Chuyện sau song sắt (1): Day dứt và những dấu hỏi đằng sau vụ án mạng ‘giản đơn’

Nhân vật nữ chính trong giờ lao động tại trại giam

Mâu thuẫn, rồi dẫn tới cãi vã giữa các anh chị em đang ở độ tuổi mới lớn, không phải là chuyện hiếm trong nhiều gia đình. Nhưng từ mâu thuẫn giản đơn đó, rồi dẫn tới án mạng đau lòng, để người em nhỏ tuổi mất mạng, người chị ở tuổi vị thành niên phải ngồi tù hết quãng thanh xuân, thì hẳn ai cũng cảm thấy day dứt, xót xa. Qua đó mới thấy, sau một vụ án mạng “giản đơn” có thể là vô số câu hỏi không có lời giải đáp, ẩn chứa những điều phức tạp của cuộc sống hằng ngày.

Vụ án mạng “giản đơn”: Đơn giản như thể… một giấc mơ buồn!

Trong chuyến công tác tới Trại giam Hoàng Tiến (Hải Dương) cuối tháng 11 vừa qua, tôi được gặp một số phạm nhân có hoàn cảnh phạm tội đặc biệt. Gặp họ, trò chuyện với họ, mới thấy rằng mọi sự rút kinh nghiệm trong cuộc sống này đều chẳng bao giờ là thừa. Chỉ một sự lầm lỡ, một sự nhỡ nhàng, mất kiểm soát, mọi thứ có thể thay đổi tới khó tin…

Nguyễn T. (Chí Linh, Hải Dương) là một phạm nhân nữ đặc biệt, với hoàn cảnh phạm tội nhỡ nhàng như thế. Em sinh năm 2000, và mắc lỗi đúng vào năm em tròn 16 tuổi.

Đó là một buổi tối bình thường như bao buổi tối khác. Sau khi xong bữa cơm, T. và em trai (SN 2006, cùng cha khác mẹ) cùng nhau đi chơi. Chị em sống với nhau từ nhỏ, mọi thứ đều rất gần gũi, thân thuộc.

Thế rồi người em trêu chọc chị, khiến T. nổi giận. Giận qua giận lại, rồi cái mâu thuẫn bột phát đó tăng lên, khi T. bị em cầm gạch đánh vào tay. Không kiềm chế được bản thân, T. đè em ngã xuống đất, rồi quờ viên gạch ở cạnh để trả đũa…

Tưởng câu chuyện chỉ dừng lại ở vài cái đánh qua đánh lại như vậy, thì không may, những nhát đánh của T. trúng vào vùng hiểm của em trai, khiến cậu em mới 10 tuổi ra đi mãi mãi.

T. được người thân dẫn ra cơ quan công an để đầu thú. Gây ra trọng tội khi mới 16 tuổi, được xét thêm một số tình tiết giảm nhẹ, T. nhận án 9 năm tù giam, thụ án tại Trại giam Hoàng Tiến của Bộ Công an.

Đọc hồ sơ vụ án của T., hẳn ai cũng thấy xót xa. Mọi việc diễn ra nhanh, đơn giản như một giấc mơ buồn, cô gái trẻ ở tuổi vị thành niên vào tù và sẽ trải qua hầu hết quãng thanh xuân trong đó, bỏ lại phía sau những nỗi đau khó khỏa lấp ở chính những người thân của mình.

Sự phức tạp đằng sau câu chuyện giản đơn: Những day dứt chưa có lời đáp!

Gặp T. trong một ngày gió lạnh mới về ở Trại giam Hoàng Tiến, tôi nhận được sự e dè, bối rối của em khi tiếp chuyện “người lạ”. E dè tới nỗi, chẳng cần đánh son, đôi môi của nữ phạm nhân trẻ vẫn bóng đỏ vì bậm lại quá nhiều…

Qua dăm điều hỏi han, câu chuyện của chúng tôi bớt được sự ngại ngùng, và T. chia sẻ nhiều hơn về gia cảnh của mình. Và tôi thực sự bất ngờ khi biết, bố em năm nay mới chỉ 34 tuổi, mẹ kế của em 28 tuổi. Điều đó có nghĩa là bố em “lên chức” khi mới 17 tuổi…

T. kể, em không còn đi học nữa, và đã đi làm công nhân may được một thời gian.

Câu chuyện đang diễn ra, bỗng khựng lại vài phút, vì… “Em không biết mẹ mình là ai!”

– Tại sao vậy? Em chưa từng gặp mẹ?

– Vâng, từ khi sinh ra, em đã ở với ông bà nội. Em không biết mặt mẹ, không biết thông tin gì về mẹ. Sau này, bà nội mất, em gắn bó với ông. Khi bố lấy vợ hai, em sống cùng bố và mẹ…

T. luôn gọi người vợ hai của bố là “mẹ”, một cách rất tự nhiên và gần gũi. Điều đó lý giải tại sao từ khi em vào trại, người thăm nuôi em luôn là ông nội và mẹ – người vượt qua cú sốc lớn để tha thứ cho em.

“Mẹ đối xử tốt với em. Dù khi ở với bố mẹ, em không tâm sự nhiều. Đến giờ, em cảm thấy ân hận và có lỗi với bố mẹ nhiều lắm!”

– Trước khi xảy ra sự việc, em có bạn trai chưa?

– (ngập ngừng) Rồi ạ!

– Bạn trai có lên thăm em không?

– (bậm môi) Không ạ!

Câu chuyện cứ diễn ra tự nhiên như thế…

Và tôi bỗng nhận ra, đằng sau vụ án tưởng như rất giản đơn của T., là vô số điều phức tạp và day dứt.

Bố T. có con khi còn quá trẻ. Em lại không nhận được tình yêu thương của bố mẹ ngay từ khi mới lọt lòng. Bươn chải sớm với nghề công nhân may vất vả, dường như mọi điều trong suy nghĩ của T. trước khi xảy ra biến cố đều rất tự phát và bản năng…

– Em có mong muốn điều gì bây giờ?

– Em muốn cải tạo tốt để sớm được tự do… (ngập ngừng) Em mong bố lên thăm em, dù chỉ một lần trong suốt quãng thời gian em bị giam này. Em không mong bố quan tâm mình hết quãng đường ấy, chỉ cần một lần… (giọng T. nén lại, kìm sự xúc động muốn dâng trào)… Bố vẫn còn giận em…

Cũng là một người bố, trái tim tôi đã thắt lại khi nghe lời tâm sự đó. Dường như những tổn thương tình cảm từ khi lọt lòng của T. chưa lúc nào nguôi. Sau biến cố lần này, tổn thương đó càng bị khoét sâu hơn, đắng chát hơn.

Và khi câu chuyện của chúng tôi kết thúc, sự day dứt bao trùm tâm trạng của người đối diện, và có lẽ, cả của T.

Em lại về xưởng lao động, tiếp tục công việc hằng ngày ở trại giam. Đến bao giờ, bố em mới chịu tha thứ và lên thăm em, dù chỉ một lần thôi, như ước mong nhỏ bé của nữ phạm nhân ấy? Câu hỏi này, cả tôi và T. đều không trả lời được…

Ngày đặc biệt của T. và món quà nhỏ bất ngờ

Chia tay T. và tiếp tục những cuộc trao đổi khác trong ngày, đoàn chúng tôi quyết định dành chút thời gian trưa ít ỏi để nghiền ngẫm nội dung hồ sơ của các phạm nhân.

Hồ sơ của T. đã được tôi và mọi người xem đi xem lại, có lẽ tới thuộc lòng…

Bất ngờ, một người anh trong đoàn chăm chú nhìn vào phần thông tin cá nhân của em, và tìm ra một điều đặc biệt: Thời điểm chúng tôi tới thăm Trại chỉ cách ngày sinh nhật của T. đúng 2 ngày!

Chẳng ai bảo ai, mỗi người chúng tôi tự đi tới quyết định thống nhất chung, là dành tặng em một món quà nhỏ, để thiếu nữ ấy cảm thấy ngày sinh nhật không quá cô đơn, buồn tủi. Và có lẽ, điều đó giúp chúng tôi vơi bớt sự day dứt sau khi nghe những tâm sự trải lòng của T…

Nhưng tặng món quà gì trong hoàn cảnh không chuẩn bị trước, và phải đúng theo quy định của trại giam, thì hoàn toàn không hề đơn giản!

Được sự hướng dẫn và tạo điều kiện của các cán bộ tại đây, đoàn chúng tôi đã vào căng-tin của trại và chọn lựa được một số món ăn vặt phù hợp, để T. có thể tổ chức bữa tiệc nho nhỏ trong ngày đặc biệt của mình.

Khi chọn đồ ở căng-tin, chúng tôi được nghe thêm một thông tin ấm lòng: Ông nội của em cũng vừa thăm gặp đầu giờ chiều. Có lẽ hơn ai hết, ông là người nhớ nhất ngày sinh của T., đứa cháu nội bé bỏng mà ông chăm sóc từ khi lọt lòng.

Do không được quay lại gặp T. lúc chiều muộn, theo quy định của trại giam, nên chúng tôi phải ký gửi món quà của mình qua các cán bộ phụ trách.

Nghĩ tới gương mặt vui vẻ của nữ phạm nhân trẻ khi nhận món quà bất ngờ đó trong  ngày đặc biệt, chúng tôi cảm thấy thực sự hạnh phúc, và như đã nói ở trên, sự day dứt cũng vơi được phần nào…

*****

Khi cánh cửa trại giam từ từ khép lại, tôi ngả lưng vào tấm ghế ô tô và thấy tâm trí mình lờ mờ hiện ra câu nói của T. “Em có lo lắng điều gì khi ở đây không? Có ạ! Em lo những điều đã xảy ra sẽ khiến em khó hòa nhập vào cuộc sống sau này, khi em mãn hạn…”

Vì lý do đó, tôi đã không viết rõ tên của em, và cũng không chụp trực diện bức hình nào của em cả. Lật nhanh qua internet, tôi giật mình khi thấy một số phóng viên cũng đã tới đây và viết câu chuyện về em, với những thông tin, hình ảnh rõ nét.

Có lẽ nào, họ không cảm nhận được sự day dứt và lo lắng của nữ phạm nhân trẻ đã phải trả giá phần lớn tuổi thanh xuân sau song sắt đó?

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.