Chuyện sau song sắt (3): Gây tội ác khó dung thứ, phải gánh bản án lương tâm đeo đẳng, nặng hơn bản án tù

Đã 10 năm trôi qua kể từ khi tội ác ở huyện ngoại thành Hà Nội (nay đã lên quận) ấy xảy ra, nhưng có lẽ tất cả những người liên quan vẫn chưa thoát khỏi ám ảnh. Trong số những người bị ám ảnh đó, có lẽ, T.Đ.N là nặng nề nhất. Vì dù gây tội ác đã lâu, nhưng khi ngồi với bất kỳ ai đối diện, phạm nhân ấy vẫn cứ cúi mặt, cúi đầu…

Trại giam Thanh Lâm (thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) cách Hà Nội khoảng 4,5 giờ xe chạy. Đây là nơi thụ án của những phạm nhân mắc nhiều tội danh khác nhau, từ giết người, cướp tài sản, hiếp dâm cho tới tàng trữ ma túy…

Giữa bộn bề hồ sơ phạm nhân tại đây, tôi giật mình khi đọc những dòng thông tin về một vụ án xảy ra cách đây 10 năm. Bố hiếp dâm chính con gái ruột của mình, và không chỉ là một lần. Phạm nhân ấy giờ đang cải tạo ra sao? Và liệu một cuộc trò chuyện với người đó có mở ra điều gì đáng suy nghĩ hay không?

Sững sờ, xót xa và phẫn nộ

11 năm sau khi kết hôn, vợ chồng T.Đ.N (Từ Liêm, Hà Nội) mới sinh cô con gái được đặt một cái tên rất đẹp. Không biết ai là người đã nghĩ ra cái tên đẹp đến vậy cho em, nhưng chỉ biết, cuộc đời thật sự trớ trêu, vì những gì em phải gánh chịu lại ngược hoàn toàn với cái tên ấy…

Cuộc sống của gia đình N. đi theo một mô-típ khá quen thuộc của những nhà bình dân lúc bấy giờ: Vợ đi chợ từ sáng sớm tới tối muộn để chắt chiu từng đồng, chồng ở nhà “khề khà” cả sáng và chiều với ly rượu, cốc bia, rồi đến tối thì đi làm rửa xe ở bến cho tới đêm, con gái đi học và được ông bà đưa đón.

Chẳng biết có phải vì “rảnh rỗi sinh nông nổi” hay không, vào một ngày gần cuối năm 2007, sau khi ăn sáng với một cốc rượu, N. về nhà và nảy sinh ý muốn đồi bại với chính… con gái của mình.

Nghĩ là làm, và làm đến cùng. Nạn nhân 9 tuổi không hiểu, không biết người mà em gọi là bố đang làm gì, tại sao lại làm như vậy…

Sự việc đồi bại của N. bị phát hiện ngay trong tối cùng ngày, khi người mẹ đi làm về, tắm cho con.

Sau đó, N. đã thừa nhận mọi việc tại nhà bố mẹ đẻ và bố mẹ vợ, khiến tất cả những người nghe chuyện đều sững sờ, xót xa và phẫn nộ. Thậm chí, anh trai của N. không thể kiềm chế được đã lao vào đánh kẻ không còn nhân tính ấy.

Rồi chuyện gì phải đến cũng đến, khi N. bị công an bắt giữ. Tại cơ quan điều tra, kẻ nhẫn tâm này khai nhận đã 2 lần có hành vi như vậy, một lần như đã tường thuật ở trên. Trải qua các phiên xét xử, N. nhận án phạt 20 năm tù giam, và thụ án tại Trại Thanh Lâm.

10 năm đã qua, bản án lương tâm vẫn đeo đẳng 

Khi bước vào phòng trò chuyện với tôi, N. thể hiện rõ sự rụt rè đến kỳ lạ. Đã gặp nhiều phạm nhân với những tội danh khác nhau, mức độ giam giữ khác nhau, thụ án tù khác nhau, nhưng chưa bao giờ tôi thấy một phạm nhân rụt rè khi gặp mình đến vậy.

– Sau 10 năm trong tù, khi nhìn lại tội lỗi quá khứ, anh có giải thích được vì sao mình hành động như vậy không?

– Anh có mong muốn gì sau tất cả mọi chuyện?

Dù cố gắng trò chuyện bằng sự cởi mở và thái độ cầu thị, cuộc đối thoại giữa tôi và N. vẫn luôn có nhiều câu hỏi hơn câu trả lời. Sau mỗi câu hỏi, phạm nhân này lại càng thu mình lại, khó khăn để tìm ra từ ngữ diễn đạt được suy nghĩ, nhưng cũng tránh đụng chạm tới quá khứ nhất có thể.

Tất cả những điều đó, cùng với ánh mắt luôn hướng xuống chân người đối diện của N., khiến tôi hiểu rằng, dù thời gian trôi qua đã lâu, phạm nhân gây ra tội ác khó dung thứ đó vẫn không thể đối mặt với bất kỳ ai nghe hay biết về sự việc. N. bị sự tự ti, xấu hổ đeo đẳng mãi như thế.

Bằng giọng nói lí nhí, chỉ đủ để người đối diện nghe loáng thoáng trong căn phòng 10m2, N. bảo rằng nguyên nhân là do rượu chè. Có lẽ đây là cách duy nhất để phạm nhân này giải thích cho mọi điều khó giải thích nhất trong tội ác mà anh ta gây ra.

Tôi đã tiếp xúc với không ít người xem việc uống rượu hằng ngày là điều không thể thiếu, giống như uống nước vậy, nhưng dù bê tha tới mấy, họ cũng không làm điều vượt qua cái ngưỡng “Hổ dữ ăn thịt con”, như N. đã làm.

Khi nói về mong muốn, phải mất một lúc rất lâu, N. mới ngần ngừ nói ra được một câu rất ngắn, một cách khó nhọc… “Tôi mong con gái vượt qua được…”. Câu nói đứt quãng ấy, tôi tin là N. đã nói bằng tất cả sự chân thành và can đảm nhất trong con người mình. Hiện giờ, con gái và cũng là nạn nhân của N., đã bước sang tuổi 19, độ tuổi trưởng thành hơn, và sẽ hiểu hơn về tội lỗi mà bố em gây ra…

“Kể cả khi vào tù, khi biết về chuyện của tôi, nhiều phạm nhân cũng tỏ ra xa lánh, hoặc thể hiện thái độ”, N. tâm sự như vậy, để thấy được bản án tù chưa phải thứ nặng nề nhất. Trên tất cả, đó là bản án lương tâm day dứt, dằn vặt, xấu hổ và tự ti mà N. phải chấp nhận đeo đẳng suốt cuộc đời.

Câu chuyện dần dà trở nên dễ thở hơn, khi đề tài chuyển sang hoàn cảnh hiện tại. N. kể, cứ 2 năm một lần, mẹ đẻ và anh trai lại lên thăm N. Đó là nguồn động viên ít ỏi nhưng vô cùng quý giá với người tù này, bởi sau tất cả, phạm nhân đó vẫn còn được mẹ và anh quan tâm.

– Nếu được gọi điện thoại cho một người, anh sẽ gọi cho ai?

– Tôi sẽ gọi… cho anh trai.

Chỗ dựa hiện giờ của N. chỉ còn là mẹ đẻ và anh trai như thế. Nhưng người mà N. muốn gọi điện thoại nhất, chắc chắn không phải là anh trai. Bởi trong câu chuyện, dù cố gắng tránh nhắc tới vợ con, N. vẫn thổ lộ một điều ẩn sâu trong lòng. “Gọi điện cho anh trai, để hỏi thêm về hai mẹ con…”.

Cách đây 2 năm, N. đã hỏi được qua người thân về tình hình của hai người từng bị N. khiến cho đau khổ. Và N. biết được cả hai mẹ con hiện đang đi thuê nhà ở, cuộc sống cũng khó khăn…

Khi đó, thêm một lần nữa, bản án lương tâm dành cho người tù ấy lại dài thêm, nặng nề thêm, vì lẽ ra, người trụ cột trong gia đình là N. phải có trách nhiệm làm cho cuộc sống của vợ con tốt đẹp hơn, sung túc hơn. Đằng này…

Khi chia tay T.Đ.N, tâm trạng tôi rất rối bời. Bởi trong vô số phạm nhân mà tôi đã gặp, N. là người mắc tội lỗi khó dung thứ nhất. Khi trò chuyện với mỗi người, tôi luôn nhìn thấy một cơ hội ở tương lai cho họ, khi họ chấp hành xong án tù và trở về cuộc sống đời thường. Sau 20 năm tù giam, N. rồi cũng sẽ tái hòa nhập cộng đồng. Nhưng liệu tâm trạng và sự tự tin ở người đàn ông đó có bình thường được hay không, sẽ rất khó để khẳng định, vì bản án lương tâm thì không có thời hạn.

Vậy nên, tôi cứ nghĩ mãi về “bản án” đặc biệt đó, và chỉ có thể kết lại một điều: Dù làm gì chăng nữa, đừng để bị “kết án” trong bản án lương tâm! Đó là bản án nặng nề và đeo đẳng nhất!

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.