Trí khôn của một ông quan

Tác giả: Trung Hiếu –  Blog Vị Đời – trunghieujournalist@gmail.com

Ông liếc đồng hồ: Gần 7 giờ sáng rồi! Phải nhanh lên thôi!

Lịch mà cậu thư ký riêng báo từ hôm trước, là 9 giờ sáng nay, ông có một bài phát biểu quan trọng trước đại diện nhiều tổ chức, hội nhóm dân cử. Nôm na, là kêu gọi ủng hộ từ thiện gì đó, chắc có liên quan tới người dân vùng lũ.

Trưa nay, ông lại có hẹn với nhóm bạn đại gia, rặt những gã chủ doanh nghiệp giàu ú ụ. Một ngày kín lịch, vất vả đây!

*****

Mở cửa chiếc xe BMW X5 bóng loáng trong gara, ông thò tay vào trong, quờ quạng, lấy ra chiếc thắt lưng, cái đồng hồ, đôi giày. Tất cả đều là hàng hiệu, trị giá đống tiền. Nhặt thêm cái iPhone đời mới nhất, và một chiếc Vertu ở cạnh, ông tống tất cả số đồ đạc vào cái túi du lịch to sụ, kéo khóa lại.

Đây là những món đồ mà ông sẽ dùng khi gặp nhóm bạn lắm tiền nhiều của kia. Bạn bè thật đấy, nhưng nếu ăn mặc lôm nhôm – ý là không phải đồ hàng hiệu – thì bọn nó cười cho. Ai chấp nhận được?

Còn giờ, ông bận bộ đồ quen thuộc vẫn thường mặc đi làm, để lát phát biểu: Áo sơ mi cũ sờn vai, được may đệm tấm lót ở khuỷu tay cho bền; Cái thắt lưng trầy tróc, không biết từ đời nào mà còn được giữ lại; Cùng với đôi giày cũng cũ, nếp hằn chặng chịt gần mũi chân.

Ông đút túi chiếc điện thoại Nokia “cục gạch”, mờ hết cả nét mực trên bàn phím. Cái máy này chỉ để lắp số phụ, hễ đi làm là ông lại dùng.

Xong xuôi, ông ngắm mình trong gương, đưa lược lên chải tóc cho gọn gàng. Được!

Rồi ông chợt nghĩ tới câu hỏi ngu ngơ của con mụ vợ, hồi ông mới lên chức: “Sao ông lại nhét hết đồ hàng hiệu vào túi thế? Mà đi giữ lại mấy cái áo sờn rách, giày cũ để làm gì???”.

Đúng là cái loại đàn bà đái không qua được ngọn cỏ! Đương chức mà dùng thắt lưng chục triệu, đeo cái đồng hồ trăm triệu, rồi chơi điện thoại Vertu, thì để lên Phây-búc ăn chửi à? Thiên hạ cần biết gì đâu, cứ thấy là chửi thôi, dại gì mà giơ mặt ra làm tấm bia hứng?

Nghĩ thế, xong ông lại đứng ngắm chiếc ô tô BMW của mình. Tính toán sai lầm! Lẽ chờ về hưu, yên yên vài năm, thì hẵng mua. Đằng này, hoắng lên, mang về, mà chả dám đi đâu mấy. Xe cơ quan có, đời nào lại dại dột lái con xe này ra đường? Thi thoảng có đi, thì ông chỉ ngồi sau, cho người khác lái, để lỡ có ai hỏi, thì còn bảo là ngồi nhờ.

Thành ra mua gần 2 năm, mà chiếc xe cứ như mới, rãnh lốp còn hằn nguyên. Hẫm hỡ thật!

*****

Yên vị trên chiếc xe của cơ quan, ông thấy cậu thư ký chuyển một bản in xuống.

“Sếp xem đi ạ! Em đã thảo kỹ bài phát biểu hôm nay!”

“Ờ, được!”, ông đáp uể oải.

Cầm bản in bài phát biểu trên tay, ông lẳng luôn sang bên cạnh. Chả bận gì mà phải đọc trước cả! Từ ngày tuyển được tay thư ký trẻ tuổi, lanh lẹ này, ông nhàn lắm!

Nó viết lách được, cũng tinh ý, biết ông đeo kính viễn nên văn bản nào in ra, nó đều bôi đậm hết, rồi đặt cỡ chữ to, xuống dòng rõ ràng. Chỉ việc đọc! Nó còn khéo tới mức, từ nào ngoại ngữ, nó viết phiên âm luôn ra cho ông đánh vần. Như là Phây-búc, In-tơ-nét, Gu-gờ, máy tính chạy hệ điều hành Mai-cờ-rô-sóp…

Nên ông cũng đọc tiếng Anh oách như ai. Và chả phải đọc trước, đọc lại gì cả, yên tâm.

*****

Ngồi ở vị trí đại biểu, ông gật gù, ra chiều chăm chú lắm. Nhưng thực ra, đầu óc ông đang vẩn vơ với những kế hoạch rất xa xôi…

Cái dự án nhà đất ấy sắp xong đến nơi rồi. Thằng chủ dự án đã thề thốt với ông, kiểu gì cũng phải biếu sếp một căn, còn một căn khác là nó để giá gốc. Phải bảo công ty bất động sản của con trai mình tiếp cận sớm, không thằng chủ dự án lại nhớ nhớ quên quên, bán nhanh quá, thì mệt người.

Chiều nay, hẹn đi ăn thịt bò với nhóm bạn. Bọn này rất hay phức tạp! Ngay gần đây có quán bò rất ngon, thì không chịu, cứ nhất nhất rủ nhau vào cái chỗ khách sạn 5 sao để ăn, kêu là ở đó, đầu bếp làm món nướng tái đúng chất châu Âu, ngon lắm. Cơ mà đi hơi xa. Sau đó lại vòng về sân golf, cả quãng đường dài dằng dặc…

Ông cứ nghĩ vẩn vơ như thế, trong khi trên bục, hết người này tới người khác lên phát biểu.

Rồi người ta xướng tên ông, khiến ông hơi giật mình. “Đến lượt rồi đây!”, ông lẩm bẩm.

*****

Đứng trên bục phát biểu, ông tỏ rõ sự tự tin. Ông đặt tờ phát biểu lên mặt bàn, hai tay vươn ra cầm sang hai bên mép bàn, để lộ các miếng lót khuỷu cho mọi người thấy.

Ông hắng giọng: “Kính thưa…”.

Ông phát biểu lúc trầm, lúc bổng. Được cỡ 3 đoạn, ông dừng lại, ngẩng mặt lên, nhìn thẳng vào đám đông ngồi dưới. Một phong cách phát biểu đầy tính truyền cảm hứng. Đám đông chăm chú nhìn lại ông.

Thực ra, ông rất kinh nghiệm. Ngẩng lên cốt là để có cô cậu nhà báo nào chụp ảnh, thì bắt ngay lấy khoảnh khắc oai phong ấy. Chứ nhiều ông lên bục phát biểu, cứ cúi gằm xuống mà đọc, khiến cánh chụp ảnh đến khổ sở, cứ rình rình. Chờ mãi mới có tí ngẩng mặt lên, thì lại vội vội cúi xuống, thành ra cái hình rung rinh, mờ nhoẹt. Ông làm chuẩn thế này, hôm sau, toàn ảnh đẹp!

Kể từ lúc lên chức, ông tham khảo kỹ lắm, từng chi tiết một. Nếu cái gì cũng đơn giản, thì ai chả làm quan được, phỏng?

Rồi ông lại phát biểu tiếp, đôi chỗ giọng run lên, nghèn nghẹn.

Tay thư ký của ông chuẩn thật! Rất biết xuống dòng, ngắt ý cho mạch lạc. Nên chỉ chớm đọc vài chữ, ông biết ngay đoạn này là nói về sự đau thương này, đoạn sau nói về nỗi niềm này, giọng phải nghẹn ngào, ngữ điệu phải khoan thai, chậm rãi. Đến đoạn sau nữa là kêu gọi ủng hộ, giọng phải trầm xuống, rồi bỗng vút lên đầy khí thế, quyết tâm mãnh liệt…

Ái chà chà, cái hội trường vỗ tay gì mà to thế, cứ rào rào, rào rào.

*****

Xong việc, ông ngồi yên vị ở ghế sau ô tô, di chuyển tới chỗ nhóm bạn đương chờ, đến khách sạn chế biến thịt bò gì mà “nướng tái, chuẩn vị châu Âu” ấy.

Trước đó, ông đã thay đồ kín đáo, gọn gàng cả rồi. Như thể lột xác! Giờ đầu ông bóng lộn, vuốt keo giữ nếp, mặc chiếc áo sơ-mi xếp ly có những cánh hoa điểm xuyết, trông rất “ăn chơi” và phong độ – mụ vợ ông khen thế. Và đương nhiên, thắt lưng phải là hàng hiệu, đôi giày hàng hiệu, cùng chiếc đồng hồ vài trăm triệu trên tay.

Ông mở máy chiếc Vertu, gọi cho anh thư ký: “Thế nào? Hôm nay, tôi phát biểu được chứ? Khà khà, lại chả. Tôi nói cho cậu nghe nhé, cậu soạn bài đó cũng thường thôi. Quan trọng là cách nói, cách truyền đạt sao cho có hồn, truyền được cảm hứng. Nghệ thuật cả đấy! Lúc tôi phát biểu, có khác gì hát opera đâu? Bài của cậu mà không qua giọng tôi, thì còn lâu mới hay như thế nhé! Khà khà…”.

*****

Hai tuần trôi qua.

Đương ngồi ở bàn làm việc, lướt lướt máy tính, ông giật mình trước tít báo: “Nữ ca sĩ Cô Tiên đã nhận được hơn 100 tỷ đồng tiền quyên góp”.

Gì cơ? 100 tỷ cơ à? Sao nhiều thế nhỉ!

Ông lẩm nhẩm tính, chỉ sau có vài tuần, mà cô ta được mọi người góp cho hơn 100 tỷ cơ đấy! Thế là ngang gia tài mà mình tích cóp bao nhiêu năm nay…

Chỗ gia tài ấy, ông “chỉ đạo” vợ con phải san nhau ra mà đứng tên, gửi ngân hàng cho đều, rồi tung tin ra ngoài là tiền họ hàng nhờ gửi hộ.

100 tỷ đồng mà làm từ thiện thì kinh đấy!

Rồi như nhớ ra điều gì, ông gọi cậu thư ký lên.

“Từ sau cái hôm tôi đọc bài phát biểu kêu gọi quyên góp từ thiện ở địa bàn ta, tình hình thế nào rồi?”

“Dạ… dạ, mọi việc vẫn đang tiến hành ạ”.

“Thế số tiền quyên góp được đến thời điểm này là bao nhiêu rồi?”

“Dạ, khoảng 6 triệu rưỡi ạ. Trong đó, số hộ dân là cỡ 100 nhà đã góp, với số tiền tối thiểu là 50 nghìn đồng. Còn số cán bộ ở cơ quan ta là khoảng 30 người, cũng góp 50 nghìn đồng/người. Nên tổng thu khoảng 6 triệu rưỡi ạ”.

“Gì cơ? Tần đấy con người mà được có 6 triệu rưỡi thôi á???”, ông tròn mắt. Tự nhiên, ông so sánh số tiền đó với cái quỹ trăm tỷ của cô ca sĩ gì gì kia. Vênh nhau thật!

Mà thế này thì không được! Đợt tới, khi đi dự lễ báo cáo tổng kết, ông mang số liệu khiêm tốn này ra đọc thì xấu hổ chết mất. Các địa bàn khác mà cao hơn, thì lấy rổ lên che.

“Phải có cách nào thúc đẩy người ta quyên góp tích cực hơn chứ??? Cái hôm tôi phát biểu, mọi người xúc động lắm cơ mà! Quyết tâm lắm cơ mà!!!”, ông gắt.

“Dạ… em cũng nghĩ rồi. Nhưng bên khối doanh nghiệp thì là do đơn vị khác chủ trì, đứng ra thu. Nên mình không tài nào kích lên được…”, cậu thư ký rụt rè.

Ông cho bàn tay lên đầu, xới tung các nếp tóc lên. Ông thường làm như vậy, khi đầu óc phải vận động nhiều. Rồi ông lóe lên một ý tưởng…

“Cậu còn kém, kém lắm! Ai đặt ra mức thu quyên góp tối thiểu là 50 nghìn đồng? Ai? Bây giờ, cậu làm cái văn bản đề xuất, yêu cầu đẩy mức này lên 200 nghìn đồng. Tôi ký. Công tác quyên góp, ủng hộ cơ mà, bận gì phải sợ? Vậy riêng chỗ mình là đã được 6 triệu rồi, thêm 5 triệu của các hộ nữa là trên chục triệu. Nghe nó to tát hơn hẳn, đúng chưa?”.

“Ơ, vâng ạ! Thế mà em không nghĩ ra! Sếp tài, tài thật!”, cậu thư ký xuýt xoa.

“Đã thấy trí khôn của tôi chưa? Cậu còn non và xanh lắm!”, ông vuốt vuốt lại mái tóc, vẻ thỏa mãn.

Rồi tự nhiên, ông gọi giật giọng thư ký, khi cậu này vừa bước ra cửa: “Mà này! Quay lại đây, tôi bảo! Cả cái khối vận động quyên góp từ các hộ gia đình ấy, cũng đẩy mức đóng tối thiểu lên, đẩy nữa lên! Đồng hạng 200 nghìn như nhau tất! Thì phải được hơn hai chục triệu. Dân mình giàu lắm, không nghèo đâu. Người ta mang cho cái cô ca sĩ Tiên gì kia cả trăm tỉ cơ mà! Đẩy lên, đẩy nữa lên!”.

Tay thư ký vâng lời, hăm hở chạy đi gõ văn bản. Sếp khôn thật! Chỉ cần đẩy, đẩy nữa lên, là xong! Thế mà không nghĩ ra!

Trung Hiếu

15 Trả lời “Trí khôn của một ông quan

  1. Khổ người lao động, nhà 2 vợ chồng công chức, cộng 2 đứa con, nuôi thêm bố mẹ. Lương được 10-15tr /1 người, thế lũ về cái hai vợ chông ủng hộ 1 ngày lương, con cái trên trường mỗi đứa cũng đóng góp, rồi bố mẹ hội người cao tuổi tới quyên góp, tối đến tổ dân phố tới từng nhà để xin cho vùng lũ… không biết đến tay người vùng lũ bao nhiêu nữa, nhưng chắc chắn tháng này cắt sữa của con, bỏ tiền ăn sáng của hai vk ck. ???

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.