Chuyện sau song sắt (5): Nỗi buồn của… chiếc móng nhà dang dở

Câu chuyện của phạm nhân Lưu Văn Đức mà tôi đã gặp ở Trại giam Thanh Lâm (Thanh Hóa) không có quá nhiều điều đặc biệt. Nhưng tôi vẫn bị ám ảnh và xót xa trước hình ảnh của chiếc móng nhà dang dở. Có lẽ, chiếc móng nhà đang xây dở đó cũng là hình ảnh khiến Đức phải dằn vặt hằng đêm, trong suốt 16 năm trong trại…

Phạm tội giết một người… không quen biết

Đầu tháng 3-2013, một vụ án mạng đã xảy ra ở quận Hà Đông (Hà Nội). Khi đó, một nam thanh niên đi vào cửa hàng bán vật liệu xây dựng với mục đích không rõ ràng, và có hành vi bất thường khi lấy sổ kiểm định xe tải của cửa hàng cất vào túi, mang đi.

Khi bị phát hiện hành vi này, nam thanh niên đó quyết không nói vì sao lại hành động như vậy. Điều đó khiến cho chủ cửa hàng rất bức xúc, cho rằng người này là trộm, và đã ra tay đánh, đấm không thương tiếc.

Sự việc có lẽ sẽ không bị đẩy đi quá xa, nếu như chủ cửa hàng hiểu biết hơn về pháp luật, và giao nộp nghi can cho cơ quan công an. Nhưng trong những phút bốc đồng, nóng giận, người này đã gọi cho bạn bè, người quen tới để cùng “hỏi tội” người bị cho là kẻ trộm.

Những con người thiếu hiểu biết về pháp luật cứ thế đến, rồi tra hỏi, đánh đấm nghi can như thể họ được trao quyền hành hạ kẻ phạm tội…

Lưu Văn Đức (Hà Đông, Hà Nội) là một người trong số đó. Đang ngồi vá xe cho khách, nghe thấy thông tin bắt trộm, Đức vội vã chạy tới để… xem. Đức chẳng hề có thù oán gì với nạn nhân, nhưng cũng như số đông hung hãn kia, Đức tự cho rằng đã là trộm thì xấu, mà xấu thì… đánh, cho chừa, cho khai. Phút nông nổi của Đức không kéo dài, với một nhát vẩy chân vào mang tai nạn nhân….

Khi công an đến, người bị đánh đã không thể đứng dậy nổi… Chiều cùng ngày, hung tin xuất hiện, khi nạn nhân tử vong vì những đòn đánh chí mạng của đám đông.

Không ai còn cơ hội để hối hận về những phút giây nông nổi và thiếu hiểu biết về pháp luật của mình nữa. Tám người phải ra tòa đối mặt với tội danh “Giết người”, trong đó có Đức.

Đòn đánh của người đàn ông vá xe trên vỉa hè và vốn chẳng có thù hằn gì với nạn nhân, bị xác định là nghiêm trọng, dẫn tới cái chết, do vậy, Đức lĩnh án 16 năm tù giam. Những người còn lại cũng đều phải nhận mức án nghiêm khắc của pháp luật, với số năm tù giam nhiều hơn con số 10.

Đám đông vào tù, bỏ lại phía sau là những nuối tiếc, xót xa của người thân, là sự ân hận phải trả giá bằng những năm giam giữ sau song sắt. Riêng với Đức, sự xót xa như lớn hơn, khi vợ và 3 đứa con nhỏ bỗng dưng mất đi trụ cột của gia đình.

Tất cả trở nên dang dở như một cơn mơ dữ dội!

“Em đi khi cái móng nhà còn đang xây dở…”

Gặp Đức tại Trại giam Thanh Lâm sau 4 năm thụ án, tôi ấn tượng với vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát của người tù này. Bởi vậy, câu chuyện trao đổi cởi mở rất nhanh, và mọi điều tâm sự mà phạm nhân ấy cất giữ trong lòng, lần lượt được giãi bày chi tiết.

– Gia đình có hay lên thăm anh không?

– Có ạ! Vợ em lên thăm, cứ 3-4 tháng một lần. Không lên nhiều hơn được, vì còn các con ở nhà.

– Sau mọi chuyện, anh có rút ra điều gì cho mình không?

– Có chứ ạ! Em hối hận lắm, một sự việc không có gì mà cuối cùng lại trở nên như vậy. Em thừa nhận tính mình cục, nhưng từ khi xảy ra chuyện, em kìm nén đi nhiều… Trước em cũng là người sẵn sàng dùng bạo lực khi có mâu thuẫn. Nhưng giờ…

Lời tâm sự của người tù nóng tính hồi nào, bỗng nghẹn lại! Có lẽ lúc này, mọi sự ân hận, tiếc nuối, xót xa lại ùa về.

Đức kể, lúc vào tù, để vợ và 3 con nhỏ ở nhà, Đức suy nghĩ nhiều lắm. Nếu giờ được gọi điện, Đức muốn gọi cho 3 con nhất, để nghe giọng chúng kể về mọi điều trong cuộc sống, và có lẽ, để tự an lòng rằng, trong quãng thời gian đằng đẵng vắng mặt, Đức vẫn góp một chút gì đó rất nhỏ bé, dù chỉ là giọng nói, vào cuộc sống của các con.

Câu chuyện cứ tiếp diễn. Bỗng thêm một lần nữa, Đức lại nghẹn lời khi tâm sự. “Giờ em chỉ mong cải tạo thật tốt để về với gia đình. Khi về, em sẽ xây nhà tiếp. Lúc em bị bắt, là thời điểm nhà em bắt đầu xây. Cái móng nhà mới được một phần, giờ vẫn đang dang dở. Vợ con em đang phải đi thuê nhà, đất xây thì vẫn bỏ đấy…”

Nghe đến đây, tôi bỗng thấy xót xa thay. Người đàn ông trụ cột của gia đình bỗng vướng vào vòng lao lý vì một sự việc rất không liên quan tới mình. Cả nhà anh lao đao, và cái móng nhà hứa hẹn về một mái ấm sung túc, sau 4 năm, vẫn chưa thể thành hình. Có lẽ sẽ phải mất nhiều năm nữa, khi người đàn ông ấy ra tù, cái móng đó mới có thể tiếp tục “phận sự” của mình…

Trong phút chốc, những sự việc tương tự ùa về tâm trí tôi. Đám đông bao vây, tấn công kẻ trộm, không phải là điều hiếm, nếu không muốn nói là khá phổ biến trong cuộc sống. Không chỉ nghe, tận mắt tôi đã chứng kiến những thanh niên mạnh khỏe thể hiện “uy lực” của mình trước kẻ trộm bị đám đông căm ghét… Những nỗ lực can ngăn chỉ có hiệu quả khi xuất hiện lực lượng chức năng. Họ – đám đông giận dữ – không hiểu rằng, việc khống chế kẻ trộm là cần thiết, nhưng đánh đập, hành hạ một con người – dù mắc lỗi gì chăng nữa – cũng là vi phạm pháp luật, và họ rồi sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.

Bởi thế, khi nghe câu chuyện của Đức, tôi đã rất muốn viết ngay để gửi tới tận tay những người nông nổi, không nghĩ tới hậu quả khi thỏa tay tung nắm đấm trừng phạt về phía “kẻ gian”.

Khi gặp gỡ một người tù, tôi luôn nhìn thấy cơ hội làm lại của họ ở phía trước, sau khi đã mãn hạn. Với Đức cũng vậy. Bởi người đàn ông ấy vẫn còn vợ và 3 con chờ đợi ngoài kia. Và một cái móng nhà dang dở vẫn đang cần sức vóc của trụ cột gia đình hoàn thiện.

Nhưng…

16 năm không hề ngắn! Trong suốt quãng thời gian ấy, vợ con Đức có lẽ vẫn sẽ phải sống trong căn nhà thuê với bề bộn lo lắng cho cuộc sống vất vả hằng ngày. Miếng đất mà họ chắt chiu để dựng nhà, với cái móng nhà dang dở, có lẽ cứ ở đó chịu nắng chịu mưa ngóng chờ chủ nhân về làm lại.

Điều đó khiến tôi xót xa, và hiểu tại sao khi nhắc tới… cái móng nhà, ánh mắt Đức sáng bừng lên hy vọng, rồi lại trở nên đăm chiêu, suy nghĩ.

“Sau tất cả những gì đã xảy ra, tôi hy vọng anh sẽ rút được kinh nghiệm cho mình, một cách sâu sắc nhất. Mong anh sớm mãn hạn, để về làm lại mọi thứ cùng gia đình” – tôi đã nói như thế khi chia tay Đức. Tôi thấy ánh mắt người tù ấy lại sáng lên, khi nghe tới cái móng nhà. Có lẽ, đó cũng là may mắn riêng của phạm nhân này, vì anh còn có thứ để hướng đến, để đặt mục tiêu rõ ràng trong tương lai.

Cái móng nhà, không đơn giản chỉ là cái móng. Nó sẽ trở thành nền tảng vững chắc để xây dựng một ngôi nhà êm ấm. Tôi tin như thế, và Đức cũng vậy!

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.