẹ lại chẳng thức mà xem. Nhà mình năm nào cũng đón giao thừa kiểu này, chán thật, chẳng vui như trên tivi.

Tivi đang phát bài nhạc xuân tưng bừng.
Mùa xuân cho mọi người. Mùa xuân cho mọi nhà. Mùa xuân cho tất cả…

Ơ, thế tại sao mùa xuân lại chừa nhà mình ra, mẹ nhỉ?”.

Tự nhiên, gã thấy sống mũi cay xè. Cái con bé này!

Câu hỏi mà nó dành cho mẹ nó, hóa ra lại chỉ có gã mới trả lời được.

Trung Hiếu

8 Trả lời “Mùa xuân tập tễnh

  1. Đấy các cụ bẩu cấm sai,đi hỏi già về nhà hỏi trẻ, cuộc sống cứ cuốn chúng ta đi, để rồi chính chúng ta đánh rơi hạnh phúc ngày trước mặt.
    Nhân văn ngắn gọn xúc tích, cảm ơn tác giả cảm tác nghe

  2. Hay quá anh ạ. Anh rất khéo trong cách đẩy cao trào cảm xúc, đang lên pháo hoa cái xong tắt rụp cái hết. Cười méo mồm ? lại đang vui kéo đến đoạn cuối chảy nước mắt ?

  3. Vừa hôn vừa nhìn lên trời xem pháo hoa, hôn vội để còn kịp xem pháo hoa … chỉ có cậu mí nghĩ ra, tài tình… quá tài tình…

  4. Xúc động quá Hiếu ơi. Phản ánh đúng sự tận hiến thầm lặng của cánh báo chí. Để hình ảnh, tin bài “nóng”, anh chị em phải tạm xa gia đình vào thời khắc nhà nhà sum vầy.

  5. Mình biết cái kết trước khi đọc hết đoạn đầu . Thương những đứa trẻ và những người vợ ấy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.