Ký sự lì xì

Tác giả: Nguyễn Trung Hiếu –  Blog Vị Đời – trunghieujournalist@gmail.com

“Ối! Sắp ông Công, ông Táo rồi! Anh… anh…”, cô vợ thét lên giật giọng, khi ngó vào tờ lịch treo tường lúc sáng sớm.

“Chuyện gì? Có chuyện gì ghê thế???”, gã chồng lồm cồm nhỏm dậy, chừng như sẵn sàng đón nhận một thông tin gì đó rất choáng váng.

“Tết đến nơi rồi chứ gì nữa! Không đổi tiền mới dần đi, thì chờ sát nút mới làm à? Anh định năm mới, rút cọc 500 nghìn ra lì xì chắc?”.

“Ừ nhỉ!”, gã chồng gãi gãi đầu.

Thế là cả buổi nói chuyện sáng sớm hôm ấy chỉ quẩn quanh mãi chuyện phân chia khoản tiền thưởng Tết của hai vợ chồng như thế nào, để mà tiêu và dùng làm tiền mừng tuổi.

Gã chồng được thưởng 10 triệu đồng, cô vợ cũng thế. Tổng là hai chục triệu!

Mỗi bên nội ngoại biếu 3 triệu đồng để ông bà sắm Tết, thế là 6 triệu rồi này. Mua sắm đồ ăn thức uống dịp Tết khoảng 4 triệu là đủ. Vậy là còn lại 10 triệu, đúng bằng một suất thưởng của hai vợ chồng họ!

“Tất cả chỗ này đem đổi tiền mới hết! Thì mới đủ lì xì được”, cô vợ quả quyết.

Gã chồng có phần tiêng tiếc: “Nhiều thế cơ á? Ăn đứt một nửa tiền thưởng của hai đứa rồi…”.

“Anh tính xem, bên nội anh có bao nhiêu con cháu? Nhà ông nội, bà nội đều có nhiều anh chị em, ai cũng đẻ nhiều. Giờ ăn cỗ, thì có mà ngồi kín sân! Bên ngoại em cũng thế. 10 triệu sợ còn thiếu ấy!”, cô vợ phân tích.

“Mà chưa kể, năm nay đổi tiền mệnh giá thấp nhất là 50 nghìn đồng, chồng nhá! Năm ngoái, em mừng tiền 20 nghìn cho mấy đứa nhỏ, con đồng nghiệp, nó kêu ầm lên. Kêu là cô lì xì gì mà như tiền cúng, tiền đi lễ vậy. Xấu hổ không biết trốn vào đâu!”.

Nghe vợ nói một thôi một hồi, gã chồng chỉ biết gật gù, gật gù. Ghê gớm thật! Đúng là vật giá cái gì cũng lên. Đến 50 nghìn đồng giờ còn bị cho là “tiền lẻ” khi đi lì xì. Hai chục nghìn, một chục nghìn lại bị nói là “tiền cúng, tiền lễ”.

Ghê, ghê quá!

*****

“Chị à, chị khỏe không? Năm nay được thưởng Tết nhiều không chị?”, gã vừa cười bả lả, vừa hỏi qua điện thoại. Đầu dây bên kia, tiếng trả lời có phần qua quýt cho xong chuyện. Bà chị ấy làm ngân hàng, nên ở cái giai đoạn “nhạy cảm” này, cuộc gọi hỏi thăm kiểu như vậy là chị ấy biết luôn có mục đích gì rồi.

Lại muốn nhờ đổi tiền mới chứ sao nữa!

“Cơ mà năm nay khó, khó lắm, em ơi! Không có tiền mới để đổi đâu! Đến chị còn đang không biết đổi ở đâu đây này. Năm nay, ngân hàng siết…”, bà chị than vãn, kể khổ kể sở.

Ô hay? Chị làm ngân hàng, chị còn hỏi thế thì gã biết trả lời thế nào?

Vậy là gã lại phải quay ra mấy mối quan hệ bạn bè khác. Thằng Sơn bạn học hồi cấp 3 làm ngân hàng này… “Không có, khó lắm!”. Cái Nga, em của chị Tuyết, hình như cũng làm ở ngân hàng nào đó… “Năm nay khó quá, anh ơi!”…

Gã cười méo xệch!

Đúng là nước đến chân mới nhảy có khác! Giờ này nơi nào cũng kêu không có tiền mới đâu. Thế sao mấy chỗ quảng cáo trên Facebook, người ta vẫn tự tin “đổi bao nhiêu, có bấy nhiêu” nhỉ? Phải cái, tỉ lệ cắt “phế” cao quá, xót hết cả ruột!

Sau khi xoay xở đủ các mối quan hệ, mà vẫn vô vọng, gã đành cắn răng gọi cho đầu mối đổi tiền qua mạng. Thôi thì… méo mó, có đắt cũng còn hơn không. Phải chịu vậy!

Khi cầm những cọc tiền mới với mệnh giá 50 nghìn, 100 nghìn, 200 nghìn và 500 nghìn, gã lầm bầm: “Này thì ngân hàng siết… Năm nay khó lắm… Làm gì có in tiền mới đâu… Thế mà qua mấy mối này, bao nhiêu cũng có. Lạ, lạ thật!”.

*****

Mồng 1 Tết.

Gia đình quây quần. Anh chị em trong nhà, dâu rể, con cháu cứ gọi là tíu tít hết cả!

Bắt tay, chúc mừng năm mới, rộn ràng và hỉ hả. Đương nhiên là không thể thiếu được phần lì xì cho bọn trẻ con!

Gã chồng vừa thấy ông anh đi vào thì ôm chầm lấy, “chúc bác năm mới vạn sự như ý…”. Vừa chúc, gã vừa đánh mắt xem mấy đứa con gã được lì xì phong bì có đặc điểm như thế nào. Sở dĩ để ý như thế, là nhằm lát về, coi lại xem mình mừng đáp lễ có bị lệch không. Cao hơn thì không sao, thấp hơn là áy náy, áy náy lắm!

Một lũ trẻ con! Người lớn cứ lì xì trao qua trao lại, như làm xiếc tung hứng vậy.

Tiệc tân niên kết thúc.

“Thôi chết rồi, nhà bác Khiêm năm nay sao lại mừng nhiều thế này không biết???”, vợ gã kêu lên. Phong bao lì xì cho hai đứa trẻ, mỗi đứa hẳn 1 triệu đồng! “Thế anh mừng các con bác ấy bao nhiêu?”.

Gã nghệt mặt ra. “Thì mình chuẩn bị mỗi phong lì xì có 500 nghìn là to nhất thôi. Anh mừng phong lì xì ấy…”.

“Thế thì không được! Dở quá! Lệch quá đi thôi!”.

Tưởng xong rồi, ngờ đâu, lát sau lại đến lượt gã kêu lên. “Thôi chết rồi, cái phong bao lì xì 500 nghìn vẫn ở đây! Lúc ấy, anh rút nhầm phong 100, ối giời ơi, cái màu họa tiết nó na ná quá!”.

“Thế là anh mừng có 100 nghìn mỗi đứa thôi hả??? Anh kỳ lạ thật luôn! Đã bảo cái chuyện này không đơn giản đâu, phải tinh ý, để ý vào! Thế này thì còn mặt mũi nào để mà gặp bác ấy nữa??? Tết nhất, cứ chuyện chuyện trò trò xong bia bia rượu rượu, là y như…”, cô vợ cằn nhằn, cằn nhằn.

Không khí ngày mồng một Tết tự nhiên vì thế mà trở nên căng thẳng chẳng đáng tí nào!

Giờ thì hai vợ chồng lại bóp đầu nghĩ cách “trả nợ”. Hôm sau sang chơi nhà bác ấy, mừng lại vậy! Đường nào cũng thấy ái ngại, xấu hổ…

*****

Mồng 2 Tết.

Vợ chồng gã và các con sang chúc Tết nhà người bạn thân. Anh này cũng đang là quan chức có vai vế, địa vị. Lì xì các kiểu xong xuôi rồi. Mọi người vui vẻ vào bàn, uống nước, ăn bánh, chuyện trò rôm rả.

Đương “mát ga” trò chuyện, tự nhiên, hàng xóm nhà anh bạn sang chúc Tết.

Thấy mấy đứa trẻ con “không quen”, gã chồng nhanh nhảu rút tập tiền 50 nghìn đồng chuẩn bị sẵn ra để lì xì cho tụi nó. Cứ gặp trẻ con là phải mừng tuổi, ngày lễ vui mà!

Nhưng…

“Mẹ ơi, bác này lì xì gì mà hẻo quá? Còi hơn chú Thắng nhiều! Chả bằng một phần”, thằng bé cắt kiểu tóc “Khá Bảnh” trông bướng bướng trong đoàn nhà hàng xóm nói rõ to. Đứa em nó cũng toét miệng cười cười, gật gật phụ họa.

Mẹ chúng nó nghe thấy, hốt hoảng trợn mắt, vén môi, ý dậm dọa là không được phép nói thế.

Nhưng khổ nỗi, nó nói to quá, nên gã nghe được hết cả! Máu nóng ở đâu dồn lên đỉnh đầu. Cáu, cáu quá! Trẻ con giờ hư thật, dám chê bai tiền lì xì ngay trước mặt người lớn như thế bao giờ không kia chứ???

Nhưng càng tức, thì gã càng có xu hướng hành xử sai lầm!

Tay gã run lên, thò vào trong túi, túm lấy tập tiền… “Bác mà lại còi hơn chú Thắng á? Được, đã thế, bác mừng cho cả tệp xem thế nào, xem mày còn chê được nữa không? Mừng thế xong, bố mẹ đứa bé cũng phải tự thấy xấu hổ!”, gã thầm nghĩ.

Dường như đọc được thứ suy nghĩ cực đoan ấy của chồng, vợ gã nhanh chóng giơ chân ra, nện thẳng gót vào mũi bàn chân gã, di di, giẫm giẫm. Còn tay cô vợ thì quờ ra, cấu cho cái rõ đau!

Tỉnh lại đi! Có mà dở hơi, mới nghĩ thế! Chả ai đi lấy tiền lì xì để làm thước đo “cái oai” trong hoàn cảnh này cả. Đứa bé kia thế là hư, cớ gì mình lại đi đua tiền mừng tuổi cho nó. Hâm, hâm lắm!

May mà vợ gã tỉnh táo, không thì tí về, lại căng thẳng như hôm mồng một…

*****

Mồng 3 Tết.

Tụ tập mấy nhà liền, ăn lẩu, đông vui từng bừng! Trẻ con thì đông vô cùng!

Đứa chạy đuổi nhau, đứa cười, đứa khóc mếu, đứa đòi bật tivi, đứa đòi xem điện thoại… Náo loạn hết cả lên!

Gã chồng cầm tập 50 nghìn đồng, 100 nghìn đồng dày cộp, phát liên tay, còn miệng thì chúc không nghỉ.

“Năm nay ngoan, con nhé!”. “Nghe lời bố mẹ, thầy cô nhé!”. “Học giỏi này, chăm ngoan này!”… Phù! Hết cả hơi! Cơ mà vui!

Tự gã thấy thú vị! Cả năm, chỉ có dịp Tết mới như vậy! Phát tiền tơi tới, không phải nghĩ! Bình thường, đi ăn sáng hay uống cafe, thì cũng phải nghĩ xem làm sao cho tiết kiệm. Tiêu năm chục nghìn cho bữa sáng là sang lắm rồi. Đằng này, cầm tập tiền năm chục, một trăm, cứ gọi là phát tơi tới…

Đương suy ngẫm, thì gã giật mình khi ông anh chạy ra, vẫy vẫy tay. “Lấy hộ anh cây bút với tờ giấy!”.

Anh gã đang nghe điện thoại dở. Người ta đọc cho mã hàng gì đó, anh cần tờ giấy và cây bút để viết vội.

Gã lúng túng. Một tay cầm tập tiền, một tay tự sờ soạng khắp túi áo, túi quần. Chả có tờ giấy nào cả!

Rồi cả hai anh em gã cùng lúi húi lật khăn trải bàn, mở ngăn kéo, hô hào mấy người chạy đi tìm giấy bút. Loạn cả nhà lên!

Buồn cười thật! Có lẽ chuyện này chỉ xảy ra vào dịp Tết thôi!

Tiền thì nhiều, chứ giấy lại hiếm. Giờ nhìn khắp nhà, chỗ nào cũng thấy tiền là tiền, lì xì là lì xì. Còn một tờ giấy thì mãi chả thấy đâu. Chắc trước Tết dọn nhà, ai cũng lẳng hết giấy tờ không cần thiết đi rồi…

Đúng là Tết, tiền nhiều hơn giấy, giấy hiếm hơn tiền là có thật!

*****

Hết Tết.

Mệt phờ. Nhưng mà vui. Và ai cũng thèm canh chua!

Giờ, cứ nghĩ đến canh cá nấu chua, hoặc đậu với thịt băm xốt cà chua, rồi nhúng rau sống vào, là ứa hết nước miếng. Này thì xà lách, rau mùi, rau húng, nhúng vào canh cá, canh đậu thịt xốt cà, ăn đứt cả nem với thịt gà, giò, canh măng…

Sau bữa cơm tối, vợ chồng gã ngồi uống trà nóng, chuyện trò. Mấy đứa trẻ con đã ngủ hết cả. Trưa nay, chúng nó nghịch nhiều quá, chả đứa nào ngủ. Chơi cho bõ nốt ngày cuối của kỳ nghỉ thú vị nhất cả năm.

Vợ gã lẩm nhẩm, mở hết ví to, ví nhỏ, rồi lại lẩm nhẩm. Đoạn, thị nhìn sang chồng với ánh mắt lo lắng: “Năm nay, ra Tết thì vào đúng giữa tháng Dương lịch. Vợ chồng mình đi làm mà chưa có lương ngay đâu. Tết vừa rồi chi tiêu nhiều quá. Lì xì hết sạch cả. Vậy từ mai, lấy đâu ra tiền sinh hoạt, anh nhỉ?”.

Gã đăm chiêu. Ừ nhỉ, lấy đâu ra tiền để chi tiêu? Đúng là trái khoáy!

Gã đưa tay lên đầu, gãi gãi, tiện xới tung cả tóc lên. Ấy là thay câu trả lời rồi đấy! Ai biết được “lấy đâu ra”?

Xong, gã thấy khuôn mặt thị vợ tỏ ra rất quyết đoán. “Thôi, đành vậy!”, vợ gã nói.

Gã sửng sốt.

“Thì còn cách nào đâu? Mượn tạm tiền lì xì của con. Khi nào có tiền thì trả lại chúng nó chứ sao”, vợ gã hơi gắt, cốt để chồng đồng thuận cho mau.

Bình thường, nhà gã có quan điểm rất rõ ràng: Tiền lì xì của con thì sẽ dùng để mở một cuốn sổ tiết kiệm, hoặc mua vàng, để đấy coi như là “của để dành” cho chúng nó.

Nhưng năm nay… bí như vậy, không lấy tạm thì “lấy đâu ra tiền sinh hoạt”?

Thế là nhân lúc bọn trẻ đang ngủ, vợ chồng gã rón rén, rón rén đi vào chỗ cái ngăn tủ. Khẽ khàng kéo ngăn ra… Tập lì xì dày cộp đây rồi!

Bỗng… “Rầm!”.

Ối giời ơi! Con mèo nhà hàng xóm tự nhiên nó nhảy trúng mái nhà gã, tạo ra âm thanh chết điếng. Cả gã và vợ cùng thót hết cả tim! Rồi hai người nhìn nhau lấm lét, vừa nhìn vừa bụm mồm cười.

Cái ngữ làm việc gì giấu giấu giếm giếm là y như dễ giật mình!

Rồi gã ghé sát tai vợ, thì thầm với giọng tếu tếu: “Trong Tết, anh là đại gia, phân phát tiền không phải nghĩ! Ra Tết, anh thành… ‘thiếu gia’. Nghĩa là cái gì cũng thiếu, nhất là tiền, mẹ nó ạ!”.

Trung Hiếu

30 Trả lời “Ký sự lì xì

  1. thành ra mấy ngày tết nguyên đán chả thấy hồn dân tộc ở đâu chỉ lo mừng tuổi ?

  2. Đề tài muôn thủa của xã hội lễ nghĩa xinh phú quý lì xì ít khó coi nhiều thì thủng ví phép vua thua lệ làng

  3. Vui, thời điểm này quá nhiều thứ gây nhức đầu, đọc những câu chuyện hài hước nhẹ nhõm thế này giá trị cho tinh thần ?

  4. Di dỏm, nhân văn, dẫn dụ ngắn gọn trong những ngày cuối năm rất hợp lý và tuyệt vời .?

  5. Năm ngoái nhà mình thống nhất Bỏ Lì xì. Vì cứ mừng qua mừng lại như trao đổi nhau rồi kẻ nhiều người ít y như bài tg biên. Nên chị em trong nhà thống nhất CẮT LÌ XÌ.gặp nhau là vui rồi. Còn muốn cho cháu cho trước tết để chúng thích mua gì thì mua

  6. Hủ tục của nước ta, các nước Tây Âu họ chỉ tặng quà chỉ con cái dịp Christmas Eve không nhắm vào cái hư danh hão huyền làm cho gia đình túng bẫn sau dịp Tết và trẻ con hư hỏng, so đo phân bì. Tất cả những se xua, đua đòi, ganh tỵ, khoe khoang tiềm ẩn trong cái tục lệ lì xì đó.

  7. Hay lắm thầy ạ. E thấy nhà nhà đều rơi vào tình trạng này. Lắm lúc phải ở nhà, k dám đi chơi vì đã hết tiền lì xì rồi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.