Nếu không đọc kỹ hồ sơ từ trước, tôi sẽ không tin chàng thanh niên trước mặt mình là phạm nhân gây ra tội ác khủng khiếp, khi sát hại và hiếp dâm một em nhỏ cùng xã. Nhưng qua câu chuyện của Hoài, tôi bàng hoàng nhận ra, chính thứ “nước cay” làm ngây ngất nhiều đấng mày râu là “thủ phạm” khiến Hoài đánh mất chính bản thân mình, và phạm vào tội ác mà có lẽ ngay cả trong giấc mơ, Hoài cũng không dám nghĩ tới…
Tội ác tày trời sau chầu rượu đám cưới
Một ngày đầu năm 2008, Lê Văn Hoài (quê Thanh Hóa) tới gia đình cậu ruột để ăn cơm, uống rượu trong tiệc mừng đám cưới. Chầu rượu kéo dài tới 23 giờ, khiến nam thanh niên dù đang ở độ tuổi “sức dài, vai rộng” cũng cảm thấy mệt nhoài, và lảo đảo trở về nhà.
Trên đường về, Hoài rẽ vào nhà một người cùng xã vì biết chắc rằng lúc đó, chỉ có mình bé gái 12 tuổi ở nhà. “Ma men” dẫn lối, Hoài đã lao vào nạn nhân, dù bị chống cự quyết liệt. Kiên quyết phạm tội đến cùng, nam thanh niên bóp mạnh cổ nạn nhân để dễ bề thực hiện hành vi đồi bại…
Khi về nhà, Hoài cũng không biết điều xấu nhất đã xảy ra. Chỉ khi thấy đông người tập trung ở nhà nạn nhân vào sáng hôm sau, Hoài mới nhận ra tội ác tày trời của mình, và lập tức lên đường bỏ trốn.
Năm tháng sau ngày gây tội, Hoài bị bắt giữ khi đang đi làm thuê ở bãi vàng thuộc tỉnh Quảng Nam. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, Hoài cúi đầu nhận tội, và nhận mức án tù giam “Chung thân”, thụ án tại Trại giam Thanh Lâm (Thanh Hóa).
Một ngày cuối năm 2017, trong chuyến công tác tới Trại giam Thanh Lâm, tôi đã được đọc hồ sơ của Lê Văn Hoài, và cảm thấy có gì đó thôi thúc bản thân cần tìm hiểu rõ hơn về phạm nhân này.
Quãng đường để tới khu trại giam giữ Hoài có lẽ là xa nhất trong các chuyến công tác tới trại giam của tôi. Đi xe máy rồi leo men đường rừng một đoạn khá dài mới đến nơi.
Khi đặt chân tới khu vực lao động, tôi đã đề nghị cán bộ trại giam cho vài phút quan sát Hoài từ xa trước khi gặp mặt trực tiếp.
“Đấy! Lê Văn Hoài đấy!”, tôi nhìn theo hướng tay chỉ của cán bộ trại giam, và thấy trong không gian đông đúc, một phạm nhân trẻ tuổi, dáng người to khỏe, trắng trẻo, hì hục làm công việc thủ công xâu các hạt chuỗi…
Mặc chiếc áo có in hình câu lạc bộ bóng đá thế giới, bên ngoài là áo sọc phạm nhân, Hoài mải miết làm mà không hề biết sẽ có cuộc gặp với một người lạ đang quan sát kỹ từng chi tiết.
Chỉ vài phút nữa thôi, tôi sẽ ngồi đối diện với phạm nhân mắc tội ác tày trời, và chịu án chung thân, giam giữ tới suốt cuộc đời…
“Mỗi ngày, em phải uống hơn 2 lít rượu”
Khi gặp tôi, Lê Văn Hoài nhoẻn cười rất hồn nhiên và chân chất, luôn miệng xưng em, và có vẻ như không biết nói chuyện, vì Hoài rất khó tìm được từ ngữ diễn tả suy nghĩ của mình.
– Gần 10 năm đã trôi qua, em có bị ám ảnh vì tội ác đã gây ra?
– (Ngập ngừng) Không ạ! (Suy nghĩ) Em chỉ biết làm việc hằng ngày…
– Em có nghĩ vì đâu mà bản thân lại hành động như vậy không?
– Do rượu ạ! Em uống rượu và không kiểm soát được mình.
Trái ngược với sự ngập ngừng quen thuộc, khi được hỏi về nguyên nhân dẫn tới tội ác, Hoài đã nhanh chóng chỉ ra “thủ phạm”. Có lẽ trong gần 10 năm cải tạo, phạm nhân này đã dành không ít thời gian để “giải mã” và tìm ra thủ phạm đó…
Hoài kể, trước khi gây tội, Hoài uống rượu… như nước, và thừa nhận bản thân bị nghiện rượu lúc nào không hay. Mỗi sáng thức dậy, Hoài phải “nạp” 2 chai rượu loại 650ml. Hết ngày, không có 2 lít tới 2,5 lít rượu vào cơ thể là phạm nhân này đứng ngồi không yên.
– Tại sao uống nhiều rượu như thế?
– Em… không biết! Em cảm thấy uống rượu vào thì khỏe hơn, có uống mới làm được việc…
Vậy hóa ra, thứ “chất dinh dưỡng” để Hoài duy trì được công việc chân tay nặng nhọc hằng ngày, lại là thứ chất lỏng phá hỏng thần kinh đó.
Câu chuyện của tôi và Hoài cứ diễn ra từ tốn như vậy, vì phạm nhân ấy thường tìm cách nhoẻn miệng cười trừ, gãi hai đầu ngón tay vào nhau trước nhiều câu hỏi. Dù vậy, tôi cũng phát hiện ra Hoài là một phạm nhân rất hoàn cảnh.
– Người thân của Hoài có hay lên thăm không?
– Không ạ, cứ 1-2 năm mới lên một lần.
Lần gần nhất Hoài gặp mẹ và anh rể là từ “gần tết của năm trước nữa”. Hoài kể, mẹ Hoài già lắm rồi, nên đi lại rất khó khăn. Người mà Hoài thân thiết nhất là anh trai, thì cũng không bố trí lên thăm được, vì gia đình khó khăn, và Hoài không trách anh về điều đó.
Sau một lúc, câu chuyện của chúng tôi lại trở về với “rượu” – thứ mà Hoài tin rằng đó đích thực là “thủ phạm” trong tội ác của mình.
– Vào trại rồi, Hoài cai rượu khó khăn không?
– Khó ạ! Lúc đầu chân tay bứt rứt không yên. Nhưng làm gì có rượu uống. Lâu dần rồi em thôi…
Hoài thừa nhận, từ khi dứt hẳn được thứ “nước cay” ấy, Hoài thấy khỏe hơn, ăn và ngủ tốt hơn. Bây giờ, một ngày của Hoài đơn giản lắm: Sáng dậy lao động, tới giờ nghỉ thì đi nghỉ, sau đó được xem chút TV rồi đi ngủ. Hôm sau lại như vậy…
Câu chuyện bỗng dưng bị cắt ngang bởi lời của cán bộ trại giam, khi cán bộ phụ trách cho biết, trong suốt thời gian qua, Hoài đã có kết quả cải tạo và lao động rất tích cực. Thông qua cuộc trò chuyện, cán bộ phụ trách đã dành lời động viên, khích lệ Hoài, để nhen lên hy vọng được giảm án chung thân, nếu Hoài kiên trì giữ được sự cố gắng như vậy…
– Giả sử được giảm án, khi ra tù, Hoài sẽ làm gì?
– Em… (ngập ngừng) chắc sẽ làm đồng…
Trong một chốc yên lặng, tôi nhìn thẳng vào mắt Hoài, và rất muốn giữ chặt khoảnh khắc ấy, khoảnh khắc một phạm nhân nói lên dự định, mong mỏi của bản thân. Dù nó rất đỗi giản đơn, nhưng để thành hiện thực, sẽ là một quãng đường dài, rất dài. Tôi muốn giữ khoảnh khắc đó để trò chuyện với những người đang ở ranh giới thiện – ác, để họ hiểu rằng một khi phạm phải lỗi lầm trái pháp luật, có thể họ cũng sẽ phải nhìn một dự định đơn giản qua quãng đường dài như thế…
Chia tay Lê Văn Hoài, tôi cất bước trên con đường ven rừng, và cứ nghĩ mãi về đề tài sẽ viết. Sau tất cả, yếu tố lạm dụng rượu nổi lên rõ nhất trong câu chuyện của phạm nhân mắc tội hiếp dâm, giết người ấy.
Nếu không bị rượu tàn phá thần kinh, đánh lạc những giác quan, cảm xúc, có lẽ Hoài sẽ không gây nên tội lỗi tày trời như vậy. Và tôi bỗng giật mình nhận ra, ở ngoài kia, trong cuộc sống hối hả thường nhật, vẫn còn đó thói quen ép rượu, chúc rượu vô cùng phổ biến.
Có thể không phải gây ra tội ác như Hoài, nhưng những vụ ô tô “điên” diễn ra gần đây đều đa phần xuất phát nguyên nhân từ rượu. Thứ “nước cay” này khiến con người ta xiêu vẹo trong tư thế, lảo đảo trong suy nghĩ, mà sao nhiều người lại ép nhau uống càng nhiều càng tốt?
Cho đến cuối cùng, tôi vẫn tin rằng nếu Lê Văn Hoài không có chất men trong người, sẽ không có tội ác xảy ra và một mạng người được giữ lại. Nếu những người đang say khác không uống quá chén, những điều tồi tệ sẽ bớt đi nhiều.
Vậy nên, xin đừng để “thủ phạm” rượu biến mỗi chúng ta trở thành… thủ phạm của một tội lỗi nào đó!
Trung Hiếu