Tác giả: Trung Hiếu – Blog Vị Đời – trunghieujournalist@gmail.com
“Ơ? Cái quái gì thế này? Giảm mức thu nhập vì Cô-vít à?
Bao nhiêu thứ ngoài kia có giảm quái đâu, mà sao thu nhập lại giảm???”, hắn gào lên giữa phòng, khi đọc thông báo chung.
Phụ họa cho sự bức xúc ấy, các đồng nghiệp của hắn tỏ vẻ đồng cảm, cùng nhau bất bình.
“Công nhận, việc vẫn thế, có bớt tí nào đâu mà thu nhập lại giảm nhỉ?”.
“Ôi giời ơi, chán lắm rồi, khéo phải bỏ việc mất thôi. Thời nay mà cứ ba cọc ba đồng thế này, sống sao nổi”…
Ờ đấy! Cánh công chức ở cái công sở ấy có thể cãi nhau ầm ĩ khi tranh luận về một bát phở thế nào là ngon, về kết phim thế nào là đúng, nhưng khi đã nói về mức thu nhập với lại “chán, bỏ việc”, thì tất thảy đồng lòng đến khó tin.
Bởi thế mà cái giờ uống chè buổi sáng càng thêm rôm rả.
Bi hài ở chỗ, bức xúc là thế, khó chịu là vậy, nhưng tuyệt nhiên chả thấy ông nào bà nào… bỏ việc thật, dẫu cho họ ngồi than thở với nhau đến hết buổi chè sáng kéo dài cả tiếng đồng hồ.
Chắc là vào buổi chè chiều, chủ đề này lại phải mang ra đả phá tiếp cho bõ bực mới thôi!
*****
Công sở chỗ hắn làm là một cái viện nghiên cứu – đào tạo sống bằng tiền ngân sách.
Gớm, nghe các đầu mục công việc thì oách lắm, toàn tên đề tài to uỵch, rồi bao nhiêu chương trình dạy này dạy nọ, nghe đến là kêu.
Thực tế thì… công sở ấy đúng chất “công sở”: Sáng, 8 giờ vào làm việc nhưng mọi người cứ tà tà đến lúc 8 rưỡi. Mà đến rồi, cốt là để điểm danh cho phải lệ, chứ xong là phải dắt díu nhau đi ăn sáng, tới ngoài 9 giờ mới quay lại bàn làm việc.
Nhưng về bàn, chưa có nghĩa là “làm việc”, phải uống chè, uống chè đã chứ!
Ấy, đấy chính là khoảng thời gian giao lưu, tâm sự, trò chuyện, xây dựng cái không gian văn hóa đoàn kết nội bộ chứ còn gì nữa! Đứa nào mà dám cắm mặt vào máy tính làm việc thật, thì cái ngữ ấy là loại không hòa đồng, khó gần, họp cuối năm kiểu gì cũng phải nhận mấy lời góp ý phê bình của đồng nghiệp…
Là người có phong cách rất… công-sở-trong-ngoặc-kép, đương nhiên hắn luôn là một chân kỳ cựu trong các bàn chè sáng, chè chiều. Cứ đứa nào thuộc nhóm “làm việc chăm chỉ”, nghĩa là “không hòa đồng, khó gần”, thì hắn sẽ phải đấu tố quyết liệt, nhiệt tình… mỉa mai, cho thành đề tài bàn tán đến chết mới thôi!
Gớm nữa, cái vai trò “cầm trịch” ở bàn chè công sở ấy, tưởng dễ à?
*****
Hắn liếc nhìn đồng hồ, 9 rưỡi sáng rồi.
Sao thấy bụng xon xót? Sáng nay, đi làm vội nên nhai tạm miếng bánh mỳ ở nhà, xong lại làm vài tuần chè đặc, tự dưng bụng dạ cồn cào quá!
Hắn đứng dậy, lững thững đi bộ ra hàng phở quen gần cơ quan.
“Thế là chả tiết kiệm được ba chục nghìn rồi!”, hắn thầm nghĩ.
“Em ơi, cho anh một bát tái gầu, nước béo nhé!”, vừa nói, hắn vừa nháy nháy mắt cô em phụ việc ở hàng phở. Cái đứa mới sinh một lứa có khác, cứ thây lẩy, thây lẩy, làm cho hắn chẳng thể nói gì nghiêm ngắn được, kể cả là một lời gọi phở.
Cứ phải vừa gọi, vừa nháy mắt thì mới chịu được cơ!
Bát phở được bưng ra, nóng hôi hổi, hôi hổi. Nóng quá mức cần thiết! Lại còn thêm nước béo, nên nước càng nóng dai.
Hắn cảm thấy hơi khó chịu. Hình như cái tính hay ngại nơi công sở dễ khiến hắn khó chịu với mọi thứ đòi hỏi phải vận động – như lúc này là cần thổi tích cực chẳng hạn.
Thế là hắn khoằm mặt lại, tự mình hậm hực với cái bát phở nóng nhẫy mỡ bò, vừa gắp lên, vừa đưa mồm thổi phù phù như quạt máy lia từ trên xuống dưới, rồi vội vội đút ngoạm miếng to, cho nhanh vào mồm.
Vừa đút, vừa trợn mắt lên, nhai nhai nuốt nuốt, nuốt lấy nuốt để cho đỡ nóng.
Cái bộ động tác ấy cứ lặp đi lặp lại, khiến ai mà chẳng may chứng kiến, thì phải nhăn mặt mà rằng, sao trên đời lại có cái ngữ ăn xấu đến thế!
Ờ mà kệ, công chức như hắn có bao giờ buồn nghe sự nhận xét của người đời? Chính những người như hắn mới là “vua phán xét” ở bàn chè cơ mà. Kệ!
*****
Bát phở đã xơi xong, mà hắn chưa muốn đứng dậy. Can tội cửa hàng này lại còn có cái bàn chè nhỏ, với bi thuốc lào bên cạnh, cho nên đứng dậy ngay sau khi ăn xong là một điều gì đó rất tội lỗi – với mùi vị phở còn quẩn quanh mồm mép, lưu luyến trong cuống họng mình.
Thành ra hắn vẫn ngồi đó, chèm chẹp nước chè và làm hơi thuốc lào ngoài quán. Ngồi, chả lẽ ngồi không? Nhất là khi cửa hàng phở đã vãn khách lắm rồi, em phụ quán thây lẩy, thây lẩy đang ngồi tranh thủ nhặt hành, nom duyên dáng, thánh thiện lạ.
“Em làm thế này thì tháng được bao nhiêu?”, hắn cất giọng bắt chuyện – gì chứ cái ngữ hắn lúc nào chẳng tự tin bản thân có khiếu ăn nói tuyệt đỉnh, vốn được rèn giũa từ bao nhiêu cuộc bàn chè công sở mà ra.
“Mỗi buổi, chủ quán trả hai trăm, anh ạ”.
“Ối giời! Thế là tháng sơ sơ được 6 củ rồi! Sướng thế! Em là sướng lắm đấy nhé!”.
“Sướng gì anh? Em làm từ 6 giờ sáng đến trưa đấy. Nào thì bưng bê, lau dọn, rửa bát, có được ngơi tay tí nào đâu?”.
“Sướng hơn bọn anh nhiều rồi! Làm chục năm, mới được hệ số lương 3.0, chưa nổi 5 triệu lương cứng một tháng đây. Em đi làm thế này, có nửa ngày, chiều về cày thêm việc khác được. Chả sướng à?”.
“Ôi! Anh nói thế! Công chức các anh sướng quá còn gì! Ăn mặc đẹp, ngồi bàn giấy, mà lại bì với bọn em. Ngoài lương ra, còn thưởng, còn khoản ra khoản vào nữa chứ”.
“Làm gì có??? Như anh đây này, sáng 8 giờ, chiều 5 rưỡi, mới được về. Chủ yếu chòng chọc lương cứng, bí bách, nào có được đi đâu? Mà cánh xe ôm công nghệ còn giàu hơn bọn anh nhiều. Mẹ, kiếm nhẹ thì ngày cũng được năm, bảy trăm chứ đùa à? Thích thì làm, không thích thì ngủ. Chả ai khổ như bọn anh!”.
“Gớm, anh lại nói thế. Vậy sao anh không nghỉ việc, đi làm xe ôm công nghệ đi?”.
Ơ?
Hỏi thế thì biết trả lời thế nào?
Chả hiểu sao, hắn luôn cho rằng, trên đời này, không có thứ việc nào tồi tệ, chán nản về mức thu nhập như cái việc làm công, ăn lương của hắn. Nghề nào cũng hay ho hơn hết cả!
Nhưng mà bảo bỏ, thì bỏ thế nào được!
Còn vì sao không bỏ được thì hắn không biết. Bởi thế mà cái em thây lẩy ở hàng phở hỏi thế, hắn câm họng luôn. Chuyện đang bon thì lại mất hứng.
Thôi, đứng dậy! Cũng gần 10 rưỡi rồi. Hắn vừa đi về cơ quan, vừa chép miệng, nghĩ: “Không biết trưa nay, nhà ăn cơ quan nấu cái gì? Dạo gần đây, tuyền thịt rang với cá kho, chẳng món nào vừa miệng mình cả!”.
Gặp đồng nghiệp đang đứng lấy hàng ship ở cổng, hắn nhăn nhó mặt: “Cô mới chả vít, thu nhập thì giảm, việc chẳng thấy giảm gì. Cả sáng ngồi rão hết cả lưng, giờ mới được đi lại tí”.
Đúng thật, giờ gặp ai, hắn và đồng nghiệp chẳng thể hiện cái mối quan tâm hàng đầu, là thông báo giảm thu nhập hồi sáng nay.
Chán, chán và chán.
*****
Mọi thứ cứ thế trôi, lặp đi lặp lại theo một mô-típ thật nhàm chán.
À, có một thứ thay đổi, ấy là thời gian ngồi ở bàn chè công sở của hắn và đồng nghiệp kéo dài hơn. Vì sao ư?
Vì thu nhập giảm, việc không giảm, chán, “chán lắm rồi, khéo phải bỏ việc mất thôi. Thời nay mà cứ ba cọc ba đồng thế này, sống sao nổi”.
Rồi thì…
“Này! Cái lão… đầu hói hói mà giờ lên làm phụ trách phòng đào tạo rồi cơ đấy!”.
“Lão hói ấy à? Ôi giời, giỏi giang gì lão, tao cũng làm được. Làm cái đó khó quái gì! Chỉ có lên kế hoạch rồi giao cho mấy đứa làm thôi. Mình đúng là sinh nhầm thời, ngồi nhầm chỗ, mãi chả tiến bộ sự nghiệp được”.
Câu chuyện ở bàn chè quanh đi quẩn lại như vậy.
Mọi thứ cứ thế trôi…
*****
“Này! Trưởng phòng gọi tao vào nói chuyện riêng để làm quái gì nhỉ?”, hắn sốt sắng hỏi mấy đồng nghiệp bàn chè. Sớm nay, tự nhiên tay trưởng phòng – vốn trẻ hơn hắn vài tuổi, mới về một thời gian – lại nhắn tin đề nghị gặp riêng.
“Hay lại mời anh lên làm phó phòng?”, mấy đồng nghiệp cười hô hố, hô hố.
“Bố mày có thèm vào! Gớm, tao được đề bạt lên, đề bạt xuống trong danh sách cán bộ nguồn, mà có ra gì đâu? Thời này, không tiền đấm vào, thì mình mãi chỉ làm con tốt thí thôi”, hắn làu bàu.
Dẫu vậy, lòng hắn vẫn có đôi chút nở hoa. Có khi mấy thằng đồng nghiệp nói đúng. Dù gì, hắn cũng là một trong những công chức mọc rễ lâu nhất ở đây. Gớm nữa…
*****
“Chào anh! Anh ngồi đi!”, tay trưởng phòng nở nụ cười xã giao.
“Vâng, sếp! Hề hề, sếp cứ để mình rót nước! Hề hề, mời sếp!”, giọng hắn bả lả – khác hẳn cái giọng đốp chát, coi thường mà hằng ngày, hắn vẫn nói. Kiểu: “Thằng trẻ ranh lại được làm trưởng phòng, cái cơ chế này hỏng, hỏng hẳn rồi”.
“Tình hình hoạt động của cơ quan mình, hơn ai hết, anh hiểu và nắm rõ nhất, đúng không? Ngân sách cấp ngày càng giảm, yêu cầu công việc ngày càng cao, với các mục đánh giá được siết định lượng chi tiết, rõ ràng. Mọi thứ khó khăn, kỷ luật hơn trước nhiều…”.
Hắn ngồi nghe, gật gù, gật gù, ra chiều rất hiểu và thông cảm. Trong bụng hắn, vài lời xã giao đã được soạn sẵn, chỉ chờ được mời làm phụ trách, hỗ trợ trưởng phòng theo kiểu “già đầu, ngồi lâu, làm trưởng nhóm” là hắn cũng mừng rồi.
Cái uy tại bàn chè tăng lên phải biết!
“Phòng đã lên những đầu mục, yêu cầu công việc thành quy trình, rồi bộ KPI nghiệm thu, đánh giá năng suất. Chắc anh cũng rất rõ. Vậy nhưng… dù được nhắc rồi, phần việc của anh vẫn rất kém hiệu quả. Em cũng không hiểu tại sao anh không thay đổi. Nhưng đúng là vừa rồi, bên trên yêu cầu em lên danh sách các vị trí không đạt, để đưa vào diện cắt giảm nhân sự…”.
Ơ, cái quái gì đấy? Chúng mày định đuổi việc tao à? Còn lâu nhá! Tao ngồi đây bao nhiêu năm rồi, mấy đời lãnh đạo đến rồi đi, mà tao vẫn ngồi, giờ mày lại định tất tay mà được à?
Trong một thoáng sốc, đầu hắn nổi lên suy nghĩ như vậy. Hắn trợn trừng mắt, mặt đỏ lựng lên, định đứng bật dậy quát vào mặt thằng ranh con trưởng phòng ấy, rằng là hắn đã từng bị kỷ luật gì nặng đâu mà đòi đuổi việc, hắn sẽ kiện, sẽ làm ra ngô ra khoai chứ thích đuổi ai thì đuổi chắc?
Hắn…
“Từ từ đã, anh! Anh cứ bình tĩnh ngồi nghe em nói hết. Rõ ràng, anh ở trong diện cắt giảm nhân sự, dựa trên kết quả công việc bấy lâu nay. Chẳng riêng gì anh, một số người khác cũng sẽ như vậy. Anh nên cân nhắc, nếu chủ động xin nghỉ thì sẽ được hỗ trợ một khoản. Bằng không, anh cứ làm, thì cơ quan bắt đầu siết KPI, cứ 2 quý không đạt là mời thôi việc. Lúc ấy, chẳng có hỗ trợ gì…”.
“Anh biết đấy, có những vị huấn luyện viên bóng đá được tạo cơ hội cho tự nguyện xin rút lui, để giữ uy tín. Chứ chờ tới khi bị sa thải thì lại mất cả chì lẫn chài”, lời chốt của gã trưởng phòng như nhát búa tạ nện vào đầu hắn, khiến hắn muốn lăn ra bất tỉnh, để coi đây như một cơn ác mộng mà thôi.
*****
Khốn nạn, khốn nạn quá!
Bây giờ mà nghỉ, thì hắn biết làm gì? Nhìn lại chuyên môn của bản thân, hắn chỉ tự tin nhất cái khoản… ngồi bàn chè, tán gẫu giỏi. Mà nói thật, pha chè thì cũng là lừa cho mấy đứa trẻ phải làm, nên nếu nói về “chuyên môn” pha chè thì hắn cũng đếch giỏi.
Thế… thế bây giờ, hắn làm gì nhỉ?
Tự dưng, hình ảnh của những người làm nghề “sướng” hơn hắn bỗng lướt qua đầu: Em phụ việc hàng phở, shipper hay xe ôm công nghệ…
Hắn rùng hết cả mình!
Chưa bao giờ, hắn lại có cảm giác như thế này cả! Cảm giác của việc nghĩ đến những thứ vẫn được cho là sướng, là thu nhập cao, tự do thoải mái, mà bản thân lại sợ đến bủn rủn cả chân tay!
Gay, gay go quá!
Nếu bây giờ được xóa đi làm lại, thì chính hắn cũng không biết mình đã sai ở đâu. Vì cái công sở ấy, tập trung làm việc để trở thành ngữ “không hòa đồng, khó gần” à?
Thật là khó, khó quá đi thôi!
Tác giả: Trung Hiếu – Blog Vị Đời
* Ảnh minh họa: Ngọc Diệp – Dân trí
Hay
Truyện phản ánh được thực tế của 1 số bộ phận công chức hiện nay.
Viện thì thế, chớ xã với phòng thì bao nhiêu việc, xưa làm giấy thôi giờ chính phủ điện tử ng thì giảm bớt việc lại tăng lên, trc làm giấy giờ giấy phải scan lưu máy, gửi điện tử xong lại gửi giấy mệt mỏi vô cùng, thêm cả đống chứng chỉ ko bao giờ dùng nữa.
Các cơ quan hành chính công lập nhiều phần vậy, nhưng tinh giản biên chế lại là chỉ tiêu ép chung, nên chỗ thiếu cứ thiếu, chỗ thừa cứ thừa, chỗ cần ng không có người, chỗ ko cần người vẫn đầy người.
có một thời tớ đúng là dạng công chức kiểu í, nhưng vẫn hơn nhân vật của cậu một chút là tớ pha trà ngon cực. Sau 15 năm sống như vậy, chợt một hôm bỗng thấy con lương tâm nó kắn rứt bèn đứng lên xin chuyển sang một môi trường khác năng động hơn. Nhưng rồi…được hai năm chịu không thấu nên đành xin…sang sống cuộc đời hiu hắt.
Giờ thấy mình phục mình quá vì đã chiến thắng được sự trì trệ đó bằng cách….bỏ về. ?
Cuốn quá đi thôi
E đang công chức đây nhưng cv bù đầu k có thời gian uống nước lọc chứ đừng nói uống trà và đàm đạo.
Hay