Chuyện sau song sắt (2): ‘Vì bồng bột, thiếu kiềm chế mà tôi đã ngồi tù gần 10 năm, và vẫn còn 10 năm nữa…’

Nam phạm nhân chia sẻ với tác giả

Đó là lời thừa nhận đầy cay đắng, thể hiện sự hối hận, tiếc nuối tới xót xa của phạm nhân Lê Văn H. (trú tại Quảng Ninh), sau hành vi giết người hồi cuối năm 2011 . Hiện giờ, H. đang thụ án tại Trại giam Hoàng Tiến (Hải Dương), với mong ước cải tạo thật tốt để chuộc lại những lỗi lầm của một thời bồng bột, xốc nổi.

Gặp phạm nhân Lê Văn H. trong chuyến công tác tới Trại giam Hoàng Tiến, tôi thực sự bất ngờ và ấn tượng với phong thái nhanh nhẹn và vẻ trí thức của người tù này. Ngay sau đó, tôi đã tự lý giải được điều ấn tượng đó.

“Tôi ở đây gần 10 năm rồi…”, lời bộc bạch ban đầu của H. giúp tôi hiểu được tại sao phạm nhân ấy lại có dáng vẻ nhanh nhẹn, quen thuộc với mọi thứ ở trại đến vậy. Và khi câu chuyện diễn ra, tôi đã “giải mã” thêm được sự trí thức của H., bắt nguồn từ việc phạm nhân này từng là một giáo viên của trường cao đẳng trước khi phạm phải lỗi lầm…

Chút thiếu kiềm chế đã cướp mạng chồng sắp cưới của người yêu cũ

Làm giáo viên của một trường cao đẳng trên địa bàn thị xã Chí Linh (Hải Dương) từ đầu năm 2003, Lê Văn H. có tình yêu đẹp với một cô gái làm việc gần trường. Tình yêu ấy kéo dài được hơn 5 năm, thì những rạn nứt xuất hiện tới mức không thể hàn gắn. Song có lẽ vì khoảng thời gian gắn bó lâu như vậy nên H. và người yêu cứ “dùng dằng”, chưa thể dứt khoát.

Trong thời điểm ấy, người yêu của H. nhận được lời cầu hôn từ người khác, và khi biết chuyện, chính H. tỏ ra ủng hộ để hai người tiến tới hôn nhân, miễn là “tìm hiểu kỹ lưỡng”.

Tưởng như vậy là câu chuyện của 3 người sẽ kết thúc theo một kịch bản có hậu và hợp lý, thì bất ngờ mọi việc lại hoàn toàn thay đổi, trong một buổi tối u ám cuối năm 2008…

Dù đã xác định để người yêu cũ dành tình cảm cho người mới, nhưng sau một cuộc rượu ngà ngà, H. tỏ ra bực bội khi chứng kiến hai người đi chơi muộn với nhau. Cơn giận ấy dần bùng phát lớn hơn, khiến H. không thể kiềm chế, và quyết tìm cho ra cặp đôi ấy để… nói chuyện. Trước khi đi, H. mang theo một con dao lê để “phòng thân”, vì biết chồng sắp cưới của người yêu cũ rất cao to.

Khi gặp nhau, sau vài câu nói thiếu kiềm chế, hai bên đã có hành vi ẩu đả. Và chuyện xấu nhất đã xảy ra, khi H. dùng tới con dao lê mang theo bên mình…

Sau khi sát hại chồng sắp cưới của người yêu cũ, H. ra đầu thú và nhận án tù giam 20 năm, để lại nỗi đau cho bố mẹ (H. là con trai duy nhất), nỗi đau cho gia đình người xấu số, và nỗi đau cho người yêu cũ.

Thụ án trong sự hối hận, tiếc nuối và xót xa

Khi nghe qua câu chuyện của Lê Văn H., hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên mà đặt vô số câu hỏi tại sao. Tại sao người thanh niên ấy lại nổi cơn ghen vô cớ khi đã chia tay và đồng ý để người yêu cũ đi lấy chồng? Tại sao một giáo viên lại có thể hành động thiếu kiểm soát tới mức tước đoạt mạng sống của người khác?…

Có lẽ, hơn ai hết, chính H. là người dằn vặt nhất khi tự trả lời những câu hỏi đó trong gần 10 năm thụ án tù đã qua.

“Tôi đã quá nông nổi, bồng bột, thiếu kiềm chế. Hồi ấy, tôi là một người nóng tính. Khi có hơi men trong người, tôi bị mất kiểm soát trước cơn giận của mình”, H. đã bộc bạch như thế khi trò chuyện với tôi. Những lời bộc bạch đó được nói ra với nét mặt bình tĩnh, nhưng không giấu được nỗi buồn. Một nỗi buồn chứa đựng sự hối hận, tiếc nuối, xót xa, khiến người đối diện phải rùng mình, khi bất chợt nghĩ về quãng thời gian đằng đẵng trong tù, và một quãng thời gian tương tự ở trước mắt…

Nhưng rồi cuộc nói chuyện của tôi với H. cũng dần rẽ theo một hướng khác, dễ thở hơn, tươi sáng hơn.

“Tôi biết mình hoàn toàn sai, nên từ khi thụ án, tôi không còn liên lạc với người yêu cũ nữa. Vài năm trước, tôi có hỏi thăm và được biết cô ấy mới lấy chồng. Bây giờ, điều tôi mong mỏi nhất là cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được trở về nhà, chăm lo cho bố mẹ và làm lại cuộc đời”, H. giãi bày với tâm trạng đỡ căng thẳng hơn lúc ban đầu.

Trong câu chuyện của mình, ngoài sự ân hận và tiếc nuối, thì điều mà phạm nhân này nhắc tới nhiều nhất chính là bố mẹ của anh.

Cứ 1-2 tháng, ông bà lại lên thăm H. một lần. Dù H. đã gây ra trọng tội, nhưng với họ, H. vẫn là đứa con trai bé bỏng của gia đình. Chính sự yêu thương đó của bố mẹ đã khiến H. thêm phần day dứt và quyết tâm cải tạo thật tốt. Trong cuộc thi viết thư tay về gia đình, phạm nhân có một thời tuổi trẻ xốc nổi đã không cầm được nước mắt khi nắn nót viết những dòng tâm sự để gửi cho bố mẹ, “trong đó có lời xin lỗi mẹ cha vì con chưa hoàn thành bổn phận của mình”…

Cho đến khi chia tay, nhìn bước đi dứt khoát của H. tiến về khu giam giữ, bất giác tôi có một niềm tin thật lớn lao. Gây ra tội ác và phải trả giá bằng 20 năm tuổi trẻ sau song sắt, phạm nhân ấy đã tự nhận ra những điều giá trị của cuộc sống để đặt mục tiêu cho bản thân sau khi ra tù: Tìm công việc mới để lao động thật tốt, chăm lo, bù đắp cho bố mẹ, và nếu có thể, là xây dựng gia đình với một cô gái sẵn sàng cảm thông, chia sẻ…

“Cuộc sống luôn cho chúng ta một cơ hội, nó được gọi là ngày mai”. Tôi tin “ngày mai” của H. sẽ được xây lại từ đầu, bằng sự hối cải chân thành và niềm tin vào những điều tốt đẹp.

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.